Truyện Ngắn

TÂM SỰ ĐẮNG LÒNG ( Của những đứa con – còn Cha Mẹ mà vẫn phải sống cảnh mồ côi )

Gia đình con ngày xưa cũng ấm no hạnh phúc như bao gia đình khác. Ba là thợ cưa làm việc ở một trại cưa gần nhà, sát bên chợ Bình Trung, công việc của Ba là hạ cây xẻ gỗ. Còn Mẹ ở nhà chăn nuôi gia súc gia cầm và chăm sóc các con.

Mỗi buổi sáng Mẹ lo cho anh em con ăn sáng, đến lớp học, rồi xuôi ra chợ mua thức ăn, về nhà mẹ lo cơm nước. Bữa cơm gia đình bao giờ cũng đông vui, ngồi quây quần bên mâm cơm nóng thơm ngon và vang rộn tiếng nói cười. Nhà nghèo nhưng anh em con lúc nào cũng sạch sẽ tươm tất. Ở nhà Mẹ kèm bài vở cho chúng con kỹ lưỡng, đến lớp học được thầy cô bạn bè thương mến. Cuối các kỳ học anh em con là học sinh khá, giỏi được biểu dương làm bài tốt viết chữ đẹp. Con luôn tự hào về Ba Mẹ, chúng con có một gia đình như tổ ấm yên vui là nhờ công lao vất vả của Ba Mẹ.

Thế mà ngày nay khác biệt ngày xưa, gia đình con đã thay đổi với tốc độ nha chóng. Từ khi nhóm bạn của Ba có nhiều người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, sau khi về nước họ có dư tiền mua đất rộng xây nhà lớn và tự do lập nghiệp không bị kiềm chế bởi đồng tiền co hẹp như làm mướn ở quê nhà. Ba con cũng tiếp bước họ ra đi với số tiền vay mượn từ bạn bè đã đi trước, để lại bốn anh em con và Mẹ, hàng tháng ba gởi tiền về cho mẹ chi tiêu và trả nợ dần.

Ba đi được hai năm đã có sự thay đổi lớn, căn nhà lá xập xệ được xây dựng lại. Tuy là nhà cấp bốn nhưng có cả chuồng heo chuồng gà, có sân sau sân trước. Bữa ăn có nhiều thức ăn ngon và Mẹ cũng đẹp hơn nhờ son phấn lụa là. Bạn bè của Mẹ nhiều thêm, đàn ông có đàn bà có, có khi ca hát ầm xóm, có lúc ăn nhậu thâu đêm. Mẹ đã vì tiền thay đổi không còn là Mẹ hiền như xưa nữa. Khi tan học anh em con đứa lớn chờ dắt đứa nhỏ về, còn Mẹ sáng sớm đã đi chiều khuya mới về, có lúc cả đêm vắng Mẹ.

Những tờ Đô-la mà Ba vất vả làm được nơi đất khách quê người, Ba cực khổ sống tha phương cầu thực tích lũy từng đồng gởi về cho gia đình, thì ở nhà những đồng tiền mồ hôi nước mắt của Ba lại bay nhanh theo các cuộc vui chơi của Mẹ. Nhiều lúc Ba gọi điện thoại về hỏi thăm cuộc sống của Mẹ con như thế nào, con đều nói dối để Ba vui. Nhưng khi tắt máy thì nước mắt lại tuôn trào vì ân hận. Có những chuyện mà con không dám nói nên người khác nói Ba cũng không tin.

Sang năm thứ ba Mẹ bán hết những thứ mà Ba gởi tiền về mua, Mẹ còn bán luôn mấy sào đất gần nhà. Mẹ thu gom tất cả và ra đi trước khi Ba kết thúc hợp đồng về nước.

Ngày Ba trở về ê chề thảm hại, mất Vợ mất luôn đứa con ba tuổi Mẹ đã bồng đi, để lại ba anh em con, đứa em nhỏ vừa bước chân vào lớp 1, con học lớp 6.

Ngày đoàn tự gia đình tan nát Ba buồn ngồi uống rượu cả ngày. Sau những ngày dài vất vả lao động ở các công trình xây dựng và thời tiết khắc nghiệt, sức khỏe của Ba yếu đi rất nhiều, rồi cộng thêm cú sốc tình cảm gia đình tinh thần của Ba suy sụp nhanh chóng, sức khỏe suy yếu. Khi đi Ba là trai tráng khỏe mạnh, nay về Ba như ông lão đi trước tuổi già.

Chúng con đi học về tự làm tất cả, khi trong nồi không có miếng gì thì sang quán ông Mộng mua tạm mấy gói mì tôm ăn cho đỡ đói, mất mẹ rồi chúng con như mất luôn điểm tựa. Ba đi dò la khắp nơi để tìm tung tích của mẹ, mấy tháng sau ba trở về vui vẻ bồng theo đứa em nhỏ trên tay, nhờ tiếng nói cười của đứa trẻ lên ba mà nhà con đã vui trở lại.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì mẹ trở về với một người đàn ông trên một chiếc xe taxi đã bắt lại đứa em nhỏ khi ba vắng nhà, anh em con không giữ được em đành ôm nhau khóc chờ ba về. Rồi những năm tháng sau này mẹ và em không trở về mà biệt tăm biệt tích. Anh em con như trẻ mồ côi khi ba mẹ vẫn còn. Từ đó, ba lên cao nguyên đi làm mướn, ngày có việc ngày không, ba vẫn tiếp tục uống rượu quên buồn, sức khỏe sa sút ba làm không đủ nuôi thân nhưng ba vẫn không về nhà. Nhà của con bây giờ buồn hiu quạnh, anh em con vừa học vừa làm để sinh tồn phải lượm chai nhôm phế liệu đổi lương thực, bán vé số để có chi tiêu.

Con vừa học xong lớp 9 đã xếp sách bút lại bỏ học đi kiếm việc làm để nuôi các em. Khi con đi làm xa phải khóa cửa lại vì nhà con không ở trong khu dân cư mà ở sâu giữa cánh đồng chỉ có vài căn nhà thưa thớt hoang vắng ít người qua lại. Hai đứa em gởi cho Dì cho Bác, cũng may tình người còn có : “sẩy Cha còn Chú, mất Mẹ bú dì”. Hàng tháng nhận lương về con chia hai tiền kiếm được gởi về cho hai em một nửa, phần còn lại đóng tiền phòng trọ và ăn uống tiết kiệm. Con rất mong Ba Mẹ sớm trở về nhưng đã nhiều năm rồi Mẹ và em không về, Ba thì lâu lâu mới gọi điện báo tin Ba vẫn bình yên.

Tháng này con vừa nhận được giấy báo : “khám sức khỏe” để thi hành nghĩa vụ quân sự. Cầm tờ giấy báo như nhìn thấy “thanh đao bức tử”, gia đình con ly tan đã lâu rồi, cả thôn xóm đều biết mà xã huyện vẫn vô tư. Trẻ mồ côi được hưởng trợ cấp, còn trẻ mất gia đình như chúng con phải thi hành nghĩa vụ sao? Quyền lợi công dân của trẻ em có gia đình ly tan là không có. ( Đã có những đứa trẻ vì tiêu cực đã trở thành tội phạm, là gánh nặng cho xã hội ). Đã 7 năm rồi, chúng con cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Cha Mẹ không có, có nhà cũng như không.

16 tuổi con đã bước chân ra xã hội lao động bằng đủ thứ nghề nặng nhọc từ phụ hồ đến bốc vác. Không có bằng cấp để kiếm việc làm cho phù hợp, chưa đủ tuổi để làm công nhân, con bị chèn ép từ đồng lương đến sức lao động, cố gắng cắn răng chịu đựng để gánh hết phần nặng cho các em, nếu sức khỏe không tốt làm sao thay Ba Mẹ nuôi được các em. Đi khám sức khỏe, trúng tuyển là cái chắc, làm người phải biết “tiên liệu lợi thì làm”.

Em gái năm nay học lớp 10, em trai học lớp 8, nếu Hội đồng nghĩa vụ quân sự từ từ phát lệnh để hai em học xong trung cấp, biết sống tự lập thì muốn con đi nghĩa vụ mấy năm cũng được.

Con chỉ có một điều ước : mong ngày gia đình đoàn tụ có đủ Ba Mẹ và các em được ăn học thành tài.

Mơ ước này khó lắm sao?

Ông ăn chả, Bà ăn nem. Vậy chúng con ăn gì?

                                                                             Bình Trung, ngày 15.10.2018

Thành Tín

 

Follow Me:

Trả lời