Phụng Vụ

Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm C

baidocphucamNhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.


(ngày 10 tháng 10 năm 2010)
Lc 17, 11-19  “Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.
Đó là lời Chúa.

Suy Niệm Lời Chúa

Cám ơn: cần thiết của mọi liên hệ

Phó tê Phêrô Đặng Phi Hùng

Dài dòng, dùng nhiều từ ngữ quá có khi mang đến mệt mỏi cho người nghe. Hãy lấy một thì du. Nếu có dịp và có giờ, xin Qúy vị thử tìm đọc điều lệ của chính phủ về việc bán bắp cải (cabbage) trong nước Hoa kỳ, chúng ta sẽ phải đọc hết gần 27,000 chữ tiếng Anh. So sánh với Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chứa đựng 1,300 chữ. 10 Điều Răn của Chúa vỏn vẹn có 179 chữ và Kinh Lạy Cha chỉ có 66 chữ.
Ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa là một điều quan trọng vì dễ tạo sự chú ý và tập trung tư tưởng hơn là dài dòng. Có khi chỉ cần hai tiếng Cám Ơn (thank you) ngắn gọn, chúng ta có thể làm cho mối liên hệ thâm tình giữa người nói và kẻ nghe thêm phần thắm thiết.
Bài Tin Mừng hôm nay (cũng là bài TM mà chúng ta thường nghe trong ngày Lễ Thanksgiving dịp Tạ Ơn), chỉ có một người phong cùi trở lại để nói với Chúa “thank you, Master: Cám ơn Thầy!” Chúa Giêsu đáp trả anh ta: “Đức tin của con đã chữa con!” Không biết Quý Vị nghĩ sao chứ riêng tôi vẫn hằng thắc mắc là 9 anh cùi kia có được lành bệnh cùi hay không vì họ đã không có được một tâm tình biết ơn như anh nầy, lại là một người Samaria 
Thế thì chin người kia đâu?” Chúa hỏi.
Một người trong số chin người kia có lẽ đã ra đi làm lại cuộc đời riêng cho anh ta. Anh lo bận bịu tạo mãi một mái nhà riêng để sống, một job mới, một gia đình mới, và vì thế anh quên mất việc trở lại tạ ơn;
Người khác có lẽ trở lại cuộc sống bình thường một cách quá đột ngột nên đang bận tâm lo lắng đến tương lai không biết phải làm gì, lấy gì mà ăn. Vì thế anh đang lai vãng lại chỗ cũ vẫn thường ngồi ăn xin ở cổng làng;
Người nọ, khi nhận ra mình không còn bị phong cùi lở loét nữa, đang tìm cách trả thù những người trước đây đã khinh miệt chế riễu mình. Rốt cuộc càng muốn trả thù, tâm hồn anh càng bất an, tệ hại hơn hồi bị bệnh;
Người khác thấy mình đã được khỏi sự đau khổ, đã bỏ làng ra đi thật xa. Anh muốn quên hết dĩ vãng, quên hết mọi người, nhất là những người đang đau khổ vì bệnh cùi như anh trước kia. Anh không muốn nghe nhưng tai cũng vẫn phải nghe những lời than thở;
Người khác, anh đã không tin rằng anh đã được khỏi bệnh. Anh không thể tin được có người nào trên đời như Chúa Giêsu lại có thể muốn cho anh được khỏi bệnh cùi. Anh nghi ngờ, anh chờ đợi xem một thời gian nữa coi bệnh có tái phát không đã;
Và dĩ nhiên có một vài người ra đi để ăn mừng vì được khỏi bệnh. Những người nầy đã tổ chức party nầy đến tiệc mừng khác. Nhưng rồi khi tàn canh, rượu hết, họ phải đối diện với thực tế, với đời sống mới, và rồi họ đang lạc lối, họ cảm thấy cô đơn;
Vì thế cả 9 người đi theo 9 ngả đường khác nhau và không hề có một tâm tình biết ơn. Vì thế, có lẽ phép lạ cũng không ở với họ được lâu vì họ nghi ngờ, họ tức giận, họ lo âu… Lòng tin tưởng và hy vọng không ở với họ được lâu. Tâm hồn họ trở nên ghẻ lở hơn xưa. Lý do mà họ không được khỏi hẳn chỉ vì họ không có tâm tình biết ơn đối với Thiên Chúa là Đấng luôn xót thương con người. Thái độ biết ơn nầy có thể biến đổi sự cứng lòng và thất vọng thành mềm mại yêu thương và hy vọng, có thể biến mọi hành động tốt của chúng ta thành cảm nghiệm ân sủng. Chỉ có 2 tiếng cám ơn nhưng thật quan trọng bội phần.
Chúa Giêsu hỏi trong Tin Mừng hôm nay: “Thế còn 9 người kia đâu?” Chín người kia không trở lại vì họ vô ơn, vì họ vô tình, và vì họ thiếu vắng tình yêu. Yêu là biết ơn. Yêu là bộc lộ nỗi niềm của kẻ được yêu. Dĩ nhiên, người ban ơn không cần được trả ơn, nhưng người nhận ơn phải có tấm lòng biết ơn để nói tiếng cám ơn, thank you. Tâm tình biết ơn đó phải được thể hiện trong sự phục vụ người khác. Tâm tình biết ơn đó có thể biến đổi những thất vọng nơi con người thành hy vọng nơi Thiên Chúa.
Tán tụng và ngợi khen Thiên Chúa là một cử chỉ mà người tín hữu chúng phải làm vì đó là một hành động làm cho đức tin lớn lên. Trong Kinh Tiền Tụng Các Ngày Thường số IV, linh mục chủ tế thường đọc có đoạn như sau: “…Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chằng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời…”
Là người Việtnam, tôi cũng như Quý Vị chúng ta luôn luôn cám ơn Chúa hằng ngày vì Ngài tạo cho chúng ta cơ hội vượt thoát được nạn nghèo đói, bất công để định cư ở hải ngoại. Nhờ cơ may đó, chúng ta có phương tiện giúp đỡ những người khác đang đói khổ, kém may mắn hơn chúng ta ở quê nhà;
Là người Việtnam Công Giáo, chúng ta cám ơn Chúa cho thoát khỏi nạn Công sản vô thần, được tư do giữ đạo, hành đạo và phát triển đạo ở xứ người. Chúng ta chớ quên cầu nguyện và giúp đỡ Giáo hội tại quê nhà;
Là gia đình Việtnam Công giáo, chúng ta cũng cám ơn Chúa cho đoàn tụ, vợ chồng có công ăn việc làm, con cái có cơ hội thăng tiến, cha mẹ già có phương tiện để dưỡng già v.v… Chúng ta nên biết cảm tạ Chúa và cám ơn nhau trong đời sống gia đình. Hãy trở nên những phần tử chứng nhân tình yêu và hy vọng của Chúa nơi hải ngoại;
Nếu chúng ta có thái độ biết ơn đó, Ơn Chúa sẽ không trở nên hư mất, mà sẽ trở thành cảm nghiệm ân sủng trong đời sống chúng ta.

Phó tê Phêrô Đặng Phi Hùng

Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D

Kính thưa quí ông bà anh chị em, nếu ai đọc chuyện dân gian Việt Nam, chắc hẳn còn nhớ câu chuyên có tiêu đề: ” Cứu vật, vật trả ân- cứu nhân, nhân trả oán”. Hay còn có một câu như: ” Ơn nghĩa như nghi trên đất trên cát. Hận thù như nghi trên đồng trên đá.” Phải chăng, những điều đó muốn nói lên vấn đề chua cay về lòng dạ con người, ơn nghĩa mau quyên, và tệ hơn nữa ” Vô ơn bội nghĩa”.
Hôm nay trong bài Tin Mừng mà Thánh Lu-ca thuật lại việc Chúa chữa 10 người bị phung hủi, mà chỉ có một người biết ơn, người đó lại là người ngoại giáo mới đau chứ. Ai bị bệnh phung hủi là người đó không những đau khổ về thể xác, mà về tinh thần có khi còn đau khổ hơn vì: dưới con mắt của người Do-thái lúc bấy giờ, những ai bị phung hủi là, vì họ tội lỗi dơ bẩn nên bị Chúa phạt, nên họ cần phải loại trừ, bởi vậy mà những người mắc phải bệnh phung hủi bị người ta đẩy ra bên lề xã hội, sống nơi các bãi tha ma, không được tiếp xúc với những người bình thường. Với sự đau khổ tột cùng như thế, nếu có sự lực chọn thì chắc hẳn ai cũng muốn cho mình được lành sạch, nên không lạ gì khi Chúa Giê-su gặp đoàn người phung hủi, và hỏi họ muốn điều gì thì tất cả đều đồng thanh ” Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi”( Lc 17,13). Những người muốn được chữa lành gặp được Đấng có quyền năng làm cho lành sạch thì có niềm vui nào hơn nữa, nhưng trước khi được chữa lành thì có một sự đòi hỏi nơi họ là: tin, và họ đã tin, qua sự vâng lời đi trình diện các thầy tư tế, trong khi họ còn trên đường đi trình diện bởi sự vâng lời Chúa Giêsu, họ được lành sạch. Phép lạ nhãn tiền, niềm vui xiết kể như vậy, lẽ ra họ phải chạy tìm về Người đã cho họ được lành sạch trước đã, thế nhưng chỉ có một người biết tìm về Đấng đó để tạ ơn. Người đó lại là người lương dân. Trong khi con cái trong nhà lại ‘ vô ơn’ bỏ đi luôn. Đây có phải là một nghịch lý thường tình của con cái trong nhà chăng? Hay nói khác đi, những người gần gủi nhất, thân cận nhất chăng? Người trong nhà ít biết ơn, hay không biết ơn , hay thờ ơ lãnh đạm về các ơn chăng? Tại sao vậy? Có phải do không ý thức được về các ơn mình nhận, hay do cuộc sống hời hợt, hoặc do cuộc sống thiếu nhân bản, hay do sự kiêu căng, hay vì có cuộc sống sung túc đầy đủ, hoặc do nhận quá nhiều ơn rồi đâm ra cho là thường để rồi không cần biết ơn, cám ơn chăng? … Tắt một lời, những người không biết ơn, không biết cám ơn thì cho dù người đó ở ngoài hay ở trong nhà thì đều gọi là: ” Vô ơn”. Người không biết ơn là người sống hửng hờ đối với người ban ơn; trái lại người biết ơn là người biểu lộ qua thái độ, cử chỉ, lời nói, việc làm để nói lên lòng biết ơn.
Vây thì sống ở đời không ai mà lại không mang ơn người khác: ơn sinh thành, ơn dưỡng dục, ơn dạy dỗ, ơn nâng đỡ, ơn chữa lành, ơn vật chất, ơn tinh thần… Ngoài ra bất cứ ai cũng đều mang ơn một người, người đó là Thiên Chúa, Đấng ban muôn ơn cho con người: ơn phần hồn, ơn phần xác. Chẳng hạn: không khí ta thở, thời giờ, mưa nắng… Ôi! ơn nhiều làm sao kể hết. Hằng ngày ta xin ơn này ơn kia, nhưng có ơn cần thiết cho sự sống, đâu mấy người để ý, nên đâu mấy người xin, nhưng Chúa vẫn ban không ngừng, đó là không khí ta thở. Vậy, ai đã để ý ơn này để tạ ơn. Nếu chỉ một món qùa ‘ không khí’ thôi, ta suy gẫm thì cũng đủ cho ta phải sống đàng hoàng tử tế của người biết ơn rồi, chưa nói là ơn được làm con Chúa, ơn được Chúa cứu chuộc, và ơn qua các bí tích trong Giáo Hội để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng chúng ta.
Để được gọi là người sống biết điều, tức là biết ơn, thì không cần phải tài cao học rộng, cũng không cần phải giàu sang phú quí hay danh vọng địa vị mới sống: gọi được là: “sống ra người”, không phải thế, trái lại không chừng, những người thất học, những người nghèo khổ, những người không một chút địa vị nào trong xã hội, có khi họ lại là những người đã sống “ra người”; nghĩa là họ biết cám ơn, tạ ơn và sống tốt để đền đáp ơn đã lãnh nhận. Thiên Chúa trao ban cho con người nhiều món qùa và tất cả Ngài muốn con người lớn lên trong sự tốt đẹp, và sự tốt đẹp nhất của con người là sống nghĩa thiết với Thiên Chúa.
Người con trong gia đình biết ơn cha mẹ thì sống khác. Người vợ, người chồng biết ơn nhau thì sống cư xử với nhau khác. Người học trò biết ơn thầy cũng vậy, và trên hết mọi sự, người con của Chúa nếu biết ơn Chúa thì hành động, cư xử với Chúa và với mọi người cũng khác lắm. Chẳng hạn quan sát một người khi đi tham dự thánh lễ, nếu là người luôn nhắc nhở chính mình phải biết ơn Chúa, bằng một sự đáp trả: tạ ơn, nên mong ước được tới dâng thánh lễ để tạ ơn. Thế thì người đó có hành động thế nào, nếu không phải là đi lễ sớm, muốn ngồi được trong nhà thờ và càng gần cung thánh càng tốt, họ đem hết tâm hồn hoà nhập vào thánh lễ, và như thế, họ đâu có chuyện đi lễ cắt đầu, cắt đuôi, đâu có chuyện lang thang ngoài nhà thờ trong khi mọi người đang dâng lễ, và đâu có chuyện người ta phải rao trong nhà thờ trước mỗi thánh lễ: ” Xin tắt điện thoại” và tệ hơn nữa, họ muốn nói điện thoại lúc nào trong thánh lễ thì nói. Qủa thật, Thiên Chúa là Đấng mà con người cần phải gặp gỡ và nói chuyện hơn ai hết; cụ thể khi đang dâng thánh lễ.
Phải chăng, ngày hôm nay, về thể xác, chúng ta không có ai mắc bệnh phung hủi, nhưng biết đâu, cách nào đó, chúng ta đang mắc những bệnh phung hủi trầm ca về tâm linh, và chúng ta cần được Thiên Chúa chữa lành, để ta trở nên con người tốt đẹp trước mặt Chúa, con người biết ơn, trả nghĩa.
Vây thì, hỡi các bạn, các bạn và tôi, chúng ta không ai muốn nghe từ: ” Vô ơn, bội nghĩa” thì hơn bao giờ hết ta phải là người biết ơn và sống nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống hằng ngày, như nghĩa cử của người phung hủi xứ Sa-ma-ri-a, sau khi được Chúa chữa lành, đã quay lại tìm gặp Chúa, để tạ ơn: ” Một người trong bọn họ, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình xuống dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn.” ( Lc 17, 15). Hay như tướng Na-a-man sau khi được sạch phung hủi thì quay lại tìm gặp người của Thiên Chúa và tuyên xưng lòng tin: ” Nay tôi biết rằng; trên khắp mặt đất không đâu có Thiên Chúa, oại trừ ở Ít-ra-en” Rồi ông xin một ít đất đưa về nhà như là hình ảnh để nhắc nhở ông, ơn mà ông đã lãnh nhận.
Tướng Na-a-man muốn được tạ ơn Thiên Chúa luôn, nhưng ông sợ thời gian có thể làm cho mình quyên ơn chăng, nên ông đã xin một ít đất nơi mình được chữa lành để làm vật kỷ niệm nhắc nhở cho mình ơn đã được lãnh nhận. Phần chúng ta không chừng cũng dễ quyên ơn lắm, cho nên có những lúc ta cũng cần có những vật kỷ niệm nào đó để nhắc nhở ta về việc ta đã nhận ơn. Hoặc là lòng trí ta thỉnh thoảng nên nhớ lại những hình ảnh mà mình đã nhận ơn: ơn Trời, ơn người, ơn đời. Ai càng biết ơn thì người đó càng cố gắng đáp lại ơn đã nhận lãnh, bằng cung cách và kiểu sống của mình; cố gắng sống tốt, sống cho đàng hoàng tử tế, sống với tình con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Sống tốt với người, với đời và nhất là với Chúa.
Lạy Chúa, xin mở con mắt đức tin cho chúng con, để chúng con nhìn thấy tình trạng tội lỗi, cơn bệnh phong hủi nơi tâm hồn chúng con, để chúng con chạy đến với Chúa, xin Ngài cứu chữa. Xin cho chúng con luôn biết nói lời cảm tạ Chúa, cám ơn người, cám ơn đời bằng cách nghe và thực hành lời Chúa dạy: ” Mến Chúa và yêu người”.Amen.
Lm Phaolô Cao Thế Bình SDD

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời