Lịch sử Bình Giả

Bàn về chữ Bình Giả hay Bình Giã – Đinh Văn Khang

 

Bình Giả hay Bình Giã?

 

Ðinh Văn Khang

 

Nhân dịp về thăm quê hương vào mùa hè 2006 vừa qua. Tôi thấy có nhiều thay đổi. Nhiều nhà lầu kiểu mới, nhiều cửa tiệm mọc lên. Một thay đổi lớn tôi để ý thấy đó là cái tên Bình Giả ngày xưa đã bị thay đổi khá nhiều thành Bình Giã. Một điều mà hơn ba mươi năm về trước tôi rất ít thấy. Chúng ta thử tìm hiểu trại này là Bình Giả (dấu hỏi) hay Bình Giã (dấu ngã).

Người miền Trung thường phát âm sai một số dấu. Chỉ riêng hai dấu hỏi và ngã, tại Bình Giả đã có nhiều cách phát âm khác nhau.

– Gia Hòa phát âm dấu ngã thành dấu hỏi : “Chị ngả, em nâng”.

– Có khóm phát âm dấu ngã thành dấu huyền : “Tui được đi Mỳ

– Phi Lộc phát âm dấu hỏi thành dấu nặng : “ăn một củ khoai mà ăn cả vỏ!” thì phát âm thành “ăn một cụ khoai mà ăn cạ vọ!”.

– Nghi Lộc phát âm dấu ngã thành dấu nặng. Dấu nặng thành dấu ngã : Xuân Mỹ phát âm thành Xuân Mỵ, Con ngựa phát âm thành con ngữa. Nhưng đặc biệt là phát âm dấu hỏi rất chuẩn. Là dân miền Trung mà nói giọng Bắc. Ông Tổ họ Nguyễn người Nghi Lộc đến từ Thanh Hóa nên nói giọng Bắc. Nên không thể phát âm sai tên Bình Giả (dấu hỏi) được. Nếu tên “Bình Giã” có từ đầu thì họ phát âm thành “Bình Giạ” rồi.

Trụ Sở Xã Bình Giả ngày xưa là dấu hỏi. Tất cả các xe đò từ Bà Rịa vào Xuân Sơn qua Bình Giả đều ghi dấu hỏi hết. Quý vị có thể kiểm chứng bằng cách hỏi tất cả những người Nam, người Bắc lớn tuổi từ Ngãi Giao tới Bà Rịa, Vũng Tàu, tới Long Khánh. Hãy hỏi những người cách đây hơn 30 năm đã từng đến đây buôn bán hay công việc. Họ sẽ cho biết Bình Giả hay Bình Giã. Xin cứ hỏi Đức ông Nguyễn Thanh Long ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn Hoa Kỳ, cha Đinh Công Huỳnh ở Philadelphia, Pennsylvania. Hai vị này là con thiêng liêng của cha già Công ở Bình Ba. Hai ngài sẽ cho biết Bình Giả hay Bình Giã.

– Các tài liệu của Địa Phận đều viết dấu hỏi. Hiện nay có Hạt Bình Giả.

Tên Bình Giả đã đi vào Quân Sử dưới hai chế độ Nam và Bắc. Cứ hỏi các anh em Sĩ quan người Bắc,
dưới thể chế Cộng Hòa, khoảng trên 60 tuổi sẽ rõ. Những “bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Tên Bình Giả đã đi vào văn chương. Trong bài hát Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy có đoạn như sau:
Anh trở về bằng chiến thắng Plê-mê hay Đức Cơ, Đồng Xoài, BÌNH GIẢ. Anh trở về hàng cây nghiêng ngả …”.
Trong cuốn “Những trận đánh lịch sử trong chiến tranh Việt Nam 1963-1975” của tác giả Nguyễn Đức Phong,
do Đại Nam xuất bản năm 1993 có nói đến trận đánh lớn ở Bình Giả. Cô Uyên Phương, một nhà văn và là nhạc sĩ
gốc Gia Hòa đã sáng tác nhiều bài hát trong đó có hai bài nói đến Bình Giả. Vừa diễn tả đúng tâm trạng của
người Bình Giả và của người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. Màu đỏ của đất hay máu đỏ của người.
Hai bài đó là: Cô gái Bình Giả và Bình Giả dấu yêu. Trong cuốn truyện dài “Câu chuyện của một dân tộc”
của Nguyễn Hồng Hòa (gốc Bình Giả) cũng có nói tới một vài sự kiện ở Bình Giả.

– Tôi xin đính kèm theo đây những văn kiện hành chánh và những con dấu xã của những năm 1957, năm 1964, năm 1974, sau năm 1975
và con dấu của Ủy Ban Nhân Dân Xã hiện tại. Tất cả những con dấu này đều ghi xã Bình Giả (dấu hỏi).
Cũng có một số tài liệu hành chánh đánh máy dấu ngã do thư ký xã viết sai dấu. Dân miền Trung thường phát âm sai và viết sai dấu hỏi
thành dấu ngã. Nếu quý vị để ý trên các tờ báo hải ngoại hay trên mạng internet, sẽ thấy những sai lỗi chính tả này như: “tâm tình chia sẽ”,
“Sữa Honda giá rẽ”

Sưu tầm về hai chữ giả và màu đỏ tôi tìm thấy có nhiều nghĩa khác nhau.

Giả theo Hán tự có nghĩa: (1)

 

 

    • giả ( 者) là người: học giả, kí giả,
      dịch giả, độc giả … (*). Quảng Đông phát âm
      chẻ, Phổ Thông phát âm là chờ

 

    • giả ( 假) là không thật: giả dối,
      giả dạng …(giả theo nghĩa này đã được Nôm hóa).

 

    • mượn như gỉa đạo (mượn đường), giả danh (mượn tên)

 

    • giả sử, giả như, giả dụ, hoặc là, như vậy… (或
      者)

 

  •  

 

Có nhiều chữ để diễn tả màu đỏ trong chữ Hán.

 

 

    • ( 红) Nghĩa là đỏ (cách chung). Tiếng
      Phổ Thông phát âm là hủng. Tỉnh Quảng Đông đọc là hùng. Tiều phát âm là áng, Phúc Kiến phát
      âm là ảng.

 

    • ( 霞) là màu đỏ của mặt trời lặn. Quảng Đông phát âm là , Phổ Thông
      phát âm là xì ả.

 

    • ( 赭 ) phát âm là giả. Gồm
      hai chữ: (者 ) giả là người ghép thêm
      chữ (赤 ) màu đỏ (2). Nhưng được dịch ra
      : Màu đỏ của đất – Đất đỏ (**). Trong chữ này có ý nghĩa gì về
      triết lý nhân sinh không? Người là từ đất hay người là đất?

 

 

Hai chữ Bình (平) là bằng phẳng, Giả
( 赭 ) là đất đỏ. Bình Giả là vùng đất đỏ bằng phẳng.

 

Năm 1971, khi làm Giáo Sư ở trường Tấn Đức, tôi đã có dịp nêu thắc mắc về chữ giả với cha già Đoàn Duy Đông.
Ngài là một trong ba linh mục đầu tiên của trại Bình Giả. Tôi hỏi ngài tại sao lại đặt tên trại là Binh Giả.
Giả có nghĩa là giả dối, không thật. Ngài cho biết: “giả ở đây không có nghĩa đó. Giả là vậy, là rồi.
Bình Giả là như được bằng yên vậy, bằng yên rồi
”. Ngài còn nói một câu Nho có chữ giả với nghĩa này nhưng vì quá lâu rồi, tôi không còn nhớ nữa. Nếu có ai biết thì xin đóng góp.

Khi tìm tòi về tên trại Bình Giả, tôi nhận thấy các vị tiền bối đã chọn được cái tên rất hay.
Người đưa ra cái tên này phải rất thông Nho. Một tên mà nói lên được nhiều ý. Vừa có nghĩa đen : vùng đất đỏ bằng phẳng,
vừa có nghĩa bóng : được bằng yên rồi. Phải có sự đắn đo suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi lựa chọn chứ không phải đổi dấu để rồi giải thích.Vì có một thời, có sự lựa chọn giữa hai tên Hiếu Nghĩa và Bình Giả.

Theo bác Nguyễn Đình Thông “Khởi đầu lập trại định cư, nơi góc ngã ba đường rẽ vào Bình gĩa, có tấm bảng lớn viết bằng tiếng Pháp, bên dưới bằng tiếng Việt : « TRUNG TÂM ĐỊNH CƯ BÌNH GĨA », thì chữ gĩa cũng có dấu ngã không phải dấu hỏi. Các văn kiện liên lạc giữa Phủ Tổng Ủy Di Cư ở Saigòn và Ty Định cư Bà Rịa liên quan về trại định cư Bình gĩa, thì chữ gĩa luôn luôn có dấu ngã.”. Có thể có chữ “giã” trên những tấm bảng, trên những văn kiện nhưng do những người viết sai chính tả. Vào thời gian đó, những người trong Tổng Ủy Di Cư đa số là dân … miền Trung! Tôi có dịp tiếp xúc với những người địa phương ở Bầu Chinh, Bầu Trơ, cho tới Xuân Sơn, Cà Mum. Họ đều phát âm Bình Giả.

Cũng theo Bác Thông “chữ Bình giã đây, ta có thể hiểu được là « Bình dân, dân giã, bình giã »”. Dân giã . Chữ giã ở đây viết “gi” là sai chính tả. Phải viết là “d” mới đúng. Dân dã (theo tự điển Việt Nam). Nếu muốn hiểu theo ý này thì phải viết là “Bình Dã”.

– Cuốn “Bình Giả Quê Hai” của Đình Quang viết dấu ngã là do nhà in viết sai. Trong bản chính, tác giả viết dấu hỏi. Tôi xin đính kèm lời cáo lỗi của tác giả ở trang 197 trong cuốn sách này.

Viết bài này tôi muốn trình bày những minh chứng xác thực cho các thế hệ mai sau được biết về tên trại này và mong giữ gìn
cái tên đẹp và thân thương BÌNH GIẢ mà người xưa đã để lại.

Để kết thúc tôi xin gởi tới tất cả quý vị, nhất là các bạn trẻ, lời nhắn nhủ của thân sinh tôi đã để lại cho chúng tôi và con cháu và cũng để lại cho thế hệ tương lai những người Bình Giả. Câu chữ Nho gồm bốn chữ, được viết trên tường hông nhà ông Đinh văn Quy ở hàng 6 Nghi Lộc vào năm 1963 và vẫn còn cho tới ngày hôm nay.

 

 

Xuân
Huy
Cổ
Kính(3)

 

“Hỡi các con cháu. Hãy noi gương cha ông phát huy một tương lai tươi sáng.
Hỡi các thế hệ trẻ. Hãy noi theo các bậc tiền nhân phát triển Bình Giả thành một mùa xuân huy hoàng.”

 

Xin kính chào quý vị.

 

Đinh Văn Khang
Tháng 9 năm 2006

 


(*) Nói đúng hơn là một nhóm người. Nhân cũng là người, con người.

(**) Giải thích của Linh Mục Trịnh Hảo, Cử Nhân Hán văn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

(1) Hán Việt Từ Điển từ nguyên của Bửu Kế, nhà xuất bản Thuận Hoá

(2) Từ điển Hán-Anh: Far East New Concise Chinese-English Dictionary

(3) Kính hay kiếng, gương soi.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời