Phụng Vụ

Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm C

baidocphucam… Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”.


Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm C

(ngày 01 tháng 07 năm 2010)
Lc 10, 25-37 “Ai là anh em của tôi?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:
“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa

Lòng thương: dấu tích vĩ đại của môn đệ Chúa

PT Phêrô Đặng Phi Hùng
Câu chuyện người Samarian nhân hậu là một trong những chuyện nổi tiếng đã được chính Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng giống như chuyện Đứa Con Hoang Đàng (The Prodigal Son) mà ai trong chúng ta đây cũng đã từng nghe biết.
Sở dĩ chuyện nổi tiếng là ở chỗ khi Chúa đặt câu hỏi cho người tiến sĩ thông luật. Ông ta đã không muốn nghe câu trả lời đúng từ Chúa Giêsu. Trái lại ông chỉ muốn gài bẫy để Chúa rơi vào. Ông chỉ muốn nghe Chúa nói lên cái điều trái nghịch với lề luật của Do Thái khi hỏi Ngài: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”
Dĩ nhiên Chúa Giêsu biết tỏ tường từ tim đen của ông luật sĩ nầy nên Ngài hỏi ngược lại ông ta: “Trong luật nói gì? Ông đã đọc thấy thế nào?” Đây là những câu hỏi căn bản nhất mà những ai xem TV chương trình “Are You Smarter Than A Fifth Grader?” (Bạn có thông minh bằng một học sinh lớp 5 không?” trong đó người điều khiển chương trình là ông Jeff Foxworthy đã làm cứng họng biết bao nhiêu khoa học gia, thầy/cô giáo… khi ông hỏi họ các câu hỏi rất căn bản, vỡ lòng của chương trình lóp 5 tiểu học. Chưa có ứng viên nào thắng giải chung kết, và rất nhiều người dư thi đã “rớt đài” ngay từ vài câu hỏi đầu tiên. Điều đó chứng tỏ rằng “khó vì dễ quá!” như người Việt-Nam vẫn nói, và ngay cả những người được gọi là thông minh nhất và có nhiều bằng cấp nhất trong chương trình thi lớp 5 đã thú nhận rằng họ vẫn chưa biết được nhiều điều mà họ vẫn tưởng họ biết, như ông luật sĩ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trích dẫn câu trả lời từ sách Lêvi và Đệ Nhị Luật, ông luật sĩ trả lời: “Kính mến Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn và yêu tha nhân như chính  mình.” Dĩ nhiên ông ta đã nói đúng, và Chúa Giêsu nói: “Hãy làm như thế và ông sẽ được sống”
Tuy nhiên ông ta vẫn chưa thoả mãn với câu trả lời của Chúa. Ông nghĩ rằng ông vẫn còn cơ hội nữa để gài bẫy Chúa bằng một câu hỏi mà ai nghe cũng nghĩ rằng đơn giản: “Vậy ai là anh em của tôi?” Có lẽ ai trong chúng ta cũng tưởng tượng ra được giọng điệu châm biếm trong câu hỏi của ông? Có lẽ chính ông cũng đã tự nghĩ rằng “phen nầy thì có chạy đàng trời!” Nhưng Chúa Giêsu luôn luôn đi trước ông ta một bước. Thay vì trả lời thẳng, Chúa đã cho ông cơ hội suy nghĩ về một trường hợp, một câu chuyện trong bối cảnh thục tế trong đó có các nhân vật mà người đương thời ai cũng biết đến: vị tư tế, thầy Lêvi, chủ quán trọ, người đi đường. Thời Chúa Giêsu chuyện khách bộ hành đi đường bị cướp lột hết của cải, đánh nhừ tử rồi để mặc nửa sống nửa chết giữa ban ngày ban mặt là chuyện thường xảy ra. Và người đời coi việc các tư tế và Lêvi đi qua không đụng chạm gì đến người khách bộ hành bị thương nằm giữa đường là một điều thường tình vì họ biết các vị đó sợ bị “ô nhiễm”, sợ rồi không thể tế lễ ở đền thờ được.

Nhưng mọi ngưòi lại bị “xốc” khi nghe kể về hành động của người ngoại giáo Samaritanô. Người Do Thái và Samaritanô cho dù thờ phượng cùng một Thiên Chúa nhưng lại là thù đich của nhau từ hàng bao thế kỷ trước Chúa Giêsu. Đó là lý do tại sao mỗi khi có ai nhắc đến Samaritanô, người Do Thái lẩm bẩm chửi rủa. Và đó cũng là lý do tại sao môn đệ của Chúa Giêsu đã chẳng bằng lòng chút nào mỗi khi thấy Thầy mình nói chuyện với những người Samaritanô. Do đó khi nghe việc người Samaritanô hành xử như một người anh hùng có tấm lòng nhân ái, mọi người từ các biệt phái, luật sĩ đến dân chúng, đều chăm chú nghe. Và khi nghe hết câu chuyện họ lại càng tỏ ra chẳng vui tí nào.

Khi nghe đến phần gay cấn và hấp dẫn nhất của câu chuyện: đó là kết cuộc chẳng dẫn đến câu trả lời gì cho người luật sĩ. Ông ta đã hỏi Chúa làm thế nào để nhận ra ai là anh em của ông theo luật dạy. Chúa đã không trả lời nhưng đảo ngược câu hỏi và hỏi lại ông luật sĩ: “Ông nghĩ ai là người anh em của người bị thương?” Người luật sĩ đã ấm ứ nuốt trong miệng chữ “Samaritanô” không thành lời nên đáp: Kẻ đã có lòng thương xót với người ấy.” Ông ta đã cố tránh dùng chữ “Samaritanô”! Một câu trả lời đơn giản! Và Chúa đã cho ông một lời nhắn nhủ đơn giản hơn: “Anh cũng hãy đi và làm như vậy!”

Chúa Giêsu đã để câu nhắn nhủ nầy lại không chỉ cho người luât sĩ nhưng còn cho mọi người chúng ta. Đó là giới luật Yêu Thương. “Hãy làm như vậy.”
Nhiều người đã cố gắng làm điều nầy 2000 năm nay nhưng không thành công. Không phải tất cả mọi người, tôi đoán vậy. Một số người đã thi hành triệt để mệnh lệnh yêu thương nầy mà ai cũng biết đó là các thánh. Các Thánh là những người mà chúng ta cần nhìn để bắt chước sống như họ đã sống. Thánh Augustinô đã từng sống trong tội lỗi nhưng đã nhất quyết từ bỏ lối sống ầy. Thánh Phanxicô, người lính đã không chỉ nghe tiếng Chúa nhưng còn hành động theo Chúa. Thánh nữ Elizabeth Seton đã tận hiến đời mình cho việc giáo dục thanh thiếu niên. Thánh Maximilian Kolbê, người đã hy sinh đời mình cho người khác được sống. Chân phước Teresa Calcutta, người đã tận tuỵ một đời cho kẻ nghèo hèn, khốn khó… Tất cả những vị thánh vừa kể đã giống nhau một điều là nghe và thực hành Lời Chúa. Còn chúng ta thì sao?
Có người trong chúng ta khi đi mua nhà đã dặn nhân viên địa ốc: “Anh chớ có mua ở khu Mỹ đen hoặc Mễ đó nhá” hoặc “Chị nhớ tránh xa khu có nhiều người Việt-Nam ở, phức tạp lắm!” Người khác nghe tin bà mẹ có con mới chết, gọi điện thoại: “Chị đó hả, chị có khoẻ không?” Có người nghe tin người khác bị cháy nhà, “bàn” một câu: “Ô lo gì, bảo hiểm rồi đây nó sẽ đền cho Ô/B tha hồ mà giàu bá cháy!” ….Tha nhân trong lúc khốn cùng cần đến những “lời lẽ” của chúng ta đến thế sao? Trải qua bao thế kỷ, lúc nào cũng có những người cần đến lòng thương xót của chúng ta nhưng rồi họ chỉ nhận được toàn là đau lòng, khổ lụy, nhiều khi dẫn đến cái chết tức tưởi bởi vì chính lời nói và hành động của chúng ta.

Ở đâu và trong thời gian nào cũng có những người khác tiếng nói, màu da, chủng tộc, các trang phục, tôn giáo hoặc cách sống khác thường đối với chúng ta. Đó là điều hiển nhiên. Con cái cùng một cha mẹ vẫn khác biệt cá tính huống hồ. Anh em ruột thịt vẫn có thể ghét nhau như người Do Thái và Samaritanô tìm đủ mọi lý do để ghét nhau. Những kẻ cùng tôn giáo, cùng kính thờ một Thiên Chúa, giữ cùng các Giới Răn Chúa vẫn giới hạn sự hiểu biết của mình để hỏi: “Ai là anh em tôi” như người luật sĩ hôm nay.

Ngày nay chúng ta cũng tốn biết bao nhiêu thì giờ và sức lực để cãi nhau nhiều điều vế luật để rồi quên mất một điều luật căn bản nhất của đạo Chúa là luật yêu thương và sống thương yêu. “Yêu nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo!”

Bạn và tôi đừng tìm kiếm những nạn nhân chung quanh mình nhưng lúc nào cũng hãy sẵn sàng giúp đỡ và thương xót những ai cần đến chúng ta. Có thể là người hàng xóm bên cạnh nhà có người phối ngẫu mới chết, có thể là một người già neo đơn, cần có người ngồi nghe tâm sự. Cũng có thể là người trong giáo khu, giáo xứ mới khám phá ra bệnh nan y ở giai đoạn cuối, cần người cầm tay thông cảm. Hoặc người bạn đồng nghiệp đang cần đến sự giúp đỡ cho tinh thần bớt căng thẳng… Tất cả những người vừa nói, họ là anh em của ta, và họ cần đến lòng thông cảm, nhân hậu, yêu thương của mỗi chúng ta. Mỗi ngày chỉ cần sống giống Chúa Giêsu hơn một chút, chúng ta sẽ làm được những điều vĩ đại vì có ơn Chúa phù trì. Mong thay.
PT Phêrô Đặng Phi Hùng

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời