Sáng tác Tùy Bút Văn Nghệ

Giai âm ngày tết – Ngắn quá.

Giai âm ngày tết – Ngắn quá.
“Trong mồng ngoài mồng” là cách người Việt thường dùng để diễn tả một thói quen tâm lý về cái gọi là Tết. Nếu như mồng Một, mồng Hai, mồng Ba được kể là những ngày “chính lễ” thì mồng bốn, mồng năm…..được tính vào những ngày kéo dài niềm tiếc nuối, và mồng mười thì dù có nuối tiếc cũng đành phải chia tay, lúc này bánh tét, bánh chưng đã hết, mùi hương cũng đã nhạt màu, những cành đào, cành mai cũng bắt đầu rụng cánh…Tóm lại, niềm vui năm mới kể như đã khép.
 
Cái thói quen thời xưa ấy, thời nay vẫn thế; thời còn hồn nhiên đã có và buổi xế bóng vẫn không nguôi, chốn quê các đậm màu, chốn thị thành cũng không hề bớt xén. Một thói quen đã quá lâu, một thói quen cổ truyền. Một thói quen đã gấp nếp thành văn hóa, thành thứ di sản thiêng liêng lưu truyền trong huyết quản của từng còn người qua bao thế hệ, dù nó luôn đượm buồn. Tôi băn khoăn tự hỏi, cái vòng thời gian ấy cứ năm này qua đi, năm sau lại tới, mà sao người ta vẫn không lấy làm thường, người ta vẫn tiếc nuối, có phải đơn thuần là chuyện “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh”? Hẳn là không, vì cùng năm tháng, vòng đời chuyển dịch, từ măng sữa đến ngày già nua, niềm vui vật chất ấy thường chỉ là chuyện của buổi thiếu thời như người ta vẫn thường nói. Người ta tiếc nuối gì, phải chăng là chuyện nghỉ ngơi, có lẽ cũng không phải, vì trong một năm, có biết bao nhiêu ngày nghỉ lễ. Vậy người ta tiếc nuối gì? Phải chăng là một cái gì đó rất quý, rất lớn, rất đáng trân trọng! Có lẽ là vậy, ngày tết là lúc người ta khép lại những giận hờn, tranh chấp. Ngày Tết là thời gian để bỏ qua, để tha thứ, để làm hòa. Nói cách khác, ngày Tết là những giờ phút để mọi người xích lại gần nhau, nối lại những gì đã đứt, ghép lại những gì đã vỡ, tìm lại những gì đã mất, những thứ mà trong một năm, những lo toan tính toán của gánh mưu sinh đã phá vỡ, đã làm phai nhạt, đã lãng quên…Tết, đẹp biết bao!
Hôm nay mồng mười rồi, hôm nay nơi các bến xe, ga tàu, tấp nập những đoàn người đang chào quê hương, tạm chia tay gia đình, bạn bè, người thân, và đằng sau đó, ẩn chứa một cái gì rất nghiệt ngã. Người ta trở lại với những câu chuyện đời thường, những công việc đời thường và rồi, người ta lại kéo mọi sự trở lại trong cái vòng xoáy nghiệt ngã của điều mà người ta quen nói: “Bình thường thôi mà nghe sao không bình thường”. Cuộc mưu sinh và sự sát phạt, gánh cuộc đời và những tranh chấp, thậm chí bất chấp. Cái Ta bao dung sẽ dần dần bị giam hãm, nhốt kín, để nhường chỗ cho cái Tôi ích kỷ, hẹp hòi. Tết chỉ còn lại như một điệp khúc buồn lê thê, như một nốt trầm giai dẳng của kiếp nhân sinh.
Ôi, mùa xuân nhân thế sao quá ngắn, niềm vui nhân thế sao quá nghèo! Có lẽ tôi, chúng ta không lầm khi đi tìm Mùa Xuân vĩnh cửu!
Cecilia Yến

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời