Bài viết khác

Kỷ Niệm 50 Năm Tượng Đài Đức Mẹ Tại Bình Giả

(Bài đã đăng tháng 10 năm 2018)

By Lam Nguyen  01/10/2018  803  No Comment

(Vì vài lý do nên BBT không đăng toàn bộ bài viết được, xin tác giả thứ lỗi. Cảm ơn Ông Lê Ngọc Báu đã viết lại những dòng tư liệu quý giá này cho con cháu. Tất cả như lời tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã gìn giữ cho bà con Xứ Bình. nhân kỷ niệm 50 năm linh đài Đức Mẹ được xây dựng và hiện diện trên mảnh đất thân yêu này. Quý vị nào cần toàn bộ bài viết xin vui lòng liên lạc với BBT chúng tôi, cảm ơn!

“. . . . .

Tượng đài Đức Mẹ Bình Giả

Qua biến cố nói trên, tôi có xin một lễ Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cho Bình Giả được bình yên. Khoảng 10 ngày sau, tôi triệu tập một cuộc họp anh em cán bộ của đơn vị gồm các Đại đội trưởng, Trung đội trưởng, và cả các Tiểu đội trưởng, công bố cho họ biết việc trước đây tôi đã dâng đơn vị cho Đức Mẹ để xin ơn phù trợ có kèm theo lời hứa với Mẹ. Mặc dầu không ai nói với ai, các anh em trong đơn vị cũng như mọi người dân Bình Giả đều cho là một ơn đặc biệt, nếu không nói là một phép lạ. Toàn dân xã Bình Giả đã được Đức Mẹ che chở cho tai qua nạn khỏi. Vậy tôi đề nghị xây dựng một tượng đài Đức Mẹ theo như lời hứa trước đây. Ý kiến được anh em hoan hỷ tán đồng và công việc được chuẩn bị tiến hành. Trước khi bắt tay vào việc, có nhiều khó khăn vì thiếu thốn mọi mặt, nhưng với quyết tâm và lời cầu nguyện, nếu đẹp lòng Mẹ thì xin Mẹ giúp cho công việc thành công. Ban đầu dù chưa làm được như ý muốn cũng cứ làm, các anh em đến sau sẽ lo cho Tượng đài Đức Mẹ được tốt đẹp hơn. Ngày nay sau bao lần tu sửa, tượng đài Đức Mẹ rất khang trang đẹp đẽ.

Trở ngại trước nhất và quan trọng nhất là ngân khoản xây dựng, chiết tính sơ khởi khoảng 130,000,00 đồng. Theo sáng kiến đề nghị của anh em, kỳ lương cuối tháng 2 này xin mỗi người đóng góp một trăm (100,00) đồng, nhưng không bắt buộc mà do lòng tự nguyện. Ai có lòng ủng hộ nhiều hơn thì tùy ý, số tiền còn thiếu sẽ tiếp tục dần dần xin thêm. Dự trù đợt đầu sẽ thu được hơn 40,000,00 đồng. Đến kỳ phát lương vì có một số anh em biệt phái làm việc ở chi khu hay các nơi khác lãnh lương tại chỗ họ làm việc, hoặc có người đã lãnh lương trước hay lãnh muộn nên số tiền thu được dưới số dự trù.

Tiếp đến là họa đồ kiến trúc. Tôi có nhờ một anh em trong đơn vị giỏi về hội họa và một người bạn là giáo sư dạy vẽ ở trường trung học giúp nhưng đều bị từ chối vì hai người này cho rằng đây là một công trình về công giáo khá lớn, khá khang trang, các phần cấu trúc của nó phải có ý nghĩa đặc trưng. Việc này rất khó, nên ngại ngùng không ai chịu nhận. Đến nhờ các cơ sở chuyên môn, họ chiết tính số tiền thù lao quá cao, không đủ khả năng cung ứng. Thế cùng, không biết làm sao hơn, dù không có năng khiếu hội họa, không một chút kinh nghiệm về kiến trúc và cũng không có người cố vấn, chỉ biết cầu xin với Đức Mẹ rồi tự mình nghĩ làm sao làm vậy, biết gì làm nấy. Cuối cùng thì bản họa đồ cũng được hình thành.

Cách tổng quát:

  • Lấy hình Đức Mẹ ban ơn.
  • Cao từ mặt đất đến chót tượng đài 13.50m
  • Nền bệ đài cao 1.50m, dài 9m, rộng 6.50m

Chính giữa có một bàn thờ

Đi vào chi tiết:

  • Tượng Đức Mẹ (cao 2,40m): ý để tạ ơn và phó thác cho Đức Mẹ.
  • Đức Mẹ đứng trên quả cầu lớn, đường kính 1,20m, đặt trên đầu trụ cột tượng đài. Đức Mẹ đầu đội trời, chân đạp đất. Là Nữ Vương trời đất, uy quyền phép tắc, xin ban ơn, bảo vệ, che chở cho đoàn con cái Mẹ.
  • Trụ đứng nâng quả cầu và tượng Đức Mẹ được đổ bằng beton cốt sắt, hình tròn, móng đặt ngầm dưới mặt đất và kể từ mặt đất đến quả cầu cao 9m50. Từ mặt nền đài trở lên có 6 cánh đều nhau, dính liền và chạy dọc song song chung quanh trụ chính. 6 cánh tượng trưng cho các đơn vị, gắn vào trụ chính vì cùng dưới quyền chỉ huy thống nhất một Bộ chỉ huy. Các đơn vị là các Trung đội Nghĩa quân thì nhiều hơn, nhưng 6 cánh có ý tượng trưng chung cho tất cả các đơn vị. Vì nếu làm đủ mỗi Trung đội là mỗi cánh thì quá nhiều, rườm rà, mất vẻ mỹ quan.
  • Chân trụ đài phình rộng ra hình cái oi đựng cá, nâng đỡ trụ đài gọn vào trong ở phía trên, cho trụ đài thêm vững chắc và lấy ý câu “Mục dục cũng vào tôi oi!” vì các anh em trong đơn vị đều thuộc giáo dân địa phận Vinh, con một nhà, Cha một Chúa, để nhắc mọi người không quên miền gốc quê hương yêu dấu của mình và địa phận nhà, hãy chung sống đoàn kết, theo tinh thần người dân Nghệ Tĩnh.
  • Nền đài hình chữ nhật, nổi bật lên giữa khoảng đất trống, bằng phẳng, tượng trưng cho xã Bình Giả, là quê hương thứ hai, chốn chúng ta dung thân với cuộc sống mới, phải cùng nhau bảo vệ, xây dựng nó. Tất cả mọi cấu trúc đều đặt trên nền tượng đài.
  • Bàn thờ: Cuộc sống chúng ta làm việc gì cũng làm vì Chúa, để thờ phượng kính mến, tôn vinh Chúa. Xin Chúa quan phòng chúng ta trong mọi việc, mọi lúc.

Sau khi họa đồ vẽ xong, tôi đem trình bày xin ý kiến đóng góp. Hầu hết đều cho tượng đài cao quá, nên giữ thấp khoảng ½ của họa đồ. Nghiên cứu lại, theo sự ước đoán của tôi thì phải cao như vậy, Đức Mẹ mới nhìn xa ra khỏi trại, đến những vùng chung quanh như Xuân Sơn,… Mặt khác, tượng đài có cao mới cân đối, mới đẹp, mới hài hòa với khoảng trống lớn trước khuôn viên nhà thờ và với nhà thờ, nhà xứ, nhà trường gần chung quanh, nhưng không dám quả quyết là mình đúng, hơn nữa cũng cần quan tâm đến ý kiến chung nên chấp nhận đề án, cứ lấy họa đồ này làm căn bản để xây cất, cao tới đâu, nhìn khung cảnh thực tế mà quyết định. Nếu cao quá sẽ bớt thấp cho vừa tầm mắt mọi người. Khi công việc xây dựng tiến hành, chiều cao được để ý theo dõi, lên tới tầm cao ½ của họa đồ thì tạm ngừng lại để xem xét. Lúc bấy giờ mọi người đều nhận thấy là phải cao theo như họa đồ thì mới được và công việc xây dựng tiếp tục cho đến khi hoàn tất.

Địa điểm xây dựng tượng đài:

Một số anh em đề nghị xây tại cổng chính vào làng 1, cũng là cổng chính vào trại, khi có người ra vào Bình Giả thì được chiêm ngắm, cầu xin với Mẹ ngay khi qua cổng, đây cũng là bề mặt trại, làm cho trại thêm vẻ mỹ quan. Một số khác đề nghị xây ở cổng chính cuối làng 3 và cũng là cổng chính cuối trại để xin Đức Mẹ ngăn chặn quân địch thường xuất phát từ vùng Xuân Sơn và trong rừng rậm Xuân Sơn đến quấy phá. Số đông hơn thì cho rằng phải xây ở trung tâm làng 2, cũng là trung tâm trại, có Bộ chỉ huy đơn vị và trụ sở xã, địa điểm này dân chúng trong toàn xã có thể đến đây làm việc tôn kính và cầu xin Đức Mẹ, thuận tiện chung cho mọi người. Điều quan trọng là ở đây vấn đề bảo vệ an toàn tượng đài được tốt nhất. Mặt khác, tượng đài này do công sức của tất cả anh em trong đơn vị thì xây ở nơi có Bộ chỉ huy đơn vị là hợp lý. Đây cũng là nơi trái pháo đầu tiên trong đêm Mồng Hai Tết rớt xuống không nổ nên Chỉ huy trưởng đơn vị được thoát hiểm. Đức Mẹ đã gìn giữ cho bằng an vô sự. Dựa theo ý kiến số đông và cũng thấy hợp lý, sau khi suy xét, cân nhắc kỹ tôi quyết định Tượng Đài sẽ được xây dựng ngay chỗ trái pháo đầu tiên rơi xuống.

Hướng nhìn của tượng đài:

Khoảng đất dự trù sẽ xây dựng tượng đài ở bên cạnh Bộ chỉ huy, trước Nhà Vòm. Có ý kiến nên để Đức Mẹ nhìn quay ra trục lộ chính chạy dọc theo chiều dài trại, người qua lại sẽ nhìn thấy tượng đài, chiêm ngắm cầu xin Mẹ dễ dàng. Một ý khác, để Đức Mẹ quay về hướng Nam, có khoảng trống lớn khuôn viên nhà thờ trước mặt làm cho tượng đài thêm đẹp. Ý kiến này có người không đồng ý vì Đức Mẹ trở mặt hướng Nam, trước hết phải nhìn thấy chợ, ở đây người qua kẻ lại đông đúc, phức tạp, phần vì dãy nhà bên hông chợ đều quay lưng lại cho Đức Mẹ. Nhưng nhiều người khác thì đồng ý để Đức mẹ quay hướng Nam và cho rằng:

Tượng đài Đức Mẹ sẽ cao vượt hẳn trên các dãy nhà chung quanh chợ, Đức Mẹ có thể nhìn thấy tới vùng Xuân Sơn phía Đông Nam của trại. Khi chưa có chiến tranh, Xuân Sơn có một nhà thờ nhỏ, ngày Chúa nhật có Cha về làm lễ cho công nhân đồn điền cao su và những người Công Giáo sống rải rác trong vùng đến tham dự. Nay nhà thờ đã hư hao chỉ còn lại mấy tấm tôn và bộ sườn chơ vơ giữa trời đất, gió bụi, và nơi đây đã trở thành chỗ trú ẩn của du kích Cộng sản trong vùng. Xuất phát bạo lực đến Bình Giả. Xin Đức Mẹ hãy đưa tay quyền uy thắng dẹp quân thù để nơi đây không còn bạo lực nữa.

Xin cho vùng Xuân Sơn này các hoạt động tôn giáo lại được bùng lên và trở thành một trung tâm truyền giáo, Phúc Âm Chúa được rao giảng, hòa bình và ân nghĩa Chúa tỏa sáng, đem an vui, thịnh vượng lại cho dân chúng.

Ngày nay hai điều ước nguyện trên đã được toại nguyện. Năm 1986, sau khi ở tù Cộng Sản về, tôi đã đến nơi đây. Giáo xứ Xuân Sơn, giáo dân đông đúc, nhà thờ Xuân Sơn lớn đẹp và đã phát triển thêm ra mấy nhà thờ chung quanh, đạo Chúa nơi đây phồn thịnh. Cách đây mấy hôm, tôi nhận được tin, Vùng Xuân Sơn nay đã có tới ba giáo xứ.

Khi mọi việc chuẩn bị đã xong, còn một trở ngại chót là khu đất dự định xây tượng đài thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ Vinh Châu. Sau mấy ngày lo lắng và cầu xin Đức Mẹ giúp sức, tôi đem họa đồ và công trình đến gặp Cha Già Đông, Cha xứ Vinh Châu. Ban đầu Cha do dự nói:

  • Đây là đất nhà thờ thuộc Giáo xứ Vinh Châu, nếu tượng đài thuộc Vinh Châu mới được xây dựng trên khu đất này.
  • Trước nhà thờ đã có tượng Đức Mẹ, tuy hơi nhỏ nhưng không cần đặt thêm tượng Đức Mẹ thứ 2 nữa.
  • Sợ xây tượng đài mới xong sẽ che lấp một phần mặt tiền nhà thờ, làm mất vẻ đẹp và giảm giá trị của nhà thờ đi.

Tôi trình bày với Cha:

  • Tượng đài là công sức chung của anh em toàn đơn vị, trong đó có nhiều người thuộc Giáo xứ Vinh Châu, nếu được xây dựng xong, tượng đài sẽ là của chung cho 3 giáo xứ. Đức Mẹ là Mẹ chung mọi người chớ không của riêng ai cả.
  • Tượng đài sẽ cao lớn, khang trang làm tăng thêm vẻ đẹp cho khuôn viên nhà thờ và cả nhà thờ cũng thêm phần giá trị.
  • Trên nền bệ tượng đài cao, có đặt 1 bàn thờ dài 4m, ngày lễ lớn các Cha có thể làm lễ nơi đây cho giáo dân tham dự một cách long trọng và thoải mái, còn nhà thờ thì chứa không xuể.

“Ông Đồng Chủ tịch xã có hứa với con, nếu Cha không cho thì Xã sẽ cho xây ở ngay miếng đất bên cạnh trụ sở xã (cũng trong khuôn viên nhà thờ), nhưng con nghĩ nếu tượng đài được xây chỗ bên nhà Vòm, có Bộ chỉ huy quân sự ở đó, sẽ đẹp hơn, hợp lý hơn, gần nhà thờ hơn, mỗi ngày lễ, giáo dân đến nhà thờ là có thể chiêm ngắm Đức mẹ, làm tăng thêm lòng đạo đức và lòng sùng kính Đức Mẹ cho mọi người. Hơn nữa, có Đức Mẹ đứng đây, Đức Mẹ sẽ ban muôn ơn lành hồn xác cho Cha, cho giáo xứ và chung cho mọi người. Sống gần Mẹ thì có lợi hơn. Mẹ ở đâu ơn phước của Mẹ tràn đầy nơi đó”.

Sau khi nghe tôi nói, cha im lặng chốc lát, có lẽ cha đang suy nghĩ làm tôi lo lắng, nhưng rồi cha trả lời: “Thôi thì Cha đồng ý cho phép được xây dựng tượng đài ở chỗ xin làm”. Và cha còn khuyến khích: “Hãy cố gắng lên, Cha sẽ ủng hộ”.

Khi xây dựng tượng đài, anh em trong đơn vị đã bỏ ra nhiều công sức với một lòng hăng say, hồ hởi. Ba người đóng góp công sức nhiều nhất là:

1/ Anh Nguyễn Ba: bỏ ra mấy tháng để đắp tượng Đức Mẹ.

2/ Anh Nguyễn Thiên và

3/ Anh Đặng Văn Tần.

Anh Thiên và Anh Tần đã tình nguyện hy sinh bao trọn công việc thợ hồ từ lúc khởi công (tháng 3/1968) đến khi hoàn tất (Tượng đài khánh thành ngày 17/12/1968)

Các công việc không đòi hỏi khả năng chuyên môn như đào móng, đắp nền, phụ hồ,.. thì điều động anh em trong toàn đơn vị thay phiên nhau góp sức. Cần phải kể đến những người sau đây đã ủng hộ vật liệu để xây dựng:

1/ Cha Già Đông: 20 bao cement

2/ Bà Điểm (buôn bán lẻ ở chợ Bình Giả) 20 bao cement và nhiều khi mua những vật liệu lặt vặt cần thiết để dùng vào công việc xây cất như đinh, dây kẻm, xẻng, sô để trộn hồ,.. bà đã không lấy tiền.

3/ Ông Đại uý Ấn quyền quận trưởng Đức Thạnh cho 1 cây sắt lớn và dài, một số cọc sắt 3 cạnh để hàn nối lại, làm nòng sắt đổ trụ bêton chính của tượng đài.

4/ Quân đội Úc cho 3 xe đá xay

5/ Các người có xe vận tải chở vật liệu xây dựng ở Bình Giả cho cát đủ để xây xong công trình.

6/ Gỗ giàn giáo và gỗ ván để đổ bêton đều do anh em đi chặt ở rừng về và tự cưa lấy.

Cũng cần nói thêm: tôi hết lòng khen ngợi sự tích cực góp sức về mọi mặt của các vị Đại đội trưởng cả 3 đại đội. Ngoài ra còn nhiều người nữa ủng hộ tiền và vật liệu, đến bây giờ – xin lỗi quý vị – cuốn sổ ghi chép thu chi đầy đủ, rõ ràng, được bàn giao cho người kế nhiệm, trải dài qua năm tháng, đến nay đã bị thất lạc, và tôi không còn nhớ được đầy đủ, chỉ biết xin Đức Mẹ trả công bội hậu cho quí vị.

Khi công trình xây dựng sắp hoàn tất, phần tô da được khoảng một nửa thì đơn xin phục vụ nguyên quán của tôi được chấp thuận, lệnh thuyên chuyển của Quân đoàn gửi về, phần vì hai cụ thân sinh già yếu lại đau nặng nên ngày 18/08/1968, tôi phải vội vã bàn giao lại cho người kế nhiệm và trở về Bình Tuy gấp. Lễ khánh thành và làm phép tượng đài do Đức Giám Mục địa phận Giuse Lê Văn Ấn chủ sự, tổ chức long trọng. Tiếc thay, tôi đã không được báo tin để về tham dự.

Thời gian thấm thoát trôi qua, năm 1992, tôi được đi định cư ở Mỹ qua chương trình HO. Năm 2005, trở về thăm quê hương, ngày 04/8 đến thăm Bình Giả, chụp mấy tấm hình lưu niệm rồi về. Phần vì thời giờ vội vàng gấp gáp, phần thì nay có nhiều thay đổi không còn nhận ra những lối quen thuộc ngày xưa để đến thăm bạn bè, và cũng ngại việc tôi đến thăm có thể gây ra nhiều phiền phức cho anh em chăng? Điều làm tôi hết sức mừng là tượng đài Đức Mẹ lúc đầu chỉ thô sơ, trụ cột chính đổ bêton cốt sắt, còn các phần khác xây bằng gạch, tô cement rồi quét vôi. Nay qua nhiều lần tu sửa, tượng đài được “ốp” đá cẩm thạch, bàn thờ cũng bằng một khối cẩm thạch quý giá. Trước tượng đài là một sân rộng, có ghế đá cho những ai đến cầu xin Đức Mẹ quỳ hoặc ngồi. Tuy sửa chữa nhiều lần nhưng hình dáng và các phần chính cấu trúc tượng đài có ý nghĩa đặc trưng lúc ban đầu, hầu hết vẫn giữ được nguyên không thay đổi.

Mới đây tôi có điện đàm với Ông Phạm Thuyên, cựu chánh trương Giáo xứ Vinh Châu, 2 ông Thuyên và ông Đặng Bảng cũng là cựu chánh trương của Vinh Châu là những người có công lớn trong việc tu sửa tượng đài. Qua cuộc điện đàm, tôi được biết trong các đợt tu sửa, có người thợ hồ gặp tai nạn, gãy giàn giáo rơi từ trên cao 14m xuống giữa đống gạch đá lộn xộn nhưng được bằng yên vô sự. Anh tin tưởng rằng Đức Mẹ đã cứu anh và mặc dù anh không là người Công Giáo, năm đó anh đem cả gia đình dự lễ Giáng Sinh ở Bình Giả. Buổi lễ được cử hành ngay trên tượng đài mới được tu sửa. Hiện nay có nhiều người đến xin ơn đã được Đức Mẹ nhậm lời.

Thật tốt đẹp thay

Ước mong trong tương lại, Việt Nam có đổi mới, tôi sẽ có dịp về thăm quê hương lần nữa và khi đó sẽ tự do thoải mái gặp lại anh em, bà con, bạn bè, chia sẻ tâm tư và có dịp để cầu xin với Đức Mẹ Bình Giả.”

Costa Mesa,  California, Tết Nhâm Thìn 23/01/2012

44 năm sau Tết Mậu Thân.

Lê Ngọc BáuTAGS:

Follow Me:

Trả lời