Bài viết khác

Ngày Hiền Phụ – Ơn Cha

Vào tuần thứ 3 tháng 6 hằng năm, thế giới suy tôn đến công ơn Người Cha, là người cột trụ, là gương mẫu của các thành viên trong gia đình. Khi nói đến người Cha thường chúng ta ít có “tình cảm” vì ông ta quá cứng rắn, quá khô khan, quá nguyên tắc, và còn có rất nhiều cái quá, mà bởi vì có nhiều cái quá đó cho nên trong gia đình ít có người tỏ lời yêu thương, hoặc dành tình cảm thân thiết đến cái người hay bực dọc, hay la lối, hay cằn nhằn và có một cái “lạ” nữa là hay nổi nóng bất thình lình! Đúng vậy! Nói hay viết về người Cha thật khó, vì công ơn của Người ví như trời biển, mà ngược lại Người lại ít khi muốn nói đến công lao.

Người Cha còn được gọi là Phụ thân (chữ Phụ của Hán tự) và theo tự điển đã dịch là Người đàn ông đã sinh ra mình. Nói về Người Cha đúng là khó thật! trên thế giới cũng rất ít áng thơ vần văn bài hát nói về người mà được ví như là Núi Thái, là cột trụ, là vị thuyền trưởng tài ba có trách nhiệm chèo chống lèo lái đưa con thuyền gia đình bé nhỏ thoát ra khỏi những phong ba bão táp của cuộc sống.

Đúng như vậy! Cũng vì:

Mẹ yêu ta bằng những cái ôm hay lời nói êm đềm,

Cha yêu ta bằng bờ vai vững chắc và chỉ cách trưởng thành qua những vấp ngã.

Lúc còn ấu thơ câu: “Công Cha như núi Thái Sơn . . .” đã được nhiều người nhớ đến, hay bài Tình Cha của Y Vân:

Ơn Cha như Thái Sơn cao bao tầng, ngoài tuy cương quyết, mà lòng thương mến,
Ơn Cha như đuốc cao soi trên đường, đuốc soi tâm hồn, dắt con tìm hướng.

Ơn Cha như bóng cây xanh trên ngàn, tình Cha tha thiết, lòng cha âu yếm.
Ơn Cha như mái hiên che nông trường, gió mưa xa gần, nắng mưa không sờn .

Nào những khi con buồn, Người đến bên vỗ về, bàn tay xoa trên mái tóc mến thương,
Đôi lúc Cha khuyên con, trong những khi sai lầm, thì còn bàn tay cương quyết nào hơn
.

Ơn Cha như nắng soi trên cuộc đời, Người cho ánh sáng, Người cho lẽ sống,
Ơn Cha hai tiếng yêu thương vô vàn, sẽ không phai tàn với bao năm trường…

Và tôi không biết ở trên thế gian này có bao nhiêu Người Cha “bộc lộ” tình cảm của mình giống như lời bài hát của nhạc sĩ Ngọc Sơn viết ra trong bài hát sau đây:

Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương Ngọt ngào như giòng nước trôi đầu nguồn. Suốt đời vì con gian nan, Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi Cha già dấu yêu và con nhớ mãi những ngày tháng qua Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng. Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha, gian khổ ngày đêm chăm lo, mong muốn con được lớn khôn . . .

Thật hiếm thấy! Và sẽ rất hạnh phúc cho những người con được như vậy. Nhưng nếu không thì chúng ta cũng nên hãnh diện vì được sự giáo dục hướng dẫn chỉ bày một cách khác của Người Cha, từng lời nói, từng hành động (có khi “hơi nặng” hay “hơi lạ” không giống ai bởi vì mỗi người Cha cứ giống như một vị tướng lo lắng điều binh khiển tướng mỗi người mỗi phương cách), người chỉ dẫn ta từng kinh nghiệm trong những va chạm, vấp ngã, hoặc trong thành công hay những thất bại chúng ta luôn có hình bóng của Người Cha để đỡ đần, bảo ban.

Người Cha của bạn có thể là một bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo hoặc anh phu thợ hồ, bác nông dân . . . cho dẫu có bằng cấp, chữ nghĩa hay không . . . đều là những người Cha đáng quí. Cho dẫu có khi người Cha vì “mê muội” nên đã vấp ngã, hay vì “lỡ bước” trên đường đời nên đã phạm lỗi, nhưng khi quay bước trở về hoặc lúc đã biết hối lỗi, thì mối tình Cha – Con (Phụ – Tử) lại ấm nồng vì cùng chung một huyết nhục, ít có người con nào trên thế gian cứ mang nặng mãi bên mình sự bực dọc, sự căm tức người Cha mình.

Chúng ta ai cũng là Con trước khi mình trở thành người Cha, sau này sẽ trở thành người Ông, và trưởng một dòng họ, trước tiên cần phải làm một người Con đích thực, có suy tư có học hỏi và cố gắng trở nên người hữu dụng cho gia đình cho xã hội và người Cha nào cũng luôn mong muốn làm những điều hay tốt đẹp cho con mình, để hy vọng được như vậy chúng ta cùng với những người Cha trong gia đình “nhìn lại” chút ít về trách nhiệm của mình xem ra sao.

Nếu tốt thì chúng ta đã làm một cái gương lành, rất tốt đẹp cho con cái của mình. Nhưng nếu chưa đúng, thì chúng ta cũng đừng quá áy náy, lo âu, mà hãy gắng thêm một chút nữa (mà chúng ta đâu có sợ chuyện này, vì trong bổn phận làm Cha, thì chúng ta đã hơn 1 lần cố gắng rồi, nên đây chỉ là chuyện nhỏ mà thôi). Mặc cho có nhiều người khác xầm xì này nọ, nhưng mình cần phải giữ vững lập trường này: “Căn nhà của mình chắc chắn phải khác căn nhà của họ và mái ấm gia đình của Anh phải có cái gì khác với của Tôi”.

Cầu mong nguyện ước cho mỗi người Cha trong gia đình, chúng ta hoàn thành được trách nhiệm, cũng như bổn phận của mình, để mái ấm gia đình mà chúng ta đã từng mơ ước xây dựng, sẽ trở nên đúng như mộng ước và trở thành một nơi ấp ủ cho cuộc sống của chính mình, của gia đình mình và trong tương lai của cả dòng tộc của mình nữa.

Ya kêu

Follow Me:

Trả lời