Phụng Vụ

Chúa Nhật 29 Thường Niên – Năm C

baidocphucamChúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ.


(ngày 17 tháng 10 năm 2010)
Lc 18, 1-8 “Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.

Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Đó là lời Chúa.

Suy Niệm Lời Chúa

Tính cách liên lỉ của sự cầu nguyện

Phó tê Phêrô Đặng Phi Hùng

Cầu nguyện là một phần đời của tín hữu, những người có niềm tin. Cầu nguyện liên kết Chúa, chính mình và tha nhân với nhau. Cầu nguyện ở nơi riêng tư, cũng có thể xảy ra nơi công cộng, khi cùng người khác cầu nguyện chung cho nhu cầu yêu thưong, được yêu thương, nhu cầu săn sóc, lắng nghe và cùng học hỏi. Cầu nguyện cần thiết như ăn và ngủ nên cầu nguyện cũng cần phải liên lỉ và bền bỉ.

Mẹ Têrêsa Calcuta hồi còn sống đã liên lỉ cầu nguyện mỗi ngày. Trước khi sang Ấn Độ, nhờ cầu nguyện Mẹ đã cảm nhận từ đáy lòng được lời mời gọi phục vụ những người nghèo nhất giữa những người nghèo bên Ấn Độ. Mẹ nói: “Tôi biết trước nơi tôi sẽ phục vụ, nhưng không biết làm cách nào để đến được nơi đó.” Tuy nhiên với sự cầu nguyện liên lỉ, dần dần Mẹ đã can đảm rời bỏ tu viện thân yêu từ Đông Âu để tới các con đường dơ bẩn, chật hẹp, ẩm thấp bên Ấn Độ, nơi cư ngụ của những kẻ khốn cùng. Rồi Mẹ đã cùng sống chung và phục vụ ở đó cho đến khi Mẹ qua đời. Mỗi ngày Mẹ vừa cầu nguyện vừa làm việc. Mẹ từng nói: “Tất cả đều bắt đầu với cầu nguyện. Cầu nguyện làm tâm hồn trở nên trong sạch để có thể nhìn thấy Chúa và tình yêu của Ngài phản chiếu từ chúng ta tới tha nhân.”

Các bài đọc trong tuần nầy nói đến việc cầu nguyện. Bài đọc I trong sách Xuất hành kể chuyện ông Môsê mỗi khi giang tay cầu nguyện, quân Do Thái đánh thắng được quân thù. Sau đó vì quá mỏi, phải có hai người đỡ hai cánh tay ông lên. Ý nói việc cầu nguyện có khi là việc riêng một mình với Chúa, cũng có lúc là một việc chung mà mọi người cùng nhau cầu nguyện. Bài Đáp Ca xác định việc Chúa cứu giúp con người vì Ngài là Đấng luôn luôn cung cấp cho con cái mọi điều cần trong đời sống. Bài Tin Mừng Chúa Giêsu kể lại một dụ ngôn diễn tả tính cách liên lỉ của sự cầu nguyện.

Khi nói đến việc cầu nguyện, thường chúng ta ai cũng thấy khó khăn vì nhiều lý do: “Tôi không có giờ, khó tập trung tư tưởng, ngại ngùng sao đó v.v…”

Sau đây là một vài ý tưởng gợi ý.

Trước hết, khi cầu nguyện chúng ta cần mở lòng (open heart). Điều đó có nghĩa là hướng lòng lên với Thiên Chúa với một tâm tình sẵn sàng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta nhiều hơn là chúng ta nói với Ngài. Người mở lòng khi cầu nguyện không cảm thấy chán ngán hay khó khăn, khô khan như lúc làm cho xong việc vì bổn phận, mà làm với tâm tình yêu thương như khi hai người yêu nhau nên ước muốn gần nhau để tâm sự. Người mở lòng với Chúa khi đọc kinh sẽ không đọc một cách hấp tấp như kiểu “cuốn chiếu” (người trước chưa đọc xong “Kính Mừng,” người sau đã bắt vào “Thánh Maria.” Cứ hình tượng Thiên Chúa ngự giữa hai người đọc kinh “tranh giành” kiểu đó, Ngài sẽ nghe được gì, và sẽ nhận lời ai?

