Chia Sẻ Lời Chúa

Biến Cố Rửa Tội Trong Đời Sống Kitô Hữu

 

 

            Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa giúp chúng ta hiểu sự khác biệt giữa phép Rửa Tội do Thánh Gioan Tẩy Giả làm và phép Rửa Tội của Kitô Giáo. Phép rửa tội do Gioan Tẩy Giả làm cố ý để giúp con người trở lại với TC, trong khi phép rửa của Chúa Giêsu có ý giúp con người trở lại lẫn việc mời gọi làm con cái Chúa và tham dự vào đời sống thần thiêng của TC Ba Ngôi.

 

            Có khi nào chúng ta tự nghĩ về biến cố Rửa Tội trong đời chúng ta?

 

            Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan là một biến cố trọng đại đã được cả 4 thánh sử chép lại trong 4 bộ Phúc âm. Trọng đại đến nỗi chính Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai TC mà cũng tình nguyện rửa tội. Sách Giáo Lý của GH điều 1224 nói rằng: “Chúa chúng ta đã tự nguyện chịu phép rửa dành cho các tội nhân vì Ngài muốn chu toàn mọi sự công chính.” Giáo luật điều 849 dạy phép Rửa Tội là “bí tích mở đường” cho các bí tích khác mà người tín hữu tiếp nhân. Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể là Đấng lập ra các bí tích. Ngài không phải lệ thuộc bởi các bí tích, nhưng tự nguyện chịu phép rửa để làm gương cho con người là những tạo vật mà Ngài đến thế gian để cứu chuộc và gìn giữ (1 Tim. 2:3); “Ngài đã trở nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một Vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng TC, hầu đền tội cho dân.” (Heb. 2:17)

 

            Quả thực, Chúa Giêsu chịu phép rửa là biến cố mà trong đó TC Ba Ngôi đã hiện diện. Tiếng Chúa Cha phán về việc Chúa Con vâng lời, công bố Ngài vui lòng vì Chúa Con đã làm đẹp lòng Ngài. Chúa Thánh Thần đến ngự trên Chúa Con, sẽ là nguồn Thần Khí Thiên Chúa trên những con người được chúc phúc. Trước đây, Thiên đàng đã đóng cửa sau khi Adam phạm tội, bây giờ tại biến cố rửa tội, Thiên đàng đã mở cửa lại. Loài người lại được tái sinh do nước thánh hoá bởi Chúa Giêsu. “Thánh Thần bay là là lần thứ nhất trên dòng nước vào lúc sáng tạo, nay lại đáp xuống trên Chúa Kitô, mở đầu cho sự sáng tạo mới, và Chúa Cha tỏ cho thấy Chúa Giêsu là ‘con rất yêu dấu’ của Ngài.” (CCC#1224)

 

            Trước khi về trời Ngài đã trao lại sứ mạng nầy cho các Tông đồ, và tín hữu chúng ta: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Dạy họ vâng phục các điều răn mà Thầy đã truyền cho các con.” (Mt. 28:19-20; Mk. 16:15-16)

 

            Một điều quan trọng nữa là sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu bắt đầu 3 năm rao giảng công khai. Việc Chúa chịu phép rửa liên quan đến suốt đời Ngài: rao giảng Tin Mừng, chịu đau khổ, chịu chết, sống lại và lên trời trong vinh quang. Để giải thích mối liên hệ nầy, GLCG diễn tả: “Đời rao giảng công khai của Chúa Giêsu được bắt đầu với phép rửa tội tại sông Jordan….như để tuyên thệ chấp nhận sự đau khổ (như trong bài đọc I Tiên tri Isaiah tiên báo) Chúa chấp nhận thân phận tội lỗi của con người, Ngài là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.” Ngài sẵn sàng dâng mình hiến tế bằng máu Ngài là Đấng công chính sẵn sàng vâng lời theo thánh ý TC Cha. Qua cái chết, Ngài đã chuộc hết mọi tội lỗi chúng ta. Để rồi “mọi dân nước sẽ tuyên xưng Chúa KT là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, bởi vì “ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời nầy, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ cả.” (Acts. 4:12) Chúa Giêsu, Ngôi Hai TC, đã làm gương bằng cách chịu phép rửa để chúng ta bắt chước để được làm nghĩa tử của TC Cha.

            Khi mừng lễ Chúa chịu phép rửa, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chính Chúa Giêsu đã chấp nhận mang cùng một lý lịch, cùng có một loại căn cước với những người đã được rửa tội và tin vào Ngài. Đức tin riêng tư của mỗi cá nhân chúng ta phải phản ảnh hành động chúng ta làm công khai. Sau việc cảm nghiệm của phép rửa, Chúa lui vào hoang địa một mình và sau 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện, việc đầu tiên Ngài làm là chiêu mộ các môn đệ. Tóm lại, đức tin có trách nhiệm nơi công cộng.

            Chúng ta được kêu mời để trở nên “một tạo vật mới” trong Chúa KT, trở thành nghĩa tử của Chúa Cha qua công nghiệp của Chúa Con. Nhờ biến cố trọng đại nầy, mỗi cá nhân chúng ta được khuyến khích bắt chước gương của Chúa để phục vụ người khác, tiến tới sự thánh thiện trong cầu nguyện và việc làm. Cũng như người tôi tớ phục vụ trong sách TT Isaiah của BĐI hôm nay, chúng ta được thay thế bóng tối bằng ánh sáng, thay thế đau khổ bằng sự chữa lành.

            Và để tưởng nhớ tới phép rửa của Chúa Giesu ở sông Jordan cũng như nhớ tới phép rửa tội của mỗi cá nhân, chúng ta cầu xin ân sủng của bí tích Rửa Tội giúp chúng ta trở nên ánh sáng, và muối cho tha nhân trong môi trường chúng ta sống, cho chúng ta ơn can đảm để được gọi là bạn hữu của Chúa Kitô nơi trần gian. Amen   

 

 

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời