Thiếu nhi

THẬT THÀ

THẬT THÀ

Thật thà : Là chân thành không nói hoặc làm điều gian dối, sống tự nhiên, không thêm, không bớt, không bịa ra không giả tạo, không tham lam.

Người thật thà luôn nói và làm sự thật không quanh co giả dối, có lương tâm ngay thẳng, không thích nói làm điều gian dối, họ sẽ cảm thấy bất an khi dối lòng mình, nhưng an tâm khi nói lời thật thà, có nói có, không nói không, thêm bớt điều gì là do ma quỷ (Mt 5,37).

Thật thà là quy chuẩn đạo đức xã hội, nó định hướng hành động đúng đắn của con người, giúp con người sống thật thà, tin tưởng lẫn nhau, không sợ bị lừa đảo, không sợ bị mất mát điều gì, từ lời nói đến hành động đều là sự thật, mọi sản phẩm làm ra đều là sự thật, không có hàng nhái, hàng giả, nhờ đó con người an tâm, xã hội công bằng và thịnh vượng. ( Nước Nhật là quốc gia rất đề cao sự thật do đó xã hội họ sống bình an không sợ bị ai lừa đảo, hay trộm cắp).

Ngược lại với thật thà là sự gian dối trong lời nói và hành động, trong công việc, trong sản xuất, trong ứng xử với con người, luôn tìm cách tránh né sự thật, bằng cách tự bịa ra hoặc đổ thừa, đổ lỗi cho kể khác, nói dối, làm chứng gian, làm hàng giả, hàng nhái, từ chối không nhận sự thật, vì sợ bị phạt, sợ bị chê, sợ bị khiển trách, sợ bị mất điểm với cấp trên, sợ bị liên lụy cá nhân…

Chuẩn bị dự giờ của thanh tra, cô dặn học trò tất cả các em đều phải giơ cao tay đồng loạt khi cô đặt câu hỏi, em nào thuộc bài thì giơ thẳng lên, em nào không thuộc bài thì giơ thấp khuỷu tay một chút, nhờ đó thanh tra nhận xét lớp ta tiến bộ đều. Một em cuối lớp giơ tay phát biểu: thưa cô em không đồng ý cách này. Theo em bạn nào thuộc bài thì giơ tay, bạn nào không thuộc bài thì ngồi yên, vì hôm qua thầy dạy môn đạo đức bảo các em phải sống thật thà, thật thà là nền tảng của đạo đức.

Trong lúc giảng bài, một vài học trò ngồi cuối lớp nói cười khúc khích. Thầy hỏi bạn nào? Không ai dám trả lời, ít giây sau bạn Hùng đứng lên thú nhận, thưa thầy em, em xin lỗi thầy, thầy nói: Vì em nhận lỗi thầy tha nhưng lần sau không được gây ồn trong lớp. Dạ cám ơn thầy.

Hùng là người can đảm dám nhận lỗi mà không sợ bị thầy phạt nhưng với đức tính thật thà ai cũng quý, không ai nợ trách hay đánh phạt người thật thà vì đấy là đức tính quý báu đáng trân trọng.

Bạn Nam nhặt được chiếc ví trong đó có nhiều tiền, em liền tìm đến nhà trao cho anh Đoàn trưởng, anh Đoàn trưởng gởi cái ví lên Cha sở để rao trong các thánh lễ xem ai đã làm mất ví thì đến văn phòng giáo xứ nhận lại. Hôm sau cuối thánh lễ giới Thiếu nhi anh Đoàn trưởng tuyên dương bạn Nam là người thật thà đã biết tìm cách trả lại của rơi về cho chủ nhân của nó. Cả đoàn vỗ tay hoan nghênh tấm lòng tốt đáng nêu gương của bạn Nam. Anh Đoàn trưởng nói : tấm lòng tốt của bạn Nam được ví như bó hoa tươi đẹp nhất dâng lên Chúa trong hôm nay.

Bạn Hoa cầm tờ giấy thay mẹ đi chợ, bạn đưa tờ giấy cho người bán rau củ quả, người bán nhìn vào tờ giấy rồi lấy hàng bỏ vào túi ni long cho bạn Hoa. Lúc tính tiền 80.000 đồng. Bạn Hoa đưa 200.000 rồi nhận tiền thối(120.000), ra về, đi nửa đường bạn Hoa xem lại thấy dư tờ 500.000đồng, có lẽ tờ bạc 500 giống tờ 20 vì nhìn chưa rõ nên người bán đã thối lộn tiền. Bạn Hoa vội quay lại trả cho người bán, người bán đổi lại tờ 20 cho Hoa và cám ơn bạn Hoa rối rít, cả khu chợ đều vui cười, xoa đầu khen ngợi bé Hoa thật thà, ai cũng bảo con nhà ai mà thật thà hiếm có.

Bạn Hùng, bạn Nam, và bạn Hoa 3 bạn đều đáng quý vì biết chân thành không nói làm đều gian dối, đáng nêu gương cho đời và đáng trân trọng yêu quý các bạn.

Thật vậy xã hội chúng ta đang mất dần lòng tin vào nhau vì sự gian dối quá nhiều và quá phức tạp, gian dối về lừa đảo kinh tế, về thành tích trong các cơ quan, học đường, gian dối về mua bán, gian dối về làm hàng giả, thuốc giả, thức ăn giả gây độc hại chết người. Gian dối khi đi mua hàng lấy trộm cắp của người bán hàng, gian dối trong học tập quay cóp bài của kẻ khác, chôm chỉa sách bút của bạn…

Một xã hội mà con người không còn tin nhau luôn cạnh giác nhau, không trân trọng sự thật và xẩy ra gian dối quá nhiều là một xã hội bất an và  chậm phát triển, con người sống không thoải mái vì luôn lo sợ, lo sợ bị lừa đủ mọi góc cạnh trong cuộc sống này.

Các em tập sống thật thà vì đó là đức tính quý báu và hiếm có, mọi người sẽ quý trọng và thương yêu vì em sống thật thà, không quanh co, không gian dối ai. Các em sẽ tạo ra một thế hệ mới thật thà đáng tin cậy

Giữa lúc sự dối trá đang tràn ngập khắp nơi, thì lời kêu mời sống cho sự thật, trung thực trong lời nói và việc làm nơi Chúa Giêsu lại vang lên để mỗi người biết tìm lại chính mình mà xây dựng niềm tin trong cuộc đời này. Chúa phán: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ” (Mt 5, 37). Chúa Giêsu dạy phải trung thực trong lời nói, đó là dấu của người con Chúa. Ngài không chấp nhận lời nói thiếu trung thực, thiếu ngay thật. Ngài đã quở trách nặng nề những người Pharisêu và Kinh sư là những kẻ giả hình: “Họ nói mà không làm, họ chất gánh nặng lên vai người khác, còn chính họ một ngón tay cũng không đụng vào”.

 Chúa đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Con đường Ngài đi là con đường sự thật, con đường ấy đưa Ngài tới sự sống. Cả con người, lời nói, hành động và toàn bộ cuộc đời của Ngài là một minh chứng cụ thể cho lời nói và lối sống trung thực của mình. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này:  là làm chứng cho sự thật.  Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37). Vậy sống chân thật không dối gian là sống theo lời Chúa và là chứng nhân về sự thật cho Ngài

Câu hỏi:

  1. Em sống ngay thẳng thật thà hay luôn nói dối, tự bào chữa cho mình?
  2. Em nhận ra tác hại của việc nói dối, thiếu thật thà không?
  3.  Em có nhận thức được thật thà là đức tính quý báu không?

Thực hành : Đặt một vật rơi và một em đóng vai người nhặt được vật rơi đó bước vào lớp trao cho giảng viên rồi giải thích vị trí em nhặt được, mong sớm trả lại cho người bị mất…

Follow Me:

Trả lời