Bài viết khác

MỒNG 2 TẾT: Kính nhớ Ông Bà Tổ tiên

Đầu xuân mới là dịp mọi người trong gia đình sum họp. Đây cũng là dịp người Việt Nam chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ và kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên.

Người dân Việt vốn trọng lễ nghĩa. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra chúng ta. Người con hiếu thảo sẽ biết ơn nghĩa sinh thành và sống hiếu thảo với cha mẹ đã sinh ra mình, đồng thời cũng phải hiếu thảo với tổ tiên là cội nguồn của mình.

Lúc ông bà cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng và phải tuân theo những lời dạy dỗ của các ngài, phải lựa ý để chiều chuộng các ngài, ăn ở sao cho các ngài được hài lòng. Khi các ngài nằm xuống, ngoài việc lo ma chay chôn cất, con cháu còn phải kính nhớ và tưởng niệm trong những dịp giỗ chạp hay tết nhất. Do đó, việc kính nhớ tổ tiên ông bà được xuất phát từ lòng thành kính biết ơn của con cháu.

Việc kính nhớ ông bà tổ tiên chính là đạo làm người. Chẳng vậy mà ngay từ lúc ấu thơ, chúng ta đã từng học nằm lòng câu ca dao: “Cây có gốc mới nở thành xanh ngọn; Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta có nguồn gốc, từ đầu có cha mẹ, rồi sau có mình”.

Theo phong tục người Việt Nam, Tết Âm lịch là ngày hội của gia đình. Cho dù ai bôn ba xứ người để làm ăn, mỗi người đều cố gắng trở về gia đình trong những ngày Tết. Nỗi nhớ mong con cháu của ông bà, cha mẹ được bù đắp bằng những tiếng cười nói rộn rã của con cháu từ phương xa kéo về, những nụ cười hạnh phúc nở trên những khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi tác. Đây cũng là dịp để mọi người nhắc nhở nhau nhớ đến cội nguồn của mình là các bậc tiền nhân, ông bà, cha mẹ như câu: “Người ta có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”. Vì thế, trong những ngày Tết, bàn thờ tổ tiên luôn nghi ngút khói hương thành kính tri ân của con cháu. Tất cả đều thể hiện đạo lý của dân tộc và Kitô hữu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Vì thế, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn ngày mồng hai Tết là ngày kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây là ngày truyền thống tốt đẹp và ý nghĩa, để mọi người nhớ lại những lời nói và hành động của cha mẹ mình khi còn sống hầu noi theo, bắt chước và cầu nguyện cho các ngài, để ngày Xuân của chúng ta không vắng bóng những người thân thương. Đồng thời, mọi người cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã qua đời, xin Thiên Chúa thứ tha cho những linh hồn đang ở nơi thanh luyện (luyện ngục) sớm được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc cùng với Thiên Chúa, đó cũng là cách báo hiếu của chúng ta vậy..

Khi con người biết ơn đời, thì họ cũng sẽ biết ơn Trời. Ngày hôm nay, nhìn lại tất cả gia sản vật chất và tinh thần mà tổ tiên đã trao lại cho chúng ta, từ giang sơn đất nước, văn hóa ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục, đến nhân chứng đức tin… chúng ta thấy mình thật hạnh phúc vì được kế thừa bao điều thiện hảo. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã tạo nên lịch sử cứu độ của Người qua tổ tiên ngày xưa và qua chúng ta ngày nay, để mọi người cùng được vui hưởng hạnh phúc Nước Trời mai sau.

Theo truyền thống đó, tại Bình giả vào ngày Mồng Hai Tết , các Cha xứ đã tổ chức dâng quà cho các cụ, các cố. Đây cũng là một hình ảnh thật cao đẹp và ý nghĩa làm gương cho con cháu noi theo

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời