Chia Sẻ Lời Chúa

Đức tin và hành động cụ thể – Chúa Nhật 2 Phục Sinh C

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 20, 19-31)

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

******

Trong nhóm Mười Hai Tông Đồ, có một ông tên Tôma, cũng gọi là Đi-đy-mô, có nghĩa là “Sinh đôi”. Tin Mừng không nói rõ ông sinh đôi với ai, nên chúng ta có thể nói rằng Tôma như người anh em sinh đôi của mỗi người chúng ta khi chúng ta cũng do dự và hoài nghi trên con đường đức tin.

Đức Giê-su nói: “Tôma, vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin ! Chúa Giêsu cũng đã nói điều này với hàng triệu Kitô hữu từ hai ngàn năm nay. Và Người vẫn nói điều đó với chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta chưa bao giờ gặp Chúa Kitô bằng xương bằng thịt cũng như chưa một lần chạm vào Người như các Tông đồ, nhưng chúng ta tin vào Tin Mừng, tin vào chứng từ của các Tông đồ được truyền từ đời này sang đời nọ. Chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng chúng ta tin rằng Người hiện diện qua một số dấu chỉ : qua các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, qua Kinh thánh: đọc và suy gẫm Lời Chúa, qua các buổi nhóm họp của các Kitô hữu, vì Chúa Kitô đã nói : Ở đâu có hai ba người họp nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18, 20), qua những người làm việc bác ái, những người xây dựng công lý và hòa bình.

Một em bé đang đêm giật mình tỉnh giấc, cảm thấy lo sợ vì chung quanh tối mù. Nhưng khi thấy ba mẹ nằm kế bên, em bé thấy an tâm và ngủ tiếp. Cũng vậy, khi chúng ta xác tín rằng Chúa luôn ở giữa chúng ta, bóng tối trở thành ánh sáng, lo lắng sợ hãi trở thành sự vững tin và bình an. Chúng ta đã nhiều lần hát thánh vịnh 22: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”. Đức tin làm cho chúng ta sống và giúp chúng ta sống. Đó là đặc điểm thứ nhất của đức tin.

Đặc điểm thứ hai của đức tin, đó là nó phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Thánh Giacôbê có nói: “Ðức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Nếu ai đó nói rằng họ yêu cha mẹ mà cả năm không viết thư, chẳng thăm hỏi, thì hỏi người đó có thương yêu cha mẹ thật tình không ? Nếu cả năm trời, một anh chàng không điện thoại cho bạn gái, cũng không bao giờ mời đi chơi hoặc đi ăn nhà hàng chẳng hạn, thử hỏi anh ta có thực sự yêu cô ấy không ? Ðương nhiên, những sự thăm hỏi, quan tâm, ân cần này không phải là tình yêu nhưng là những hành động cụ thể của tình yêu.

Không ai nhìn thấy hay chạm vào tình yêu, nhưng chỉ nhìn thấy những dấu hiệu, những biểu hiện cụ thể của nó. Tình yêu không có dấu chỉ cụ thể thì không có giá trị gì cả ! Trong lãnh vực đức tin cũng giống như vậy. Đức tin phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, chẳng hạn qua việc tham dự và lãnh nhận các bí tích, qua việc suy gẫm Lời Chúa, qua việc cầu nguyện, qua các hoạt động bác ái, v.v…

Đặc điểm thứ ba của đức tin, đó là nó phải được phát triển bằng những hành động cụ thể như vừa được kể trên. Đức tin là một hồng ân Chúa mà chúng ta đã nhận được khi chúng ta lãnh bí tích rửa tội. Nhưng hồng ân này không phải là trái cây chín sẵn để ăn, cũng không phải là một viên ngọc trai để nâng niu. Đức tin giống như một hạt giống đã được gieo vào lòng mỗi người. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải vun xới để đức tin được nảy mầm, phát triển và sinh nhiều hoa trái.

Đã nhiều lần, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, nhưng Chúa chỉ ban cho chúng ta hạt giống của hòa bình, nghĩa là mỗi người có thể yêu thương nơi mình đang sống. Đã nhiều lần, chúng ta cầu nguyện xin cho hết nạn đói trên thế giới, nhưng Chúa chỉ cho chúng ta hạt giống, nghĩa là cho chúng ta có thể chia sẻ của cải của chúng ta với những người nghèo trong khu phố, trong giáo xứ, trong nơi chúng ta sinh sống. Không phải Chúa mà chính chúng ta là người xây dựng thế giới, xã hội công bằng, yêu thương và đoàn kết bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, với sự trợ giúp của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta luôn vui tươi, nhiệt thành để ươm mầm và phát triển những hạt giống mà Chúa đã ban tặng và giao phó cho mỗi người chúng ta. Amen.

Nguồn: daminhtamhiep.net

Follow Me:

Trả lời