Truyện

Hương bồ kết – Phượng Tím

Cô giáo Thiên Trang, Chủ nhiệm lớp Tám, cô đúng là một mẫu người được trời cho khả năng thiên phú trong ngành Giáo dục. Ở trường Trung học này, có được một Giáo sư như cô thì quả là may mắn cho các học sinh. Nói đến Giáo dục, là nói đến một ngành nghề không kiếm ra tiền như bao nhiêu doanh thương khác, nhưng lại quan trọng hầu như số một cho xã hội, những Thầy Cô theo ngành này cũng rất nhiều, nhưng có được một tâm hồn tế nhị để hiểu và thông cảm, một kiến thức rộng rãi và khả năng tuyệt vời để truyền đạt, một lòng đạo đức để nêu gương thì quả thực hiếm hoi trong xã hội bây giờ, khi mà tiền bạc đã đánh đổ tất cả lòng tự trọng, và trào lưu sống trưởng giả làm xóa nhòa đi cái văn hóa truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam từ bao đời nay.

Lớp Tám, trong đó có nhóm Phượng Tím của Liễu và các bạn đã qua gần một năm học với cô Thiên Trang làm Chủ nhiệm, một năm được học một cô giáo tài năng gương mẫu hướng dẫn quả là ngắn ngủi, cả nhóm đã đạt được những số điểm không ngờ trong bảng tổng kết cuối năm, phần lớn nhờ vào lòng tận tụy của cô Thiên Trang. Và không chỉ riêng nhóm Phượng Tím, cả lớp đều nhận ra điều này, những bạn kém cỏi nhất tưởng chừng sẽ còn ở lại để…cô làm Chủ nhiệm thêm năm nữa, cuối cùng vẫn lên lớp với số điểm trung bình.

Xuyên, Trưởng lớp Tám, đã nhóm họp các đội trưởng và một số các bạn nhiệt tình để bàn thảo về việc giã từ Cô Chủ nhiệm, nói là giã từ, thực ra lớp Tám sẽ không còn được cô làm Chủ nhiệm trực tiếp dìu dắt hướng dẫn như đang học lớp Tám, vì cô vẫn còn dạy môn Công dân giáo dục, Sinh ngữ và phụ trách Sinh họat học đường cho tất cả các lớp trong trường.

Cái khó là cô Thiên Trang rất thẳng thắn, cô tế nhị trong cách giao tiếp với các học sinh, nhưng những gì có vẻ khen ngợi một cách nịnh bợ tâng bốc chẳng bao giờ làm cho cô vui, trái lại có khi cô còn gọi lên văn phòng để “chỉ bảo” cho cách thức “giao tế” nữa. Không ít học sinh đã học hỏi được những điều hay của cô.

Trong buổi họp của lớp Tám, bàn về vấn đề “ân nghĩa Thầy trò” Xuyên đã đưa ra đề nghị:

-Chúng ta sẽ làm gì để cám ơn cô Thiên Trang đây? Các bạn có nghĩ là chúng ta sẽ gởi tặng cô một cặp áo dài trắng tương tự như áo cô thường bận đến trường không?

-Không biết cô sẽ nghĩ gì khi chúng ta làm vậy! Cũng không đáng giá gì nhiều, nhưng các bạn biết cô giáo của mình rồi, không khéo lại lãnh đủ! Liễu góp ý.

-Thực là khó nghĩ! Chẳng phải cô khó khăn gì, nhưng cô không muốn nhận bất cứ quà cáp gì cả, cô không muốn người khác nghĩ đến sự thiên vị vì những món quà.

-Trong dịp Tết, lớp mình mừng tuổi cô bằng một hộp bánh mứt, thế rồi trong buổi liên hoan lớp cuối năm, cô đã mang đến lớp để ăn chung. Nhung nói.

Thương nhận xét:

-Đối với cô Thiên Trang, lời cám ơn hay quà tặng đẹp nhất, tốt nhất là hãy cố gắng học hành, hãy trở thành một học sinh gương mẫu, đã bao lần cô nói như thế!

-Nếu một người khác mà nói vậy thì có khi chỉ là lời khuyên bình thường hàng ngày, nhưng với cô Thiên Trang thì phải coi như là “khuôn vàng thước ngọc” cho học sinh. Diễm phụ họa.

-Cái điều lạ là cô thẳng thắn cương trực mà lại hòa đồng mới hay chứ! Nghịch ngợm như tao mà cô chẳng giận bao giờ, tao thấy đứa nào cũng thoải mái gặp cô, đâu có sợ sệt gì đâu! Hằng góp ý.

-Có đứa cũng sợ cô chứ! Nhóm thằng Cương đầu đinh sợ cô một phép!

-Tụi nó có tật giật mình, chứ cô có bao giờ la mắng ai đâu! Mà cũng lạ, cái thằng ngang ngạnh lại sợ cô mới tức cười chứ! Thằng Cương đã có lần cãi nhau với Thầy thư ký văn phòng, lần đó nếu không nhờ cô Trang thì nó đã bị đuổi học. Nhưng cũng từ dạo đó nó mới đỡ quậy các Thầy cô.

-Trở lại vấn đề cô Thiên Trang đi chứ! Lạc đề rồi! Xuyên nói.

-Mình có ý kiến lớp tổ chức một ngày picnic ở Thác Xuân Sơn, mời cô Chủ nhiệm Thiên Trang hướng dẫn. Liễu đưa ý kiến.

-Vậy hóa ra nhờ cô đi coi sóc tụi mình chứ trả được lễ nghĩa gì! Hằng trả lời.

-Trên nguyên tắc thì hầu như là thế! Nhưng với cô Thiên Trang, người phụ trách sinh họat Học đường thì lại khác, tụi mình muốn chứng minh cho cô thấy cái kết quả của những ngày cô giảng dạy, cô sẽ rất vui khi tụi mình tổ chức qui củ, biết giữ gìn thể diện cho Trường cho lớp…

Xuyên tán thưởng:

-Ý kiến của Liễu rất hay, nhóm Phượng Tím các bạn đã được các Thầy cô khen, thực là không sai! Mình nghĩ không ra cách nào khác cả, vì cô Thiên Trang sẽ không nhận bất cứ quà cáp hiện vật nào, ngòai những gì về phương diện tinh thần. Buổi picnic là một món quà tinh thần cho cô, chắc chắn cô sẽ không từ chối!

Dung phó lớp:

-Bây giờ phải dự trù ngày nào đi nữa. Rồi sẽ mang theo thức ăn gì

-Ở Thác Xuân Sơn thì chắc không có quán hàng gì ở đó. Hay là tụi mình đi suối nước nóng Bình Châu?

-Không được đâu! Mình đi có tính cách tạo niềm vui trong lớp để trao đổi, học hỏi. Đến Bình Châu bao nhiêu người xô bồ chẳng có thể sinh họat riêng tư được.

-Sao lại không có chỗ? Mình muốn hay không thôi chứ! Ở vùng đó rất rộng rãi, mình có thể đi xa cách biệt chỗ đông người.

-Ý mình muốn nói là sẽ bị phân tâm khi tới vùng đó! Đi qua những chỗ đông người để tới một nơi vắng hơn có thể sẽ khiến một số bạn cảm thấy mình lạc lõng, rồi cứ ngong ngóng đến chỗ đông người đó, chẳng tập trung tinh thần cho sinh họat lớp.

-Có lý đó. Cô Thiên Trang nếu biết được ý kiến này, có thể cô ấy sẽ rất vui.

-Vậy giữ ý kiến đi Thác Xuân Sơn nhé! Xuyên quyết định.

-Còn phương tiện đi lại thì xe đạp như đi học vậy. Chỉ có cô Trang, cô có xe nổ, nhưng mình mời cô tham dự, vậy đứa nào có xe nổ chở cô đi thì hay hơn.

-Để mình lo vụ chở cô giáo. Anh rể mình mới mua chiếc Dream, mình sẽ mượn một ngày để đi picnic.

Liễu nhắc:

-Hôm nay tạm quyết định thế. Tuần tới tụi mình nhóm họp lại để lên các chi tiết cho ngày picnic. Chơi cái gì, ăn cái gì….

-Đúng, hôm nay trễ rồi. Vậy hẹn các bạn tuần tới cũng giờ này nhé! Xuyên đứng lên.

Vậy là lớp Tám quyết định sẽ đi chơi Thác trong dịp Lễ Lao Động đầu tháng Năm, trước mùa Hè. Khi Xuyên, Dung và Liễu mời cô đi picnic, cô cũng hơi ngạc nhiên, nhưng nghe Trưởng lớp nói về chuyện nhân chuyến đi chơi muốn cô cho cả lớp một bài học về sự liên đới giữa các bạn cùng lớp, vai trò và trách nhiệm của mỗi người trong công việc chung, cô Thiên Trang đã vui vẻ hưởng ứng, đồng thời cô còn hứa sẽ mang theo một ít đồ ăn cho lớp nữa. Xuyên và các bạn năn nỉ cô là đừng mệt thêm vì các em, chỉ cần cô đi là vui rồi, cô Thiên Trang cười trả lời:

-Thế các em vừa nói là trách nhiệm chia sẻ công việc chung, vậy cô không đáng được hưởng công bằng trong việc chung này à?

-Dạ, không phải thế thưa cô! Chúng em muốn là mời cô cùng đi và thấy chúng em lo toan được mọi chuyện tốt đẹp, để cô vui chứ không muốn cô phải bận tâm chút nào cả!

Cô Thiên Trang cười:

-Ồ vậy thì các em có đoan chắc là sẽ lo toan được mọi chuyện hòan tòan tốt đẹp không?

Xuyên lúng túng nhìn Dung và Liễu:

-Dạ, cái đó thì…thì…

Liễu đỡ lời:

-Dạ thưa cô, chúng em sẽ cố gắng hết sức để chứng tỏ là mọi chuyện được lo toan đầy đủ.

-Em cũng không khẳng định là mọi chuyện sẽ hoàn tòan tốt đẹp?

Đến phiên Liễu lúng túng:

-Dạ thưa cô…, chúng em đã phân công cho tất cả các bạn từng đội rồi ạ!

Cô Trang cười vui vẻ nói một cách ôn tồn:

-Cô đùa cho vui đấy thôi! Cô rất hài lòng vì các em đã biết nghĩ đến cô, nhưng các em biết, bất cứ một công việc nào nếu có mình tham dự, dù mình ở cương vị nào, là thành viên hay khách mời hãy đưa bàn tay của mình ra để đóng góp, có như thế sự liên đới giữa mọi người càng thêm thắt chặt, và tình cảm thân thiện sẽ nẩy nở trong tinh thần việc chung. Hơn nữa, cô đang là Chủ nhiệm của lớp Tám, cô còn có trách nhiệm với các em nữa mà. Nhưng các em đừng bận tâm, cô cũng chỉ làm một phần nhỏ thức ăn chung vui với các em thôi!

Xuyên, Dung và Liễu sau khi gặp cô Thiên Trang, đã về lớp kể lại sự việc, cả lớp rất xúc động khi biết cô Chủ nhiệm đã đồng ý tham dự không như là dự định của lớp, nghĩa là khách mời, nhưng lại như là một thành viên của lớp.

Thương phát biểu ý kiến:

-Cô Thiên Trang chẳng bao giờ chịu khoanh tay đứng nhìn đâu! Mình nhớ dịp văn nghệ Trường, đã gần nửa đêm, cô vẫn ở lại thu dọn bàn ghế với mọi người, trong khi một số Thầy cô đã về trước rồi! Mà lúc đó các anh chị lớp Mười, Mười Một, Mười Hai còn ở đó đông lắm, có người đã nói cô nghỉ đừng làm gì cho mệt, nhưng cô vẫn vui vẻ cho đến giờ phút cuối.

Xuyên cũng xúc động nói:

-Các bạn thân mến, lớp chúng mình chỉ một lần này thôi là có cô Thiên Trang tham dự picnic trong tính cách cô đang là Chủ nhiệm lớp, các bạn hãy cố gắng xăn tay áo để góp bàn tay cho cuộc vui làm hài lòng cô nhé!

Dung, phó lớp tiếp lời Xuyên:

-Chẳng phải khó nhọc gì, chỉ là tuân theo các chỉ thị về an toàn như đừng tắm nơi khúc thác nguy hiểm, đừng ẩu đả với người khác dù ai đó làm mích lòng, nhất là những thanh niên nam nữ cùng đến vui chơi trong Thác hôm đó, luôn theo sát sinh họat lớp, đừng xé lẻ chia ba chụm bảy riêng tư….đại khái là thế.

-Đề nghị các bạn thật nhiệt tình trong các trò chơi mà Khối sinh họat của lớp đưa ra, chúng ta sẽ có một số trò chơi vui trong buổi picnic, chương trình giờ giấc đã được lên rõ ràng, tới thác vào khỏang 9 giờ sáng Chủ Nhật và kết thúc vào khỏang 4 giờ chiều. Mình sẽ đưa cho mỗi đội trưởng, khối trưởng…tờ chương trình ngày picnic trong buổi học ngày mai. Các bạn nhớ báo cho gia đình biết trước nhé!

Xuyên kết thúc buổi họp lớp Tám trong tinh thần thật hứng khởi của các bạn. Mỗi người đã được phân công, lãnh trách nhiệm cho ngày picnic sắp tới, ai nấy đều có vẻ náo nức chờ đợi.

            ***

Khi mấy đứa nhóm Phượng Tím tới chân thác thì đã thấy Xuyên và cô Thiên Trang đã chờ sẵn rồi. Cô vui vẻ nói:

-Còn sớm chán, các em theo sự hướng dẫn của Trưởng lớp dọn chỗ để khi các bạn đến sau đông đủ là mình tập họp lại ngay nhé!

Xuyên với chiếc xe Dream rất mới mỉm cười:

-Các bạn biết không, mình rán mượn chiếc xe này vào tận nhà để đón cô, nhưng cô vẫn không chịu lên xe. Cô nhất định đi xe của cô.

-Cô đã nói trước với Xuyên rồi, đừng bận tâm, cô đi xe của cô, chiều tự cô về, để Xuyên có thì giờ lo cho lớp.

Hằng đùa:

-Uổng quá, em thèm được ngồi sau chiếc xe Dream đó mà chưa bao giờ được ngồi lên, biết trước cô đi xe của cô em nhờ bạn Xuyên chở em thì hay quá!

-Sao Xuyên, chuyến về chở dùm Hằng về cho cô nhé! Cô Trang cười.

-Dạ nếu cô nói chở là em chở ngay! Xuyên đỏ mặt.

-Nhưng Hằng phải vác xe đạp lên vai thì Xuyên mới chở được đó nghe! Chứ chẳng ai mang xe Hằng về được đâu! Nhung nhìn Xuyên cười.

-Vác thì vác ngán gì! Hằng trả lời.

-Thôi đi xe đạp hay xe Dream thì chiều mới tính được! Bây giờ các bạn chúng ta dọn chỗ để nghỉ chút đã chứ! Liễu đề nghị.

Chẳng bao lâu gần như đầy đủ cả lớp. Mấy đứa con trai đã dọn dẹp trải chiếc bạt lớn dưới bóng một cây sao cổ thụ, bóng râm cành cây của nó tỏa ra một vùng rộng lớn, đủ cho cả lớp ngồi quay quần sinh họat. Từ bóng cây sao này nhìn thấy gần hết tòan cảnh thác nước, cũng nhờ đi sớm mới xí phần được chỗ này, chứ đi trễ thì đã có nhóm chiếm chỗ rồi. Tuy vậy, chung quanh thác cây cối um tùm, rất nhiều bóng mát để các nhóm nghỉ chân.

Dung phó lớp họp các nữ đội phó để dặn dò về thức ăn trưa:

-Các bạn cẩn thận, lần trước tụi mình đi chơi cũng mang theo thức ăn mà chẳng được ăn. Lo tắm đùa giỡn chán, lên lấy thức ăn thì đầy lũ kiến rừng, chẳng đứa nào dám ăn nữa!

-Chia nhau xuống chơi thác nước, phải có người trông coi ở đây. Liễu đồng ý.

Theo chương trình thì buổi sáng sẽ có sinh họat vui cho đến gần trưa, lúc đó sẽ là giờ tắm tự do, khỏang một giờ trưa sẽ tập họp lại ăn trưa.

Trưởng khối sinh họat Dương thổi còi tập họp lớp đứng vòng tròn dưới bóng cây sao, tất cả cùng vỗ tay hát những bài hát sinh hoạt thiếu nhi, cô Thiên Trang cũng đứng trong vòng sinh họat với lớp. Cả lớp đang hát bài “Một Mẹ Trăm Con” thì chợt Cương đầu đinh bước ra khỏi vòng đưa tay vẫy một đám cả trai gái choai choai và la lớn:

-Tao ở đây tụi bây ơi! Lát nữa tao xuống đó!

Đám con trai có đứa nói lớn:

-Xuống ngay đi, ở đó chán bỏ mẹ!

Đang hát nhưng mọi người nhìn Cương và đám bạn. Cương vẫn đứng ngòai vòng sinh họat của lớp:

-Tụi mày xuống trước đi, lát nữa tao cần “đổ xăng” tao sẽ xuống ngay.

Cả lớp đã hát xong, vài đứa xì xầm. Cô Thiên Trang nói Dương cứ tiếp tục sinh họat, cô tiến tới chỗ Cương khẽ nói:

-Em ra ngoài này cô nói chuyện chút.

Cương có vẻ lưỡng lự nhưng rồi bước theo cô Trang. Chẳng biết cô đã nói chuyện với Cương như thế nào, nhưng trong suốt buổi picnic Cương vẫn luôn sinh họat với lớp cho đến chiều.

Buổi trưa, sau giờ sinh họat chung là giờ tắm thác tự do. Ở vùng thác trải dài, có một vũng sâu rộng lớn, nó cũng không quá sâu nhưng đủ cho thanh niên nam nữ bơi lội ngụp lặn. Giờ cao điểm ban trưa có khi đông nghẹt người trên thác, lớp tắm, lớp đi dọc theo thác ngắm cảnh, lớp ngồi rải rác trên các ghềnh đá chuyện trò.

Xuyên đã dặn dò các bạn cẩn thận khi tắm, và giờ trở lại để cùng ăn cơm trưa dưới gốc cây sao. Đám con trai chỉ ít phút sau là đã nhảy ào xuống vùng vẫy dưới nước. Mấy đứa con gái còn thay đồ tắm rồi mới xuống nước. Diễm đang thay chiếc áo tắm nói với Nhung:

-Hồi trước đâu có ai tắm ở đây mà bận đồ tắm đâu! Sau này thì mới bày chuyện thế này. Tao nhớ hồi tao mới chin mười tuổi vào đây tắm ai cũng để nguyên đồ vậy rồi xuống nước!

Nhung cười:

-Mỗi thời mỗi khác nhau chứ! Giống nhau hòai vậy thì làm sao tiến bộ được mày!

-Tiến bộ gì! Tao chỉ thấy phiền phức thôi! Người ta có mình không có không được!

Cô Thiên Trang đang giăng chiếc võng lên hai cây săng quýt gần bên gốc sao, cô không xuống thác tắm chỉ nằm võng đọc sách. Thấy Thương đang xếp mấy chiếc ly, chén vào thùng, cô hỏi:

-Chưa xuống tắm sao Thương?

-Dạ, thưa cô, em cũng muốn lắm chứ, nhưng đứa nào cũng có áo tắm cả, em không có nên ngại quá! Bận đồ dài tắm thấy kỳ không cô?

-Cũng chẳng sao! Dưới quê mình thì chẳng ai để ý, đâu phải như ở biển Vũng Tàu! Mà thực ra trước đây cô ra biển thấy cũng vẫn có người để nguyên đồ bộ xuống tắm biển mà!

Nhung và Diễm thay đồ xong đi qua nghe cô Thiên Trang nói chuyện với Thương, hai đứa dừng lại, Nhung hỏi:

-Cô không tắm sao cô? Xuống bơi với tụi em cho vui, em nghe nói cô bơi giỏi lắm!

-Các em cứ tắm đi! Cô nằm nghỉ đọc sách thư giãn thôi! Mà Nhung này! Em coi có đứa nào mang dư áo tắm cho Thương mượn tắm với!

-Em có mang theo hai bộ đồ tắm. Còn một bộ nữa. Nè Thương, lấy áo tắm của tao bận đi tắm luôn nhé!

-Chắc tao ngồi đây với cô Trang, cô một mình đây buồn! Thương trả lời.

-Không đâu Thương, cô cần yên tĩnh một chút đó thôi! Em cứ đi với các bạn xuống tắm, cô đã tính trước rồi, nên mới mang theo chiếc võng đó chứ!

-Vậy lẹ lên Thương, đây áo tắm của tao đây! Bận vào đi tao chờ! Nhung lấy bộ áo tắm đưa cho Thương.

-Tướng con Thương bận đồ tắm đẹp lắm nha! Diễm trêu.

-Đẹp gì! Con Nhung người cao mới đẹp, chứ tao thấp vậy thì coi bộ lùn tịt quá! Bộ mày mặc đó là đồ mới phải không?

-Ừ, mới mua đó, được không? Bộ mày đang mặc năm ngóai chị tao mua cho, còn mới lắm, đừng sợ sida!

Thương cười:

-Sợ gì sida, nếu có thì mày ngỏeo trước, vì mày mang nó trước mà. Nhưng mày mua đồ mới làm sao có sida được. Tướng mày cao lớn như Tây vậy có sida là biết ngay!

-Chẳng ai biết đâu mày ơi! Sida nó đến là đi đoong chứ biết gì! Diễm cũng chen vào.

-Ê! Sao lại không biết Diễm! Nhung cười lớn.

Cô Thiên Trang đang nằm võng cũng bật cười:

-Diễm nói chẳng ai biết là mấy người dân chơi bời, bị nhiễm bệnh lúc nào chẳng hay, đến lúc thân tàn ma dại mới biết. Còn các em đâu có phải giống như mấy người đó mà nói biết với lại không biết!

Nhung trả lời:

-Đúng đó cô, em cũng tính nói vậy đó! Thấy mấy tên đàn ông ăn chơi, tóc tai bù xù, ốm nhom ốm nhách, suốt ngày cứ nghe mùi rượu, lê la đầu đường xó chợ thì chắc là thần sida sẽ đón đi sớm!

-Thôi! Để cô Trang nghỉ, tụi mình đi xuống tắm. Diễm nói.

Thương ngần ngừ:

-Mà mấy đứa được phân công ở lại coi sóc đồ đạc đi đâu hết rồi! Chẳng lẽ để cô Trang phải coi dùm.

-Ừ, để cô lo, các em yên chí xuống tắm, cô cho mấy đứa đi tắm rồi. Cô Trang trả lời.

Nhìn mấy đứa học trò mới lớn trong bộ đồ tắm, cô Thiên Trang mỉm cười, cô cảm thấy vui trong lòng, học trò của cô ở một vùng quê, tâm hồn trong trắng, đơn sơ, hiền lành. Cô nhớ lại thuở còn đi học ở thành phố, sao cuộc sống đầy bon chen vất vả, phải chạy đua với nhịp độ chi tiêu, tiền bạc mất giá…những mùi khói khét lẹt như muốn nghẹt thở của hàng ngàn xe cộ chạy trên đường phố, xen lẫn với mùi thơm của nước hoa trong những nhà hàng, khách sạn…làm cho cuộc sống không còn chút tự nhiên nữa.

Cô cũng là một cô gái lớn lên từ miền quê, được ra thành phố để học hành những năm Trung học, phải rất cố gắng tự chủ, giữ vững niềm tin cô mới không bị cái lối sống thành phố cuốn hút mình vào cơn lốc của tuổi trẻ. Sau khi ra trường, cô đã về quê của cô để dạy học, cô thấy tâm hồn cô rất thích hợp với khung cảnh đồng quê, ruộng vườn, cái hương thơm mùa lúa chín như là linh hồn của cuộc sống người dân quê, cái hương thơm tinh khiết rất đượm tình quê hương.

Về thôn quê, thiếu thốn nhiều điều, nhưng cô vẫn cảm thấy đầy đủ, cô muốn được tâm hồn gắn bó với cảnh trí thiên nhiên thoáng khí, với con người chân chất mộc mạc thật thà. Đang miên man suy tưởng, cô Trang giật mình vì tiếng nói của mấy đứa học trò.

-Thôi mày ở đây với cô Trang đừng xuống tắm nữa.

-Chắc vậy quá, trượt chân lần nữa chắc tao hết đạp xe về!

-Sao vậy Hằng? Chân em bị gì hả? Cô Trang hỏi.

-Dạ cô biết “nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”, nó chỉ trượt chân tọac chút xíu mà nó la như ai chặt chân nó vậy! Nãy giờ nó cầu máu chảy để thút thít khóc cho thêm chút duyên mà không thấy đó cô! Nhung vừa cười vừa nói.

Hằng đi đến ngồi xuống bên chiếc võng cô Trang, mặt nhăn nhó một cách buồn cười:

-Dạ, đau thiệt đó cô, em đi giữa mấy tảng đá trơn nên truột chân, đá phía trên thì trơn lắm, nhưng bên duới lại sắc cạnh, em bị tọac cả gan bàn chân mà tụi nó còn cười cô ơi! Nhất là con Nhung này, nó còn bảo là không chừng phải ra trạm xá Xuân Sơn để kêu xe cấp cứu, nó cứ đùa trên “sự đau khổ của người khác” đó cô.

Cô Trang cũng cười;

-Có lẽ Nhung chỉ cười trên sự đau đớn nhẹ nhàng của em, chứ đâu có phải là đau khổ, phải không Hằng?

-Dạ, chắc đúng cô! Em đau thôi chứ không khổ! Có cô, có bè bạn như thế này sao khổ được! Hằng cười.

Nhung lấy trong giỏ lọ dầu con Hổ, bôi nhẹ lên vết trầy của Hằng:

-Bây giờ thì mày ở đây với cô Trang nhé! Có dầu con Hổ vào thì có trật chân cũng lành thôi!

Hằng xúyt xoa:

-Ôi chao! Rát quá!

-Gớm! Làm như mới lên năm lên ba không bằng! Thôi em xuống tắm cô nhé! Nhờ cô trông hộ bé Hằng, nếu nó vòi vĩnh gì thì cô cứ cho roi vào mông là nó im ngay!

-Cám ơn dì Hai nhé! Lên mà không đúng giờ cơm trưa là roi vào mông dì chứ không phải đây đâu! Hằng cũng trả lời đùa.

Nhung vừa nói vừa theo con dốc đi xuống thác nước. Chỉ còn lại Hằng và cô Trang, cô để cuốn sách xuống, nhìn Hằng;

-Cũng khá đau phải không Hằng! Trước đây cô đi một lần cũng trượt chân vậy, dù chẳng chảy máu, nhưng đau ê ẩm, ai có trượt chân nơi mấy tảng đá trơn dưới thác mới biết là đau!

-Đúng đấy cô, lúc nãy đau lắm, em tưởng trật chân chứ, cứ nghĩ là hết còn đạp xe về được, nhưng lên đây rồi thì gần hết đau rồi. Ở bên cô là hết đau ngay!

-Bộ sợ cô rồi quên đau hả? Cô Trang cười.

Hằng la lên:

-Không! Không phải vậy! Tại vì gần bên như là có Mẹ vậy, như là có một người mà mình thương mến nhất, lo cho mình rồi!

Cô Thiên Trang thoáng chút cảm động:

-Em nói thế có nịnh cô không đó?

-Không cô ạ! Cả lớp Tám tụi em đứa nào cũng thương mến cô như một người Mẹ vậy, cô luôn hòa nhã với mọi người, cô nghiêm nghị là vì cô là Giáo sư, và kỷ luật nhà trường thì cô phải thế. Em chẳng bao giờ quên được cô nhìn từng cuốn tập của em, có một cái bìa sút ra, cô bao nó lại như cũ. Đó là một việc nhỏ thôi, còn rất nhiều điều cô lo lắng để ý từng chút cho tụi em.

Cô Trang ngồi xuống khỏi chiếc võng, cô ngồi lên trên tấm bạt nhựa cùng với Hằng, mắt hình như long lanh một ngấn lệ nhỏ, cô đưa tay vuốt mái tóc dài của Hằng:

-Em hãy cố gắng học nhé Hằng. Tương lai bắt đầu từ những ngày hôm nay, đừng chờ đợi nó đến như là một cơ may, mà nó đã đến ngay trên ghế nhà trường khi em còn đi học.

Hằng ngả đầu sát bên vai cô Thiên Trang:

-Cô ơi! Ước chi em mãi mãi là học trò của cô!

Cô Trang cúi xuống hôn lên mái tóc Hằng, cô thực sự xúc động, hương con gái tuổi học trò mới lớn ngây thơ trong trắng sao mà dễ thương chi lạ. Một ngày vui chơi cùng với các học trò của mình như hôm nay thật là ngắn ngủi, nhưng cái hồn nhiên của các em sẽ sống mãi trong lòng cô, một nhà giáo có tấm lòng của một bà Mẹ, người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi người.

Phượng Tím.

Facebook Profile photo
Follow Me:

Trả lời