Chia Sẻ Lời Chúa

Sa mạc nội tâm – Suy niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm A

Có một ông giáo sư đại học đến gặp vị thiền sư để xin lời chỉ dạy: Thưa thầy, xin dạy con phải làm gì để có một đời sống hạnh phúc. Con đã học thánh kinh, con đã học hỏi với những bậc đại sư, nhưng con chưa tìm thấy câu trả lời, xin thầy làm ơn chỉ dạy cho con biết cách nào đây?

Nghe xong câu hỏi, vị thiền sư rót nước trà mời khách. Ngài rót trà đầy tách của khách, rồi tràn cả ra ngoài, nhưng ngài vẫn cứ rót thêm mãi, tới nỗi nước trà chảy xuống bàn, rồi từ bàn chảy xuống sàn nhà. Ông giáo sư nhìn thấy thế, không thể kềm hãm mình được nữa, bèn nói lớn: “Ngưng đi! Ngưng đi! Đầy quá rồi! Không còn chỗ, nó tràn ra nhà rồi!”.

“Giống như cái tách trà này!”Vị thiền sư nói. “Ông đã đổ đầy những suy nghĩ và ý kiến của ông vào rồi. Làm thế nào tôi có thể chỉ cho ông cách nào được nữa, trừ phi ông phải làm trống rỗng cái tách của ông trước đã”.

Các bạn thân mến, trong Kinh Thánh, sa mạc là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa. Đi vào trong sa mạc là phải bỏ lại tất cả mọi thứ mà chúng ta thường lệ thuộc trong cuộc sống: tiện nghi, sở thích, vật chất …  Càng nhẹ nhàng thanh thoát thì con người càng dễ có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với Ngài.

Qua trang Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta hãy cày xới và vun trồng cho sa mạc tâm hồn mình nở hoa để chuẩn bị đón mừng Chúa đến: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Tiếng kêu của Gioan sẽ không vô ích và lỗi thời, vì ngày nay tiếng kêu ấy vẫn còn tác động mạnh mẽ trong lòng nhiều người. Bao lâu sự hỗn loạn, tranh chấp, hận thù, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn trong thế giới thì công việc “dọn tâm hồn” chờ Chúa đến vẫn còn còn cần thiết và cấp bách. Như vậy, tiếng kêu của Gioan sẽ mãi mãi vang vọng để chúng ta luôn ý thức uốn nắn bản thân mình mỗi ngày theo những đòi hỏi của Tin Mừng.

Cứ đến mùa Vọng, lời rao giảng của thánh nhân trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, tiếng kêu ấy dường như đã không được hưởng ứng nhiệt tình bởi vì trong lòng chúng ta đang là những đô thị ồn ào, hỗn độn, ô nhiễm… Thử hỏi Chúa Giêsu sẽ đi vào tâm hồn chúng ta bằng ngõ nào đây khi lòng mình còn quá nhiều ngổn ngang và bộn bề, tựa như ly nước đã đầy? Thật vậy, chỉ khi tâm hồn chúng ta trở thành một nơi tĩnh lặng, bình an tựa như sa mạc, chúng ta mới dễ dàng nghe được tiếng nói của Chúa và nhận ra đâu là con đường của ganh ghét, những hố sâu của ích kỷ, những khúc cong queo của tính gian dối, những gập ghềnh của lòng kiêu ngạo, hầu sửa lại cho ngay ngắn để đón Chúa đến và làm chủ tâm hồn chúng ta.

Gợi ý suy niệm:

  1. Trong một ngày sống, chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian cho Chúa?
  2. Chúng ta có bao giờ cảm nghiệm rằng: càng nhận ra thân phận tội lỗi của mình, chúng ta càng dễ cảm thông trước lỗi lầm của người khác?

Lm. Jos. Lưu Trung Kiên

Nguồn daminhtamhiep.net

Follow Me:

Trả lời