Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

ChangVaToi GreenFrog

Chang Va Toi

Chàng Và Tôi

Green Frog

Tôi sinh ra và lớn lên tại Bình Giả, nên tôi quen thuộc hết những con đường làng, cuộc sống hằng ngày thật giản dị. Ngày còn bé buổi sáng dậy đi lễ, sau đó đến trường nửa ngày, nửa ngày còn lại phải đi chăn bò, tối về đi nhà thờ đọc kinh, học bài… Ngày tháng cứ đều đặn trôi, tôi đã lớn lên và trở thành một thiếu nữ có một nhan sắc mặn mòi, với nước da bánh mật và đôi mắt sáng. Vì nhà khó khăn nên tôi phải nghỉ học lúc vừa xong lớp Chín. Lúc này, thay vì đi chăn bò thì tôi phải phụ mẹ đi cấy lúa, làm cỏ, trồng tiả, và làm những việc đồng áng khác.

Mỗi ngày khi nghe gà gáy sáng tôi phải dậy nấu cơm chuẩn bị cho một ngày mới. Tôi cứ tiếc tại sao đêm quá ngắn và tức con gà trống sau nhà đã đánh thức tôi dậy, lúc nào cũng cảm thấy mình chưa ngủ đủ cho một ngày lao động mệt nhoài hôm qua, buổi sáng của tôi đều bắt đầu như thế. Sau khi cơm nước xong, cả nhà ai vào việc nấy, tôi cũng vậy, phải đi bộ trên những con đường lầy lội dài 4,5 cây số mới đến được nương rẫy. Mùa nào phải lo việc của mùa đó cho kịp với thời vụ, mùa nắng tôi còn rảnh rỗi đôi chút, chứ mùa mưa thì bận rộn trồng tiả, làm cỏ, rồi lại tới cấy lúa. Cứ tới mùa cấy lúa, móng tay và móng chân của tôi đều bị phèn dính vàng khè vì suốt ngày phải ngâm dưới bùn. Chỉ có ngày Chủ Nhật là ngày mà tôi thích nhất, tôi dùng những trái chanh tẩy sạch phèn, tô sơ chút son phấn để đi lễ. Đây là ngày duy nhất trong tuần mà tôi được mặc những chiếc áo dài xinh để đi tới nhà thờ. Thích nhất là mỗi lần đi qua những nhà trong xóm có quán cà phê, tuy không ngó vào nhưng tôi vẫn dư biết là mấy chàng ở trong đó hay ngồi ngóng ra đường chờ ngắm các cô đi lễ. Tôi không để ý đặc biệt bất cứ ai, nhưng khi biết họ đang nhìn mình thì lòng cảm thấy vui và bước chân càng thêm uyển chuyển duyên dáng, có lắm lúc mặt tôi bừng nóng vì một câu nói vu vơ chọc ghẹo của ai đó vọng ra từ trong quán…

Cũng như mọi ngày, tôi vào rẫy sau bữa ăn sáng. Vừa tạnh mưa nên đường đi khá lầy lội, con đường mỗi ngày đi khoảng hai tiếng thì nay phải đi trong ba tiếng đồng hồ mới tới. Để không bị té, tôi dùng mười đầu ngón chân bám chặt vào những mô đất đỏ trơn và dính. Đối với tôi, đây không phải là chuyện khó làm vì con đường này tôi thuộc lòng từng mõm đá, từng bụi cây. Không những thế, tôi còn đoán biết được cả độ sâu của từng vũng lầy. Đang cố bám vào những mõn đất đỏ trơn để bước, thì từ xa có một bóng người cứ té lên té xuống, hình như anh ta không mấy thông thạo cách đi ở con đường lầy này. Vì té liên tục nên khoảng cách giữa tôi và anh ta cũng ngắn dần, nhìn dáng điệu thư sinh, làn da trắng hồng nên tôi biết ngay là người thành phố về quê chơi. Nghĩ thế, nên khi đến gần anh ta, tôi cười khẩy để chọc quê anh ấy. Có lẽ đã chạm máu anh hùng nên anh ta cố gắng đi nhanh tránh nụ cười coi thường này, càng cố gắng thì anh ta lại càng té nhiều hơn. Vì tội nghiệp nên tôi đã dạy cho một chiêu đi đường lầy đất đỏ Bình Giả và hai người đã quen nhau, anh ta cám ơn và tự giới thiệu:

– Tôi tên là Tùng, hân hạnh được biết cô. Tên cô là gì nhỉ?

Là con gái nhà quê, tôi cũng hơi ngượng khi một người lạ mặt hỏi tên. Nhưng vì tính tinh nghịch nên tôi hóm hỉnh trả lời:

– Em… em để quên tên ở nhà rồi.

– Vậy anh sẽ gọi là cô “Quên” đấy nhé!

Tôi bật cười,

– Tên nghe cũng ngộ chứ hả, anh muốn gọi gì thì tùy…

Cả hai vừa đi vừa trò chuyện… thì ra Tùng là cháu của bác Năm đầu xóm, ở Sài Gòn về đây ở tạm, thấy làm rẫy lạ quá Tùng cũng đi và tập làm cho vui. Nói chuyện với Tùng thật là thú vị vì chàng biết rất nhiều chuyện mà hầu như tôi chưa từng nghe, tất cả mọi khúc mắc của tôi anh ta đều trả lời một cách thông thái và duyên dáng. Ở Tùng tôi tìm thấy những điểm mà một người thanh niên sống ở quê không có… Mãi lo nói chuyện, tôi đã tới rẫy hồi nào không biết, con đường hôm nay sao mà ngắn lạ thường.

Sau ngày hôm đó, tôi về dò hỏi trong xóm thì biết là anh ta đã về Bình Giả khoảng vài tháng, sống ở nhà bác Năm và ngày ngày đi làm rẫy phụ gia đình bác. Nghe đâu anh ấy sắp sửa tốt nghiệp đại học Y Khoa, nhưng không hiểu vì lý do gì mà lại về một vùng quê làm rẫy vào lúc này. Vào khoảng năm 1975 – 1980 có rất nhiều lý do để người thành phố phải về nông thôn, chẳng hạn như: đi vùng kinh tế mới, dĩ nhiên Tùng không thuộc diện này; trốn “nghiã vụ quân sự” hay tạm lánh để chờ vượt biên, hai diện cuối cùng này có lẽ đúng với Tùng hơn. Nhưng vì không muốn ai biết lý do chàng xuất hiện ở đây, nên mỗi lần có người hỏi tới thì chàng thường hay nói lãng đi, hoặc là cười và nói muốn hưởng cảnh gió mát trăng thanh của nhà quê nên về đây chơi. Từ hôm đó trở đi, tuy không hẹn nhưng chúng tôi thường đi làm chung đường và trò chuyện thật là vui. Lúc trước, mỗi ngày đi trên con đường làng nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy nó đẹp và nên thơ như bây giờ, những cọng cỏ, những bông hoa Mắc Cở bên đường sao bây giờ lại xinh thế kia? Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mọi vật xung quanh đều đáng yêu và đẹp đẽ.

Quen Tùng một thời gian thì bỗng dưng chàng biến mất, con đường làng thiếu một bóng hình, và lòng tôi cũng thế… tôi cảm thấy trống rỗng làm cho ngày làm việc trôi qua thật tẻ nhạt. Tôi thầm hỏi chính mình, “mình đã thích anh ta rồi chăng?” Nhưng đối với anh ta, tôi chỉ là một cô gái nhà quê nhan sắc bình thường, không có điểm gì vượt trội thì làm sao anh ta có thể nhớ hay nghĩ tới được. Tôi luôn mặc cảm mình là con gái quê mùa, học hành lại không cao, làm sao có thể vói cao như thế! Thời gian này tôi sống trong sự chờ đợi, chờ đợi càng dài thì nỗi nhớ lại dâng cao. Có những lúc giật mình tỉnh giấc vì nụ hôn của chàng trong giấc mơ thật là nồng nàn, vòng tay chàng xiết tôi thật chặt. Ước gì mình đừng thức giấc, để được chìm đắm trong tình yêu, để kéo dài cảm giác chàng đang ở đây, ở cạnh tôi… Tôi nhắm mắt lại để được tiếp tục thấy chàng trong mộng…nhưng tiếng gà gáy sáng đã làm tôi giật mình và trở về với thực tại. Một ngày mới lại bắt đầu, một ngày như mọi ngày!

Khoảng hai tuần sau, Tùng lại xuất hiện trên đường làng. Tôi vừa mừng vừa hờn dỗi trong lòng vì chàng đã để cho tôi phải nhớ. Tuy vậy, tôi vẫn giữ thái độ bình thản bên ngoài vì nghĩ, “nếu Tùng có thể đọc hết những cảm xúc trong lòng mình thì quê lắm.” Chỉ nghĩ tới đó đã khiến đôi má tôi đỏ ửng lên rồi và lồng ngực như muốn nổ tung; Còn Tùng, hình như chàng cũng vui không kém khi gặp lại tôi. Đôi mắt chàng nhìn tôi thật âu yếm, nụ cười rạng rỡ hơn, Tùng lên tiếng:

– Cô “Quên” của anh vẫn khoẻ chứ? Anh cứ tưởng sẽ không nhìn thấy em nữa.

Tôi không hiểu hết câu nói của anh ta nhưng lòng tôi thật sung sướng khi đọc được sự nhớ nhung trong ánh mắt và câu nói của chàng. Tôi trả lời chen một tí hờn dỗi:

– Anh Tùng cũng nhớ tới em sao? Tại sao lại không nhìn thấy em? em ở đây chớ có đi đâu mất đâu mà anh sợ.

– Anh chỉ sợ vậy thôi…, à… tối nay em có rảnh không? Anh mời em đi ăn chè nhé!

Tôi nghe như mở cờ trong bụng vì nhớ chàng những ngày vừa qua, toan nhận lời nhưng giả bộ từ chối:

– Nhưng…nhưng…

– Lại nhưng gì nữa, cô bé… nỡ lòng nào từ chối anh sao?

Tôi e thẹn gật đầu và nhỏ nhẹ hỏi,

– Mấy giờ và ăn chè ở đâu vậy anh?

– Anh sẽ tới nhà đón em, cho anh biết nhà đi nhé.

Có lẽ đó chỉ là một câu xin phép cho có lệ, vì Tùng ở nhà bác Năm một thời gian rồi thì nhà của tôi ở đâu chàng đã dư biết.

Tối hôm đó đúng như giờ hẹn Tùng đón tôi đi chơi, ở quán chè Tùng đã đặt nụ hôn nồng cháy lên môi tôi. Nụ hôn đầu đời đã làm cho tôi như tê dại cả người và tim như muốn ngừng đập khi chàng siết mạnh tôi vào lòng. Tôi thấy cả cơ thể mình nóng ran một luồng hạnh phúc và đáp lại chàng bằng một ánh mắt cuồng nhiệt, đam mê để rồi chàng ghì chặt tôi hơn, ghì chặt hơn nữa cho vơi đi những nhớ nhung…

Tôi như người sống trong giấc mộng đẹp không muốn bị thức giấc. Nhưng, chính chàng là người đã làm tôi tỉnh mộng vì sự bất chợt vắng mặt một lần nữa. Chàng ra đi không một lời từ giã, đối với tôi đây là một cú sốc. Tôi có cảm tưởng là chàng đã lường gạt tình cảm của tôi, chàng cũng giống như bao gã đàn ông khác: Thích chinh phục để rồi khi chiếm được trái tim thì mỉm cười đắc thắng và quay gót, tiếp tục một cuộc chinh phục khác. Sự tự ti mặc cảm lại đến trong tôi, tôi cho mình là một cô bé lọ lem ngốc nghếch vói cao hơn tầm tay với của mình. Ngày tháng cứ thế chậm chạp trôi, tôi vẫn không sao quên được chàng, không sao quên được mối tình đầu vừa chớm nở lại dở dang, bên tai tôi cứ văng vẳng lời chàng gọi “cô bé Quên”, giọng chàng nghe thật êm ái; còn chàng, ở một góc trời nào đó không biết có còn nhớ tới cô bé trời bắt xấu này không?

Vài tháng sau, tình cờ đi làm gặp bác Năm tôi được biết Tùng đã vượt biên và nay đang ở tại trại tị nạn. Vì phải giữ kín chuyện vượt biên nên chàng ra đi mà không dám từ giã, lý do này làm cho tôi bớt giận chàng, nhưng tôi cũng không còn hy vọng gì vì chàng và tôi bây giờ cách quá xa, xa tới nửa vòng trái đất. Tôi tiếp tục sống với đồng áng, nương rẫy, cố quên đi một mối tình của tuổi mới lớn…

Năm năm trôi qua, tình cảm của tôi dành cho chàng không thay đổi. Tuy đã có vài lần tôi thử quên chàng bằng cách tìm một người bạn trai khác, nhưng hình như tôi cũng không vui khi đi chơi với họ. Tôi luôn nhớ về chàng và không hiểu vì sao cứ linh tính là chàng sẽ tìm tôi, và quả thật điều đó đã xảy ra… Chàng tìm tôi bằng một lá thư, cầm lá thư trên tay mà cứ ngỡ như là mơ, tôi thận trọng mở ra và đọc,

Cô bé “Quên” của anh,

Trước tiên anh xin lỗi vì ra đi bất ngờ không từ giã, có lẽ em rất ngạc nhiên khi nhận lá thư này. Anh hiện giờ đang ở Mỹ với cuộc sống của một sinh viên vừa làm, vừa học. Tuy bận rộn nhưng lòng anh chưa một giây phút nào ngừng nhớ em. Trái tim anh đã dành trọn cho em rồi, anh luôn khao khát được ôm em trong vòng tay…

Đọc đến đây, tim tôi như muốn ngừng đập. Tôi ép lá thư sát vào ngực và nhắm mắt lại để tận hưởng những giây phút hạnh phúc… Trong lá thư Tùng còn đề cập đến chuyện sau này sẽ kết hôn và bảo lãnh tôi sang Mỹ, tôi nghe mà ngờ ngợ không biết có phải là thật hay chỉ là những lời nói xã giao cho tôi vui lòng.

Kể từ ngày hôm đó, mỗi tháng tôi đều nhận được một lá thư của Tùng; Còn tôi, tôi viết cho chàng mỗi ngày nhưng vì tiền bưu điện quá đắt nên khoảng 3, 4 tháng mới gởi một lần. Những bức thư này giống như một món ăn tinh thần cho tôi, hằng ngày tôi lấy thư Tùng ra đọc đi, đọc lại có những đoạn tôi đã thuộc lòng. Thời gian thấm thoát trôi, sau khi ra trường có việc làm vững vàng, chàng trở về Việt Nam, nơi người con gái xứ Bình đang mong mỏi chờ đợi và chúng tôi đã làm đám cưới. Ba mẹ tôi cũng như tất cả mọi người trong gia đình đều hãnh diện vì chàng.

Sau một thời gian không lâu tôi được chồng bảo lãnh sang Mỹ, chúng tôi sống với nhau thật hạnh phúc và đã có với nhau hai mặt con. Hằng ngày anh ấy đi làm, còn tôi ở nhà vừa đưa đón con vừa đi học. Vào dịp lễ Labor Day (Lễ Lao Động) vừa qua, vợ chồng tôi và hai đứa con lái xe đi chơi xa, chồng tôi vì quá mệt mỏi đã đâm vào một chiếc xe chở hàng. Sau khi nghe một tiếng động thật lớn thì tôi không còn biết gì nữa… Tỉnh dậy ở nhà thương sau một ngày mê man, tôi không thấy Tùng đâu, hỏi ra mới biết Tùng đang nằm ở ICU (Intensive Care Unit) là nơi dành cho những người bị bệnh nặng trong nhà thương. Còn hai đứa con của tôi, cháu lớn đã qua đời trước khi tới nhà thương, cháu còn lại vì mang dây an toàn nên chỉ bị gãy chân. Lòng tôi đau như cắt, những vết thương bên ngoài tuy rất đau nhưng chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau trong lòng, tôi thà người bị thương là tôi còn hơn những người thân của mình.

Chồng tôi bây giờ không thể đi đứng hay tự săn sóc mình nữa, đứa con nhỏ tuy đã lành nhưng chân rất yếu. Còn tôi, vết thương đã bình phục nhưng tôi sống như một cái xác không hồn, ruột tôi như thắt lại mỗi khi nghĩ tới đứa con lớn của tôi đã phải đau đớn trong những giây phút cuối đời!!! Lắm lúc tôi muốn đi theo nó bỏ mặc mọi sự trên thế gian này… Tôi đã tìm đến Chúa và những vị chủ chiên để tìm những lời an ủi. Tôi thì thầm cùng Chúa: “Cha ơi, xin cất chén đắng này…” Tôi nghe vị mặn đắng của những giọt nước mắt lăn dài trên má, đọng trên môi, giống như vị đắng của cuộc đời còn lại…

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời