Tin trong nước

Nguồn nước nhiễm từ thuốc diệt cỏ

Nguồn nước nhiễm từ thuốc diệt cỏ


    Vừa đọc xong bài nói về Xóm ung thư của anh Hoàng Hương, tôi rất trân trọng khâm phục sự quan tâm của anh tới xóm làng thuộc vùng đất Quê Hương Bình Giã thân yêu. Hồi nhỏ tôi và nhóm bạn buổi sáng đi học, buổi chiều hay đi chăn bò ở vùng đất Vĩnh Lộc và thường bắt cá chọi tại đầm lầy ông Bảy Giáp. Người Vĩnh Lộc hiền hoà và nổi tiếng, nghe hồi tiếng “kẻng” là tụ tập nhau lại uống chè chát (chè xanh), nói lên tinh thần thần đoàn kết thân thương. Nay nghe có nhiều người bị ung thư do xử dụng phải nguồn nước nhiễm độc từ chất thạch tín hay chì gì đó… thì người dân Bình Giã nào mà không cảm thấy thương cảm cho họ, cho những người đã ra đi và những người đang nhiễm bệnh.

Nhân tiện tôi xin được đóng góp một bài nói về một trong những nguyên nhân thực tế ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, thẩm thấu qua giếng nước trong làng mà Vĩnh Lộc là vùng đất thấp, giếng cạn; đó là thuốc diệt cỏ. 
    
Vẫn biết xài thuốc diệt cỏ nhà nông đỡ vất vả hơn, nhất là trong thời buổi khan hiếm công lao động ở nông thôn.Tuy nhiên, bà con ta thường quá lạm dụng đến nỗi nhiều người mang bình xịt ra vườn ra đồng hơn là vác cuốc, thậm chí cỏ trước nhà lối ra vào sát thềm, sát tường, cỏ xung quanh thành giếng cũng xịt. Tóm lại nơi nào có cỏ là xịt thuốc, người ta quên đi chỗ nào nên hoặc không nên xịt và gây nên một tâm lý cầm cuốc thì sợ mệt, sợ mất sức, lâu công và cỏ dễ sống lại. Có câu chuyện ngắn là hai vợ chồng đang cuốc cỏ hăng say, bỗng nhìn bên vườn kế cạnh có một ông đang xịt thuốc cỏ. Hai vợ chồng vẫn tiếp tục cuốc cho tới xế chiều thì thấy cỏ vườn hàng xóm đổi úa màu héo dần, thế là tinh thần chiến đấu diệt cỏ bằng “bàn vét” (một loại cuốc đặc sản của dân ta) suy sụp hoàn toàn và họ quyết định quăng hai cái bàn vét lên xe dàn xới (một loại xe công nông do dàn xới kéo rờ mọoc) chạy về ra tiệm mua thuốc diệt cỏ gấp. 

    Lợi và hại khi xử dụng thuốc xịt cỏ: 


  – Thử xem lại thời gian từ khi di cư vào Bình Giã tới lúc xử dụng thuốc diệt cỏ (khoảng gần 40 năm), ở Vĩnh Lộc đã có triệu chứng người bị ung thư chưa? Và từ lúc dân biết dùng thuốc trừ cỏ tới nay khoảng trên dưới 20 năm chắc có lẽ số người bị ung thư nhiều hơn. Điều đó chứng minh là môi trường và nguồn nước đã bị nhiễm độc bởi thuốc diệt cỏ. Hiện nay việc xử dụng thuốc diệt cỏ là điều không thể thiếu trong sản xuất do chính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nếu lạm dụng quá mức hoặc xử dụng không đúng quy định, thuốc diệt cỏ sẽ gây tác hại tiềm tàng về sức khỏe và môi trường cũng như nguồn nước. 
  -Xịt cỏ liên tục không cho cỏ mọc thì đất bị xói mòn khi mưa to và đương nhiên những chất béo bổ của đất cũng như đất mặt (phẩm chất tốt) và phân tro trôi theo dòng nước. Đất trở nên cằn cỗi và để cho tốt lại thì phải tốn thêm phân, nếu chưa muốn nói rễ cây hoa màu cũng như cây công nghiệp bị ảnh hưởng. Thời gian chưa có thuốc diệt cỏ, người dân làm ruộng lúa tốt mà đâu phải xử dụng phân bón nhiều đâu, vì họ để cỏ tốt rồi cày dập lấp, sau đó để cỏ thối rửa là họ bừa dập tạo nên nguồn phân xanh vô cùng tốt cho đất. Còn thời bây giờ trước khi cày đất, dân Bình Giã ta xịt cỏ cho chết trơ trụi để làm đất cho mau và lại phải tăng nguồn phân tốn kém. Đó là cái lợi trước mắt đã tạo cho bà con ta quen xài thuốc mà quên đi tính toán phải bỏ vốn bao nhiêu và thu lợi bao nhiêu. 
  -Tâm lý muốn cho cỏ chết mau, chết sạch, kèm theo ý nghĩ mất công (tốn công) một lần xịt, nhiều người dân xử dụng liều lượng thuốc gấp 1,5 hoặc 2 lần so với liều lượng quy định, thậm chí họ còn xử dụng những loại thuốc lưu hành lậu trên thị trường (phần nhiều là của TQ). 
  Xử dụng thuốc cỏ năm này qua năm khác sẽ tồn lưu trong không khí, trôi chảy vào sông suối, thẩm thấu vào giếng nước. 

  – Việc bảo hộ lao động khi phun thuốc không được chú trọng. Không mang mặt nạ hoặc khẩu trang, găng tay ny lông, giày ủng cao cổ. Thậm chí có vài anh thanh niên ỷ vào sức còn khoẻ, vừa xịt thuốc nhưng trên miệng vẫn phì phà điếu thuốc. Có anh khi bình xịt bị nghẹt lại ngậm miệng cần bình xịt thổi cho thông. Đặc biệt loại 2,4D nếu dính vào da hoặc quần áo, dù có tắm rửa hoặc giặt giũ nhưng mùi vẫn còn nghe thoang thoảng kéo dài vài ngày. Lại có câu chuyện vui nhưng dám có thật là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư vú là … do các ông. Các ông nghe thế bèn hạch sách các bà là đừng có nói oan cho “bà tui” nha. Các bà liền chứng minh một cách khoa học là do các ông đi xịt thuốc trừ cỏ, trừ sâu không chịu mang găng tay tối về văn văn vò vò thì còn gân cổ mà cãi chi nữa. Ngoài ra nên mang thêm đệm lưng vải bạt và yếm, không được đứng dưới hướng gió khi phun v.v.. 
 – Nên biết hỗn hợp giữa 2,4D và 2-4-5-T cùng với Picloram là tạo ra chất độc màu da cam (Agent Orange). Chất này được quân đội Mỹ xử dụng tại Việt Nam từ 1965-1970 như một chất làm rụng lá. Chất TCDD viết tắt của Tetrachlorodibenjo-P-Dioxin được tạo ra từ những loại thuốc cỏ trên nói riêng và những loại thuốc cỏ khác gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho con người. 


Mỗi lần quý bà con Vĩnh Lộc ngồi lại uống chè chát nên thảo luận tìm hiểu thêm về cách xử dụng thuốc diệt cỏ. Đây chỉ là một trong những ý đóng góp với bà con với lòng hướng thiện để mai đây bà con Vĩnh Lộc nói riêng và Bình Giã nói chung, Quê Hương ta có cuộc sống vui tươi đi với sức khoẻ dồi dào.

Xin hẹn với bài sau nói về cách trồng rau muống sạch. 


                                                                             
Công Luận,Marchall,Tx. 


Ban biên tập xin cảm ơn anh Công Luận rất nhiều về những bài viết hay và tâm huyết với Quê Hương để cộng tác với Trang Nhà. Rất mong được nhận thêm bài viết của Anh.
Kính chúc Anh và Gia đình luôn khang an – hạnh phúc.
Ban biên tập

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời