Tùy Bút

Kỷ niệm 7 năm ngày mất Mẹ 15/03/2012 – 15/03/2019

MẸ TÔI
và cuộc “ĐỔI ĐỜI” không mong đợi.

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tuy không gọi là giàu có, nhưng cũng khá giả, dù đôi lúc cũng có những thăng trầm. Quê Nội tôi ở một tỉnh cực Bắc Trung phần, gia đình bên Nội xưa kia chỉ là những ngư dân nghèo khổ sống nhờ những chiếc ghe ngày ngày ra khơi đánh cá, nên mọi người bên Nội không được học hành gì nhiều. trừ Cha tôi, do được đi tu, nên cũng học hành đến nơi, đến chốn.

Ngược lại, quê Ngoại tôi là ở 1 tỉnh miền Bắc, sát Hà Nội, một tỉnh có quần thể Nhà Thờ Phát Diệm nổi tiếng và gia đình Ngoại tôi ở ngay gần đấy. Ông ngoại tôi là một Thầy giáo, một nhà Nho học, nhưng cũng là người đầu tiên học tiếng Tây của làng, gia đình giầu có, với ruộng đồng cò bay thẳng cánh, thường cho tá điền làm thuê để hằng năm thu lợi tức, tuy vậy gia đình Ngoại là một gia đình đạo đức, luôn giúp đỡ những người nghèo khổ chung quanh, đã từng mở kho lương thực của gia đình để giúp đỡ người dân trong năm đói Ất Dậu 1945. Có những người từ sự giúp đỡ của Ngoại tôi mà sau này trở thành Linh Mục, thỉnh thoảng cũng về thăm và giúp đỡ lại chúng tôi.

Được sinh ra trong 1 gia đình giầu có và gia giáo như thế, nên các Cậu, các Dì tôi đều được học hành tử tế, có người đạt những bằng cấp cao, có người là Linh Mục, có người là Nữ tu, còn Mẹ tôi cũng được ăn học và lớn lên với mảnh bằng do chính người Pháp cấp. Bà từng đi dạy cho trường Dòng, mà những học trò của Bà, hầu hết là Nữ tu, có người thỉnh thoảng vẫn viết thư thăm hỏi Bà, nhất mực Cô cô, con con, dù đã hơn 70 tuổi cả rồi.

Sau chuyến di cư vào Nam năm 1954, Cha tôi, khi ấy còn là một Thầy tu, phụ trách việc phân phát lương thực, nhu yếu phẩm cho những gia đình từ Bắc mới chân ướt, chân ráo vào, tình cờ gặp được Mẹ tôi, và thế là Ông đã…bỏ tu, bỏ áo “thâm chùng” để đi theo tiếng gọi của…thế gian, và anh em chúng tôi lần lượt được sinh ra. Hồi ấy, Cha tôi cùng vài người bạn lập một trường Tư thục ở Saigon, Cha Mẹ tôi đều dạy ở đó. Sau này, trường được trao lại cho người khác, Cha tôi về giảng dạy cho Cán bộ xây dựng nông thôn tại Vũng Tàu, Mẹ tôi và chúng tôi sống với bên Ngoại cho đến sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 thì tất cả đoàn tụ tại Vũng Tàu. Cha tôi dần trở nên có tiếng tăm trong xã hội, đã từng ra ứng cử vào Hạ nghị viện (nhưng không thành công do nhiều nguyên nhân chính trị). Mẹ tôi, không còn dạy học, chỉ ở nhà làm việc nội trợ và nuôi dạy con cái, tuy vậy, mỗi khi ra ngoài, Bà vẫn được đón tiếp và được trọng vọng như những “mệnh phụ phu nhân”.Tóm lại, lúc bấy giờ gia đình tôi cũng có được chút ít tiếng tăm và sống khá giả . Sở dĩ tôi phải kể dài dòng như vậy để có thể so sánh với những gì gia đình tôi đã phải chịu đựng sau này.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là 1-1-480x680.jpg

Biến cố 1975 xảy đến, vì chút “tiếng tăm” ấy mà gia đình chúng tôi lâm cảnh khốn đốn, tài sản vật chất được… “giải phóng” hết, và, như chim bị đạn sợ cành cây cong, Cha tôi quyết định đưa gia đình về Bình Giả lập nghiệp, theo lời gợi ý của một số người Bình giả đã xuống nhà tôi xin ở lánh nạn trong những ngày cuối tháng Tư, với ý nghĩ đơn giản là gia đình sẽ không sợ phải…chết đói. (Đến đây, tôi cũng cần phải kể thêm, khi về Bình giả được ít ngày thì một ông anh rể, bà con bên Nội, đang làm tài công cho cặp tàu đánh bắt tôm của Nhật Bản, nhắn tôi về lại Vũng Tàu để đi…vượt biên, đi bằng chính chiếc tàu lớn mà anh đang điều khiển, nhưng tôi đã quyết định ở lại với gia đình, vì không thể bỏ Cha Mẹ và 3 cô em gái chân yếu tay mềm tại một vùng đất hoàn toàn xa lạ để …làm nông, trong khi tôi, thằng con trai lớn duy nhất, lại đi tìm sự sung sướng cho riêng mình, vì lúc ấy, không ai nghĩ đi rồi có thể giúp đỡ gì được cho gia đình, ngoài sự sung sướng của bản thân). Cuộc sống gia đình tôi, chỉ qua một đêm đã đột ngột thay đổi, quay ngoắt hẳn 180 độ. Lúc ấy tôi cùng 3 em gái, đành phải bỏ dở chuyện học hành.Tôi phải lao vào công việc phát rừng làm rẫy, dù cả đời chưa từng một lần cầm đến con dao, cái cuốc. Đứa em gái út, mới 10, 11 tuổi, dù đang học rất giỏi, cũng phải nghỉ học để đi…chăn bò. Và, Mẹ tôi, từ một mệnh phụ phu nhân, cũng hằng ngày quảy gánh theo chúng tôi vào rẫy làm việc. Tôi còn nhớ như in dáng Bà quảy đôi thùng nước trên vai, leo lên những triền dốc để tưới…bù (bầu), có lẽ đó là những gánh nước đầu tiên Bà phải đặt lên vai, khởi đầu cho những gánh nặng cuộc đời đã theo Bà cho đến tận hôm nay.

Do không phải là những nông dân “chính hiệu”, nên vài năm đầu gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tiền bạc không còn, ruộng lúa không có, xe, bò cũng không. Ăn gạo chợ, nên những tháng nắng phải lo “Chạy ăn từng bữa, toát mồ hôi”, còn đến mùa thu hoạch “ thì đôi vai kia…gánh gồng thay trâu”. Đậu xanh, đậu phộng và cả bắp nữa, tất cả đều được đóng vào những “bao sọc xanh” (loại bao dệt bằng đay, mỗi bên có một sọc xanh to ở giữa, lúc đầu người ta sản xuất ra để đựng gạo, mỗi bao thường chứa được 100kg, và người dân Bình Giả dùng nó để đựng các loại nông sản khi vận chuyển. Nếu dùng đựng lúa, có thể chứa được 7 thúng mỗi bao. Bây giờ, những chiếc bao sọc xanh ấy đã dần biến mất, thay vào đó là loại bao được dệt bằng những sợi nhựa, mỗi bao chỉ đựng được khoảng 70kg lúa.). Ít hay nhiều tùy sức mỗi người, cột túm 2 mép bao lại, chừa 1 lỗ nhỏ ở giữa để luồn đòn gánh vào, gánh vượt quãng đường lầy lội dài hơn 4 cây số về nhà. mỗi ngày, mỗi chúng tôi phải đi 4 chuyến như vậy. Những ngày chưa thu hoạch, hoặc mùa nắng, thì nông sản được thay bằng…củi. Trưa nghỉ, tranh thủ vào rừng, sát bên rẫy mới khai phá, cưa những khúc củi lớn thành những đoạn ngắn khoảng nửa mét, chẻ ra từng thanh, xếp vào đôi gióng làm bằng những sợi thép gai, chiều đến, cứ thế mà gánh về. Mỗi tối, sau khi tắm rửa, ăn cơm, dưới ánh đèn dầu leo lét, chúng tôi lại phải ngửa bàn chân, những bàn chân… “dấu son, gót mềm” năm nào, giờ đã chai sạn, để “lể” những chiếc gai, đủ loại, hầu sáng hôm sau có thể “vững bước” vào rẫy.

Năm 1978, năm toàn quốc…mất mùa, gia đình tôi lại gặp thêm sự khó khăn: Cha tôi bị “truy” ra, thế là Ông được đưa vào “trường” để được “học tập, cải tạo”, cuộc sống gia đình càng thêm khốn đốn. Chúng tôi phải làm nhiều hơn, và ăn…ít hơn, để còn dành dụm mà “thăm nuôi” Cha tôi, có lẽ do học…dốt, nên mãi gần 4 năm sau mới có được “mảnh bằng tốt nghiệp” để “ra trường”. Cuộc sống trước đó đã cơ cực, gặp năm mất mùa, càng khó khăn gấp bội. Anh em chúng tôi, ngoài công việc của gia đình, những ngày còn lại phải đi làm thuê. Khốn thay, chính cái mác “Con nhà giàu, học giỏi” đã khiến không ai …dám thuê, chúng tôi phải đi năn nỉ từng nhà để có việc làm, để có thêm chút thu nhập cho gia đình. Còn việc ăn uống, nói ra có thể không ai tin, suốt gần 1 năm trời, chúng tôi hầu như không thấy hột cơm, thỉnh thoảng mới có 1 bữa cơm độn củ mì khô, xắt thành sợi nhỏ, hoặc khoai lang khô, nhưng tìm thấy hột cơm cũng khó như…tìm rận trong chăn. “Cơm” ăn với nước mắm cô đặc (nước mắm bỏ vào chảo sên lên cho đến khi đặc sệt lại), Canh thì nấu từ đủ các loại rau kiếm được từ ruộng rẫy, và tất cả đều là canh “không người lái”, nghĩa là chỉ rau, nấu với nước, cho vào ít hột muối (chứ mắm thì dành để “cô” rồi), còn thì ăn toàn bo bo (loại thức ăn chỉ dành cho…ngựa, được “viện trợ” từ các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu), bo bo rặt, bo bo độn khoai lang, bo bo độn đậu xanh hột…Đi làm thuê cũng chỉ mỗi đứa một lon guigoz bo bo, trên cùng để 1 cục đường tán đen xì, bằng đầu ngón chân cái. Trưa đến, anh em chẳng dám ngồi ăn chung với chủ nhà, dù được tha thiết mời, mà phải “lủi” ra 1 góc riêng, ở xa xa, cho đỡ…xấu hổ.

Đến thời điểm này thì những phẩm chất cao cả nhất, tốt đẹp nhất của 1 người phụ nữ Việt Nam thuần túy đã được Mẹ tôi thể hiện một cách hoàn hảo : Hy sinh, nhẫn nhục chịu đựng, không 1 lời cằn nhằn, không 1 tiếng kêu ca, than vãn, âm thầm làm tất cả những gì có thể cho gia đình. Mẹ tôi gầy rộc hẳn đi trong những bộ cánh cũ rộng thùng thình. Bà không còn phải thỉnh thoảng vào rẫy như trước nữa, mà chỉ ở nhà lo việc nội trợ, nhưng những công việc không tên ở nhà còn vất vả gấp bội những công việc mà chúng tôi phải gánh vác ngoài đồng. Nấu ăn, giặt giũ, khâu vá, phơi phóng nông sản…tất cả đều do 1 tay Bà. Dù xưa kia từng là 1 tiểu thư đài các cho đến lúc trở thành 1 mệnh phụ phu nhân, nhưng việc nữ công, gia chánh thì khó có ai bằng Bà. Tất cả chúng tôi, kể cả tôi, một thằng con trai, cũng ít nhiều được thừa hưởng những phẩm chất, những sự khéo léo của Bà trong việc khâu vá, bếp núc. Sáng sớm, Bà thức giấc nấu ăn, chuẩn bị mọi thứ để chúng tôi mang đi rẫy, rồi Bà lo ngâm những khúc mì khô cho mềm ra (Củ khoai mì được “nạo” vỏ, chặt thành từng khúc ngắn, phơi khô, thường chỉ để bán cho những nhà chăn nuôi xay thành bột, làm thức ăn cho gia súc. Nhưng ở thời điểm khốn khó ấy, không chỉ gia đình tôi, mà còn rất nhiều gia đình nghèo khác phải dùng làm thức ăn), rồi gọt sạch, tỉ mỉ xắt thành những sợi nhỏ để khi nấu lên, chúng tôi dễ nhai, dễ nuốt hơn. Sợ ăn mãi 1 món cũng ngán, Mẹ tôi lại dùng bột khoai mì, tráng thành món bánh cuốn (Bình Giả thường gọi là bánh mướt), những cái bánh cuốn …vàng khè, chấm với nước mắm. Ăn không hết, Bà lại phơi khô từng tấm bánh tròn ấy, xong xắt thành sợi, để thỉnh thoảng chúng tôi lại được “thưởng thức’ món phở, phở…“toàn quốc”, nghĩa là, 1 tô “phở” mà sợi phở được làm bằng những cái bánh mướt bột mì, phơi khô, xắt sợi và…nước (toàn “quốc” mà), chẳng có rau ráng, thịt thà gì, một món ăn “không giống ai”, nhưng lại dễ…húp. Rồi những buổi tối lại hay được ăn món chè…“Thái đức”, gồm bù (bí đỏ) nấu với đậu xanh hột, khi có chút đường tán, khi không. Tối, ăn 1 tô, thì y như rằng đêm phải mò dậy, ra gốc me bên nhà để…tưới. Còn vô số những “cao lương, mỹ vị” khác, được chế biến từ bàn tay khéo léo của Mẹ tôi, mà tôi không thể nhớ hết, những món ăn đã giúp chúng tôi sống qua những ngày gian khổ ấy. 
Việc khâu vá của Bà cũng thật tài tình. Những chiếc áo lính cũ, mặc mãi nên thường mục rách, Bà cắt vải từ những chiếc áo quần cũ khác, cắt thành những miếng hình vuông, hình chữ nhật, đắp lên những chỗ đã rách, vá lại bằng những đường may cực kỳ khéo léo. Tôi vẫn còn nhớ, tôi có chiếc áo, chiếc áo có lẽ chỉ một, không hai trên thế giới này, chiếc áo mà vật liệu ban đầu tạo ra nó đã mục nát hết, nhưng vẫn nguyên vẹn, nhờ được kết lại bằng vô số những miếng vải khác, có cũ, có mới với đủ màu sắc khác nhau, nhờ bàn tay may vá tuyệt vời của Mẹ tôi. Ngoài việc chế biến các món ăn để giúp anh em chúng tôi dễ nuốt hơn, và lo khâu vá những chiếc áo quần cũ rách cho chúng tôi, hằng ngày bà còn phải giặt giũ những thau quần áo “lính” dày cộp, bê bết bùn đất mà chúng tôi vất ra sau khi đi làm về, rồi còn phải phơi những nông sản khi có nắng, rồi lại tất tả hốt vào những khi trời mưa…những công việc vất vả ấy đều do bàn tay Bà cáng đáng.

Viết đến đây, tôi lại thấy một nỗi ân hận dâng trào, khi nhớ lại những đêm đi chơi khuya về, chứng kiến bóng dáng nhỏ gầy của Mẹ tôi đứng bên gốc bơ trước nhà, dõi mắt ra đường chờ bóng tôi . Tôi không thể nào viết tiếp được nữa, và cũng không thể kể hết những hy sinh, vất vả, mà, vì chúng tôi, Bà đã làm bằng tất cả sức lực của mình, không một lời kêu ca, than vãn. Sức lực của Bà như đã truyền hết sang cho chúng tôi, để chúng tôi ngày một trưởng thành hơn, trưởng thành từ cuộc “đổi đời” của Bà, một cuộc đổi đời không ai mong đợi, một cuộc đổi đời với đầy dẫy mồ hôi, máu và nước mắt. Tôi chợt nhớ lại một bài thơ đã lâu, một bài thơ ngắn, viết về Mẹ :

Mẹ ơi Mẹ, tiếng đầu tiên con khóc.
Chín tháng trời, ai mang nặng, sinh đau?
Con xinh đẹp, ai hằng ước nguyện cầu?
Con mạnh khỏe, ai mang niềm vui sướng?
Tuy kiệt sức, ai là người gắng gượng…
Đưa đôi mắt hiền từ hé nhìn con?
Ai là người ấp ủ trái tim non
Để lớn lên trong tình Người âu yếm.
Thân xác con, ai đã cho bú mớm?
Đã xả mình sẻ sức sống cho con. 
Để giờ đây sức sống ấy dần mòn
Mà con được mỗi ngày thêm sức sống.

Mẹ yêu dấu ! Con biết hồi ấy Mẹ đã rất đau lòng khi phải chứng kiến chúng con, những đứa con rất ngoan, học rất giỏi của Cha Mẹ phải vào đời sớm như vậy, và vào đời bằng cái cách không thể tồi tệ hơn ! Nhưng Mẹ đã phải nuốt nước mắt vào trong, vì… “Thời đã thế, thế thời phải thế”! Mẹ đã âm thầm chịu đựng tất cả, chỉ để giúp chúng con nên NGƯỜI, mong chúng con được trưởng thành từ chính trong những nỗi gian khổ ấy. Chúng con rất tự hào về Mẹ và con viết bài này như một lời tri ân muộn màng gửi đên Mẹ. Chúng con đã sống đúng với những điều đã nhận được từ sự dạy dỗ của Cha Mẹ. Riêng con, con tự hào vì nhờ sự giáo dục và nhờ tấm gương sáng của Mẹ mà trong đời con đã không vấp phải một lỗi lầm nghiêm trọng nào để phải hối tiếc. Điều nuối tiếc duy nhất của con cho đến giờ phút này, khi Mẹ đã 85 tuổi rồi, là đã không thể chăm sóc Mẹ một cách đúng mức, điều mà đáng ra Mẹ đã phải được hưởng từ rất lâu. Con mong được Mẹ tha lỗi, Mẹ yêu của con.

HẢI ÂU
Nguyễn Ngọc Trân

Bình giả, một đêm buồn!

Nguồn facebook

Follow Me:

Trả lời