Bác Ái

CHUYÊN GIA XÂY DỰNG (Tưởng nhớ người bạn vong niên)

(Tưởng nhớ người bạn vong niên – Bài viết này đã đăng trên báo Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2011)

Mặc dù được gọi là “chuyên gia xây dựng”, nhưng nhân vật mà tôi đề cập đến trong bài viết hoàn toàn không phải là kiến trúc sư, hay nhà thầu xây dựng. Biệt danh mang nặng tính kỹ thuật ấy phát xuất từ tình yêu mến của cộng đồng dân cư, và của những người thụ ơn dành cho cụ.

Về đến đất Bình Giã, nhắc đến cụ Nguyễn Trường Cửu mọi người từ trẻ đến già sẽ nghiêng mình kính phục, bởi đây là một người thực sự đáng kính. Nơi cụ, đức sáng đã toả lan không ai là không nhận thấy, một công dân sống “tốt đời – đẹp đạo” thật tiêu biểu.Cụ sinh năm 1927, ngụ tại ấp Lộc Hoà, xã Bình Giã. Tuy tuổi đời đã cao, song vẫn phương phi, minh mẫn và rất vui vẻ nhã nhặn với mọi người. Hiện tại cụ sống một thân sát cạnh gia đình người con gái.Xưa kia ở Sài Gòn, sau 30/4/1975 gia đình cụ về quê. Sống giữa những người nông dân chân lấm tay bùn, lần hồi cụ nhận ra quanh mình có quá nhiều hoàn cảnh khốn đốn, đáng lưu tâm là những gia đình từ miền Bắc vào lập nghiệp. Do vốn liếng ban đầu không có, nên khi đến Bình Giã họ không thể xây dựng được căn nhà cho đúng nghĩa “mái ấm”. Cụ Trường Cửu rất năng đến với người ốm đau neo đơn, gia đình bất hoà, gặp tai hoạ… Những lần đi như thế, nhìn từng mái nhà “dột mưa nắng”, gió thốc qua vách phên rệu rã, nền đất bụi bong… cụ xao xuyến tâm tư tột cùng. Thế là lòng nhân ái tiềm tàng trong cụ trỗi dậy.Khởi đầu cụ gom góp tiền trong nhà, mua tôn, gỗ, ván mang đến giúp những căn hộ cần sửa chữa nhỏ. Việc sửa nhà suốt nhiều năm dài đã gây được sự chú ý của cộng đồng, một số người khá giả tin tưởng nhân cách, ủng hộ việc làm của cụ nên rộng tay đóng góp. Thế là “vết dầu nhân ái” đã loang ra, lần hồi cụ có điều kiện tài chính để xây dựng những căn nhà vững bền cho người nghèo.Khởi từ năm 1994, cụ chính thức lên kế hoạch xây nhà cho những hộ cần giúp đỡ trong toàn xã Bình Giã. Cho đến nay, cụ Nguyễn Trường Cửu đã xây xong 36 căn nhà cho đồng bào nghèo, một con số khi nhìn vào không ai không khỏi giật mình. Bởi nó quá ấn tượng.

Tôi tìm đến với một số hộ đã được cụ xây nhà như anh Đào Văn Hoàng, anh Dương Ba, anh Lý Văn Bụi (người Chrau Jro ở ấp Kim Bình), ông Nguyễn Tuấn ở ấp Lộc Hoà… Những người này đều có chung một niềm cảm kích và rất biết ơn cụ, chính nhờ sự nâng đỡ ấy mà giờ đây họ đã có cuộc sống tương đối ấm cúng hơn.Lo chỗ ở cho đồng bào xong, cụ thấy nhiều gia đình sở dĩ nghèo túng vẫn đeo bám là do thiếu điều kiện để vực dậy kinh tế. Vậy là kế hoạch trợ giúp bò lại nảy sinh trong suy tính của cụ. Thoạt đầu, cụ mua vài con bò cái rồi gọi những người nghèo đến, giữa cụ với họ có một thoả thuận rất nghiêm túc được viết ra trên giấy tờ. Qua đó “người nhận bò về nuôi phải giao cho chủ con bê đầu tiên khi nó được một năm, hai con tiếp theo người nuôi hưởng, rồi trả bò mẹ lại”. Với cách làm này, cụ Trường Cửu đã vừa giúp người nuôi có cặp bê con gầy giống, lại có điều kiện nhân nhiều hơn số bò để cho nhiều người khác cũng được nuôi. Cho tới nay, cụ “sở hữu trên giấy” 18 con bò mẹ, số bò sinh sản từ kế hoạch ban đầu không tính hết được. Anh Đặng Minh Hoà, ngụ tại ấp Lộc Hoà cho tôi hay: “Cũng nhờ có con bê con đẻ ra từ bò mẹ cụ cho nuôi mà có tiền trang trải phí tổn hơn chục triệu khi con trai bị tai nạn giao thông, nếu không gia đình tôi khốn đốn vô ngần dạo ấy”.

Cụ Nguyễn Trường Cửu còn rất nhiều việc làm tuyệt vời, nhưng do khuôn khổ của bài viết nên không thể kể hết ra được. Thiết nghĩ, chỉ vài điều nêu trên cũng đủ cho bạn đọc nhận thấy ở cụ nhân đức sáng ngời dường nào.

SƠN KHÊ

Follow Me:

Trả lời