Tùy Bút

Cảm nhận Vinh Châu 2012

Cảm nhận Vinh Châu 2012

 

Trước hết, để tránh cho người đọc hiểu lầm “mèo khen mèo dài đuôi”, hoặc “mẹ hát con khen hay”, tôi xác định: “Bản thân là người ngoài giáo xứ Vinh Châu”. Do vậy, những cảm nhận viết ra dưới đây hoàn toàn mang tính khách quan và thuộc phạm trù cá nhân. Nếu có những điểm không tương đồng với ai đó thì âu cũng là lẽ thường tình, mong người đọc thấu hiểu.

 

Lẽ ra tôi chấp bút ngay khi sự kiện kết thúc, nhưng tính vốn thận trọng, nên chờ đợi một thời gian để lắng nghe những ý kiến nhận xét của các bậc cao minh trong và ngoài giáo xứ Vinh Châu. Do vậy, mãi đến hôm nay (sau 12 ngày) mới ngồi ghi lại những cảm nhận của mình về giáo xứ Vinh Châu 2012 như tựa bài viết.

 

Có người bạn khi biết tôi dự định viết, mới hỏi: “Ở Vinh Hà thì sao lại viết cảm nhận về Vinh Châu?”

 

Tôi đáp lời anh: “Vinh Hà, Vinh Châu hay Vinh Trung thì vẫn là xứ đạo thân thương nơi tim tôi. Bởi trong cả ba giáo xứ đều có những người bà con, những người bạn thiết thân. Trước đây, đều thuộc Bình Giã kia mà, nên tôi viết để thể hiện sự đồng cảm, để tỏ rõ tinh thần hiệp nhất trong Đức Kitô. Mặt khác, do là người khác xứ nên ngòi bút của tôi sẽ vô tư hơn, vì không bị tác động bởi bất cứ sự gì”.

 

Tôi có thể quả quyết mà không sợ sai lầm, rằng: “Từ ngày thành lập cho đến thời điểm này, chưa bao giờ Vinh Châu lại vui xuân nhiều ngày, hoành tráng như xuân Nhâm Thìn 2012”. Bởi năm nay xứ đạo này “ăn tết” đúng trọn tuần “bát nhật”, từ Mồng Một tới Mồng Tám tết mới thôi. Sỡ dĩ có chuyện vui xuân dài hơi thế ấy, vì sau ba ngày tết, giáo xứ Vinh Châu tiếp theo ngay tuần chầu lượt thay giáo phận. Khi ngày chầu lượt trọng thể vừa xong, thì từ Cha xứ tới con chiên vội vội vàng vàng xắn tay áo lo cho Lễ hội Ẩm thực Ba miền.

 

Nói về ăn tết và tuần chầu lượt, thì Vinh Châu cũng sinh hoạt tựa như các xứ khác nên tôi không đề cập tới trong bài viết này. Trọng tâm tôi muốn nói chính là Lễ hội Ẩm thực Ba miền diễn ra vào tối Mồng Tám tết (30-01-2012).

 

Lễ hội ẩm thực thì vài năm qua các giáo xứ, giáo họ cũng đã tổ chức nhiều lần, nhưng có lẽ ấn tượng nhất từ trước tới nay thì phải ghi nhận nó thuộc về giáo xứ Vinh Châu trong đêm nói trên. Một lễ hội thành công trọn vẹn và trọn tình. Sở dĩ được như thế là nhờ vào ba yếu tố đều có đủ: “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.

 

Trong đêm diễn ra lễ hội ẩm thực, có khoảng 4.800 người từ khắp nơi tề tụ. Ngoài giáo dân của ba xứ, còn có dân Xuân Sơn, Kim Long, Ngãi Giao, Suối Nghệ… cũng đến tham gia góp vui. Đã thế, những người bán hàng rong khắp chốn hay tin có lễ hội, cũng kéo nhau về chào hàng rôm rả khiến đêm lễ hội càng thêm rộn ràng náo nhiệt bội phần. Mặc dù có chương trình văn nghệ với sự hiện diện của nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng từ TP.HCM về, song đó không phải là cái đích để mọi người tìm tới (ngoại trừ giới trẻ và thiếu nhi), cũng không phải vì thức ăn ba miền hấp dẫn. Mà tất cả là vì lễ hội mang chủ đích cao cả mà Cha xứ và BHG đề ra: “Xây nhà cho người già neo đơn – Chăm lo cho thai nhi bị bỏ rơi”.

 

Tôi phỏng vấn một số người đến tham dự lễ hội, hỏi cảm nhận của họ ra sao? Thì thảy đều trả lời cùng chung ý tưởng: “Vẫn biết thức ăn trong lễ hội làm sao mà ngon được như ở ngoài quán, nhưng vẫn mua phiếu ủng hộ, vẫn ngồi ăn như bao người. Vấn đề nằm ở chỗ tới đây để có cơ hội góp một chút tiền từ thiện ngày đầu năm ấy mà. Mình làm phúc sẽ gặp phúc anh ạ!” Câu trả lời của ông Thanh ngụ tại xã Kim Long, một người theo đạo Phật có lẽ đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của đêm “người đông như trẩy hội” này.

Phải qua đêm lễ hội, mới thấy rõ nét nhất sự đoàn kết muôn người như một trong giáo xứ Vinh Châu. Tất cả những cá nhân, tập thể được giao phần việc ai cũng chu toàn một cách hăng say, chu đáo. Tôi rảo quanh hết các gian hàng, lòng thầm phục sự hy sinh của họ. Dưới trời sương giăng gió lạnh, nhiều phụ nữ vã mồ hôi vì khách mua thức ăn quá đông nên phải liên tay, rũ chân đứng phục vụ. Tại một góc tối, tôi bắt gặp một hình ảnh vô cùng cảm động: Thầy xứ Micae Lê Công Khanh đứng lặng lẽ cho thức ăn vào hộp, tinh thần khiêm hạ là đây!

 

“Điều gì đã làm nên một giáo xứ Vinh Châu ngày càng tràn trề nhựa sống đạo và đời?” Vấn nạn này tôi đưa ra cho nhiều vị trí thức cao niên, nhờ họ giải đáp. Và câu trả lời nằm ở đây: “Ấy là nhờ đầu tàu có bản lĩnh, có óc sáng tạo và có gan thực hiện. Đầu tàu mạnh, tất nhiên sẽ lôi kéo được con tàu chạy theo hướng của mình”. Câu trả lời hoàn toàn chính xác với thực tế hiện nay. Tất nhiên qua nhận xét ấy, chúng ta hiểu “đầu tàu” ở đây chính là Cha xứ Giuse Đặng Cao Trí. Cá nhân tôi cũng rất tán thành nhận định của mọi người trong và ngoài giáo xứ Vinh Châu về vị mục tử tuổi đời còn trẻ, song tài và đức thì trỗi vượt nên được người người cảm mến.

 

 

 

Nhìn Cha, tôi nhớ đến lời dạy tu đức (được nghe đã hơn ba mươi năm nên không còn nhớ ai là tác giả), thế này:

 

“Một linh mục thánh thiện thì giáo dân đạo đức

Một linh mục đạo đức thì giáo dân tầm thường

Một linh mục tầm thường thì giáo dân tội lỗi”.

 

Qua lời dạy ấy, mọi người sẽ hiểu rõ hơn lòng đạo đức của giáo dân Vinh Châu ngày nay khác hẳn những năm xưa là nhờ bởi đâu. Thật vui mừng khi giáo xứ có một chủ chiên hết lòng vì đàn chiên như gương sáng của Chúa Giêusu đã dẫn đường.

 

“Cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Cha Giuse, Thầy Micae, quý vị BHG và toàn thể giáo dân xứ Vinh Châu để kết đoàn làm cho danh Cha trên trời cả sáng”.

 

Mấy dòng cảm nhận và lời tâm chúc của tôi.

Sơn Khê

 

 

 

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời