Kỹ năng sống Sưu Tầm

Làm gì khi con giỏi ăn vạ?

Mỗi gia đình đều có cách dạy con riêng, có gia đình thành công, có gia đình bất lực, nhưng việc nuôi dạy con nói chung rất cần sự nghiêm khắc, rõ ràng và cũng có cả tình yêu thương của cha mẹ. Vậy bạn sẽ đối phó như thế nào nếu con rất giỏi “ăn vạ”?


Con trai chúng tôi vốn ốm yếu từ nhỏ, chồng tôi lại làm việc xa nhà biền biệt, nên bao nhiêu tình thương, tôi đều dành hết cho con. Suốt những năm đầu đời của con, tháng nào tôi cũng dắt con tới lui bệnh viện để điều trị viêm họng. Mỗi đợt bệnh, con tôi đều sốt cao, co giật khiến tôi thật sự hãi hùng. Cháu hay khóc la với âm lượng lớn nên tôi rất sợ nghe con khóc và cố gắng hạn chế tối đa việc đó. Chưa đầy ba tuổi, con tôi đã hiểu nếu nó muốn gì mà chưa được đáp ứng, chỉ cần khóc rống lên là xong.

Đến năm con bốn tuổi, chồng tôi đổi việc để có nhiều thời gian cho gia đình hơn. Anh đã sững sờ chứng kiến cảnh con đòi xem hết bộ phim hoạt hình trên tivi rồi mới đi tắm. Tôi không đồng ý bèn tắt tivi, con tôi khóc rống lên, lăn ra đất ăn vạ. Tôi không biết xử lý sao, đành vuốt giận cho yên cửa yên nhà. Còn con hả hê vì được như ý. Cảnh tượng đó tái diễn ngay ngày hôm sau, khi con đòi đi mua đồ chơi trong khi ngoài trời mưa gió. Chồng tôi đã nổi nóng chen vào và thế là… đại chiến. Tất nhiên,“phe tôi” đông hơn nên chiến thắng, dù chẳng vẻ vang gì. Tối đó, khi thằng bé đã ngủ say, chúng tôi nói chuyện nghiêm túc với nhau. Chồng tôi xin lỗi bấy lâu đã bỏ mặc hai mẹ con và bày tỏ mối lo con sẽ hư nếu tôi cứ nuông chiều như thế. Tôi cũng thừa nhận đã tạo cho con thói quen “cứ khóc là được”, nhưng giờ chẳng biết phải làm cách nào.

Lần thứ ba, rồi lần thứ tư. Không kiềm được nóng giận, chồng tôi vung tay tát con, khiến tôi hoảng hốt nhảy vào… ứng chiến. Thằng bé thấy được mẹ bênh, lại ra sức gào khóc và càng vênh váo trong những lần sau. Chuyện con cái khiến vợ chồng mặt nặng mày nhẹ, còn con trai chỉ ngoan khi được mẹ đáp ứng mọi yêu cầu, kể cả những yêu cầu vô cùng trái khoáy.

Khi tôi than thở với người thân, bè bạn về chuyện này, người thì góp ý nên nhỏ nhẹ khuyên nhủ, người lại bảo đánh cho một trận nên thân là cháu sẽ chừa. Tôi đã khuyên nhủ con, nhưng khi không vừa ý, cu cậu lại quên hết lời mẹ, có khi la khóc tới mức gồng cứng người, mặt mũi tím tái, tay chân co quắp. Mỗi lần thấy con như thế, nhớ những lúc con bệnh rồi có những triệu chứng tương tự, tôi lại hồn xiêu phách lạc và thế là… vuốt con. Chồng tôi vốn nóng nảy, cũng vài lần đánh con thẳng tay, dặn tôi bỏ mặc cho nó khóc, khóc mãi rồi sẽ nín. Nhưng thằng bé mới bốn tuổi đã biết“thi gan” cùng bố mẹ. Lần đó, sau một tiếng đồng hồ gào khóc dưới đất, thằng bé khản tiếng, mũi sụt sịt rồi viêm họng luôn…

Xót con, nhưng tôi cũng đồng tình với chồng là không thể kéo dài tình trạng ấy. Chúng tôi nhận thấy phải sửa sai từ chính bản thân mình trước. Bước đầu, tôi tạo điều kiện cho cha con gần gũi, để con bớt dần sự yếu đuối, ảnh hưởng từ mẹ. Chồng tôi đã khéo léo hướng dẫn con một số kỹ năng sống để tự đáp ứng nhu cầu của bản thân, từ đó chẳng những con tự lập hơn mà còn hạn chế xung đột với mẹ. Tôi cũng cố dứt ra khỏi những ám ảnh bệnh tật của con, dạy con biết phòng tránh bệnh và chấp nhận chuyện đau ốm của bản thân. Đặc biệt, mỗi lần biết con sắp sửa lên gân lên cốt, tím tái mặt mũi để phản đối mẹ, chồng tôi lại cười đùa, trêu chọc con theo kiểu “đàn ông đâu có vậy”, tôi thì tìm cách lảng chuyện, xem như không có gì nghiêm trọng, thậm chí không quan tâm, để hóa giải cơn giận của con. Từ từ, cảnh “chiến tranh” trong gia đình giảm hẳn.

Việc “điều trị” một đứa con khó bảo là cả một quá trình dài và nhiêu khê, mà đôi khi cha mẹ phải khéo léo “diễn xuất” và tung hứng ăn ý như nghệ sĩ trên sân khấu. May sao chúng tôi đã làm được việc này.


Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời