Chia Sẻ Lời Chúa

Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm B

Hạt lúa mục nát 

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.

 

Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

 

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

 

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.

 

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

 

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.

 

Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

 

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).

 

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1-             Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.

2-             Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?

3-             Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?

4-             Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?


ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Chúa Nhật 5 mùa chay năm B

          Kính thưa quí ông bà anh chị em, trong lãnh vực sinh hoạt xã hội trần thế; nhất là thời đại thị trường kinh tế ngày nay, giúp ta hiểu tầm mức quan trọng trong vấn đề giao dịch làm ăn, cần phải có những  hợp đồng với nhau bằng văn bản, giấy tờ hay ít nhất bằng miệng. Thế thì trong lãnh vực tinh thần, lãnh vực thiêng liêng cũng có những hiệp ước, như trong bài đọc 1, sách tiên tri Giêrêmia nói về giao ước Thiên Chúa ký kết với nhà Israel, thế nhưng dân Israel đã tự hủy bỏ; nghĩa là họ không tuân giữ, mặc dầu Chúa là Chúa của họ, một vị Thiên Chúa đầy quyền uy, đủ mọi ưu phẩm. Có được Thiên Chúa như thế thì con người cần phải nhờ đến biết bao, để rồi con người tuân giữ giao ước với Ngài là phải đạo, thế nhưng con người lại không làm như vậy, trái lại nó lại phản bội hủi bỏ giao ước. Mặc cho dân Israel phản bội với giao ước, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu; nên chi Ngài muốn lập một giao ước mới. Giao ước mới khác với giao ước cũ, vì giao ước này được ghi vào tận đáy lòng của mỗi người, chứ không như giao ước cũ, là giao ước bằng chữ viết trên bia đá hay bằng da.

       Giao Ước mới này là tự tâm khảm con người đã khắc ghi hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là sự khao khát vẽ đẹp, niềm vui, hạnh phúc và sự sống bất tử. Điều này không cần ai phải dạy ai, tự nhiên là đã như vậy rồi; có điều trong thực hành con người lại có những diễn tả khác nhau và nhiều khi lại diễn tả một cách lệch lạc nên đi đến chổ phóng túng, ngược ngạo thô lỗ, bởi thế nên con người cần phải được hướng dẫn cho đúng đắn, qua các ngôn sứ, tiên tri, tông đồ. 

          Với vị bậc thầy của các ngôn sứ, tiên tri, tông đồ là chính Đức Giêsu Kitô, Người chỉ đạo kiểu mẫu mà con người cần phải vâng theo, như trong bài đọc 2 trích trong thơ Do-thái, đã đề cập đến Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ của nhân loại, hay nói khác đi, Ngài là nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai yêu mến và tùng phục Ngài.  Nhưng để cứu độ con người, Đức Kitô đã hoàn toàn trở nên một con người như bao người khác ngoại trừ tội lỗi.  Vì thế mà “Khi còn sống kiếp phàm, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” ( Dt 5, 7-8).

          Thế thì, trong kiếp phàm nhân của mỗi người chúng ta, vấn đề đau khổ, sợ hãi, than khóc là chuyện rất bình thường, nhưng cái khác thường là làm sao những lo âu, buồn phiền, sợ hãi đó trở thành lời khẩn nguyện dâng lên Đấng quyền  ban ơn nâng đỡ và giải thoát ta khỏi mọi sự dữ, nghĩa là không bị sự dữ đè bẹp và giết chết chúng ta, nhưng với những thử thách cần phải có để tôi luyện con người và để giúp con người có một kinh nghiệm về sự yếu mền mỏng giòn, để con người biết nương tựa, cậy nhờ vào Chúa.

 

 Đức Kitô, dầu là Con Thiên Chúa , mà Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, thì huống chi là con người chúng ta lại cần phải học hỏi sự vâng phục biết bao qua bao đau khổ, nhưng than ôi, với thời đại tự do quá trớn, chủ nghĩa cá nhân quá mức thì vấn đề học đòi sự vâng phục xem ra không còn nữa, hay nói khác đi, sức mạnh để cho con người vâng phục ngày hôm nay  là quyền lực, đồng tiền. Còn vâng phục theo kiểu  tự nguyện, vâng phục bởi một sự tôn tri trật tự, vâng phục bởi một lời khấn hứa chỉ  dành cho những thành phần tu trì hay là những người còn có được nền tảng đạo đức truyền thống; nên chi, hể ai còn yêu mến, quí trọng sự vâng phục này, thì đó cũng là con người đang sống tự hủi cái tôi ích kỷ, hay người đó được ví như hạt giống gieo xuống đất bị mục nát với thời gian năm tháng. Mục nát bởi những sự kiêng cử để chọn lựa phần tốt cho mình. Mục nát bởi sự phục vụ, chấp nhận thiệt thòi, chịu tai tiếng là người khờ dại trước mặt người đời. Đó phải chăng là những hạt giống đang bị  mục nát rả tan bởi những lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài, có như thế sự sống mới được nẩy sinh đơm bong kết trái hầu mang lại mùa màng tươi tốt. Mất mạng sống mình vì nước trời, vì sự tương lai đẹp đẽ cho cuộc đời thì họ lại được sự sống mới, được một thế hệ của bao lớp người sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được sự sống đời đời. Đây là một nghịch lý và cũng là một thách đố cho tất cả mọi người; nhất là đối với những ai muốn nên đồng hình đồng dạng và nên nghĩa thiết với Đức Kitô, như bài Tin Mừng của Thánh Gioan trong đoạn 12, mà chúng ta thấy được các ý tưởng và giá trị như nói trên.

 

          Xin Chúa ban ơn nâng đỡ, thánh hoá và giúp chúng con có được cuộc sống dám hy sinh tất cả, chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả, để chúng con trở nên muối đất ước cho mặn đời và ánh sáng chiếu vào tăm tối soi dẫn bao người lầm lạc trở về nẻo chính đường ngay. Ước gì mùa chay năm nay giúp chúng con sống tốt hơn, đẹp hơn, ý nghĩa hơn mùa chay năm trước. Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse, các thánh trên trời cầu thay nguyện giúp cho chúng con. Amen.

 

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời