Lịch sử Bình Giả

Linh Mục Nguyễn Tấn, Ngài Là Ai? – Huyền-Hải-Sơn

Theo một nguồn tin đáng tin cậy  thì LM. Nguyễn Tấn, sau một thời gian bị bắt giam đã chết rục trong tù, nơi gọi là trại Bà Vạc. Thi hài của Ngài được chôn trong một ngôi mộ đơn sơ tại Hòn Nồi, xã Tăng Thành, thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Ngệ An. LM Trần Quốc Long, nguyên quản xứ Đức Lân, trong một bức thư đề ngày 17 tháng 4, năm 2001 đã viết như sau: “Cha Gioan Baotixita Nguyễn Tấn từ trần năm 1955 tại trại giam bà Vạc, xã Đông Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hài cốt của Ngài được cải táng và đem về chôn cất tại thánh đường giáo họ Diệu Ốc, xứ Đức Lân, hạt Đông Tháp, giáo phận
Vinh.”

Cũng theo lời Cha Long kể, trong 3 năm qua (1998, 1999, 2000) Ngài đã ban rất nhiều ơn thiêng cho vô số bà con lương giáo đến cầu khẩn trước phần mộ Ngài. Cha Long đưa ra 9 trường hợp điển hình từ một người câm trong vòng 17 năm, nay đã nói được; một người đàn bà bị hiếm muộn nhiều năm,nhưng đến cầu nguyện trước mộ phần của Cha Tấn và nay đã sinh con; có người bị bệnh tâm thần, mất trí, các bệnh viện trả về cũng được Ngài cứu lành, và cuối cùng, một em bé bị bệnh nấm đã 6 năm, đi hết thầy, uống hết thuốc cũng không lành, nhưng cha mẹ em tới cầu xin Ngài, em đã được chữa lành trong hai ngày… “Có rất nhiều đơn tạ ơn mà không thể ghi hết ờ đây. Con số người được ơn này ơn khác phải tính đến hàng trăm. Hiện giờ Ngài vẫn tiếp tục ban nhiều ơn cho những người đến cầu nguyện với Ngài, không phân biệt lương giáo.” Một nhân chứng khác, Bà Đặng Thị Chung, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, bị chứng đau khớp lâu năm cũng đã được Cha chữa lành.

Chúng tôi may mắn được LM. Nguyễn Tấn nhận làm nghĩa tử lúc còn rất bé (7 tuổi), với mục đích là để rèn luyện đức tính, trau giồi kinh sử để thi vào trường “Thử” trước khi gia nhập tiểu chủng viện Xã Đoài. Tuy nhiên, thời sự biến đổi, và cuộc sống của chung tôi cũng đổi thay theo vận nước. Cuộc đời Linh Mục của Cha Tấn vì thế cũng gặp nhiều đau khổ. Ngài bị tù đày và bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc.

Được hân hạnh gần gủi với LM.Nguyễn Tấn lúc thiếu thời, và được chứng kiến nhiều hoạt động mục vụ rất khác thường của Cha, tôi có bổn phận phải ghi lại các dữ kiện hầu cống hiến quý độc giả và phần nào tỏ lòng tri ân đến một người đã ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời tôi.

Sơ Lược Tiểu Sử Của LM Nguyễn Tấn

Theo sổ sách lưu giữ thì LM. NguyễnTấn sinh năm 1884 trong một gia đình đạo đức gồm có 7 anh chị em. Ngài là con trai thứ 5. Cha Tấn chịu chức Linh Mục năm 1928 và lần lượt coi các xứ đạo: Mỹ Hòa (1928-1931), Vĩnh Phước (1931-1932), Hậu Thành (1932-1936),Phú Vinh (1936-1948), và nhiệm sở cuối cùng là giáo xứ Thanh Dã (1949-1953), thuộc hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh. Ngài được mô tả là một người “hết sức mực thước, sống được lòng mến thương của mọi người, kể cả lớp cha già khó tính hồi đó.” Cha Cao Vĩnh Phan trứơc đây làm thầy giảng giúp Linh Mục Nguyễn Tấn cho biết như thế. Cha Tấn dáng người cao lớn, để râu dài và thường chống gậy trông rất oai vệ. Ngài đi đâu cũng mang theo một số thuốc trị bệnh lỡ khi gặp người cần giúp đỡ thì có để phân phát ngay. Có phải đây là một nghề gia truyền hay không thì người viết không được rõ, tuy nhiên người em ruột của LM Nguyễn Tấn là một Danh Y trong vùng, có tên là ông Đoàn Lập, đã được mời đi đây đó để chữa lành rất nhiều bệnh nhân.

Linh Mục Nguyễn Tấn, Một Người Có Lòng Bác Ái Và Giao Tế Rộng Rãi.

Linh Mục Nguyễn Tấn là một người có nhiều lòng từ bi bác ái đối với tất cả mọi người. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của bác Thận, một người bị mù từ lúc bẩm sinh đến kêu cầu Cha giúp đỡ và đã được Cha cho phép ở lại trong nhà xứ để làm những công việc nhẹ hợp với khả năng như xay lúa giã gạo. Để bù lại Cha đã săn sóc bác từ miếng ăn, đến quần áo mặc và thuốc men lúc đau yếu. Nhờ đó bác cũng có điều kiện đi xem lễ đọc kinh mà không phải lo đến cuộc sống thể xác khổ sở của những người khuyết tật trong một xã hội nghèo đói và lạc hậu ở vùng quê Việt Nam thời bấy giờ. Một trường hợp khác là một người đàn bà cở 30 tuổi mắc bệnh tâm thần bị gia đình hắt hủi cũng đến nương tựa Cha và được cứu vớt. Bọn trẻ chúng tôi tuy mang tiếng là “các chú” ở trong “nhà Chúa”, nhưng cái tính nghịch ngỡm của trẻ con vẫn không bỏ được!! Vì thế Cha Tấn đã nghiêm cấm chúng tôi không được choc phá chị và phải đối xử lịch sự, tôn kính chị như một người lớn tuỗi. Chị đươc tự do lui tới nhà
xứ, ăn uống đầy đủ và được săn sóc thuốc men, nếu cần.

Vào thời điểm đó, sự ngăn cách giữa giáo dân và linh mục tựa như một cái hố sâu. Tuy nhiên đối với Cha Tấn hàng rào ngăn cách này hầu như không hiện hữu. Mỗi chúa nhật có rất nhiều người vào xin gặp Cha lúc sau lễ và nếu câu chuyện giữa cha con chưa kết thúc và giờ ăn tới, thì bao giờ giáo dân cũng được Cha mời ở lại dùng cơm. Điều này thường xuyên xảy ra và luôn là một điểm nhức nhối cho bà giúp việc phụ trách ẩm thực. Lòng từ bi bác ái của Cha không phải chỉ ngừng lại nơi những người yêu cầu Cha giúp đỡ, nhưng Ngài đã bỏ công tìm đến những người đau yếu trong xứ đạo, mặc dầu họ chưa cần sự chú ý và giúp đỡ của Cha. Tôi thường được sai mang thuốc đến cho những người bị đau, hoăc bị cảm cúm, nhất là các người khuyết tật và các vị cao niên. Để đền ơn, quý vị này thường dúi vào tay tôi một nhúm đậu phọng rang hoặc một cái bánh tráng đã được nướng sẵn. Do đó tôi rất hăng hái làm công tác này.

Dựa theo tài liệu phỏng vấn Linh Mục Cao Vĩnh Phan (24/4/2001), cũng là tác giả cuốn Lịch Sử Giáo Phận Vinh, Cha Tấn không những lo săn sóc phần hồn cho bổn đạo mà còn quan tâm rất nhiều đến cuộc sống của giáo dân. Ngài liên lạc mật thiết với ông Trần Thế Roanh, gốc Thanh Hoá vào Thanh Dã đắp đê khai khẩn đất cho dân chúng làm ăn. Giáo dân Thanh Dã được ông Trần Thế Roanh giúp đỡ tận tình do sự thân quen của Cha Tấn với vị chủ điền này. Thời cải cách ruộng đất, ông Roanh bị khép tội địa chủ, và bị xử bắn. Trước giờ chết ông đã xin trở lại đạo và xin Cha Tấn rửa tội vì ông rất mến mộ nhân đức của Cha già.

Địa bàn hoạt động bác ái của Cha Tấn không ngừng nơi ranh giới xứ đạo mà trải rộng tới những làng không Công Giáo chung quanh, đặc biệt là làng Quỳnh Đôi nơi có rất nhiều người đỗ đạt làm quan và cũng là mảnh đất đã tạo ra nhiều nhà cách mạnng chống thực dân Pháp. Mỗi lần đi xa nhà xứ, Ngài thường đem tôi đi theo, bảo là “phạt” tôi vì dám trốn Cha đi về ở nhà mà không được Cha cho phép. Như đã trình bày ở trên, Cha Tấn đi đâu cũng mang sẵn thuốc trong người để nếu cần thì giúp đỡ. Ngài sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào và săn sóc bất cứ ai, yên ủi tất cả mọi người dầu người đó là lương
hay giáo. Cha Tấn còn làm một việc khá táo bạo đó là tới chia xẻ nỗi bất hạnh với cả những người bị chính quyền đương thời gạt ra bên lề xã hội và chờ ngày xét xử. Đó là các vị quan huyện, quan phủ, bị chính quyền Việt Minh cho về vườn. Làng Quỳnh Đôi đã sản xuất rât nhiều quan lại cũng như nhiều nhân vật nổi tiếng, từng tham gia hoạt động với Hồ Chí Minh. Không hiểu có phải đây là một trong những lý do mà Cha đã bị chính phủ Việt Minh bắt và cầm tù cho đến chết hay không?

Linh Mục Nguyễn Tấn Một Người Có Đầu Óc Cấp Tiến Và Cởi Mở

Mặc dầu ở vào lứa tuổi thơ dại nhưng tôi không quên những nhân vật tên tuổi đã đến gặp và được mời ở lại dùng cơm với Cha Tấn tại nhà xứ Thanh Dã. Đó là các ông Hồ Tùng Mậu, Hoàng Liên Việt, và bà Hồ Học Lãm, những người đã cọng tác đắc lực với Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Trong bữa ăn tôi được lệnh đứng quạt ruồi cho các vị dùng cơm. Chuyện con nít đứng quạt cho người lớn ăn là chuyện thường tình xảy ra ở Việt Nam hồi bấy giờ. Cũng nhờ vậy mà tôi được biết tại sao qúy vị này lại tới thăm Cha Tấn. Những người này muốn gửi một số đồ đạc gồm sách vở và áo quần đem từ bên Trung Hoa về. Có lẻ họ là những người đã sống và hoạt động cách mạng lâu năm ở bên Trung Hoa. Đàng khác, nhà xứ của Cha rộng rãi và có gác nơi có thể cất giấu những món đồ quý giá một cách an toàn. Thực vậy, vào những ngày trước đó quân Pháp đã từ bờ biển tấn công đất liền bằng cách xua quân vào vùng Quỳnh Lưu. Để đánh dấu ngày đau thương này, ai đó đã đặt một bài vè mà tôi được nhớ vài câu như:

“Ngày 15 tháng 10
dương lịch,
Giặc Pháp lên đổ bộ huyện Quỳnh Lưu.
Ai ngờ đâu những sự vô tình
Vì bố trí canh phòng còn sơ suất.
Năm giờ sáng chúng tràn vào mặt đất
Từ lạch Quèn cho đến cửa Thơi
Bốn phi cơ oanh tạc ở trên trời
Trăm quân địch tấn công vào dân xã
Trong khi đó dân tình đang ngủ cả
Tỉnh thức ra tiếng súng đã ầm vang…”

 

Trong cuộc đổ bộ này, quân Pháp cũng xua quân tiến vào làng Quỳnh Đôi mà không đánh chiếm Thanh Dã. Vì thế các vị này xin đến gửi đồ nơi cha xứ Thanh Dã cũng là một điều dễ hiểu. Một điểm đáng lưu ý là thái độ cởi mở và tế nhị của Cha Tấn trong khi tiếp xúc với các nhân vật trên đây. Hôm đó bà nội tôi (chị của LM Tấn) được mời dùng cơm với các yếu nhân, dặc biệt là để tiếp chuyện bà Hồ Học Lãm, một vi nữ lưu học rộng biết nhiều, lại là một nhà cách mạng chính cống. Tôi băn khoăn tự hỏi bà nội tôi, một
ngưới nhà quê, chưa một lần cắp sách đến trường thì làm sao có thể nói chuyện với những người như bà Hồ Học Lãm và quý khách mà chúng tôi đã đề cập tới. Sau nhiều năm lăn lội trên trường đời và được học hỏi từ nhiều từng lớp trong xã hội, chúng tôi ý thức được rằng không phải được cắp sách đến trường, có bằng cấp, đỗ đạt mới gọi là người thông minh. Vốn liếng văn hoá của bà nội tôi bắt nguồn từ một tinh thần biết nghe ngóng học hỏi. Gia đình chúng tôi được coi là khá giả trong vùng nên ông bà mời thầy đồ nho về dạy cho các con là thầy(*) và chú tôi. Nhưng chính vì cái danh giá này mà gia đình tôi phải tan nát. Chúng tôi bị bình lên hàng địa chủ, và vì thầy tôi đã mất nên bà nội tôi bị đấu tố và chịu
nhiều điều oan khiên. Bà là một người rất mực thông minh, nhớ hết những câu ca dao tục ngữ mà các thầy đồ bắt con bà phải học thuộc lòng. Những câu đó sau này bà lại dạy cho tôi như “nhân bất học bất tri lý”, “tam tòng tứ đức”, hoặc “con có cha như nhà có nóc” hay “thương người như thể thương thân”, … Tưởng cũng nên biết rằng vì bà nội tôi góa chồng sớm và ở vậy nuôi con nên được ông em là Linh Mục Nguyễn Tấn rât quý mến. Ít nhất mỗi năm một lần bà được mời tới sống ở nhà xứ với Cha một tháng, thường là lúc hè. Đây cũng là lúc có nhiều Cha, nhiều thầy từ trường Lý Đoán(**) hoặc trường La Tinh(**) về nghỉ hè nơi nhà xứ của Cha Tấn. Do đó, bà có dịp được tiếp cận với ánh sáng văn minh do các vị này đem đến. Có lẽ những nguồn “kiến thức” này đã giúp bà tôi có thể đối thoại với những người có trình độ học vấn rất cao, đã từng bôn ba nhiều nơi trên thế giới như các nhân vật đã nêu trên.

Chặng Đường Khổ Giá Của Linh Mục Nguyễn Tấn

Từ sau Noel 1952, ChaTấn bi chứng thấp khớp nên toàn thân tê liệt. Mặc dầu đi lại rất khó khăn, Ngài vẫn bị 3 anh công an bám chặt ngày đêm làm cho thần kinh căng thẳng nên bệnh tình càng nguy kịch thêm (Tài liệu phỏng vấn LM.Cao Vĩnh Phan). Chặng đường khổ giá của Linh Mục Nguyễn Tấn bắt đầu từ đây. Tuy nhiên những đau khổ và hy sinh của Ngài đã trở thành của lễ hiến tế biến kẻ thù thành bạn hữu. Một trong ba người công an vì cảm mến lòng đạo đức và cuộc sống đầy bác ái của Cha Tấn nên sau này đã xin trở lại đạo Công Giáo. Nhưng việc gì phải đến đã đến. Năm 1953, LM Nguyễn Tấn bị bắt giam tại trại Bà Vạc. Trên đường đi đến trại giam, Ngài được dẫn vào nghỉ đêm ở một làng bên lương(***), cách nhà bà chị vừa đúng một con sông. Ngài âm thầm chịu đựng, không để công an báo tin cho bà con sợ họ bị liên lụy. Cho tới hôm nay, hơn 50 năm sau ngày LM. Nguyễn Tấn từ trần, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về lý do tại sao Cha Tấn bị bắt và bị cầm tù cho tới chết?

Có người cho rằng sự kiện Cha Tấn là một linh mục công giáo và là một người có ảnh hưởng lớn đối với dân chúng trong vùng thì chuyện bị bắt và giam tù là điều tất nhiên. Vì người Cộng Sản rất đố kỵ với những ai hội tụ được hai đặc tính đó. Một số khác quả quyết rằng linh mục Nguyễn Tấn bị bắt là do lời khai của Nguyễn Gia Thăng, một người bị kết tội làm gián điệp cho Tây và bị xử bắn. ÔngThăng khai là có gặp Cha Tấn ở Thanh Dã.

Vào một buổi tối, trời đen như mực, tôi thấy có một người gỏ cửa vào xin gặp Cha đúng lúc Cha đang dùng cơm tối. Theo thông lệ, người khách được Cha mời ở lại dùng cơm với Ngài. Ăn xong ông từ biệt Cha để tiếp tục cuộc hành trình, nhưng không ai biết ông đi đâu? Vì đang đứng thơ thẩn chung quanh gian phòng để chờ Cha sai bảo, tôi được nghe người khách tự giới thiệu là Nguyễn Gia Thăng. Ông cũng yêu cầu Cha Tấn cho tôi ra khỏi phòng ăn để ông nói chuyện, nhưng Ngài bảo thằng bé nầy không có tính “mau miệng” nên cứ yên tâm. Tôi không còn nhớ câu chuyện giữa hai người xoay quanh vấn đề gì, nhưng tôi tin chắc cuộc viếng thăm của ông Thăng không làm thay đổi lập trường của Cha Tấn và cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của các thanh niên hoặc bà con trong giáo xứ. Tôi dám quả quyết điều nầy vì tôi thường xuyên được ở bên cạnh Cha và đi đâu Ngài cũng dẩn tôi đi theo. Linh Mục Nguyễn Tấn biết tôi là một cậu bé lanh lợi nhưng rất kính đáo, việc của ai làm không liên hệ đến tôi thì tôi không dự phần và cũng không học lại với người khác. Tôi còn mang máng nhớ có người báo với tôi Cha Tấn bị giam với Cha Nguyễn Viết Khai một linh mục gốc Vinh, hoạt động rất đắc lực cho Liên Đoàn Công Giáo Nghệ Tĩnh Bình trước khi có phong trào di cư. Rất tiếc giờ đây Cha Khai đã ra người thiên cổ, nên chúng tôi không biết ai để tìm hiểu thêm về những ngày lao tù của Cha Tấn. Hy vọng sau khi bài nầy lên mặt báo, chúng tôi sẽ nhận được nhiều ý kiến của các vị đã sống gần gũi với Cha Tấn trong hoàn cảnh nầy hay vị trí kia, dù đang sống ở hải ngoại hay tại quê nhà. Xin quý vị thương tình mà chỉ giáo thêm cho.

Lời Kết

Những giòng trên đây được viết lên thay cho những nén hương lòng dâng lên hương hồn của hai vị đã có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời của tôi. Người đã cho tôi một tình mẹ mà tôi thiếu từ lúc mới sinh ra, đó chính là bà nội tôi. Bà đã chăm nuôi, săn sóc, và dạy tôi những câu ca dao tục ngữ khi tôi vừa có trí khôn. Bà nội tôi chính là người đã chỉ cho tôi cách cầu nguyện và gieo vào trái tim tôi một tình thương tha nhân kể cả những người đã làm hại mình. Tôi còn nhớ hai người con nuôi đã đứng lên đấu tố và xỉ vả bà, nhưng khi họ bị đau nặng bà đã sai tôi đem cơm cháo, thuốc men cho họ.

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Tấn đã dẫn tôi tới một chân trời mới, xứ đường Thanh Dã, nơi hội tụ các thành phần trí thức với nhiều khuynh hướng khá dị biệt. Ở đó tôi được học hỏi nhiều điều và nhất là ý thức được rất sớm rằng chỉ có học vấn mới đưa người dân quê, trong đó có chúng tôi, ra khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu. Ý chí quyết vươn lên bất chấp nghịch cảnh từ đó cũng được hình thành và phát triển. Câu ngạn ngữ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có một giá trị trường cửu với rất nhiều người nhưng riêng tôi đó là một chân lý.

Huyền-Hải-Sơn


Ghi Chú (BBT):
(*) Thầy: Bố, ba, cha ruột. Ở một số vùng của Bắc Phần và Bắc Trung Phần, bố
được gọi là “thầy”.
(**) Trường La Tinh (Tiểu Chủng Viện) và Trường Lý Đoán (Đại Chủng Viện) là hai
giai đoạn đào tạo các linh mục.
(**) Trong giai đoạn người Công Giáo bị bách hại thời phong kiến, một số quan
cực đoan trong triều gọi những người không theo Công Giáo là “Lương Dân” để phân
biệt với những người Công Giáo.

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời