Bài viết khác

CỬ HÀNH TUẦN THÁNH VÀ TAM NHẬT VƯỢT QUA

ĐSau thời gian cử hành Mùa Chay thánh, trong đó Giáo hội hướng về Đại lễ Phục sinh bằng việc chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo : rửa tội, thêm sức và thánh thể trong đêm Vọng Phục sinh ; đồng thời dọn lòng con cái cho Đại lễ này với các việc đọc Lời Chúa, tham dự phụng vụ, cầu nguyện, ăn chay hãm mình, canh tân trở lại, sống bác ái và làm việc bố thí.

Bây giờ tới Tuần Thánh và Tam Nhật Thánh là nhữngg ngày trọng đại nhất trong Năm phụng vụ. Vì thế chúng ta tìm hiểu ý nghĩa những ngày này để có thể cử hành xứng đáng và đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng.

Chúng ta cần lưu ý tới ba điểm sau đây :

1.      hiểu rõ ý nghĩa của Tuần Thánh

2.      cử hành sốt sắng các lễ nghi Tuần thánh

3.      một số lưu ý đặc biệt.

I.       Ý nghĩa Tuần Thánh

Hiểu rõ ý nghĩa Tuần thánh và Tam nhật thánh là một điều quan trọng, vì vô tri bất mộ. Chính vì nhận thấy sự cần thiết này, nên Đức Giáo Hoàng Piô XII đã cho cải tổ Lễ nghi cử hành Tam nhật thánh (năm 1951) và Lễ nghi cử hành Tuần Thánh (năm 1955). Công đồng Vaticanô II cũng đã lưu ý tới điều này trong Hiến chế về phụng vụ Thánh Công đồng chung : “Mỗi năm một lần, Giáo Hội còn cử hành hết sức trọng thể vào dịp lễ Phục sinh sự sống lại cùng với cuộcThương khó của Người” (PV, 102).

Vậy Tuần Thánh và Tam nhật thánh có ý nghĩa như thế nào?

1.       Thời gian cử hành

Về thời gian, Tuần thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá, hay Chúa Nhật thương khó, ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư sau đó, và sáng thứ năm. Bốn ngày này là những ngày cuối cùng của Mùa Chay thánh.

Tam Nhật thánh, bắt đầu từ Thánh Lễ Tiệc ly vào chiều thứ năm tuần thánh, tiếp theo là thứ sáu Tuần thánh, thứ bảy Tuần thánh và Chúa Nhật phục sinh.

Đây là tột đỉnh của Mùa Chay Thánh và trung tâm của Năm phụng vụ. Các Giáo phụ gọi Tuần thánh là tuần trọng nhất trong Năm phụng vụ, tuần lễ mẹ các tuần lễ.

Nếu nhìn vào việc thành hình Năm phụng vụ, thì việc cử hành Ngày Chúa nhật hằng tuần và việc cử hành Lễ Phục sinh mỗi năm là khởi điểm của Năm phụng vụ. Các tín hữu thường tập họp mỗi ngày Chúa nhật để tưởng nhớ lại biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại. Rồi mỗi năm có việc cử hành các biến cố này một cách trọng thể hơn và đặc biệt hơn. Sau đó mới dần dần thành hình các việc cử hành các ngày lễ khác, và các mùa khác trong Năm phụng vụ. Ngay trong việc thành hình các Sách phúc âm, thì đơn vị văn chương tường thuật việc Chúa Kitô sống lại, và cuộc thương khó của Chúa cũng được coi là đơn vị đầu tiên được viết ra cho cộng đoàn tín hữu sơ khởi. Các Thánh ký viết phúc âm đã xử dụng các bài tường thuật cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Kitô như là đỉnh chót của việc loan báo tin mừng về Chúa Kitô.

2.       Nội dung của Tuần thánh và Tam nhật thánh

Chúng ta có thể nói ngay : đó là những biến cố vượt qua của Chúa Giêsu Kitô : việc Chúa chịu đau khổ, chết trên thập giá và sống lại. Mầu nhiệm vượt qua là trung tâm điểm của các việc cử hành trong Năm phụng vụ, của Tuần thánh và Tam nhật thánh. Công đồng chung Vaticanô II đã nhấn mạnh nhiều tới điều này trong Hiến chế về phụng vụ (các số 5. 6. 61. 102). Văn Kiện Những quy luật tổng quát năm phụng vụ (= QLTQNPV) nói một cách hết sức rõ ràng : “Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Người… Chính Tam nhật Vượt qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả Năm phụng vụ” (số 18 ; xc. số 19).  Như vậy cử hành mầu nhiệm này là cử hành công cuộc cứu chuộc chúng ta và toàn thể nhân loại.

3.       Xét về cách thế cử hành

Đi từ cách xếp đặt Tuần thánh, cũng như Tam Nhật Vượt qua, và nội dung cử hành, một hệ luận tất nhiên suy diễn ra từ đó ra, là phải cử hành rất long trọng, làm sao cho đúng với tầm quan trọng của nội dung cử hành này (xc. QLTQNPV, 1). Từ đây chúng ta thấy Tuần thánh và Tam nhật thánh có những lễ nghi đặc biệt và đã có từ lâu đời trong truyền thống phụng vụ. Lễ nghi không chỉ gồm việc cử hành thánh lễ, nhưng còn gồm các nghi lễ, phụ tích khác, giúp làm sáng tỏ mầu nhiệm và biến cố chứa đựng mầu nhiệm đó. Các lễ nghi này gợi hứng từ các biến cố cuối đời của Chúa Giêsu, thêm vào đó những hình ảnh lấy từ biến cố vượt qua của người Do thái xưa, nhằm làm sáng tỏ biến cố cuối cuộc đời Chúa Giêsu ở trần gian. Việc dùng các biểu hiệu rất phong phú, như biểu hiệu lá cây trong Chúa nhật đầu Tuần thánh, nến phục sinh trong Đêm vọng thứ bảy Tuần thánh. Âm nhạc, nhất là bình ca cũng được sáng tác hợp với diễn tiến buổi cử hành. Thời gian cử hành cũng cố gắng hết sức theo sát diễn tiến của các biến cố thánh, khác hẳn với thời gian các buổi cử hành trong cả năm. Tất cả nhằm làm sáng tỏ nội dung thần học của việc cử hành, và giúp tín hữu đi vào mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô một cách sâu xa hơn.

II.     Cử hành Tuần Thánh

          và Tam Nhật Thánh thế nào ?

Với những chỉ dẫn trên đây, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của Tuần thánh và Tam Nhật Thánh, và từ đây, ý thức về việc cử hành những ngày này phải thực sự rõ ràng: làm sao để cử hành các lễ nghi Tuần thánh và Tam nhật thánh hết sức long trọng và làm sao để giáo hữu tham dự hết sức đông đảo, và tham dự cách tích cực. Về điểm này, chính Công đồng chung Vaticanô đã nhắc tới : “…Giáo hội còn cử hành hết sức trọng thể vào dịp Lễ Phục sinh sự sống lại cùng với cuộc thương khó hồng phúc của Người” (PV, 102).

Để cụ thể hóa việc cử hành hết sức trọng thể Tuần thánh và Tam Nhật Vượt qua, chúng ta cần nhớ các điểm sau đây :

1. Phải tôn trọng thời gian cử hành, nơi cử hành và cơ cấu các buổi cử hành, như đã được quy định trong Sách Lễ Rôma. Các yếu tố này có một ý nghĩa biểu hiệu của chúng và đã có một truyền thống lâu đời. Chúng ta cần lưu tâm để không đem những sáng kiến cá nhân vào, làm lệch lạc cơ cấu, mất ý nghĩa nội tại của chúng.

2. Phải chuẩn bị trước các đồ dùng cần thiết cho mỗi buổi cử hành. Các thừa tác viên, nhất là các linh mục chủ sự phải  biết rõ các nghi lễ cử hành. Các người giúp lễ phải được tập dượt trước để biết các việc phải làm và các cử chỉ, điệu bộ phải có. Linh mục nên dành thời giờ để đọc trước nghi lễ sẽ cử hành, các bản  văn phụng vụ, các lời kinh phải đọc, nhất là khi có các lời kinh khác nhau có thể chọn lựa. Con số người giúp lễ cũng phải liệu con số đầy đủ để có thể nói là buổi cử hành trọng thể nhất trong năm. Thay vì chỉ có linh mục và một người giúp lễ mà thôi.

3. Giáo dân cần được giải thích trước để hiểu ý nghĩa các lễ nghi mà mỗi năm họ chỉ tham dự một lần mà thôi. Vì thế nếu được nên có những lời giải thích, vào những ngày trước khi cử hành, hoặc trước giờ cử hành các nghi lễ.

Phần vụ dành cho tín hữu : các lời đọc, đối đáp, phận vụ phụng vụ, những bái hát, cần để cho họ tham dự và thực hiện, thay vì một số người làm hết, hát hết, thay cho cộng đoàn.

4. Tính cách cộng đoàn cần phải được tôn trọng hết sức. Vì thế, các lễ nghi riêng rẽ, cần giảm bớt, nếu không vì lý do mục vụ chính đáng và luật phụng vụ cho phép. Các nhóm nhỏ, cũng phải hy sinh các sinh hoạt riêng rẽ trong Tuần thánh để dành tất cả thời giờ cho việc chuẩn bị và tham dự các lễ nghi Tuần thánh và Tam nhật thánh với cộng đoàn giáo xứ. Không nên cử hành riêng một lễ nghi cho một nhóm nào.

5. Tại nhà thờ chính tòa, tất cả các nghi thức phải được cử hành do giám mục giáo phận chủ sự. Đức Thánh Cha đã chủ sự các lễ nghi từ Chúa nhật lễ lá và Tam nhật thánh tại Rôma. Nếu vai trò chủ sự của giám mục cần thiết cho các buổi cử hành khác có tính các giáo phận, thì trong Tuần thánh và Tam nhật thánh vai trò chủ sự này càng quan trọng hơn và ý nghĩa hơn (xc. Sách cử hành phụng vụ của giám mục, Caeremoniale episcoporum, số 296).

6. Tính cách trọng thể được biểu lộ qua việc hát trong khi cử hành. Vì thế các ca trưởng phải chọn lựa bài thánh ca cho từng buổi cử hành đã được Hội đồng giám mục chấp thuận, và chọn theo ý nghĩa của mỗi lễ nghi, mỗi buổi cử hành. Các phần chung, cần tìm các bài hát thật dễ cho cộng đoàn cùng hát. Các phần dành cho linh mục, thừa tác viên cũng cần được hát do các vị này.

7. Kèm với các buổi cử hành, cần có bầu khí và sự chuẩn bị tâm hồn: vì thế cố tạo bầu khí hồi tâm, cầu nguyện, trước khi cử hành các lễ nghi Tuần thánh. Thói quen nói truyện cho tới lúc cử hành phụng vụ làm cản trở bầu khí cần thiết này. 

Để chuẩn bị nội tâm xứng đáng, một việc phải thực hiện, đó là thanh tẩy tâm hồn qua bí tích thống hối và hòa giải. Việc xưng tội là một yếu tố quan trọng để cử hành mầu nhiệm vượt qua, để lãnh nhận dồi dào ơn thánh từ mầu nhiệm này. Bức thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các linh mục trong ngày thứ năm Tuần thánh năm 2001 đã nói về bí tích hòa giải, như là biểu lộ lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Vì thế chính các linh mục phải ý thức điều này, năng lãnh nhận bí tích thống hối và hòa giải, giúp giáo dân ý thức về tội, và các linh mục cũng phải siêng năng ngồi tòa giải tội. Vì thế mỗi tín hữu cần cử hành bí tích này với tất cả ý thức về tầm quan trọng của bí tích, về hiệu lực thanh tẩy tâm hồn khỏi tội, và xưng thú tội tội của mình với linh mục. Và tránh để đến giờ phút chót của ngày thứ bảy tuần thánh.

8. Các buổi cử hành các việc đạo đức bình dân, có ý nghĩa và mục đích riêng của chúng. Tuy nhiên không được lấn át việc cử hành phụng vụ, đặc biệt phụng vụ Tuần thánh. Việc ngắm nguyện, nếu nơi nào còn giữ, cần tổ chức cho hòa hợp với buổi cử hành phụng vụ. Việc ngắm đàng thánh giá cũng thế. Phải khuyến khích tham dự đầy đủ buổi cử hành phụng vụ. Phải có khoảng thời gian thích hợp giữa buổi cử hành phụng vụ và việc đạo đức bình dân như ngắm nguyện, nhất là khi việc ngắm nguyện kéo dài. Như vậy giáo dân có khoảng trống thinh lặng và thanh thản để suy niệm, nghiền ngẫm, cầu nguyện, để tham dự và lãnh hội ơn thánh từ các buổi cử hành phụng vụ và các việc đạo đức bình dân.

III.    Một số lưu ý đặc biệt

Sau đây là một số điểm lưu ý đặc biệt liên hệ tới các buổi cử hành trong Tuần thánh và Tam nhật thánh.

1.       Chúa nhật lễ lá

Nghi thức của ngày Chúa nhật lễ lá gồm có việc rước kiệu tưởng nhớ biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể và tôn vinh Chúa Giêsu là Vua, rồi việc công bố trọng thể bài thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Mathêô (năm A), Marcô (năm B) và Luca (năm C), và sau cùng là thánh lễ. Ba nghi thức này nói lên vinh quang của Chúa Kitô và đồng thời chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa. Tất cả cho thấy hành trình của Chúa Kitô trong những ngày cuối cùng cuộc đời Ngài. Ngài được tôn vinh qua thập giá. Lễ nghi cần có đủ thừa tác vụ, phó tế, nếu có, để cử hành cuộc rước kiệu bình thường, để cầm thánh giá, đèn nến, bình hương và tàu hương, sách lễ ; ba phó tế, hoặc ca viên để công bố bài Thương khó. Nghi thức làm phép lá nên cử hành tại một nơi khác ngoài nhà thờ, để sau đó có thể đi kiệu vào nhà thờ. Các thánh vịnh 23 và 46 nên được chọn hát khi đi kiệu để tôn vinh Chúa chiến thắng. Khi công bố bài Thương khó, không dùng hương, không lời chào ban đầu; được công bố do ba phó tế, hay do hai ca viên và linh mục giữ vai Chúa Giêsu. Không được bỏ giảng sau bài Thương khó

(còn tiếp)

Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

Nguồn simonhoadalat.com

Follow Me:

Trả lời