Chia Sẻ Lời Chúa

TAM NHẬT VƯỢT QUA – Các bài suy niệm

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

LINH MỤC SỐNG CHO NGƯỜI NGHÈO– Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Người ta nói rằng: chim Yến là loài chim không thích cạnh tranh với muôn loài, nên đã chọn nơi thâm sơn cùng cốc, hải đảo xa xôi để xây tổ ấm. Chim yến luôn bay theo hướng mặt trời và không hề đậu lại để nghỉ ngơi. Chim Yến ăn những loài côn trùng sống và đang bay trong không gian. Chim Yến cũng không bao giờ uống nước sông suối ao hồ mà uống hơi sương của sáng sớm và chiều tà. Điều đặc biệt của chim Yến là chúng làm tổ bằng cách tiết nước bọt đặc biệt của mình- đôi khi trộn với cả máu, tạo thành sợi, kết làm tổ để chuẩn bị sẵn sàng cho những Yến con sắp ra đời. Với cách làm tổ bằng chất liệu từ ruột gan rút ra, phải có một tình yêu con mãnh liệt lắm, Yến mới không ngại hy sinh cho con sự sống.

Vâng, chim Yến đã rút ruột cho con. Chim Yến dùng mạng sống mình để bảo vệ, che chở và nuôi sống đàn con. Đây quả thực là một mẫu mực cho tình yêu. Một tình yêu không nói bằng lời nhưng diễn tả bằng hành động. Một tình yêu không so đo tính toán, không toan tính thiệt hơn nhưng chỉ biết yêu là yêu cho đến cùng. Đây quả thực là một tình yêu cao quý mà trong muôn loài mới có một loài dám chết cho người mình yêu, vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu dám thí mạng mình vì người mình yêu”. Đây quả thực là một tình yêu cao thượng cho đi mà không lấy lại, trao ban mà không bao giờ mong đền đáp.

Hôm nay, thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta lại được chiêm ngắm một tình yêu cao sâu như thế nhưng được thể hiện nơi con người là Đức Giê-su thành Nagiaret. Một tình yêu sáng tạo đến mức độ tận hiến chính thân mình làm của ăn của uống cho người mình yêu. Một tình yêu rút ruột để làm nên bí tích nhiệm màu là Thánh Thể yêu thương. Một tình yêu không nói bằng lời mà bằng chính hành vi trao ban máu thịt mình nên của ăn nuôi dưỡng đàn chiên.

Chúa Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã làm cử chỉ thật cảm động khi quỳ gối rửa chân cho các môn đệ. Điều này như muốn nói Thánh Thể là đỉnh cao của tận hiến hy sinh, của phục vụ quên mình. Việc rửa chân là nhịp cầu không thể thiếu để dẫn tới việc cử hành Thánh Thể. Trước khi cử hành Thánh Thể cần phải thể hiện tinh thân phục vụ hy sinh qua hành vi khiêm tốn như một người tôi tớ phục vụ chủ mình. Vì Thánh Thể là tình yêu tự hiến quên mình cũng cần được thể hiện cụ thể rõ nét trong đời sống đời thường khi hết mình phục vụ tha nhân. Cũng vậy, việc sống đạo, giữ đạo không chỉ dừng lại ở nhà thờ quanh bàn tiệc thánh mà còn phải thể hiện qua việc dấn thân xây dựng xã hội công bằng, bác ái, hiệp nhất, yêu thương.

Khi ĐHY Jorge Mario Bergoglio được bầu chọn làm giáo hoàng, Ngài đã lấy tên gọi là Phanxicô . Chúng ta biết thánh Phanxicô Assisi của thế kỷ 13 là một con người sống cho người nghèo và dấn thân vì người nghèo. Thánh nhân đã muốn “xây dựng lại Giáo Hội Công Giáo với những viên đã sống động là những người nghèo”. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô cũng đã từng sống như vậy và với những gì Ngài đã thể hiện, có lẽ Ngài sẽ tiếp tục dấn thân cho người nghèo trong cương vị chủ chăn hoàn vũ. Ngài cũng đã từng “sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của giám mục.

Dù là Hồng Y, ngài thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, và tự mình nấu ăn cho mình.”

Hôm nay, cũng là ngày cầu cho các linh mục, chúng ta cầu xin Chúa cho Giáo hội có nhiều linh mục như lòng Chúa mong ước. Cầu xin Chúa cho có nhiều linh mục biết đến để phục vụ chứ không để người khác phục vụ. Cầu xin Chúa cho có nhiều linh mục sống cho người nghèo và vì người nghèo chứ không sống trong nhung lụa mà gạt bỏ người nghèo. Cầu xin Chúa cho có nhiều linh mục biết cử hành việc phục vụ Chúa nơi các đền thờ tâm hồn con người chứ không dừng lại nơi bàn thờ hiến lễ trong nhà thờ. Cầu xin cho có nhiều linh mục biết cúi mình phục vụ chứ không cao ngạo kiêu căng. Chớ gì các linh mục luôn là hiện thân của tình mục tử sẵn sàng hiến thân vì đàn chiên.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã cúi mình phục vụ xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn để phục vụ nhau. Amen

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Khi chúng ta suy niệm cuộc thương khó của Chúa, chúng ta sẽ khám phá có những điểm mâu thuẫn.

Khi đám đông dân chúng cứ đồng thanh la giết đi, giết đi, đóng đinh nó vào thập giá một cách mẽ, dữ tợn, thì bên cạnh đó lại có những phụ nữ đi theo Chúa để an ủi, để nâng đỡ Chúa.

Khi giới lãnh đạo Do Thái đã vu khống cho Chúa, họ cho rằng Chúa nói phạm thượng, dám xưng mình là Con Thiên Chúa, thì đối lại viên quan người Rôma lại xác tín: Đúng thực, Người này là Con Thiên Chúa.

Khi anh trộm dữ thách thức Chúa: nếu ông là Đức Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa, thì đối lại anh trộm lành lại nói: Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.

Hình ảnh các môn đệ hầu như bỏ Chúa chạy hết, trong khi đó Mẹ Maria và tông đồ Gioan đi theo Chúa đến cùng.

Khi suy tư về cuộc thương khó Chúa, có bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi: tại sao lại có những mâu thuẫn như thế?

Theo Từ Điển Tiếng Việt định nghĩa cho chúng ta: Nhìn chỉ là thấy, nhưng quan sát là vừa thấy vừa thấu hiểu.

Giới lãnh đạo Do thái, thậm chí các môn đệ chỉ thấy Chúa chết, nhưng họ không quan sát: tại sao Chúa chết? Trong khi đó, viên quan người Rôma, Đức Mẹ là những người quan sát thấy được tại sao Chúa chết. Chính khi quan sát như thế, mới khám phá, mới cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa.

Chiều hôm nay chúng ta cử hành nghi thức suy tôn Thánh giá Chúa. Qua đó, Giáo hội mời gọi chúng ta quan sát và tìm ra ý nghĩa giá trị lớn lao mầu nhiệm Thập giá của Chúa Giêsu.

– Nếu trước kia thập giá là hình phạt ô nhục dành cho tội nhân gian ác, thì hôm nay lại trở thành vinh dự và phần rỗi đời đời của chúng ta: “Vinh dự của chúng ta là Thập giá Đức Kitô”.

– Nếu thập giá đã từng là bóng hình của khổ đau, của sự chết, thì hôm nay qua Thập giá Chúa, cả nhân loại được vực dậy, được đem đến với nguồn sống bất diệt: “Khi nào Ta bị treo lên Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” .

– Nếu thập giá là dấu chỉ của sự hận thù, căm ghét, thì nay lại là biểu tượng của tình thương, của sự quảng đại và tha thứ: “Không có tình yêu nào cao quý và lớn lao hơn cho kẻ hiến mạng sống vì người mình yêu”.

– Nếu thập giá là đường dẫn đến đau thương mất mát, chán nản tuyệt vọng, thì hôm nay qua Đức Giêsu Kitô, Thập giá là đường dẫn đến hy vọng vinh quang niềm tin và ánh sáng: “Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng có ánh sáng đem lại sự sống ”.

Vì thế, việc theo chân Chúa đến chặng đường Thập giá không chỉ giúp ta đi sâu vào biến cố tử nạn đau thương của Chúa, để thấy được tình thương Chúa dành cho chúng ta, để nhận ra cái ác quả lớn lao của tội nơi mỗi người mà cảm thương Chúa, nhưng còn để hoán cải lòng chúng ta, và làm cho Thập giá trở thành phương tiện thánh hóa, đem lại ơn cứu độ cho mình và cho người khác.

Từ đây, Thập giá sẽ không chỉ đặt lên cao cho chúng ta bái kính tôn thờ, nhưng Thập giá còn là ánh sáng soi dẫn và giúp ta hoàn thành ơn gọi đời người môn đệ Chúa Kitô: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác Thánh giá mà theo Ta”.

Anh chị em thân mến,

Suy tôn Thánh Giá, để biết được ác tính của tội đã làm cho Chúa phải chết nhục nhã dường ấy.

Suy tôn Thánh Giá, để biết được vì ai mà con Đức Chúa Trời phải tan xương nát thịt như thế.

Và khi hôn kính Thánh Giá, xin cho chúng ta thực tâm trở về, chứ đừng cố tình xúc phạm đến Chúa nữa.

Thánh giá vẫn mãi mãi là biểu tượng của tình yêu. Thánh giá vẫn luôn là lời mời gọi để nhắc nhở cho con người về tên phản bội, kẻ tội lỗi, người vô ơn vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta.

Thánh giá vẫn luôn có đó, để mời gọi con người nhìn lên đây là bằng chứng tình yêu Thiên Chúa, khi Ngài hiến thân vì chúng ta. Nhưng dù cho tội lỗi đến đâu, thì tình yêu thương và lòng tha thứ của Chúa vẫn khỏa lấp được sự yếu hèn tội lỗi của con người.

Chúng ta hãy quan sát Thánh Giá Chúa cho kỹ, nhìn cho sâu, để thấu hiểu tình yêu Chúa cao vời biết bao. Cùng với lòng biết ơn, vì Chúa đã chết để cho chúng ta được sống. Xin cho chúng ta cố gắng sống đáp lại tình yêu thương ấy. Amen.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

GẶP GỠ ĐẤNG PHỤC SINH- Trích Logo B

Giới y khoa Việt Nam có lẽ không thể quên chàng trai tên Nguyễn Đức Minh, một thanh niên 24 tuổi, qua đời ngày 30/7/1996. Vốn là một chàng trai gặp nhiều bất hạnh : bị bệnh tim bẩm sinh và năm 18 tuổi trong một tai nạn, anh hoàn toàn bị mù lòa.

Thế nhưng anh đã vượt lên trên sự bất hạnh để học xong văn hóa phổ thông và học được nhiều loại nhạc cụ. Ý thức được bệnh tật của mình càng ngày càng trầm trọng và khó qua khỏi, anh đã đến gặp bác sĩ trưởng khoa giải phẫu trường Y Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh để bày tỏ ý định hiến xác cho sinh viên thực tập. Đây là trường hợp hiến xác đầu tiên ở Việt Nam.

Sau khi qua đời, anh để lại di chúc, trong đó ghi lại điều anh mong ước : đó là được hiến xác cho ngành y học. Hiện nay xác của anh đang nằm tại trường Y Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh để cho các sinh viên nghiên cứu.

Nguyễn Đức Minh được báo chí ca tụng là người Việt Nam đầu tiên hiến cơ thể mình cho khoa học. Anh được tôn vinh là “người sống mãi”, vì đã hiến thân cho hạnh phúc của người khác.

Hành vi hiến xác của người thanh niên thật cao đẹp biết bao. Thế nhưng, sự hiến thân của anh chỉ dừng lại ở nơi thân xác của mình. Tất cả sự nghiệp anh để lại cho hậu thế chỉ là cái xác được bảo quản trong phòng thí nghiệm. Anh không thể vượt qua sự chết để cho người khác sự sống.

Anh sống mãi, nhưng chỉ sống trong hoài niệm và sự tưởng nhớ của mọi người.

Trong đêm cực thánh này, khi bước vào mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta sẽ gặp gỡ một Đấng đã vượt qua sự chết để ban cho chúng ta sự sống. Vâng, chúng ta sẽ gặp gỡ không phải là một xác chết, nhưng là một Đấng Phục Sinh. Ngài không hiện diện với chúng ta như một xác ướp quý giá, nhưng Ngài đã sống lại thật và đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngài chính là Đấng Phục Sinh, Đấng chiến thắng tử thần.

Đó chính là kinh nghiệm của các người phụ nữ đi thăm mộ Chúa vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, mà thánh Marcô đã thuật lại trong bài Tin Mừng. Cùng với nước mắt và lòng thương nhớ, các bà mang theo thuốc thơm để ướp xác Chúa. Các bà đi vào mồ và thấy một thiên thần trong vóc dáng một người thanh niên. Thiên thần đã cho các bà biết : “Các người đừng sợ ! Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiarét chịu đóng đinh. Nhưng Ngài đã sống lại và không còn ở đây nữa”. Như thế, các bà đi tìm “Chúa chịu chết”, nhưng đã gặp “Chúa sống lại”, đi tìm một xác chết nhưng đã gặp Đấng Phục Sinh.

Từ kinh nghiệm của các người phụ nữ trong bài Tin Mừng, chúng ta cũng tìm thấy một con đường để gặp gỡ Đấng Phục Sinh, một cách thức để sống Mầu Nhiệm Phục Sinh. Sống Mầu nhiệm Phục Sinh là gì, nếu không phải là đi tìm gặp Đức Kitô Phục Sinh và để cho Ngài bước vào cuộc đời của mình ?

Đi tìm Đức Kitô Phục Sinh

Khi chúng ta bước vào đêm huyền diệu này, là chúng ta bắt đầu bước vào cuộc hành trình đi tìm gặp Đức Kitô Phục Sinh theo bước chân của các người phụ nữ đi thăm mộ Chúa. Các bà đã e ngại và sợ hãi : e ngại tảng đá chắn cửa mồ, sợ hãi bóng dáng tử thần. Cũng vậy, có biết bao thử thách đang chờ đón những ai đi tìm gặp Đấng Phục Sinh. Có biết bao tảng đá đang che lấp niềm hy vọng của cuộc đời. Có biết bao sự sợ hãi đang vây bọc cuộc sống. Có bao nấm mồ đang chôn vùi niềm hy vọng. Những điều đó dường như luôn làm cho chúng ta sợ hãi và tuyệt vọng.

Tất cả chỉ vì ta chưa tin đủ vào sự sống lại của Chúa, ta vẫn chỉ muốn đi tìm một xác chết, giữa lúc ngài đã sống lại. Chúng ta chỉ biết dừng lại nơi cửa mồ của Chúa.

Đức Kitô phục Sinh đã mở toang cửa mộ. Không cần ai phải lăn tảng đá, cũng không cần ai xức dầu thơm cho một tử thi. Vì Chúa đã sống lại từ cõi chết và ngôi mộ không thể chứa nổi một Đấng đang sống và đang đi tìm gặp những kẻ Ngài yêu mến.

Đức Kitô Phục Sinh đi tìm gặp chúng ta

Qua các người phụ nữ, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hẹn gặp các môn đệ tại xứ Galilêa. Nhưng vì sợ hãi, các bà đã chạy trốn. Dù vậy, Chúa Phục Sinh vẫn gặp gỡ được các môn đệ và gặp gỡ nhiều lần sau khi sống lại từ cõi chết.

Quả thật, dù chúng ta không muốn gặp gỡ Chúa, Ngài vẫn đi bước trước để tìm gặp chúng ta. Ngài đến với chúng ta để ban cho chúng ta sự sống, lòng can đảm và sự bình an. Vì thế, sống mầu nhiệm Phục Sinh chính là để cho Đức Kitô phục sinh đến với đời ta và hoán cải đời ta. Ngài trao cho ta “một cái hẹn” để gặp gỡ ta vào một lúc nào đó và ở một nơi nào đó. Thế nhưng, chúng ta có thực sự muốn gặp Ngài, hay nhiều lần chúng ta đã để cho Ngài bị “lỡ hẹn” ?

Ngày kia, một người thanh niên tân tòng gặp lại người bạn ngoại giáo. Người bạn nói với người tân tòng một cách mỉa mai :

– Này anh bạn, từ ngày anh bạn theo đạo, anh bạn mất đi nhiều thứ đấy nhé !

Người tân tòng trả lời :

– Phải, từ ngày tôi gặp Chúa, tôi đánh mất rất nhiều : tôi đã làm mất đi cái xấu xa đê tiện, tôi làm mất đi trong tôi một thằng bợm nhậu và cờ bạc, tôi làm mất đi cái cảnh hỏa ngục đen tối trong gia đình mỗi khi tôi “say xỉn” trở về và đánh đập vợ con. Tôi cũng làm mất đi một tương lai bi đát đang chờ đón tôi và gia đình tôi.

Câu trả lời của người tân tòng trên chính là lời giải thích hay nhất về sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong cuộc đời chúng ta. Ước gì trong nước mắt, chúng ta luôn cảm nghiệm được niềm vui, trong sợ hãi xao xuyến, chúng ta vẫn can trường, vì chúng ta đang mở lòng ra để đón nhận Chúa Phục Sinh đang đến và hiện diện trong cuộc đời chúng ta.

Nguồn giaophanvinh.net

Follow Me:

Trả lời