Có người hỏi làm sao nghe được tiếng Chúa khi cầu nguyện? Làm sao phân biệt được tiếng Chúa nói với tiếng mình xin? Một cách tổng quát, Thiên Chúa nói với những người lắng nghe tiếng Ngài qua 3 cách, đó là: qua Kinh Thánh, qua tâm hồn bình an trong tĩnh lặng, và qua những người chung quanh.

– Thứ nhất, khi đọc một đoạn Kinh Thánh, chẳng phải nhiều lần chúng ta được đánh động trong tâm hồn bởi Chúa Thánh Thần, và tâm can chúng ta được nóng bỏng lên đó sao? Đọc Kinh thánh là đọc Lời Chúa nói với ta như khi ta đọc thư của người tình.

– Thứ hai, Thiên Chúa thường nói với chúng ta nơi tĩnh lặng. Như khi chăm chú nghe một tin tức quan trọng từ Radio hay TV, có lúc chúng ta phải bê cái TV hay Radio ra khỏi căn phòng ồn ào nhiều người nói để có thể nghe cho rõ đó sao? Việc cầu nguyện cũng vậy, nếu không kiếm được một nơi thinh lặng để tâm hồn lắng đọng, chúng ta thật khó mà nghe được Lời Ngài. Chẳng vậy mà cả 4 Phúc âm đều tường thuật lại nơi chốn Chúa dùng để cầu nguyện như sau: “Ngài lên núi cầu nguyện….Chúa lẻn ra một nơi thanh vắng, nơi hoang địa để cầu nguyện.” Có lần Chúa đã ăn chay và cầu nguyện suốt 40 đêm ngày.

– Hình thức thứ ba mà Thiên Chúa dùng để bày tỏ ý định của Ngài cho chúng ta: đó là qua những người thân trong gia đình, qua bạn bè, qua Cha giải tội, và qua các vị linh hướng. Các nhà tu đức khuyên mọi Kitô hữu thời nay muốn sống mật thiết với Thiên Chúa nên có một vị linh hướng. Vị đó có thể là linh mục, phó tế, tu sĩ hoặc giáo dân, đã được huấn luyện chuyên môn về việc phân biệt đâu là tiếng Chúa và đâu là khát vọng không chính đáng trong thâm tâm. Để từ đó nhận ra tiếng Chúa và theo ý Ngài chứ không theo sự khát vọng hay cám dỗ của thần dữ trong lòng.

Thứ đến, sự cầu nguyện phải liên lỉ và bền bỉ. Bền lòng bền chí mỗi ngày. Qua Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta phải liên lỉ khi cầu nguyện. Lúc đầu quan toà không định cho người đàn bà điều mà bà xin, nhưng bà cứ nài nỉ mãi, rốt cuộc ông phải xiêu lòng. Ông Mosê trong Bài đọc I đã phải liên tục giơ hai cánh tay lên quân Israel mới được Chúa giúp đỡ đánh thắng quân của Amalek.

Dĩ nhiên giờ cầu nguyện nên xếp đặt thế nào cho hợp lý, vào một giờ nhất định trong ngày, nhất là giờ cầu nguyện chung của Gia đình để mọi người nhớ giờ hẹn mà đến như khi ta hẹn hò với người tình. Nhưng không vì thế mà giới hạn việc cầu nguyện riêng với Thiên Chúa nơi sở làm, chỗ buôn bán, ở trường học v.v… Thay vì đọc kinh chung, chúng ta cũng có thể nói với Chúa bằng những câu than vắn, thí dụ: “Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu, xin thương cứu giúp con.” hoặc “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin giúp con là kẻ tội lỗi.” Dù là than vãn, đọc kinh, suy gẫm…phải được thực hành liên lỉ, trung thành hằng ngày. Cái nầy khó nhất cho hết mọi người chúng ta. Tôi nói hết mọi người là bao gồm hết các vị có chức thánh đến giáo dân. Các linh mục, phó tế sau khi chịu chức, nam nữ tu sĩ sau khi khấn một thời gian, quá bận rộn với công việc mục vụ, bác ái và phục vụ, nếu không để ý sẽ dễ bị cám dỗ bởi ma qủi về các việc làm thấy được bên ngoài, sẽ dần dần lấn át sự cầu nguyện thầm kín bên trong, cảm thấy như một gánh nặng phải làm cho xong, cho qua. Giáo dân không chú tâm thì sau khi qua cơn khốn khó thử thách hay gian nan, sẽ xao lãng việc cầu nguyện. Kết quả, sớm muộn gì cũng sẽ bị ma quỉ “đánh úp!”

Sau cùng, và đây là điều quan trọng nhất của việc cầu nguyện: cầu xin để tìm ra Thánh ý Chúa, rồi tin nhận Thánh ý Ngài thay vì theo ý ta. Cầu nguyện để “danh Cha cả sáng” và “vâng theo ý Cha dưới đất cũng như trên trời” như Chúa Giêsu dạy. Cầu nguyện với lòng tin tưởng rằng chương trình của Thiên Chúa bao giờ cũng tốt lành. Ngài là Cha yêu thương con cái là chúng ta. Có thể chúng ta chưa hiểu, chưa thấy được ý định đó bởi vì qua con mắt hạn hẹp của thân phận con người mà thôi. Một điều chắc chắn là Chúa đã hứa sẽ đồng hành với chúng ta trong mọi cơn gian nan khốn khó ở mọi chặng đường đời.

Nhờ cầu nguyện liên lỉ của Ông Môsê mà quân của người Do Thái đã chiến thắng được quân thù trong Bài đọc I. Nhờ cầu nguyện liên lỉ mà người thanh niên Timôthê trong Bài đọc II đã hiểu thấu đáo Kinh thánh để đi rao giảng những điều mình tin nhận. Nhờ cầu nguyện liên lỉ mà bà goá đã cảm hoá được ông quan toà trong Bài Tin Mừng. Để có được mối thâm tình với Chúa Ba Ngôi, môn đệ Chúa Giêsu là chúng ta cũng phải biết cầu nguyện và khuyến khích nhau cầu nguyện liên lỉ. Chúa luôn chờ đón để lắng nghe chúng ta mỗi khi chúng ta cầu cứu Ngài. Thái độ năng nổ và bền bỉ trong cầu nguyện nầy sẽ phải được thực hiện trong mỗi chúng ta khi hy vọng, chờ đợi, cầu xin và tin tưởng nơi Ngài.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Phó tê Phêrô Đặng Phi Hùng
Trở Lên Trên

Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D

Kính thưa quí ông bà anh chị em, là người sống niềm tin thì ngoài những điều như, tự tin nơi khả năng, sự cố gắng nổ lực của chính mình, thì ta còn có một sức mạnh tinh thần hổ trợ ta; sức mạnh tinh thần đó chính là ân sủng của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Vâng, Thiên Chúa sẽ giúp ta qua sự tin tưởng vào quyền năng của Chúa bằng lời kêu cầu của ta.
Trong bài đọc 1, sách Xuất Hành, dân Ít-ra-en đứng trước một sức mạnh của đội quân A-ma-lếch, thế mà dân Ít-ra-en đã chiến thắng đội quân hùng mạnh đó, không phải nhờ sự tài giỏi của họ, mà nhờ lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, được cụ thể qua lời cầu nguyện của vị lãnh đạo của họ là ông Môi-sê. Lòng tin tưởng mạnh mẽ vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa, được biểu lộ qua hình ảnh với đôi cánh tay mở rộng của Mô-sê để cầu nguyện. Tay mở rộng mang hai ý nghĩa: thứ nhất, chúng con hướng về Chúa và dâng lên tất cả lòng nguyện ước tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Thứ hai, quyền năng và ân sủng của Chúa thì bao la vô tận, và hằng tuôn chảy vào lòng chúng con tựa như dòng sông tuôn chảy vào lòng chúng con.
Kính thưa quí ông bà anh chị em, đời sống Kitô hữu của chúng ta hơn nhau ở chổ là: mỗi người đặt để niềm tin của mình vào Thiên Chúa như thế nào? Nếu một người đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài qua con người của mình, thì chắc chắn người đó sẽ làm được những việc cả thể mà người đời không thể làm được, như chính Chúa Giêsu đã quả quyết: “ Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo với cây dâu này: “ Hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” ( Lc 17,6). Sức mạnh của lòng tin là như vậy.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2, ngài khuyên Ti-mô-thê hãy thực thi những gì Kinh Thánh dạy, có như thế mới trở thành khí cụ sắc bén của Chúa: “Để rao giảng lời Chúa, để lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” ( Tm 4, 2). Với những lời căn dặn thật rõ ràng, mạnh mẽ như thế của thánh Phao lô không những cho người đồ đệ của Ngài là Timôthê, mà còn cho tất cả mọi người, cách riêng là những người lãnh đạo dân Chúa. Vậy, dù ở đâu, thời nào, người ta không thể biện minh hay bào chữa cho mình khi đứng trước một sự bất công, những việc cần phải lên tiếng, cần phải làm chứng, bảo vệ, bênh vực cho chân lý, công bình, lẽ phải, cho dù thuận tiện hay không, cho dù có bị thuơ thiệt, mất mát quyền lợi, địa vị, tiền bạc, danh tiếng và kể cả mạng sống khi cần để đánh đổi thì cũng phải đánh đổi. Có như thế mới gọi được là người tiên tri, ngôn sứ của Thiên Chúa; Vì Đức Kitô, vị Ngôn sứ cao cả, suốt cuộc đời đã đi đây đó rao giảng chân lý, sự thật, tình yêu và đã hy sinh mạnh sống của mình để minh chứng cho tình yêu, chân lý, sự thật. Thế thì, là người được Thiên Chúa tuyển chọn, sai đi làm chứng cho sự thật mà lại chọn con đường dễ dãi, thoả hiệp, hay im lặng trước những ngang trái, bất công, để mặc sức cho quyền lực của sự gian ác lộng hành, nhắm mắt làm ngơ cho lũ lang sói đánh phá, chém giết đàn chiên. Nếu như thế đâu gọi được là người ngôn sứ của Chúa được.
Thế nhưng, nếu là những con chiên đang bị đau khổ, oan ức, không biết chạy đến ai, không biết nương tựa vào ai nữa thì hãy an tâm, kiên nhẫn và hãy chạy đến với Chúa, để kêu xin, giải bày những nổi khổ, oan ức; vì Chúa sẽ nghe tiếng van nài ai oán của bao kẻ khốn cùng đau khổ, và Ngài sẽ ra tay cứu chữa, như Chúa dạy trong bài Tin Mừng, qua dụ ngôn “ Bà góa bị oan ức, đau khổ kêu đến quan toà”. Qua đó, Ngài muốn dạy mọi người hãy kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và kêu xin thì chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời con cái nài van, nhưng vấn đề của chúng ta có đủ kiên trì trong lời cầu nguyện hay không? Vì Chúa nói trong cuối đoạn Tin Mừng, như một lời cảnh báo: “ Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? ”. Đây là điều mỗi người cần phải suy nghỉ, theo Chúa cần phải kiên trì, hay nói cách khác: giữ đạo với Chúa, chứ không phải giữ đạo vì giám mục này, ông cha nọ, bà sơ kia.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con kiên trì theo Chúa cho đến cùng; nhất là khi chúng con gặp gian nan thử thách, gặp những điều ngang trái trong cuộc sống lòng tin. Đừng hoang mang khi có nhiều gương mù gương xấu. Xin Mẹ Mân Côi mà tháng mười chúng con cần phải năng chạy đến với Mẹ hơn, qua tràng chuỗi Mân Côi để kính dâng Mẹ, và noi gương Mẹ, như xưa Mẹ đã luôn thưa hai tiếng Xin Vâng trong mọi hoàn cảnh. Amen.
Lm Phaolô Cao Thế Bình SDD

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời