Giáo dục

KHI HAI NÊN MỘT: GIÁO HUẤN MỤC VỤ VỀ ĐỊNH NGHĨA, MỤC ĐÍCH VÀ SỰ THÁNH THIỆN CỦA HÔN NHÂN

Thư mục vụ về Hôn nhân 2012

Hôn nhân cũng lâu đời như nhân loại. Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình ảnh của Người và nên giống Người; người nam và người nữ, Người đã dựng nên họ (x. St 1,27). Sự khác biệt và bổ sung giới tính đã hiện diện từ đầu như một phần trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bình đẳng trong phẩm giá, nhưng bổ sung cho nhau trong sự khác biệt giới tính, những người nam và những người nữ được kêu gọi đến hôn nhân, được dự định hình thành những kết hợp nên một xác thịt :”Vì thế người đàn ông rời bỏ cha mẹ mình và gắn bó với vợ và họ trở thành một huyết nhục” (St 2,24). Vì thế, hôn nhân có thể được coi là “bí tích căn bản”, xảy ra trước khi Sa Ngã và tiếp tục tồn tại sau tội tổ tông. Nó cung cấp bối cảnh lý tưởng cho con cái – những công dân của quốc gia và của Nước Trời – được hình thành, được nuôi dưỡng và được giáo dục. Vì thế đó là khối xây dựng nền tảng của mọi xã hội và của Giáo Hội, một vấn đề quan tâm sống còn của cả hai.

Suy tư mục vụ nầy được Đức TGM giáo phận Newark đưa ra cho các tín hữu nhằm giúp họ hình thành lương tâm mình, phân tích các ơn gọi của họ và, với những người đã kết hôn, thì giúp họ hực hiện trọn vẹn những lời đã đoan thệ. Nó cũng được đưa ra cho những người nam và những người nữ thành tâm thiện chí khác – bất kỳ tôn giáo nào – đến cùng chúng ta trong niềm hy vọng chân thành được nhìn thấy cuộc sống gia đình triển nở [trong vùng Bắc New Jersey, trên toàn bang và toàn quốc]. Vì Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc chúng ta, Người đã mạc khải cho chúng ta bản chất, mục đích và ý nghĩa của hôn nhân. Sự mạc khải nầy được ghi lại trong Kinh Thánh và Thánh truyền. Nó được gìn giữ bảo vệ và triển khai bởi Huấn Quyền, nơi ban ra những giảng dạy của Giáo Hội. Điều nầy đem cho tín hữu sự đảm bảo chắc chắn đức tin trong lời giảng dạy của Giáo Hội về bản chất của hôn nhân. Nhưng hôn nhân cũng là một phần trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa và có thể được lĩnh hội qua lý trí, không cần đến mạc khải. Chân lý về hôn nhân, nói cách khác, là một phần của luật tự nhiên. Thư mục vụ nầy vì thế sẽ xem xét hôn nhân từ góc độ lý trí cũng như mạc khải.
1. Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là một cơ chế tự nhiên và tiền chính trị. Với tư cách ấy, nó không được tạo thành bởi luật pháp hoặc quốc gia, cho dù các chính quyền công nhận nó một cách đúng đắn trong luật pháp và bảo vệ, ủng hộ nó vì công ích. Hôn nhân là một cơ chế của con người, xin đừng quên và các người phối ngẫu chỉ có thể cam kết hôn nhân khi tự do lựa chọn để làm như thế. Mặc dù vậy, hôn nhân là một cơ chế mà những nét đặc trưng xác định nó và những tiêu chí cấu trúc nó lại không phải là những kết quả thuần tuý do con người lựa chọn. Chúng ta không thể định nghĩa và tái định nghĩa hôn nhân theo sở thích và những mục tiêu cá nhân chúng ta. Chúng ta không thể tạo những hình thức quan hệ hoặc những kiểu đạo đức hôn nhân đơn thuần bằng việc gắn liền hoặc trói vào với chúng từ ngữ “hôn nhân”. Những nét đặc trưng xác định và những tiêu chí cấu trúc của hôn nhân được viết trong ý định của công cuộc tạo dựng và được Thiên Chúa đầy tình thương, – Đấng đã làm cho hôn nhân trở thành một biểu tượng đầy quyền năng của mầu nhiệm Tình Yêu Người dành cho chúng ta – mạc khải cho chúng ta. Vì nó là một phần của chương trình tạo dựng, cho nên nhiều phần chân lý về hôn nhân có thể được lý trí biết mà không cần sự trợ giúp của mạc khải. Nhưng để giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn và chắc chắn hơn mầu nhiệm tình yêu hôn nhân, Thiên Chúa cũng đã mạc khải cho chùng ta kế hoạch của Người đối với hôn nhân.

Cả Giáo Luật và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đều cung cấp một định nghĩa rõ ràng về hôn nhân :”Giao ước hôn nhân – qua đó một người nam và một người nữ thiết lập giữa họ một quan hệ [đối tác] trọn cuộc đời, – tự bản chất nó được thiết định cho thiện hảo của các phối ngẫu và sự sinh sản và giáo dục của con cái…”. Do vậy, các yếu tố chính của hôn nhân bao gồm sự kết hợp đời sống (sự hoà hợp], sự vĩnh cửu, sự chung thuỷ và sự hướng tới khả năng sinh sản (kết quả tốt đẹp). Từ định nghĩa nầy phải rõ ràng rằng Giáo Hội công nhận tất cả mọi hôn nhân thật sự là có hiệu lực và ràng buộc, không chỉ những hôn nhân giữa các tín hữu Công giáo hoặc các Kitô hữu hoặc những người tin vào Thiên Chúa. Đúng thật là Chúa Kitô đã nâng giáo ước hôn nhân giữa những người đã được rửa tội lên địa vị một bí tích. Nhưng xét theo mặt một điều thiện hảo tự nhiên của con người, thì hôn nhân trong ý nghĩa sâu xa của nó, không chỉ có trước quốc gia, mà cả trước Giáo Hội và trước cả giáo ước Abraham mà người Kitô hữu, Do Thái giáo và Hồi giáo đều công nhận như nhau là nền tảng cho đức tin có tác dụng cứu rỗi.

Ngay cả trong ý nghĩa rộng nhất của nầy, thì sự hoà hợp của giao ước hôn nhân là một sự kết hợp đời sống và tình yêu. Người chồng và người vợ trao hiến cho nhau hết trọn cuộc đời. Giao ước của họ là một cam kết không hạn chế về thời gian – một sự kết hợp mang tính giao ước đến trọn đời (“bất kể ra sao, khi thịnh vượng hay lúc nghèo khổ; khi mạnh khoẻ hay khi ốm đau”), chứ không chỉ là một hợp đồng. Nó không kết hợp các phối ngẫu chỉ để hoàn thành cái kế hoạch nầy hoặc kế hoạch kia (kể cả kế hoạch nuôi dạy con cái hết sức quan trọng), nhưng được dự định sẽ kéo dài cho đến trọn đời (“cho tới khi cái chết làm nhiệm vụ của nó với chúng ta”) trong nhiều chiều kích đa dạng của nó. Các phối ngẫu thề hứa chung thủy với nhau (“anh/em hứa sẽ trung thành với em/anh…”) và chấp nhận con cái Chúa ban một cách yêu thương”.

Định nghĩa nầy chúng ta biết từ đức tin cũng như từ lý trí và là một phần trong giáo huấn đích thực của Giáo Hội. Tất cả mọi tín hữu Công Giáo – như Công Đồng Vatican II dạy – được kêu gọi để tâm đầu ý hợp với giáo huấn nầy. Một số trong giáo huấn nầy – như sự tin tưởng về tính vĩnh cửu của hôn nhân – đã được đề nghị một khách bất khả ngộ bởi Huấn Quyền phổ quát thông thường và được định nghĩa do một Công Đồng Đại Kết và đòi buộc sự đồng ý của đức tin. Bổn phận của tôi với tư cách TGM của anh chị em, là nhắc nhở anh chị em rằng những tín hữu Công giáo nào không chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình (đặc biệt những ai dạy hoặc hành động trong đời sống tư hay công trái ngược với thánh truyền mà Giáo Hội nhận được về hôn nhân và gia đình), qua sự lựa chọn của riêng họ, gây hại nghiêm trọng sự hiệp thông của họ với Chúa Kitô và với Giáo Hội của Người. Tôi thúc giục những người không hiệp thông vói Giáo Hội liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình (hoặc về bất cứ vấn đề đức tin nghiêm trọng nào khác), hãy mau chân thành xem xét lại lương tâm mình, cầu xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Linh hằng “dẫn dắt [chúng ta] tới mọi điều chân lý” (Ga 16,13). Nếu họ vẫn tiếp tục không thể tán thành với hoặc sống giáo huấn Giáo Hội trong những vấn đề nầy, thì họ phải hết sức trung thực và khiêm nhường ngưng rước lễ cho tới khi họ có thể làm như thế với sự liêm chính. Tiếp tục rước lễ trong tình trạng bất đồng ý kiến như thế sẽ là không trung thực xét về mặt khách quan.

Mọi Kitô hữu đấu tranh để sống một cuộc sống ngay thẳng. Tất cả đều cần đến lòng xót thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. Chính vì thế mà mọi tín hữu Công giáo được khuyến khích năng lui tới với Bí Tích hoà giải nơi không có tội nhân nào là không được Thiên Chúa yêu thương tha thứ cho. Nhưng có một sự khác biệt giữa cố gắng sống trọn vẹn Phúc Âm trong khi thống hối các lầm lỗi trong cuộc đời với chẳng cố gắng chút nào. Tệ hơn nữa là âm mưu do một số người nhằm thay đổi hoặc bóp méo giáo huấn đích thực của Giáo Hội, vốn là giáo huấn thật sự của Chúa Kitô. Như Giáo Lý dạy :” Những lời đầy quan tâm của Chúa Kitô cho các tông đồ của Người : Ai nghe các con, là nghe Thầy” (Lc 10, 16), các tín hữu ngoan ngoãn đón nhận những lời giảng dạy và các chỉ thị mà các chủ chăn của họ ban cho họ dưới các hình thức khác nhau”. Chúa Giêsu đã có những điều rất gay gắt để nói với những kẻ mà những lời giảng dạy sai lầm đã dẫn người khác, đặc biệt giới trẻ, lầm đường lạc lối. Thiên Chúa, khi ấy là Đấng hoàn toàn công chính và hoàn toàn giàu lòng xót thương. Người luôn kêu gọi chúng ta làm cho sự trung thành nên trọn vẹn, nhưng không bao giờ hắt hủi một tâm hồn ăn năn.

2. Chân lý về Hôn nhân có thể được biết qua lý trí mà thôi không?

Câu trả lời vắn gọn cho câu hỏi nầy là “có”, đa phần chân lý về hôn nhân có thể được hiểu thấu qua một mình lý trí. Các triết gia, cả thế tục lẫn tôn giáo, từ thời xa xưa đã công nhận sự hiện hữu của ‘luật tự nhiên” nầy : một bộ tiêu chuẩn luân lý “được viết trên tâm hồn”, như lời Thánh Phaolô, được dùng như tiêu chuẩn lý trí phổ quát cho tư cách đạo đức con người. Những tiêu chí nầy con người có thể tiếp cận qua những năng lực lý trí của chúng ta. Chúng có thể bị lu mờ do những bất công và các tội khác, nhưng chúng không thể bị tẩy sạch phá huỷ hoàn toàn. Chúng vẫn có hiệu lực dù chúng được tôn trọng hay là bị làm ô danh, dược nhìn nhận hoặc bị lờ đi không biết đến. Nói cách khác, luật tự nhiên nầy vẫn luôn đúng thật, có thể tiếp cận được, kể cả nếu cá nhân không (chưa) chấp nhận nó hay không còn chấp nhận nữa”.

Cả luật tự nhiên và truyền thống của suy tư triết học về nó đều không phải là một phát minh Kitô giáo. Quả thật suy tư triết học về luật tự nhiên nầy có từ thời các triết gia Hy lạp tiền Kitô giáo, đặc biệt là Platon và Aristote và các nhà luật học La Mã. Ciceron mô tả sự hiểu biết của mình về luật tự nhiên trong khi làm một thủ lãnh chính trị trong đế quốc La Mã ở thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Luật đúng thật là lý trí đúng phù hợp với tự nhiên. Nó áp dụng phổ biến, không thay đổi và vĩnh viễn….Thật là một tội khi cố gắng thay đổi luật nầy, và cũng không thể cho phép thử huỷ bỏ bất cứ phần nào trong đó và càng không thể huỷ bỏ nó hoàn toàn được. Chúng ta không thể được giải phóng khỏi các nghĩa vụ của nó bằng viện nguyên lão hoặc dân chúng, và chúng ta không cần nhìn ra bên ngoài chính chúng ta để tìm người giải thích hoặc để làm sáng tỏ điều đó…Và sẽ không có những luật khác biệt ở Roma và ở Athen hoặc những luật khác biệt bây giờ hoặc trong tương lai, nhưng một luật duy nhất vĩnh cửu và không thể thay đổi sẽ có hiệu lực cho mọi quốc gia và ở mọi thời và sẽ chỉ có một chủ tể và người cai trị, nghĩa là Thiên Chúa, trên hết mọi người chúng ta, vì Người là tác giả của luật của Người, là Đấng ban hành nó và là Đấng phán xét củng cố nó. Bất cứ ai bất tuân đều lẫn trốn khỏi chính mình và phủ nhận bản tính con người của mình, …

Các nhà tư tưởng Kitô giáo như là Thánh Tôma Aquinô chắc chắn đã góp phần vào việc phát triển tư duy về luật tự nhiên và các nhà chính trị lão thành dựa vào đó trong việc lập ra những quốc gia hiện đại. Ở Hoa Kỳ, các vị khai sáng tin vào những gì Tuyên Ngôn Độc Lập gọi ‘các luật của Tự Nhiên và của Thiên Chúa của Tự Nhiên’. Các nhà lập quốc của chúng ta kêu gọi các nguyên lý phổ quát và các quyền tự nhiên mà các người Mỹ thuộc địa tin là đã bị sự thống trị của nước Anh xâm phạm. Họ hiểu rằng có những nguyên tắc khách quan về phải trai thiện ác, công bằng và bất công đang cai quản cả những quyền bính cao nhất của con người. Như Martin Luther King, Jr. lưu ý về sau, họ hiểu rằng luật con người ở dưới phán quyết của luật tự nhiên và rằng các luật lệ con người không đáp ứng những tiêu chuẩn của công bằng tự nhiên, thì thiếu sức mạnh của những luật đúng đắn để ràng buộc vào lương tâm.

Trong các thời đại chúng ta, chúng ta cần nhận thức và vượt qua những ý thức hệ sai lầm và về cơ bản mang tính phá hoại vốn phủ nhận những gì mà các nhà tư tưởng từ Platon đến Aristote, từ Ciceron đến Aquinô, từ những nhà lập quốc người Mỹ, từ Martin Luther King và Mahatma Gandhi đã khẳng định : rằng chân lý khách quan hiện hữu. Bổn phận chúng ta là khám phá ra nó, được nó đào luyện, và làm cho đời sống chúng ta, với tư cách cá nhân và cộng đồng, hoà hợp với chân lý. Sự thi hành của con người và các tiêu chí luân lý hướng dẫn chúng ta để thúc đẩy và bảo vệ nó trong tất cả mọi chiều kích của nó, không phải là những khái niệm độc đoán hoặc chủ quan, nhưng là những chân lý khách quan. Cuộc sống có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa của nó không bị chúng ta chỉ định theo ý. Chúng ta phải muốn những gì là tốt, nhưng một số điều không tốt, đơn thuần bởi vì chúng ta muốn nó. Chúng ta phải làm chủ những dục vọng của chúng ta, chứ không phải để cho dục vọng làm chủ chúng ta.

Các ý thức hệ khác nhau ngày nay đe doạ lòng yêu chân lý – và quả thật, chính ý tưởng về chân lý khách quan – cấu thành, như lời Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI, một “chế độ độc tài của thuyết thương đối”. Chúng làm u muội ý thức, đặc biệt là nơi giới trẻ, của bất cứ nguyên tắc và tiêu chí ràng buộc mọi người, [ý thức] những hành vi sai lầm một cách khách quan, ở mọi thời và mọi nơi. Nhưng không có chân lý, nhất là chân lý đạo đức luân lý, có thể không có công bằng và tự do hoặc sự ngay thẳng; chỉ có quyền lực trần trụi, ra lệnh và điều khiển.

Trường hợp hôn nhân cũng như thế. Nhiều người ngày nay cho rằng đó là một điều độc đoán mà ý nghĩa và mục đích của nó bị áp đặt bằng tiếng thưa xin vâng [fiat] mang tính chính trị và pháp lý. Nó có thể nói một điều bây giờ và một điều khác sau nầy. Nhưng điều nầy chưa bao giờ là trường hợp nầy. Như Thánh Bộ Đức Tin Luân Lý đã chỉ ra:

Giáo huấn Giáo Hội về hôn nhân và về sự bổ sung giới tính nhắc lại một chân lý vốn hiển nhiên đối với lẽ phải và được công nhận như thế bởi tất cả mọi nền văn hoá lớn trên thế giới. Hôn nhân không phải là bất cứ quan hệ nào giữa những con người. Nó đã được thiết lập bởi Đấng Tạo Hoá với bản chất, đặc tính và mục đích riêng của nó. Không ý thức hệ nào có thể tẩy xoá khỏi tâm trí con người sự chắc chắn rằng hôn nhân hiện hữu chỉ có giữa một người nam và một người nữ, vốn bằng sự trao ban cho nhau, riêng và độc quyền cho nhau, hướng tới sự hoà hợp con người họ. Bằng cách nầy, họ làm cho nhau nên hoàn thiện để hợp tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và nuôi dạy những sự sống con người mới. Chân lý tự nhiên về hôn nhân được xác nhận bởi Mạc Khải chứa đựng trong các thuật trình Kinh Thánh về công uộc tạo dựng, một diễn tả cũng nói lên sự khôn ngoan nguyên thuỷ của con người, trong đó tiếng nói của chính tự nhiên được lắng nghe. Sự hiểu biết của chúng ta về việc làm thề nào để sống ý nghĩa hôn nhân có thể tiến hoá theo thời gian, nhưng bản chất, những đặc tính chính yếu của hôn nhân không bao giờ là của chúng ta để mà thay đổi.

3. Giáo Hội Công Giáo dạy gì về những người với sức hút đồng tính?

Giao Lý Hội Thánh Công Giáo có 2, 865 đoạn. Chỉ có 3 trong số đó đề cập trực tiếp tới vấn đề sự lôi cuốn đồng tính. Trong hai của những đoạn nầy (2358 – 2359), Giáo Hội tái khẳng định phẩm giá và giá trị của những người với “những khuynh hướng đồng tính ăn sâu”, ra lệnh rằng họ phải “được chấp nhận với sự tôn trọng, cảm thông và sự nhạy cảm”. Giáo Hội cũng lên án bất cứ loại phân biệt đối xử bất công nào chống lại họ và thừa nhận những khổ tâm mà họ có thể trải qua. Giáo Lý kêu gọi những người có khuynh hướng đồng tính – như với tất cả mọi Kitô hữu, sống khiết tịnh và thánh thiện, được hỗ trợ bởi “tình bạn vô vụ lợi”, bởi “lời cầu nguyện và ân sủng bí tích”. Đa số người tìm thấy những đoạn nầy tầm thường, ngoại trừ đối với sự nhạy cảm mục vụ của họ.

Điều nầy để lại một đoạn vốn gây một số hiểu lầm. Đoạn 2357 định nghĩa đồng tính làgì, nhận định rằng nó đã mặc những hình thức khác nhau trong những thời đại và những nền văn hoá khác nhau và ám chỉ đến sự thiếu đồng thuận giữa các nhà tâm lý học và các nhà khoa học xã hội khác trong sự hình thành phát sinh của nó. Đoạn nầy tiếp tục bằng việc khẳng định rằnh Giáo huấn của Giáo Hội được đặt nền tảng trên sách thánh và thánh truyền đã dạy mọi lúc và mọi nơi rằng các hành vi đồng tính không phù hợp với luật tự nhiên. Do vậy, đoạn nầy kết luận bằng việc nhận định: Chúng [các hành vi đồng tính] trái nghịch với luật tự nhiên. Chúng đóng kín hành vi tình dục với quà tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ một sự bổ sung tình cảm và tình dục thật sự. Chúng không thể được chấp thuận dưới bất cứ tình huống nào.

Giáo huấn nấy không phải là mới mẻ, nhưng là tái khẳng định tiêu chí luân lý rằng vị trí duy nhất có thể chấp nhận đối với sự diễn tả tình dục sinh dục là trong một hôn nhân vợ chổng dựa trên sự bổ sung tình dục của một cặp vợ chồng và sự kết hợp một nhục thể của một người chồng và một người vợ.

Vì giáo huần nầy, một số người cáo buộc một cách sai lầm rằng Chúa Kitô và Giáo Hội của Người lên án hoặc không yêu mến những con người đang trải nghiệm sự lôi vuốn tình dục hoặc yêu đương với những người cùng giới tính. Ngược lại, trong khi kêu gọi mỗi người trong chúng ta từ bỏ mọi lối sống tội lỗi, Chúa Kitô và Giáo Hội Người yêu thương mọi người ngang bằng nhau, trong mọi điều kiện sống : kẻ chưa sinh ra và người đang hấp hối; người khoẻ mạnh và kẻ yếu đau; người trẻ và người già; nam và nữ, bất kể khuynh hướng của họ như thế nào.

Quả thật, đó một cách chính xác là vì tình yêu thương và lòng tôn trọng nầy đối với phẩm giá của mọi con người mà Chúa Kitô và Giáo Hội của Người kêu gọi chúng ta hãy cố gắng phấn đấu cho sự phát triển đầy đủ như những hữu thể được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, và từ bỏ mọi hành vi bất xứng với địa vị cao thượng của chúng ta.

Nói cách khác, Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người nhìn nhận rằng không người nào đơn thuần bị trói buộc bởi “sự không tự do” với bất cứ hình thức sinh hoạt tình dục nào; đúng hơn, là con người, mỗi người có khả năng thực hiện những khả năng tình dục trên căn bản những phán đoán hợp lý và những giá trị luân lý đạo đức. Vì lý do nầy, Giáo Hội “từ chối coi con người là một người lưỡng tính dục hoặc một ngườ đồng tính. Thay vì thế, Giáo Hội nói về những người có “khuynh hướng” đồng tính và kêu gọi họ, như mọi người, hãy sống chan hoà trong mọi môi trường ở nhà và ở nơi làm việc, trong Giáo Hội và trong xã hội.

4. Bình đẳng và công bằng không đòi buộc quốc gia công nhận các kết hợp đồng tính là hôn nhân.

Rõ ràng là Giáo Hội Công giáo không cho rằng những kết hợp đồng tính có thể là hôn nhân. Tuy vậy, nhà nước không phải là Giáo Hội và hệ thống hiến pháp của chúng ta đòi hỏi sự đối xử bình đẳng với hết mọi người và cấm chỉ sự thiết lập nầy của tôn giáo. Một số người lập luận rẳng bình đẳng và công bằng do vậy đòi hỏi sự thừa nhận hợp pháp những quan hệ đồng tình là hôn nhân.

Lập luận nầy sẽ mạnh hơn nếu sự chống đối của Giáo Hội chỉ căn cứ trên các niềm tin và tín điều tôn giáo và các quan hệ đồng tính trong tất cả mọi phương diện đều tương đương với quan hệ vợ chồng vốn được biểu thị về mặt lịch sử bằng chữ “hôn nhân”. Không cái nào trong các tuyên bố nầy là đúng. Có những lý lẽ về luật tự nhiên tuyệt vời để hiểu hôn nhân là sự kết hợp phối ngẫu của người chồng và người vợ mà không cần tới những tiền đề tôn giáo. Những lý lẽ nầy chứng minh cho thấy rằng các quan hệ đồng tính trong bất cứ mức độ hay phạm vi có ý nghĩa nào lại có thể được gọi là hôn nhân.

Hôn nhân là một giao ước qua đó một người nam và một người nữ long trọng thề hứa với nhau, một cách độc quyền, đến suốt đời. Trong những hành vi thể hiện duy nhất và nhắc lại cam kết ấy, họ làm thành một kết hợp một huyết nhục mà tự bản chất nó được nên trọn vẹn bởi – và thích hợp với – việc sinh và nuôi dạy con cái. Sự kết hợp thành một huyết nhục nầy tuỳ thuộc vào sự liên kết bổ sung của các giới tính. Chỉ có một người nam và một người nữ mới có thể cùng nhau tham gia vào giai đoạn đầu tiên nầy của một tiến trình sinh học hợp nhất : tiến trình nầy nhờ nó mà một sự sống mới đến trong trần gian. Tất nhiên, giai đoạn đầu tiên nầy (về hành vi) của tiến trình sinh sản có thể hoặc không thể dẫn đến con cái (tuỳ thuộc vào những điều kiện không do hành vi của sự sinh sản có xảy ra hay không), nhưng trong nhiều hệ thống luật pháp dân sự (cũng như trong Giáo luật) nó được xem như thành sự hôn nhân. Vì nó làm nên vợ chồng, giống như những phần lành mạnh của một thân thể duy nhất, được kết hợp bằng sự phối hợp hướng tới một mục đích sinh học duy nhất : làm cho họ nên một huyết nhục mà thôi. Cả khi không có con cái, thì những kết hợp như vậy có thể làm cho HAI NGƯỜI NÊN MỘT HUYẾT NHỤC trong bối cảnh của cam kết vĩnh viễn và dành trọn cho nhau. Hôn nhân như thế là có thể có – và tự nó là tốt lành cho các phối ngẫu – kể cả khi nó không sinh ra con cái. Nhưng chính sự định hướng của nó cho việc sinh ra và nuôi dạy con cái làm cho hôn nhân trở thành mối quan ngại sống còn cho nhà nước. Và mối liên kết như thế với gia đình giúp giải thích những nét đặc trưng căn bản của hôn nhân như là sự vĩnh viễn và sự dành riêng trọn cho nhau.

Các cặp đồng tính không thể kết hợp nên một huyết nhục trong tiến trình sinh học hợp nhất của việc sinh sản (hoặc bất cứ tiến trình nào khác). Tức là, quan hệ của họ không bao hàm sự kết hợp các cơ quan cơ thể hoặc một quan hệ vốn có với việc sinh ra và nuôi dạy con cái; vì thế cũng không có cam kết vĩnh viễn và dành riêng cho nhau. May mắn lắm thì hai người nam hoặc hai người nữ mới có được một kết hợp về tâm hồn và tâm trí. Vì những lý do nầy, ngoài ra, không còn lý do quan trọng nào hơn để nhà nước công nhận các quan hệ của họ hơn là những loại tình bạn hoặc quan hệ sâu xa khác.

Một cách khác để nhìn thấy điều nầy là nhìn vào bản chất toàn diện của hôn nhân. Hôn nhân kết hợp vợ chồng nên một trong tâm hồn, tâm trí và thân thể. Vì con người là những hữu thể có thân xác, một sự kết hợp toàn diện những con người (vốn là chính yếu với hôn nhân như là một quà tặng tuyệt đối mà các phối ngẫu trao cho nhau) bao hàm sự kết hợp cơ thể. Điều nầy giúp giải thích hai điều quan trọng : 1). Hôn nhân trên nguyên tắc khác với những hình thức quan hệ khác như thế nào, bao gồm cả những tình bạn bình thường, bất kể gần gũi và sâu đậm ra sao 2). Tại sao hôn nhân là một sự kết hợp tình dục một cách gắn liền, chứ không chỉ là một cách ngẫu nhiên. Nhưng kết hợp đòi buộc một ích lợi chung; và kết hợp thể xác đòi buộc một ích lợi chung sinh học. Hai người nam hoặc hai ngưởi nữ không thể cùng nhau đến trong bất cứ cách cơ thể nào hướng tới một lợi ích sinh học riêng rẽ. Họ có thể tìm kiếm khoái cảm tình dục với nhau, song khoái cảm chỉ là một lợi ích, khi nó được thực hiện trong một điều gì đó tốt đẹp một cách độc lập. Như một nhận xét ngẫu nhiên, hãy lưu ý rằng công trình triết học “Thần học Thân Thể” của Chân phước Gioan Phaolô II chỉ ra chân lý nầy. Ở đó Đức Gioan-Phaolô nhấn mạnh và làm cho ăn khớp sự hoà hợp nguyên thuỷ của những hữu thể con ngưởi và sự hoà hợp tồi hậu nầy mà mọi sự được lôi kéo tới. Người dạy rằng sự giao hợp – hoà hợp của nam và nữ – chỉ ra sự hoà hợp ban sơ nầy, thêm vào việc biểu thị quan hệ hôn nhân giữa Thiên Chúa và Dân Người và giữa Chúa Kitô – Chàng Rể – và Giáo Hội, Cô Dâu của Người. Dựa vào công trình nầy, giáo sư Livio Melina viết rằng các quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính “đoản mạch” (cản trở) sự liên kết bổ sung nầy và vì thế không có kết quả :

Trước tiên, hành vi đồng tính thiếu ý nghĩa mang tính hợp nhất ấy, trong đó “một sự ban tặng chình mình đích thực” có thể diễn ra… Do thiếu sự liên kết bổ sung, mỗi một trong hai đối tác vẫn bị khoá chặt trong chính mình và trải nghiệm sự tiếp xúc của mình với thân thể người khác chỉ như một cơ hội để hưởng thụ ích kỷ….. Kế đến, rõ ràng rằng hành vi đồng tính nầy cũng thiếu sự mở ra cho ý nghĩa sinh sản của tình dục con người… mà không có nó thì hành vi tình dục có nguy cơ quay lại trên chính nó, bằng sự tập trung vào tìm kiếm khoái cảm tình dục một mình và theo nghĩa đen làm cho chính nó không có khả năng sinh đẻ…

Chỉ có một người nam và một người nữ mới có thể thiết lập một kết hợp nên một huyết nhục đúng thật qua sự cam kết của họ với nhau và sự liên kết bổ sung cơ thể của nhau.

Đây là một cách khác để giải thích. Có nhiều hoạt động thân thể mà người ta làm chung nhau : thưởng thức các bữa ăn, chơi thể thao, lao động chân tay, v..v.. Bạn hữu, đồng đội, đồng nghiệp và những người khác tham gia vào tất cả những sinh hoạt nầy và nhiều sinh hoạt khác. Nhưng mọi người nhận ra rằng hôn nhân bao hàm một phần hợp thành tình dục, mà những kinh nghiệm thể lý khác không có được. Một người anh em trai và một người chị em gái hoặc một người chú bác và người cháu gái của ông bị ngăn cấm không được kết hôn là vì quan hệ hôn nhân với sinh hoạt tình dục và luật đồng huyết thống. Ngay cả những kẻ đề xuất sửa đổi triệt để định nghĩa hôn nhân cũng sẽ không tán thành việc cho phép hai anh em trai hoặc hai chị em gái hoặc một ông chú bác và cháu trai của ông kết hôn với nhau. Cái gì giải thích sự kết nồi nầy – được cả những kẻ muốn định nghĩa lại hôn nhân thừa nhận – giữa hôn nhân và sinh hoạt tình dục?

Mỗi cá nhân là một cơ thể hoàn chỉnh, bởi vì mọi chức năng thân thể bảo lưu một chức năng : sinh sản. Xét về mặt sinh học, sinh sản đòi buộc sự phối kết bằng một cách đặc biệt hai con người bổ sung cho nhau về tình dục để hình thành một sự kết hợp đích thực mà chức năng sinh học của nó là sinh sản. Sự phối kết nầy có thể hoặc không thể dẫn tới việc thụ thai, nhưng chỉ qua nó mà một cặp vợ chồng thực hiện chức năng như một đơn vị xét về mặt sinh học; chỉ những hành vi như thế mới mang đôi vợ chồng nầy tới một kết hợp nên một huyết nhục thật sự. Các hành vi vợ chồng – và chỉ những hành vi nầy mà thôi – chu toàn các điều kiện của sinh sản và từ đó mà thành sự một quan hệ hôn nhân. (Như luật dân sự và giáo luật đều thừa nhận, các hành vi của các phối ngẫu vốn thực hiện đầy đủ giai đoạn đầu tiên của tiến trình sinh sản, làm hôn nhân thành sự dù các nhân tố không có tính hành vi cuối cùng có dẫn tới việc thụ thai hay không về sau). Do thân thể (gồm cả chiều kích tình dục của nó) là một phần của thực tại cơ thể của con người chứ không chỉ là công cụ không phải cơ thể, nên hành vi vợ chồng kết hợp nên một những con người như là vợ chồng – làm cho họ thật sự, chứ không chỉ bằng phép ẩn dụ, nên một huyết nhục – dù quà tặng một đứa con có đến như một kết quả hay không.

Theo truyền thống, để một đôi kết hôn hiệu lực, họ phải có khả năng thực hiện những hành vi như vậy. Một người trước khi kết hôn mà đã hoàn toàn không có khả năng sinh hoạt tình dục (ví dụ : một người bị bất lực vĩnh viễn) thì không đủ tiêu chuẩn để kết hôn theo luật dân sự hoặc theo giáo luật. Trong nhiều vụ xét xử, thì bất lực trước khi kết hôn vẫn là lý do cho một sự huỷ hôn.

Bởi vì các cặp đồng tính không thể thiết lập sự hiệp nhất nên một huyết nhục của hôn nhân – họ không thể tham gia vào các hành vi sinh sản – họ không thể kết hôn trong bất cứ nghĩa có ý nghĩa nào của từ nầy. Hôn nhân không chỉ là quan hệ bạn tình tình dục lãng mạn. Đó là, ngay khi được lập nên, một kết hợp nên một huyết nhục. Và đó là vì một yếu tố chính trong hôn nhân đích thực là khả năng tham gia vào các loại hành vi sinh sản và thường dẫn tới con cái mà nhà nước có một quan tâm sống còn trong việc công nhận và thúc đẩy các hôn nhân.

Nhà nước không và không nên kiểm soát các hội hữu nghị bình thường hoặc các tổ chức thiện nguyện của chúng ta, vì dù chúng quan trọng, chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chung chính trị và những phạm vi đã được cơ cấu. Tuy vậy, mọi người, kể cả nhà nước, cũng có một quan tâm sống còn trong việc bảo đảm một môi trường tốt nhất có thể cho việc sinh đẻ, nuôi nấng, dạy dỗ thế hệ kế tiếp. Bằng chứng khoa học xã hội ngày càng mạnh mẽ xác nhận những gì Giáo Hội Công Giáo đã giảng dạy hai thiên niên kỷ : rằng môi trường tốt nhất có thể cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em chúng là sự hiện diện và tham gia của hai cha mẹ ruột trong một gia đình nguyên vẹn. Ví dụ, Child Trends (Khuynh Hướng Trẻ em), một viện nghiên cứu không phe phái (nhưng thường liên kết với những phe theo chủ nghĩa tự do về mặt chính trị), đã kết luận :

Nghiên cứu chứng minh rõ ràng rằng cơ cấu gia đình có tầm quan trọng đối với trẻ em và cơ cấu gia đình giúp trẻ em nhiều nhất, chính là một gia đình do hai cha mẹ ruột trong một hôn nhân ít xung khắc, cầm đầu. Trẻ em trong các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, trẻ em sinh ra từ các bà mẹ không kết hôn và trẻ em trong các gia đình có cha dượng hoặc mẹ kế hoặc những quan hệ sống chung [không hôn thú. ND], đối mặt với những nguy cơ cao hơn với những kết quả nghèo nàn… Vì vậy có giá trị cho trẻ em trong việc cổ vũ hôn nhân mạnh mẽ, ổn định giữa các cha mẹ đẻ…”. Không phải đơn thuần sự hiện diện của hai cha mẹ,… mà chính sự hiện diện của hai cha mẹ đẻ dường như mới khuyến khích sự phát triển của trẻ em.

Điểm nầy đã được xác nhận gần đây hơn trong một nghiên cứu do Mark Regnerus tại Khoa Xã Hội Học và Trung tâm Nghiên cứu Dân Số thuộc đại học Texas ở Austin, thực hiện. Nghiên cứu nầy điều tra các chiều kích xã hội, tình cảm và quan hệ của những người trưởng thành trẻ được nuôi dạy trong những cơ cấu gia đình khác nhau, đã xác nhận rằng những trẻ em được nuôi dạy bởi cha mẹ ruột kết hôn với nhau làm ăn sinh sống tốt hơn là những trẻ em được nuôi dạy trong những sắp xếp thoả thuận khác, gồm cả những trẻ em đã cho biết đang được nuôi dạy bởi một người có quan hệ đồng tính. Nghiên cứu nầy kết luận:

Trẻ em có cần một bà mẹ và một ông bố kết hôn để xoay xở tốt khi trưởng thành chăng? Không, nếu chúng ta quan sát nhiều báo cáo có tính giai thoại mà tất cả người dân Mỹ quen thuộc. Ngoài ra, có nhiều trường hợp trong NFSS (Nghiên cứu Cơ Cấu Gia Đình mới = New Family Structure Study) trong đó những người trả lời đã chứng tỏ kiên cường và chiếm ưu thế khi trưởng thành bất chấp nhiều thời kỳ chuyển tiếp, dù đó là cái chết, ly dị, những bạn tình thêm vào hoặc thay đổi khác nhau hoặc tái hôn. Nhưng NFSS cũng tiết lộ rõ ràng rằng các trẻ em tỏ ra có khả năng nhiều nhất để thành công tốt khi trưởng thành – trong nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận và qua nhiều lãnh vực – khi chúng trải qua toàn bô thời niên thiếu với bà mẹ và ông bố kết hôn với nhau của chúng, và đặc biệt khi cha mẹ chúng vẫn là vợ chồng cho tới ngày nay. Đến mức độ mà việc chia sẻ những gia đình có bà mẹ/ông bố đẻ nguyên vẹn tiếp tục co lại ở Hoa Kỳ, như nó đang có, điều nầy báo hiệu những thách thức đang tăng bên trong các gia đình, nhưng cũng làm tăng lên sự lệ thuộc vào các tổ chức y tế công, sự trợ giúp công của liên bang và tiểu bang, các nguồn vật lý trị liệu, các chương trình sử dụng tài sản và hệ thống tư pháp hình sự.

Dĩ nhiên, các dữ liêu xã hội học có giới hạn và sự thật về bản chất hôn nhân không lệ thuộc vào những nghiên cứu như thế. Tuy nhiên, có một nhận thức đang tăng về sự giúp ích độc nhất mà gia đình sinh học nguyên vẹn được xây dựng trên sự cam kết của một bà mẹ và một ông bố trả lại cho thiên ích chung. Nói như vậy không có nghĩa là lăng nhục những người ở trong các kiểu gia đình khác hoặc lờ đi những hy sinh họ làm vì con cái họ. Tôi công nhận và ca ngợi những người đấu tranh anh dũng để nuôi dạy những trẻ em tốt lành và thánh thiện trong các bối cảnh khác, gồm cả các cha mẹ độc thân, cha mẹ nuôi. Các nỗ lực của các vị, thường là anh hùng, giúp đỡ hết thảy chúng tôi. Tuy nhiên, hy vọng cho con cháu chúng ta vẫn là tiêu chuẩn sẽ ngày càng là một gia đình sinh học nguyên vẹn.

Những hôn nhân thật sự, những kết hợp nên một huyết nhục được xếp đặt cho đời sống gia đình, khác về chủng loại với những hình thức quan hệ khác và đem lại một nối kết đặc biệt cho thiện ích chung. Chính vì thế mà luật hôn nhân truyền thống vừa đúng lại vừa chủ yếu. Định nghĩa lai hôn nhân để làm cho sự kết hợp bổ sung tình dục chỉ còn tuỳ ý, sẽ làm hại đến cả bản chất thật sự của hôn nhân lẫn thiện ích chung.

Tuy nhiên, sự lương thiện đòi hỏi chúng ta nhìn nhận rằng tình trạng hiện nay của hôn nhân trong Giáo Hội chúng ta và trong xã hội chúng ta thường hành động như một khẩu lệnh. Điều nầy có nghĩa là nhiều thanh thiếu niên ngày nay đã không cảm thấy được tính lâu bền và chung thuỷ trong các quan hệ gia đình chung quanh họ. Điều nầy cản trở sự đánh giá của họ về chân lý hôn nhân và khiến họ khó mà có được những cam kết nghiêm túc và lâu bền vượt qua sự vị kỷ vì lợi ích của những người khác và vì công ích. Ý nghĩa nhất, bên trong môi trường hôn nhân, sự gia tăng ấn tượng về con số và về tính chất có thể chấp nhận về mặt xã hội các vụ ly dị (và gần đây hơn nữa, là ly dị “không quy lỗi cho bên nào”) đã phát sinh một thế hệ vốn chỉ biết hôn nhân như một tình trạng không ổn định dành cho hạnh phúc ích kỷ cá nhân của một mình các vợ chồng, rất hạn chế về trách nhiệm với con cái – ngược hẳn với cam kết lâu bền và vốn là định nghĩa của hôn nhân. Liên quan gần gũi với điều nầy, là việc sử dụng tràn lan ngừa tránh thai trong các quan hệ tình dục khiến cho tuổi trẻ ngày nay gặp khó khăn trong việc hiểu thấu ý nghĩa nội tại thực chất và quan hệ giữa hoạt động tình dục và sinh sản vốn đã luôn là một trong các ý nghĩa nền tảng của hôn nhân, kể cả trong phạm vi thế tục. Khi các cặp vợ chồng chọn ngừa tránh thai, họ kìm giữ lại phần của chính họ (khả năng sinh sản) và từ chối chấp nhận người kia trong sự toàn vẹn của mình. Điều nầy cản trở dấu chỉ việc trao hiến luôn dính liền với hành vi vợ chồng.

Sự lấn lướt của các ý thức hệ sai lạc về bản tính của chúng ta ảnh hưởng tới việc chúng ta nghĩ thế nào về thân thể của chúng ta. Các ý thức hệ nầy đã làm cho thân thể bị giảm giá trị, khi coi thân thể như tách biệt khỏi căn tính của người đó. Căn tính dường như chỉ còn lại tâm trí và ý chí và thân thể bị coi như một phần của trật tự tạo dựng thấp kém hơn. Với một số người, hoạt động tình dục được hiểu đơn thuần là một nguồn lạc thú hoặc giải trí hoặc như một cách để thoả mãn một cơn thèm giống như cơn đói hoặc cơn khát. Ý nghĩa sâu xa hơn của nó như một sự hợp nhất nên một huyết nhục của các bên ký kết giao ước bị đánh mất. Sự đánh mất ý thức sự chung thuỷ và lâu bền bên trong hôn nhân và sự đánh mất sự quan trọng cốt lỏi của con cái bên trong hôn nhân (qua ngừa tránh thai và nạo phá thai) nhằm tìm lạc thú, đã góp phần vào những lập luận ủng hộ “hôn nhân đồng tính”. Tệ hại hơn nữa, nó huỷ hoại hạnh phúc của nhiều trẻ em và góp phần vào rất nhiều những vấn nạn xã hội làm ảnh hưởng đến công ích.

Một trong những việc làm tốt nhất chúng ta có thể cung cấp cho Giáo Hội chúng ta và xã hội chúng ta là cam kết hoặc tái cam kết sống chung thuỷ và yêu thương các cam kết hôn nhân của riêng chúng ta và cuộc sống độc thân vì Nước Trời. Con cái chúng ta và tổ quốc chúng ta cần gương sáng của nhiều người, nhiều người tín hữu chu toàn ơn gọi của mình một cách vui tươi và quên mình. Cách riêng, Tôi xin tất cả mọi người tiếp tục các nỗ lực để thành những gia đình tập chú vào con cái, nơi mà lợi ích con cái đến trước sự nghiệp hoặc “sự thành toàn cá nhân”. Tôi kêu gọi các văn phòng TGP và các giáo xứ cũng như các trường học của chúng ta tiếp tục những cố gắng để phục vụ các gia đình. Ngoài ra, tôi kêu mời mọi chính trị gia Công giáo đang phục vụ công ích và mọi người nam và nữ thiện tâm thiện chí hãy bênh vực bảo vệ chân lý về hôn nhân, chống lai những kẻ đang cố gắng phân chiết hoặc thay đổi triệt để ý nghĩa của hôn nhân. Các công dân Công giáo phải thực thi quyền của họ được lắng nghe trong khu vực công cộng qua việc bảo vệ hôn nhân. Chúng ta phải thực thi quyền bỏ phiếu của chúng ta trong việc bảo vệ hôn nhân và sự sống. Đó là trách nhiệm của chúng ta với tư cách những công dân và những tín hữu.

5. Kết luận.

Bất kể các luật đã hoặc có thể được ban hành liên quan đến hôn nhân đồng tính trong những quyền xét xử nhất định, phải nói rằng bằng định nghĩa luân lý đạo đức và trên thực tế những hôn nhân như thế không hiện hữu; những kết hợp như vậy không phải là những hôn nhân thật sự. Để đánh đồng “hôn nhân đồng tính” với hôn nhân như nó vẫn được hiểu theo truyền thống, sẽ làm hai rất lớn những cơ chế hôn nhân và gia đình. Sự công nhận về mặt pháp lý những kết hợp như vậy sẽ làm nẩy sinh những “quyền” có tham vọng mai sau và các luật vốn sẽ gây hại lớn lao, sẽ đặc biệt hết sức làm hại cho những quyền và nhu cầu của các trẻ em, nhưng còn làm hại đến tự do tôn giáo và quyền lương tâm.

Một số người có thể hỏi : làm thế nào sự nhìn nhận hôn nhân đồng tính lại có thể làm hại đến những kiểu kết hợp khác hoặc gây hại cho công ích? – Trước hết, phải nhận định rõ ràng rằng mọi quy trình xã hội phá hoại luật tự nhiên, đều tiêu biểu những điều giả dối về nhân tính của chúng ta và bóp méo sự hiểu biết của chúng ta về cái gì là thiện và đúng và từ đó, xuyên tạc khả năng sống cho phù hợp của chúng ta. Thay đổi định nghĩa của hôn nhân dạy rằng hôn nhân về cơ bản là về sự ban thưởng về cảm xúc và thể lý, chứ không phải là kết hợp nên một huyết nhục và con cái. Nó cũng sẽ có thể cất giữ trong luật một cách không tối ưu trong việc nuôi dạy con cái và huỷ hoại nghiêm trọng tự do tôn giáo và chân lý đạo đức. Điểm cuối cùng nầy cần có lời giải thích sau. Nếu xã hội chúng ta cất giữ trong luật một quyền “dân sự” kết hôn một ai đó cùng giới tính với mình, thì bất cứ người nào hay nhóm nào nghĩ thế khác, cũng sẽ gặp bất lợi thiệt thòi trong luật và trên thực tế. Chúng ta đã nghe các giới chức nhà nước và các tổ chức mới nhắc tới những người trong chúng ta giữ quan điểm hôn nhân như “những người cố chấp, mù quáng. […] Bao lâu nữa nhà nước sẽ cho phép các giáo xứ, các trường học hoặc phụ huynh các em được dạy con cái họ rằng hoạt động đồng tính là nghịch với luật tự nhiên, nếu hôn nhân đồng tính là một quyền dân sự? Đã xảy ra ở Canada và trong các quốc gia dân chủ khác các luật “có lối nói đầy hận thù” được sử dụng để quấy rối hoặc kể cả bắt giữ các giáo sĩ giảng dạy thông điệp Kinh Thánh về hôn nhân.

Đây không phải là lúc gieo hoang mang sợ hãi, nhưng là lúc để làm sáng tỏ tư duy và sự đúng đắn của hành động. Đừng lầm lẫn về điều nầy : những hành động theo pháp luật vừa qua chống lại Giáo Hội và những nhóm đức tin khác ở quốc gia nầy [Hoa Kỳ. ND] và trên khắp thế giới đã chứng tỏ cho thấy rõ ràng rằng tự do của Giáo Hội như một cơ chế (gồm cả các trường học, đại học, bệnh viện, trung tâm tư vấn và các tổ chức phục vụ xã hội khác của chúng ta) và các tín hữu Công giáo với tư cách là các cá nhân, sẽ bị tước đi đáng kể bởi bất kỳ sự tái định nghĩa hôn nhân nào sẽ bãi bỏ sự hiểu biết hôn nhân vốn đã được chấp nhận từ trước cả khi đất nước chúng ta được thành lập. Cũng gặp nguy cơ tương tự là các quyền của các Kitô hữu Chính Thống Đông phương, các tín đồ phái Phúc Âm và Tin Lành khác, các tín đồ Do Thái giáo, Hồi giáo, …

Mọi người phải vâng theo các mệnh lệnh của lương tâm, nhưng lương tâm chúng ta phải được đào tạo. Trong thế giới chúng ta ngày nay, một phân tích thế tục về các vấn đề khác nhau thường là lan tràn khắp, trong khi các tín hữu lại thường không được dạy dỗ thoả đáng trong các giáo huấn về đức tin. Tất cả mọi tín hữu có bổn phận phải tìm cách để hiểu và chia sẻ với con cái họ và những kẻ họ chăm sóc sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô và kế hoạch cứu độ của Người. Kế hoạch nầy được làm cho ăn khớp trong và qua các hành động và các quyết định đặc biệt của đời sống luân lý đạo đức cá nhân của chúng ta và cuộc sống chung với nhau của chúng ta với tư cách Dân Chúa chuẩn bị đời này cho sự sống vĩnh cửu với Chúa Kitô. Một phần kế hoạch nầy là kế hoạch của Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình. Lời giáo huấn mục vụ nầy đã được đưa ra cho tín hữu của Hội Thánh ở TGP Newark như là kim chỉ nam trong việc đào tạo đúng đắn lương tâm và như một nguồn suy tư cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí.

(VÀ LỜI CẦU NGUYỆN ĐỨC TGM LẤY LẠI CỦA CHÂN PHƯỚC GIOAN-PHAOLÔ II);
ubmvgiadinh.org

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời