Tùy Bút Văn Nghệ

TỐNG CỰU – NGHINH TÂN.

Khi xem vào tiêu đề sẽ có nhiều người cho rằng tôi đã “mượn” chữ của người khác và cũng có gì mới đâu. Xưa rồi Diễm! Cũng chỉ câu TỐNG CỰU – NGHINH TÂN mà, ai cũng biết.

Dạ, có xưa mới có nay, có cũ mới ra cái mới. Nhưng không cũ đâu nếu chúng ta bình tâm xem lại cái xưa có còn hay và hãy coi lại xem cái mới có đáng để thay đổi hay không?

Có mới nới cũ, ông bà hay nói thế. Thế mà có cái cũ chẳng thể nào thay được và nếu “khó tính” không thay đổi thì sẽ bị “dậm chân tại chỗ” và có thể đi lùi lại trong khi mọi người đang bước tới.

Trong những ngày này, mọi người chúng ta đang chuẩn bị đón một năm mới (năm MẬU TUẤT), ai cũng lo lắng từ gom góp đồng tiền từ những mối thu nhập, ai cũng lo chuẩn bị “tô phết” lại căn nhà, chiếc xe, quét dọn sân vườn . . . có những thứ cần bỏ, cũng như có những thứ cần “chỉnh sửa”, hoặc phải mua sắm thêm và chắc chắn một điều ai cũng “được” tăng thêm một tuổi (không biết nên vui hay nên buồn!), bởi vì thêm tuổi càng mau được người ta sẽ cho vào số người cao tuổi và dễ cho vào số người GIÀ. Nhưng càng thêm tuổi thì thêm khôn ngoan, thêm kinh nghiệm, thêm con thêm cháu . . .

Nhìn lại những cái cần để lại vì còn có ích, còn xài được như:

  • Tuổi già: Có ai trong chúng ta có suy nghĩ như một số bộ lạc đang sống trong những nơi hẻo lánh, cứ đến một lúc nào đó họ tự động đi vào rừng núi, không ai ở để . . . chờ chết! Có người lại “tự” cho rằng họ vô ích cho xã hội, cho gia đình, rồi họ tự “kiếm” một cuộc sống khác, rúc vào “ở ẩn” tự mình ên, không gặp gỡ, không giao thiệp với một ai và rồi họ từ từ đi vào . . . cõi vĩnh hằng, hay chết trong sự cô đơn.

Nhưng có người mới vừa chớm bước vào lứa tuổi chưa . . . cao, đã tự cho mình lớn tuổi, rồi sinh ra khó tính, lập dị, tự đặt ra những “quy tắc” rồi cứ thế mà “xài”, không cần biết ai là ai và cứ thế một mình một ngựa, vừa làm khó cho chính mình mà lại còn “khíu chọ” (í khó chịu) cho những người chung quanh. Có thể vì sự sinh hoạt nơi họ đang ở có thể ảnh hưởng đến tâm trí của họ, cho nên tự họ cho mình nhiều “quyền” hơn như: ở riêng ra một mình, ít tắm rửa, ăn uống cầu kỳ hơn, tự quyết định vài chuyện “nho nhỏ” mà không cần hỏi ý kiến người trong gia đình . . .

Ở phương Tây ít khi những bậc ông bà phải nặng gánh lo cho đàn cháu, nên họ chỉ biết “hưởng thụ” tuổi già của mình như: đi du lịch, tập thể dục, khám bệnh định kỳ . . . Họ có thể sẽ xin vào viện dưỡng lão để có người lo lắng, phục vụ y tế cần thiết. Nếu họ ở nhà thì có gởi con phải cho biết trước và đúng giờ lo đưa về lo để chăm sóc cho con. Còn các “cụ” dân mình mới vừa qua “đoàn tụ” với con cháu thì phải “gồng mình” mà hội nhập (vì chữ Ta học đã chưa thông, nay thêm một mớ chữ Tây cần phải biết), có vị đi lễ nhà thờ Tây: “Cha Tây thì nói tiếng Tây – còn con người Việt con nói tiếng Ta như thường”, có người còn không dám ra đường vì sợ “điếc” (có nghe được gì đâu mà không điếc nhỉ), đến nỗi không biết người hàng xóm kế bên là ai, nói tiếng gì (chỉ biết họ nói tiếng lạ!). Nhưng cũng có vài vị “can đảm” hơn, hàng ngày đi lòng vòng vừa tập thể dục vừa làm quen với mọi sinh hoạt hầu kiếm thêm một vài kiến thức (đi cho khuây khỏa chứ ở nhà mãi sợ sẽ “mụ” người), cố gắng học để thi lái xe, làm Nails, làm nhiều nghề mà từ hồi cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ biết đến (có người còn biết cả chia bài trong các sòng bạc, tuy họ hàng có người làm Tu sĩ . . .!) Thế là dần dà họ đã trở thành công dân nước đó, cuộc sống đi vào ổn định, có bảo hiểm có tiền hưu . . .

Còn ở các nước Á châu, họ quen kiểu sống gia đình, nên sau một thời gian làm lụng xây dựng cho gia đình con cái, nay đến tuổi cao chưa được nghỉ ngơi lại thêm trách nhiệm, bước đi thì chậm khó khăn, xương khớp đau nhức mà phải chăm sóc cháu – chắt – chút . . . đi theo đã mệt huống hồ chạy theo! Ăn uống miếng vô miếng ra, thế mà cứ phải nấu nồi này nồi nọ cho con cháu, vì “bỏ thì thương – vương thì tội”! Thế mà trên báo chí, hay truyền thông vẫn cho ta thấy con cái chăm cha mẹ ruột mình thua chăm chó, vừa cho ăn vừa rủa, vừa tắm rửa vừa la! Ở nhà cha mẹ để lại, mà con cái không coi trọng các đấng sinh thành, có khi các vị ấy phải “vâng lời” những chủ mới, ngủ nghỉ như chó canh nhà, như người ở mướn ngay trong chính căn nhà, mà từ thuở còn thanh xuân họ đã cố gắng làm việc để xây dựng nên! Nhưng các vị ấy không có (hay không dám!) oán trách một lời nào mà cứ nghĩ đó là trách nhiệm làm cha mẹ, ông bà phải thế, có vị còn tự biện minh: “Mình già nhưng không đến nỗi ăn bám – Người ta tàn mà còn chưa tật uống chi là mình! – Khổ thì có khổ nhưng đâu bằng hồi xưa . . .” Thật ai oán!

Báo mới đưa tin ở một vùng sa mạc xứ người, tòa án địa phương kết án ông chồng tội giết vợ đến … 2 năm tù treo không bị kiểm soát (đáng lẽ ra bị “tặng” đến 12 năm tù giam), lý do rất thương tâm mà pháp luật nên thông cảm (theo lời vị chánh án)! Bà vợ già bị bệnh nan y liệt bại, chuyển qua ung thư, ông chồng thường xuyên giúp vợ mọi chuyện, mỗi tháng chở vợ đi sửa tóc, làm móng tay chân . . . Đến khi ông chồng cũng yếu muốn đưa vợ vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn, bà vợ không chịu, đến nổi bà tự tay cắt đi những ngón chân ung thối . . . Cho đến khi . . . bà vợ năn nỉ anh là cựu quân nhân, nhà có súng hãy kết liễu đời em đi, khổ quá rồi . . . ông chồng . . . hết hồn. Nhưng bà vợ cứ năn rồi nỉ và cuối cùng ông ta đã “tặng” bà một phát sau khi nói: “Anh yêu em, vĩnh biệt”! Tham dự phiên tòa còn có cả cậu con trai, anh ta phát biểu: “Tôi rất yêu thương và kính trọng cả cha và mẹ, trong 62 năm chung sống cha mẹ tôi đều rất thương  yêu mẹ và những đau khổ của 2 người thật là quá khâm phục và trong sự việc này tôi không kết tội cha tôi . . .” Tòa cho ông chồng vài phút để nói: “Tôi có nàng làm vợ là một ân phúc của Thượng đế ban cho, tôi sung sướng được chăm sóc nàng và tôi luôn làm theo ý muốn của nàng, tôi xin lỗi vì vợ chồng tôi mà để quý vị phải bận lòng mất thời gian”.

Nhưng lại có biết bao nhiêu hình ảnh thường ngày chúng ta bắt gặp, tôi không dám nói gì thêm và chắc cũng để chúng ta đôi phút suy tư về tuổi cao và già nhỉ.

  • Tuổi trẻ: Quá bận việc, quá lo lắng vì cuộc sống quá khó khăn. Vay mượn đầu này đắp đầu kia, lo cho đứa này chưa xong lại có đứa khác, cơm áo gạo tiền cứ lẩn quẩn, cứ căng thẳng áp lực. Nào là công việc làm ăn, nào là con ăn học, quần áo chi tiêu . . . ôi cha là mẹ nhọc không thể nào tả nổi, dư giả một chút thì dễ thở hơn, còn mà ăn bữa nay lo bữa mai thì . . . quên cả tên, chứ đừng nói đến chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, thăm nom họ hàng Nội Ngoại (đó là chưa nói đến có anh chồng thường xuyên đi nhậu, ra hàng quán hay trong đám tiệc hò hét, thách thức nhau hết ly này qua ly kia, hết một ly là y một lít, chưởi bới gây lộn . . . có nhiều chị vợ tuy gia cảnh khó khăn, nhưng vốn thích đua đòi cho bằng chị bằng em, se sua mua sắm, rảnh chút là đi tám chuyện làng trên xóm dưới, nhạy tin tức hơn “phây búc” thời nay nữa đó, con cái thì nheo nhóc (có khi không nhớ con mấy tuổi tên gì)! “Trời sinh Voi ắt phải sinh cỏ ấy mà” cứ thế con cái tự lớn khi sương mai, như con Nai trong rừng, học hành không đến nơi đến chốn, thiếu lễ phép . . . Còn khi có chút tiền của, chút học vấn lại ta đây coi mọi người như củ khoai, nhà cửa xây tường cao, đi về cổng khóa kín . . . quên mất ngày xưa cũng gặm khoai mài củ sắn, gặp hên phất lên rồi xa dần bạn hữu!

Nhưng đừng tưởng bên trời Tây họ sung sướng đâu! Đi làm cả 2 vợ chồng, con còn bé thì đi gởi (nếu không có ông bà), đứa lớn thì chở đi học chỗ này chỗ nọ cho theo kịp bạn bè, uống cà phê ăn sáng ngay trên xe, nhiều khi chải tóc trang điểm cũng sau tay lái! Mỗi tháng nhìn đống bills mà chóng mặt lo đến bạc cả tóc, mà trả không đúng hẹn thì “thêm” tiền phạt lời! Cũng có cái sướng là nhà to xe đẹp, ăn uống thì cũng hợp vệ sinh hơn. Nhưng của nào giá đó, cày cả ngày cả tháng cả năm cũng để trả nợ nhà, nợ xe, bảo hiểm . . . đón đưa hết đứa này qua đứa khác, tiền nong phải biết tính toán không thì cũng bị dồn nợ như ai . . . rồi có khi dời từ nhà ở qua nhà mướn, xe sang qua xe bèo . . . cũng mệt!

Nhưng cái quan trọng vẫn là sự suy nghĩ trong cái đầu, có còn giữ được nề nếp nhân bản tối thiểu hay không. Ở gần người không bị “hòa tan” theo cuộc sống của họ, thế mới hay mới giỏi, mới tự hào, vẫn biết rằng “ở Bầu thì tròn, ở Ống thì dài”. Nhưng cái nào đúng thì giữ, cái sai đừng theo. Dạy con kính trên nhường dưới, lễ phép, ăn uống từ tốn, đi đứng khoan thai, nói năng điềm đạm, đừng giao con cho các thiết bị điện tử chăm sóc, nói tiếng Tây thì giỏi mà quên mất kính trọng vâng lời cha mẹ, ông bà, biết chào hỏi lịch sự với mọi người (thường thì chúng chỉ biết đưa mắt nhìn nhưng lại ít nói những chuyện như trên, có thể là không biết tiếng Ta hay vì “google” không dạy!).

Làm người phải biết thảo kính cha mẹ, biết ơn sinh thành và bảo bọc yêu thương đùm bọc giúp đỡ đồng loại khi có thể được. Có hơn người khác cũng nên giữ lại mối thiện cảm với nhau (vì có ai giàu 3 họ, khó 3 đời đâu), có chút quyền hành đừng ỷ mà bắt nạt, kẻo rồi khi về hưu còn có người nói chuyện (chứ không họ qua lại cứ ngó nhìn như trong sở thú), tình bằng hữu thân thiết rán giữ gìn vì chỉ đứng sau tình gia đình họ hàng.

Câu chuyện “cái bát gổ” là một bài học để đời cho nhiều thế hệ cần phải học, “đời cha ăn mặn thì đời con sẽ khát nước”.

Có nhiều bài học thuộc lòng, công dân giáo dục ngày xưa đã dạy con trẻ, khi đi đường gặp người lớn khoanh tay cúi đầu chào hỏi bẩm thưa, gặp đám tang đi qua im lặng cúi đầu vĩnh biệt đồng loại, nhường đường bước hay giúp đỡ cho người già cả bầu bì, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, lái xe đi ngang qua bệnh viện, nơi thờ phượng không bấm còi rồ ga lớn, kính trọng các bậc tu hành . . . ngày nay còn hay đã mất. Mất do đâu?

Những tập tục thói quen không phù hợp nên mạnh dạn bỏ đi, “không ai cười cợt nơi đám khó và không ai khóc nơi đám tiệc vui bao giờ”, đừng nên bày vẽ thêm ra những “hủ tục” tùy tiện rồi cho đó là “truyền thống” cần phải giữ . . . Giống như thể ngày nay người ta thường “nhầm lẫn” giữa người MC và người HOST trong một chương trình, và sự nhầm lẫn này dần dần đã đi quá đà cho phép. Người chủ một chương trình cần phải giải thích, điều hoạt từng chi tiết trong một chương trình do họ dàn dựng, và người điều khiển chương trình chỉ là giới thiệu linh hoạt sao cho chương trình diễn tiến trôi chảy, thành công. Thế mà có MC đã có 1 lời giới thiệu 2 họ trong buổi tiệc cưới “ngắn” đến nổi, khách dự đã phải ăn trước khi vị chủ hôn có lời chào mừng vì . . . đói!

Và cũng có xuôi gia không đồng ý ngồi chung bàn 2 họ với nhau vì “. . . bên kia họ quá trẻ không hợp với tuổi như chúng tôi, sao lại có thể ngồi chung được nhỉ, kỳ lắm!”, có “vị” còn không thèm tới lui với xuôi gia nghèo khổ . . .

Hoặc một hình ảnh tương phản trong một ngày đám khó: “Cùng nhau đến dự đêm canh thức – Không bát cháo gà cũng tiến lên – Lúc đầu nhỏ nhẹ thôi đừng hét – Chặt tới chặt lui cũng . . . chưởi thề – Tang gia buồn khóc thì mặc kệ – Người ăn toang hoác cứ khoe khoang – Người thua thêm tức xoay cái ghế – Mẹ Cha dòng họ xuất trên môi – Kinh kệ lúc đó bay đi mất – Chỉ để lại đây tiếng chưởi thề – Còn đâu tình nghĩa năm xưa cũ – Ăn thua hay nhỉ mất tình thân!” chắc ai cũng biết “xưa rồi Diễm”! nhưng cần được thực hành. Có phương cách gì hay – tốt hơn để chỉnh và sửa để nó có ý nghĩa hơn, có nên để lại làm truyền thống vì đúng, hay cần phải xóa bỏ vì sai!

Còn nhiều lắm những hình ảnh tốt đẹp chung quanh chúng ta, song song đó những cái không hay mấy vẫn còn đó, căn bản là chúng ta nhận ra đúng sai và mạnh dạn đón nhận hay chỉnh sửa, không cố chấp kết án một sự việc gì khi chưa suy xét cẩn thận. Người già có cái hay của bậc cao niên, cần phải làm gương tốt cho kẻ dưới kính trọng noi theo, người trẻ cũng vẫn có những điều tốt đẹp mà người trên cần phải nhìn đến mà khâm phục, đừng quá khó tính khi đối xử với nhau trong từng ngày của cuộc sống, trong vài câu nói khi giao thiệp (nhất là khi xảy ra chuyện mất lòng với nhau).

Qua bài viết này tôi không dám lên án, châm chọc hoặc muốn làm một việc gì ngoại trừ là một vài lời góp ý, qua sự nhận xét thô thiển của cá nhân tôi, rất có thể tôi phạm sai lầm khi đưa ra sự việc hay câu văn lạc lối tối nghĩa, rất mong nhận được sự tha thứ của quý vị.

  • Chẳng qua nhìn cảnh vật đổi thay khi Xuân đến, làm bồn chồn lòng lữ khách phương xa. Chẳng qua khi thấy nơi nơi mọi người sắm Tết, lòng rộn nhớ hưởng Tết của năm xưa. Làm cho tôi nức lòng buông vài dòng cảm nghĩ, nếu vừa lòng xin đàm luận những ngày Xuân.

Trong không khí đón mừng một Năm mới, nâng ly chúc Tết những ngày Xuân, tôi xin mạo muội gởi đến quý vị lời chúc chân thành:

 

THỌ:  Trời thêm tuổi mới, người thêm Thọ – Xuân khắp dương gian phúc khắp nhà.

TÂM: Chữ Tâm độc tự thế mà hay – Thành bại nên hư bởi chữ này – Tuổi trẻ gắng rèn, già cố giữ – Cuộc đời gói gọn cả vào đây.

TÀI: Cuộc đời ai cũng mong thành đạt – Cuộc sống hèn sang cũng chữ này – Gian nan khốn khó đều suông sẻ – Đôi tay tạo hóa khắc chữ Tài.

ĐỨC: Vạn cổ công thành danh hiển đạt – Thiên thu đức thịnh tính phồn vinh.

Đầu Xuân hoa lá khoe màu mới,

Tết đến nơi nơi ngập tiếng cười.

Người người thương chúc nhau hạnh phúc,

Mong sao tình mến mãi bền lâu.

Chân thành cám ơn và xin kính chúc quý vị cùng quý quyến luôn KHANG AN – HẠNH PHÚC – BÌNH AN trong năm mới MẬU TUẤT này.

Yakeu.

 

 

Follow Me:

Trả lời