Chia Sẻ Lời Chúa

Hãy kiên trì cầu nguyện – Chúa Nhật 29 Thường Niên C

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 18, 1-8):

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó ! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

**************

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta về sự kiên trì trong cầu nguyện.

Bài đọc 1 là một minh họa rất hay về sức mạnh của lời cầu nguyện trong kiên trì, nhẫn nại: trong cuộc chiến chống quân A-ma-lếch, kẻ thù của dân Ít-ra-en, ông Mô-sê không ngừng giơ tay cầu nguyện. Khi ông Mô-sê mỏi tay, người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi và đỡ tay ông, vì khi nào tay ông Mô-sê còn giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn với hai nhân vật: bà góa và vị quan tòa. Ông này được coi là bất chính, coi thường mọi người. Vì bà góa kiên nhẫn xin ông xét xử, nên cuối cùng ông cũng phải giải quyết cho bà.

Chúa Giêsu kết luận: Nếu ông quan tòa này chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”, mà còn minh xét cho bà góa, huống chi là Thiên Chúa, Người sẽ nhậm lời những ai cầu xin Người.

Vâng, nhưng đó không phải là điều mà chúng ta đã từng kinh nghiệm trong cuộc sống sao? Biết bao lần chúng ta nài xin Chúa với niềm tin tưởng nhưng lại không được nhậm lời! Ðến nỗi, có lúc chúng ta nản chí muốn buông xuôi, và nghĩ rằng cầu nguyện chẳng ích lợi gì cả. Hơn nữa chúng ta có lý do chính đáng để nói như thế khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6, 7-8). Vậy, tại sao phải cầu nguyện? Tại sao Chúa không nhậm lời cầu xin của chúng ta? Có phải Người muốn thử lòng tin của chúng ta chăng? Chắc chắn là Chúa không cần thử thách để xem đức tin của chúng ta mạnh mẽ tới đâu. Chúa không phải là người bạo tàn!

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa không bắt họ chờ đợi, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” Nếu Chúa Giêsu nói đúng, chúng ta phải nhận ra rằng sự chờ đợi mà chúng ta có kinh nghiệm hằng ngày không đến từ Thiên Chúa, mà là đến từ chúng ta! Phải chăng chính Chúa chờ chúng ta? Thánh Augustinô giải thích rằng lời cầu nguyện không phải để thông tin cho Chúa, nhưng là để biến đổi người cầu nguyện. Thánh Anselmô cũng cùng ý tưởng đó khi nói rằng: “Ngươi đang ở trong con thuyền được cột bởi một dây vào một mỏm đá trên bờ. Khi kéo dây, ngươi có cảm tưởng mỏm đá tiến gần đến ngươi. Nhưng thực ra, chính ngươi tiến gần đến mỏm đá. Cầu nguyện cũng như thế : chính ngươi tiến gần đến Chúa.”

Nếu cầu nguyện dùng để biển đổi tâm hồn chúng ta, chúng ta sẽ hiểu dễ dàng tại sao Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Ðây là chiều kích đức tin. Ðức tin chịu thử thách bởi thời gian kéo dài, bởi những thất vọng, khó khăn, thất bại và sợ hãi. Ðối với người tín hữu, đó là tin vào Thiên Chúa, ngay cả khi tình yêu của Người không hiển hiện. Và như vậy, Người nào bền bỉ, kiên trì, người đó sẽ thắng.

Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi thứ nhất, nhưng với câu hỏi thứ hai: Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” thì Người không trả lời. Mỗi thế hệ, đặc biệt, mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi này. Ðây không phải là câu hỏi về số liệu thống kê. Ý nghĩa sâu xa của câu hỏi này, không phải ở chỗ: “Sẽ còn bao nhiêu Kitô hữu, bao nhiêu người siêng năng đến nhà thờ đi lễ, bao nhiêu linh mục, tu sĩ…”, mà là: “Trong mức độ nào, người ta còn tin vào Thiên Chúa, Đấng là Tương Lai duy nhất của nhân loại? Chúng ta có bền chí cho đến cùng trong đức tin không? Chúng ta có tiếp tục tin tưởng vào Chúa, một cách cụ thể hay không?”

Tin, trước tiên là tin tưởng. Mỗi người chúng ta sống giữa sự ngờ vực và sự tin tưởng. Ngờ vực, nếu chúng ta nghĩ rằng mọi sự càng ngày càng tệ, rằng không có gì thay đổi, nếu mỗi ngày chúng ta lập lại câu: “Mình làm gì được !”. Tin tưởng, nếu chúng ta dám đối diện với cuộc sống. Tin tưởng vào Chúa, tin tưởng vào cuộc đời, tin tưởng vào tương lai. Lúc đó, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ có một chiều hướng mới. Chúng ta sẽ không ngừng đọc: “Nguyện Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện”. Biết rằng ý muốn của Chúa là con người hằng sống và sống dồi dào.

Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và kiên trì cầu nguyện!

Nguồn: daminhtamhiep.net

Follow Me:

Trả lời