Sáng tác Truyện Ngắn

Chùm Truyện Ngắn (tiếp theo)

CHUYỆN Ở BỆNH VIỆN TÂM THẦN
Những ngày tháng âu lo mệt mỏi khi nuôi đứa con gái 12 tuổi ở bệnh viện Biên Hòa. Tôi được nghe kể rất nhiều câu chuyện của các bệnh nhân. Có khi tưởng chừng như hết sức vô lý, nhưng tận mắt nhìn thấy mới biết là có thật.
Như cậu bé 15 tuổi nhập viện bằng cáng 2 người khiêng, người cha đi sát bên cạnh an ủi dỗ dành, đặc biệt có hai anh công an đi theo bảo vệ. Được biết các anh công an đã giải cứu khi nó bị dân đánh hội đồng, vì tội ăn trộm một con gà cho mấy anh lớn nhậu. Thương tích đầy người, gãy một chân. Nghiêm trọng nhất là thần kinh không ổn, khua tay múa chân hoảng loạn, ăn nói lung tung, không có bệnh viện nào nhận nên từ Định Quán chuyển lên đây.
Những câu chuyện mà tôi quan tâm nhất là chuyện của người bác sĩ trẻ đang làm việc ở đây. Nghe kể rằng: ngày xưa (nhưng chưa lâu lắm), có người điều dưỡng thương yêu một bệnh nhân tâm thần và đã cưới cô ấy làm vợ, bây giờ họ đang sống hạnh phúc bên nhau.
Mới nghe qua cứ tưởng là huyền thoại trong truyện cổ tích.
Kết quả hình ảnh cho gái quêCó ai biết được cô gái đã trải qua bao nhiêu giông tố trong cuộc đời. 7 tuổi cha mất sớm, cha ra đi để lại cho mẹ con một căn nhà và một tiệm tạp hóa buôn bán đủ nuôi nhau. 17 tuổi cô gặp một thanh niên đúng là tuyệt vời, anh chàng này bảnh bao hoạt bát, đẹp trai lịch lãm. Đã yêu thương che chở dỗ dành cô như một người tình, người anh, người cha mà cô đang thiếu. Cảnh nhà đơn chiếc anh ta nhanh chóng hòa nhập với gia đình cô. Mẹ cô cần sửa chữa ống nước, hay dây điện, hay đi chợ mẹ cô cần mua sắm thêm vật dụng trong nhà, anh ta lẹ làng đáp ứng. Nếu mẹ buồn anh ta sẵn sàng chở mẹ đi dạo chơi cho khuây khỏa. Thế rồi mục tiêu của anh nhanh chóng chuyển ngược sang người mẹ đang tuổi hồi xuân. Bị người tình bỏ lơ, người mẹ đang có thái độ khiêu khích, cô gái bắt đầu nổi loạn rồi sau đó trầm cảm, có biểu hiện của bệnh tâm thần. Đúng là thời cơ đến cho cặp tình nhân trái khóe kia, cô được nhanh chóng đem đến bệnh viện cho rảnh nợ, còn tình nhân của mẹ đem hết tài năng chiêu dụ, thuyết phục mẹ bán nhà này mua nhà khác dư ra chút đỉnh lấy vốn làm ăn. Mẹ đã chìm vào cái bẫy sở khanh mà không còn ai ngăn cản. Việc mua bán nhà một tay anh ta dàn dựng. Hai người đến ở một căn nhà khác, tránh sự tò mò nhiều chuyện của xóm giềng, không còn lo ai dòm ngó chuyện riêng tư của họ. Căn nhà tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi. Nhưng chỉ một tháng sau mẹ bị đuổi ra khỏi nhà khi anh ta ra vẻ ta đây cao chạy xa bay với món tiền khổng lồ của mẹ đã bán nhà và tiệm tạp hóa. Chủ nhà cho mẹ coi bản hợp đồng thuê nhà mà anh ta đã lừa mẹ mua nhà. Trắng tay không có nhà ở, không có cơm ăn, mẹ bị đẩy ra đường như một con thú thì biết lấy gì nuôi con ở bệnh viện.
Cô gái đã khỏe lại sau hai năm điều trị nhưng không có thân nhân thăm hay đón về. Cũng may sao có người điều dưỡng đã chăm sóc cô trong những năm qua bảo lãnh cho cô về. Tạm thời cô có thể đến ở nhà tôi, giúp tôi chăm sóc mẹ. Nhà chỉ có hai người, tôi đi làm cả ngày mẹ ở nhà một mình không có người giúp việc nên không có ai trò chuyện cho mẹ vui. Mà tôi cũng lo cho mẹ già yếu, rủi có chuyện gì không biết kêu ai. Cô đã gặp đúng người tốt, bà khuyên cô đi học lại, chi phí đừng lo khi có công ăn việc làm trả lại cho bà sau chưa muộn. 
Rồi những ngày tháng tiếp theo bà đối xử với cô như con gái nhở từ trời rơi xuống, cô như được sống lại trong gia đình của mình, đôi khi cô nhớ mẹ: bây giờ cuộc sống của mẹ ra sao? Khi mà mái nhà xưa không còn nữa.
Thời gian qua mau, cô đã là vợ người điều dưỡng năm xưa. Bây giờ chồng làm bác sĩ, vợ cũng theo chồng đi làm trong bệnh viện.
Câu chuyện tưởng như kết thúc có hậu, nhưng chưa vẫn còn tiếp.
Kết quả hình ảnh cho vợ chồng già hạnh phúcHằng ngày hai vợ chồng chở nhau đi làm thì có người phụ nữ ăn mặc tồi tàn đến trước cổng xin ăn, bà mẹ nhân từ bưng cơm, cho quần áo, có lúc cho thêm tiền lẻ. Có một hôm đúng lúc hai vợ chồng về. Cô gái ngỡ ngàng nhận ra đó là mẹ. Mẹ có lột xác con cũng nhận ra. Nghĩ đến chuyện xưa cục tức như trôi lên cuống họng. Cô nói với mẹ: tôi cấm bà không được đến đây, bà đừng làm hại tôi thêm một lần nữa. Người đàn bà cúi mặt bước đi không nói lời nào. Cô nhìn theo từng bước chân nặng nhọc của mẹ, rồi bất chợt nước mắt tuôn trào, cô khóc nức nở nghẹn ngào như chưa bao giờ được khóc.
Khi bình tâm trở lại, cô đã kể mọi chuyện cho mẹ chồng nghe. Để giúp cô tìm ra hướng giải quyết, mẹ khuyên cô: Nên tha thứ cho nhẹ lòng, lỗi lầm của bà chỉ nhất thời suy nghĩ và bà đã nhận hậu quả do mình gây ra. Nếu đem sánh với công ơn sinh thành dưỡng dục thì không đáng đâu con. Sống trên đời này có ai mà không lầm lỗi “khôn ba năm chỉ dại một giờ”.
Nhưng kể từ ngày đó mẹ cô không quay lại nữa. Cô được nhà chống giúp đỡ tìm bà bằng mọi cách. Truyền thanh truyền hình và đăng báo đã rất lâu rồi vẫn chưa tìm được.
* * * * * * * * 
NGHỊCH LÝ THỜI NAY
Sáng nào cũng vậy, ông từ Ngãi Giao đạp xe tới cuối cổng làng 3 Bình Giã để bán vé số. Xấp ve không nhiều, chỉ 2 ngàn một vé. Nhưng ông phải thật sớm để đón các anh đi buôn cá từ Tân Lập ra Vũng Tàu phải đi ngang qua Bình Giả. Các anh đi bằng xe đạp, loại xe thồ vững chắc, đường xa lại xấu khi về còn tăng thêm sức nặng của hai giỏ cá lớn. Cuối thập niên 80 có được cái xe đạp là quý lắm.
Ai cũng vất vả mưu sinh, dừng chân giữ sức tại quán cà phê ông Tín Râu bên đường. nói là quán nhưng thực chất chỉ là ba cái bàn vài bộ ghế được đóng bằng gỗ tạp. Mọi người cười nói vui vẻ, bàn chuyện thời sự trong nước trong xóm, cũng có người đem chuyện nhà ra chia sẻ. Mỗi người một ý, mỗi người một câu giúp nhau giải quyết vấn đề. Ai muốn mua dê bán bò, thuê người làm hay kiếm việc làm thì ra quán cà phê Ông Tín. Nơi đây sẽ kết nối và giải quyết được nhiều vấn đề.
Hai ba năm sau, thấy ông Tư tiều tụy hơn, hỏi ra mới biết vợ ông bệnh nan y, bán thân bất toại, nuôi con thơ vợ bệnh chỉ mình ông lo hết. Nay vợ qua đời, cứ tưởng ông đã nhẹ gánh trên vai nhưng tinh thần của ông lại suy sụp. Vì đã bao nhiêu năm qua vui buồn sướng khổ, vợ là người an ủi, động viên giúp ông vượt qua bao nhiêu gian khó giữa cảnh đời nghèo khổ, vợ không còn ông không biết tâm sự với ai? Ông đang cố gắng nuôi 3 đứa con trai tuổi ăn tuổi học.
Nhưng tuổi trẻ bây giờ không hòa họp với tuổi già như ông. Thế là ông đành lòng phải sống cô đơn lẻ loi ngay trong ngôi nhà của mình và giữa đám con.
Mười năm sau, ông Tư vẫn cố sức đạp xe đi bán vé, thân ông nay đã già yếu dáng vẻ buồn rầu. Cũng tại quán cà phê sáng nay, chú Vui, chú Chiến, chú Trình, chú Sáu đều trúng cá (gọi là mua may bán đắt), các chú đã chia nhau hết xấp vé trên tay ông,cũng không quên tặng ông Tín một vé. Rồi nhân lúc rỗi rảnh không phải đi bán, ông ngồi tâm sự với chủ quán: 
– Chú có biết không? Cả đời hy sinh vì con nay già yếu chúng nó chẳng coi mình ra gì cả. Khi xưa vợ mình mang nặng đẻ đau ẵm bồng chúng nó trên tay ba năm bú mớm. Còn mình thì làm bán xác, cố sức để làm nuôi cả vợ lẫn con. Khi con học xong trung cấp đậu vào đại học thì mình muốn mở tiệc ăn mừng. Nhưng khi chúng nó bỏ học cưới vợ thì chúng nó tranh giành nhà cửa đất đai, chúng nó đã coi mình không ra gì thì làm sao mà phân chia cho chúng nó được.
– Chú có biết không? Buổi sáng mỗi ngày khi tôi dắt xe đi bán vé thì con mình đứa thì đem vợ đi ăn sáng, đứa thì bưng phở về cho vợ. Tôi đau lòng lắm, khi mà chỉ thèm một chén cơm nóng và một khía cá thôi mà tôi có nằm mơ cũng không nhìn thấy. Một chút tình cảm cha con cũng không có (và nước mắt đã tuôn rơi từ trên khóe mắt của ông).
Người làm cha này không quản ngại công sức vất vả, cả đời làm lụng tích lũy nuôi con. Tất cả những gì cha có đều là của con, vợ cha cũng là mẹ con. Nhưng ngược lại tất cả những gì của con thì không thuộc về cha. Vợ con cũng không phải con cha. Cha không có quyền sai bảo hay dạy dỗ người ta.
Nghịch lý thời nay là thế đấy, có đau lòng thì cũng như tự mình sát muối vào thôi. Tâm sự xong ông đã nhẹ lòng.
* * * * * * * 
MẶT TRỜI HỪNG ĐÔNG
Ngày nào cũng vậy, tôi thức dậy rất sớm soi đèn đi thăm câu để sáng vợ tôi dẫn con đi học tiện thể xuôi ra chợ bán cá. Chiều hôm qua đi làm về tôi ra vườn đào bới kiếm được mớ trùn rồi đem vài chục cần câu ra bờ kênh cắm để kiếm thức ăn và thêm thu thập.
Về tới nhà tôi vội vã vác cày và dắt trâu đi thật sớm chưa kịp ăn điểm tâm. Ra tới ruộng, khí trời khi ấy thật mát mẽ vẫn còn đượm hơi sương. Trong khi chờ đợi ông mặt trời ló lên, tôi đã đi được năm đường cày.
Khi tôi ngồi trên bờ ruộng nghỉ là lúc vầng đông lấp ló, ông mặt trời chưa xuất hiện, nhưng chiếc áo choàng đỏ của ông đã tô thắm cả vùng trời, tôi thích nhất được ngắm cảnh này, ông hiện ra uy nghi lộng lẫy. Tôi chắp tay thầm cầu nguyện:
– Xin Chúa cho chúng con được hằng ngày dùng đủ.
– Xin cho mưa thuận gió hòa.
– Xin cho nhà nhà no ấm.
– Xin cho người người yên vui.
– Xin cho đám trẻ mau khôn lớn.
– Xin cho người già yếu khỏe mạnh.
– Và xin cho thời vụ năm nay được trúng mùa, con sẽ trả hết công nợ, xây dựng lại mái nhà đang dột nát, để vợ con bớt vất vả hơn. Con muốn xin Chúa thêm một điều này nữa, xin hãy giúp con kéo thêm mây về bớt nắng dùm con. Hôm nay con phải cày hết ba công ruộng để ngày mai con gieo giống nữa. Con chỉ mong sao con được khỏe mạnh để gánh vác chuyện nhà.
Kết quả hình ảnh cho cầu nguyệnVừa cầu nguyện xong tôi đã nhìn thấy bóng dáng vợ hiền đang quảy gánh từ xa, lấy phỉ chồng nghèo đúng là vợ tôi số khổ. Khi buồn vì gia cảm, tôi lại tự an ủi mình: “Giàu của sao bằng giàu con”. Có biết bao nhiêu người giàu có họ ngồi trên đống tiền của cha ông mà không biết dùng, kết quả thì: “Vợ hỏng- con hư”. Mình tuy nghèo nhưng có được: “ Vợ hiền- con ngoan” là cái phúc ba đời cha ông để lại.
Vợ mang cho tôi hai củ khoai nướng ăn sáng và một ấm chè xanh. Một cái mèn cơm nóng, một chén cá đồng kho và một ống canh chua, trưa đói thì mới được ăn. Tiếng nói quen thuộc ngày nào cũng nghe nhưng tôi vẫn thích: Nấu ăn xong dẫn con lớn đi học, đứa nhỏ nhờ bà nội trông coi. Vợ chồng nghèo hạnh phúc thật đơn giản: Nói ít hiểu nhiều. khi tôi cùng con trâu cày đất thì vợ tôi đi dọc bờ ruộng cắt một gánh cỏ tươi, để lát nữa người nghỉ ăn trưa thì con trâu quí của nhà tôi cũng được dùng bữa và nghỉ ngơi chiều làm tiếp. Trong lúc tôi cày đất thì vợ tôi tranh thủ cắt thêm bó cỏ để chiều về cho trâu ăn, thấy còn sớm vợ tôi lại mang theo cái đụt bắt thêm cua ốc để nấu canh xào muối. Buổi sáng tuôi đi tham cậu cũng được khấm khá: có hơn mười con cá rô, ba con cá lóc và thêm hai con ếch. Sáng nào vợ không đi bán thì để ăn, cuộc sống gia đình tôi êm đềm lặng lẽ trôi qua.
Một ngày dài sắp kết thúc, tôi từ giã ông mặt trời để về mái nhà nhỏ của tôi nơi đầu làng. Ông mặt trời hình như còn lưu luyến đi theo chúng tôi thêm một quãng đường rồi từ từ khuất bóng.
Nguyễn Thị Thành

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời