Tin trong nước

Hơn 25 người chết, mất tích do lũ

Hơn 25 người chết, mất tích do lũ

Thứ Bảy, 16/11/2013 11:30

(NLĐO) – Theo thông tin mới nhất, mưa lũ đã làm 18 người chết, 7 người mất tích tính riêng khu vực 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Cụ thể Quảng Ngãi 7 người, Bình Định 6 người, Quảng Nam 2 người, Phú Yên 1 người, Gia Lai 1 người và 1 người mất tích là Nguyễn Thị Yến ở Gia Lai.
Từ đêm qua đến rạng sáng nay (16-11), miền Trung đổ mưa liên tục, thủy điện xả lũ khiến các tỉnh thành từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định bị ngập nặng. Lũ nhiều sông miền Trung cao hơn đỉnh lũ lịch sử 1999. Hàng vạn ngôi nhà chìm trong nước, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn.

Lũ dâng cao ở các sông Quảng Nam. Ảnh: Tr. Thường

 
 
Quảng Nam: 2 người chết
Ngày 16-11, dọc từ huyện Núi Thành ra đến huyện Điện Bàn nơi giáp với Đà Nẵng, nhiều nơi bị ngập sâu trong nước lũ, lụt.
Tại tuyến đường QL1A đoạn qua thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã bị ngập trong nước đến 20 cm, hàng chục Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam, có mặt để điều tiết giao thông, xe cộ qua lại đoạn ngập. Còn nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã bị chìm sâu trong nước, tuyến đường từ ngã ba Kỳ Lý xuống xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ cũng bị ngập từ 1 đến 1,3m, không lưu thông qua được. Lực lượng chức năng đang tổ chức đưa thuyền đến giúp dân.
 
Quốc lộ 1A ngập nước
 
Cảnh sát điều tiết giao thông trên Quốc lộ 1A. Ảnh: Thúy Phương
 
Hiện lũ trên sông Bà Rén, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã vượt mức báo động 3, hàng loạt nhà dân ở các khu vực trũng thấp trên địa bàn xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn đã bị ngập từ 0,5 đến gần 1 m nước. Hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm đều bị cô lập, người dân phải đi lại bằng những chiếc ghe nhỏ.
Tại Đại Lộc, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch huyện, cho biết từ tối 15-11, nước lũ lên nhanh khiến hầu hết các xã tại huyện Đại Lộc đã bị nước lũ chia cắt hoàn toàn.
 
Người dân chèo ghe sơ tán
 
Tới chiều tối 15-11, huyện Đại Lộc đã tổ chức sơ tán khoảng 1.200 hộ dân với 3.900 nhân khẩu tại các vùng thấp trũng đến nơi an toàn. “Mực nước lên nhanh, mưa vẫn chưa có dấu hiệu dừng nên chúng tôi đã thông báo cho người dân để họ có biện pháp phòng tránh” – ông Tính nói.
Đến rạng sáng 16-11, tại huyện Đại Lộc, nước đang rút dần nhưng mưa vẫn rất to. 
 
 
Nhà dân chìm trong biển nước. Ảnh: H. Dũng
 
Tại Hội An, đỉnh lũ đang ở mức 2,4 m, trên mức báo động III 0,4 m, dự báo đến chiều tối nay lũ đạt đỉnh 2,8 m, tương đương mức lũ năm 2009. Tại Hội An, trời vẫn đang mưa rất to và mực nước vẫn tiếp tục dâng. Các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo đều bị ngập nặng, có đoạn sâu gần 2 m.
 
TP Hội An đã khẩn cấp tổ chức di dời dân các vùng trũng thấp đến nơi an toàn, các xã phường đều đã mở cống bản để đảm bảo việc tiêu thoát lũ; Ban Quản lý Bến thủy nội địa thông báo dừng mọi hoạt động của các bến đò ngang, các hoạt động đánh cá, vớt củi trên sông cũng bị nghiêm cấm. Các khu nhà cổ đã được chèn chống trong bão số 14 và nay tiếp tục được gia cố; các công ty lữ hành du lịch hạn chế du khách chụp hình quay phim trong lũ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
 
Tại huyện Điện Bàn, đến sáng nay, các địa phương trong huyện gần như bị cô lập hoàn toàn. Vào đêm qua, lực lượng cứu hộ huyện Điện Bàn và xã Điện Quang đã vật lộn với nước lũ trong hơn 3 giờ mới cứu thoát được 16 công nhân giữa dòng nước lũ về nơi an toàn. Những công nhân này thuộc đơn vị thi công cầu Kỳ Lam trên đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua xã Điện Quang. Tuy đã được địa phương thông báo di chuyển nhưng do chủ quan nên khi nước lũ dâng cao, họ bị kẹt giữa cồn đất.
 
Chèo ghe đi tránh lũ. Ảnh: H. Dũng
 
Trong khi đó, theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, trên địa bàn đã có một người thiệt mạng do lũ.
Nạn nhân là bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn). Vào khoảng 16 giờ, ngày 15-11, bà Chí đi chăn trâu về, gặp mưa lớn, không may bị sụp xuống cống bị đuối nước. Mặc dù người dân phát hiện kịp thời và tiến hành cấp cứu nhưng bà Chí vẫn không qua khỏi. Hiện nạn nhân đã được gia đình và chính quyền địa phương đưa về nhà lo hậu sự.
 
Nạn nhân thứ hai là em Lê Ngọc Triều (SN 1996, ngụ thôn Ô Gia Nam, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc), hiện là học sinh lớp 12, trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, huyện Đại Lộc.
Khoảng 10 giờ sáng nay, nước vẫn còn lớn và có mưa to, Triều lùa đàn vịt ra đồng để thả thì bất ngờ trượt chân xuống ống cống nước xoáy ở gần nhà. Khi người dân phát hiện và vớt được thì Triều đã tử vong.
 
Về tình hình mưa, lũ tại huyện Nông Sơn, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết trên địa bàn huyện có mưa lớn, nước dâng nhanh khiến các con đường vào trung tâm huyện đã bị chia cắt. 7 xã trong huyện cũng bị chia cắt.
 
Quảng Ngãi, Bình Định: Nhiều nơi bị cô lập
 

Người dân đi trong lũ ở Quảng Ngãi. Ảnh: Tử Trực

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Phòng chống lụt bão Khu vực miền Trung- Tây Nguyên, lũ ở các sông miền Trung hiện cao hơn đỉnh lũ lịch sử 1999, khiến hàng vạn ngôi nhà bị ngập trong nước, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn. Đến thời điểm này, mưa lũ làm 3 người chết (Quảng Ngãi: 1, Bình Định: 1, Gia Lai: 1 ), 4 người mất tích (Bình Định: 2, Phú Yên: 1, Gia Lai: 1) và 2 người người bị thương (Quảng Ngãi: 1; Bình Định: 1).
Tại Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh bị ngập trên diện rộng, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn, nhiều xã bị chia cắt do tuyến giao thông và cầu bị ngập như huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Tư Nghĩa…  Ngoài ra, các xã thuộc lưu vực sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Thoa thuộc các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức đang bị nước lũ gây ngập lụt.
 
Về thiệt hại ban đầu, tỉnh đã có 2 người chết, 2 người bị mất tích, một người bị thương do sạt lở núi. Hai người chết là cháu Vương Thị Thu Thảo (10 tuổi ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) và ông Lâm Quang Vinh (34 tuổi ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh). Hai người mất tích là vợ chồng anh Đinh Văn Lạc và Đinh Thị Nhiếp ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây do sạt lở núi sập nhà vùi lấp.
 
Nhiều nhà cửa, kho tàng bị sụp đỗ, nước cuốn trôi hoặc bị tốc mái hư hỏng, hệ thống hạ tầng về giao thông thủy lợi bị nước xói lở hoặc cuốn trôi. Hệ thống điện và viễn thông ở nhiều vùng bị tê liệt. Nước sinh hoạt ở TP Quảng Ngãi cũng bị cúp. Sáng nay mực nước trên các con sông còn rất cao, nhiều vùng vẫn còn bị cô lập, nhiều đoạn đường trên tuyến Quốc lộ IA, Quốc lộ 24, Quốc lộ 24 B bị ách tắc giao thông; nhiều tuyến đường liên huyện đều bị nước lũ chia cắt, nên rất khó khăn trong việc vận chuyển tiếp tế lương thực và nước uống cho các vùng bị cô lập.
 
Tại Bình Định, có 35 hộ/140 người bị ngập tại 2 xã Canh Hiển và Canh Vinh, huyện Vân Canh, nhiều đường dây điện thoại bị đứt. Theo thống kê mới nhất, có 9 cây cầu và 1.500 hộ dân bị ngập nước, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt giữa các xã Xuân Lãnh, Xuân Long và Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân.
 
 
Tr.Thường – H. Dũng – K. Sơn – Th. Phương – Xuân Long

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời