Tùy Bút

Vài Nét Về Người Bình Giả Ở Đan Mạch

Vài Nét Về Người Bình Giả Ở Đan Mạch

Sau khi ghé thăm các nước Đức, Pháp, và Rôma, Đan Mạch là nước cuối cùng trong chuyến du lịch Châu Âu của tôi.
Ra khỏi phòng kiểm hành lí tại phi trường Copenhagen vào lúc 10 giờ đêm, dáo dác cố tìm xem hai em Nhân-Thành ở đâu trong số những người đang chờ đón thân nhân vừa xuống phi trường, nhưng chẳng thấy ai cả. Biết rằng đã không gặp nhau 27 năm, nhưng không thể nào mình không nhận ra diện mạo của hai em. Đang lục đục tìm số phone để liên lạc thì đã thấy hai em vội vàng đi tới. Nhìn khuôn mặt hai đứa chẳng thấy thay đổi gì cả, trông cũng như xưa, có điều chững chạc hơn, riêng cô Thành thì trông trẻ như mấy cô hai mươi tuổi. “Bị kẹt xe, chúng em tới trễ,” hai em phân bua. Nhân là con trai trưởng của ông bà Nguyễn Văn Dung, Xuân Mỹ. Thành là con gái thứ của ông bà Bùi Văn Khánh, Xuân Mỹ.
Hít hơi thở trong lành của thành phố Copenhagen, đưa mắt nhìn cảnh trí để xem có gì khác lạ, nhưng chẳng thấy được gì vì đang là ban đêm. Đi qua cây cầu lớn, dài 26 km, nối liền giữa hai bán đảo, chú Nhân vừa trả tiền vừa xuýt xoa: “Lại nuốt mình 100 đô nữa, tức thật.” Suốt thời gian hai tiếng từ phi trường về nhà ở thành phố Svendbord, ba anh em trao đổi, thăm hỏi nhau thật nhiều vì đã quá lâu không gặp.
Đang say trong giấc ngủ thoải mải sau môt chuyến đi dài, bỗng nghe vỏng vọng tiếng cô Thành với giọng Xuân Mỹ đặc sệt “Dậy ăn sáng anh Tính ơi.” Bánh mì, bơ miếng, trứng chiên và thịt nguội đã chuẩn bị sẵn trên bàn ăn. Vừa dùng điểm tâm vừa hỏi chuyện gia đình và đời sống thường nhật của hai em. Đi một vòng để tham quan nhà cửa và cảnh vật chung quanh thế nào.
Kỹ thuật trang trí trong nhà bên này hơi khác với Bắc Mỹ, đặc biệt là tủ rượu, được làm sâu vào trong tường nhà, cửa bằng kiếng, rất lớn và trang trí đẹp mắt. Nhìn những chai rượu XO chưng trong tủ kiếng cũng đủ biết “Nhân này không phải tay vừa…” Người Âu Châu rất thích cảnh trí lãng mạn nên trong nhà chưng bày rất nhiều và đủ loại nến. Thời tiết rất ấm áp và dễ chịu. Nhiều loại hoa đang nở rộ đủ màu sắc trước và bên cạnh nhà, với bãi cỏ xanh lấp lánh những hạt sương còn đọng lại tạo nên một khung cảnh thật đẹp vào buổi sương mai.
– Chắc chiều nay có tiệc lớn hay sao mà cô chủ bận rộn thế? Tôi hỏi.
– Có gì đâu! Thành đáp lại, nói nhỏ anh Tính nghe, đừng cho ai biết, bữa cơm tối nay là do một người cháu gái nhờ em (Bác) nấu giùm mấy món để nhớ đến người Cha bị mù mắt nay đã ba năm.
Thì ra là như vậy, nghe thật cảm động.
Bữa cơm tối, với sự hiện diện của ông bà nội, hai người con gái của Nhân Thành, vợ chồng Tuyên Tuyền và hai con, cùng hai vợ chồng chủ nhà và tôi.
Nhiều cây đèn cầy được đốt lên, tất cả cùng đứng lên và đọc kinh Kính Mừng để xin Mẹ Maria cùng đồng hành với mỗi người trong mọi hoàn cảnh.
Con gái của chú Tuyên, 11 tuổi, mời người Cha đứng lên: “Bữa cơm hôm nay hai con đặc biệt chuẩn bị để nhớ lại tròn ba năm ngày Cha bị mù mắt”. Tuyên đầu hơi cúi xuống, như để bớt đi sự nghẹn ngào, lắng nghe người con diễn tả những cảm xúc và chia sẻ với sự bất hạnh mà người Cha đã phải chịu trong suốt ba năm qua bằng tiếng Đan Mạch và tiếng Việt, “một món qùa hai con tặng riêng Cha như để đánh dấu sự kính trọng và rất thương yêu người Cha của chúng con.” Tuyên đứng lên ôm chặt lấy hai đứa con…, rất xúc động. Trong giây lát, tôi tự nghĩ, qua cử chỉ hiếu thảo của người con, chúng ta phải cảm thấy rất vui mừng vì trong hoàn cảnh tình nghĩa gia đình càng ngày càng giảm đi, đây là những hạt giống tốt để nẩy sinh và tô thắm những đức tính và truyền thống tốt của những người người con dân Việt.
Hỡi các bạn trẻ, mỗi dân tộc đều có những nét đặc thù cách xử thế khác nhau trong gia đình cũng như ngoài xã hội, nhưng nếu là “hiếu thảo, kính trọng, lễ phép và tình nghĩa” thì những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là nền tảng đạo đức để các bạn tìm ra lẽ sống. Hãy gìn giữ và tô điểm thêm vẻ đẹp bằng đời sống của bạn!
Bầu không khí bữa cơm thật ấm cúng và thân mật, mỗi người một vẻ… Vừa tâm sự chuyện đời vừa thưởng thức hương vị nồng ấm từ li rượu Cognac XO, thật hữu tình!
Chú Tuyên trạc độ 42 tuổi, em của chú Nhân, theo như kể lại, mắt bên phải bị nhức và xức thuốc nhiều lần nhưng không giảm, càng lúc mắt càng mờ thêm. Bác sĩ đã dùng phẫu thuật để hi vọng cứu chữa được, nhưng rồi bệnh vẫn còn đó và lây dần qua mắt trái. Qua hai lần mổ, hai mắt càng mờ thêm đến nỗi chỉ thấy lờ mờ, đi đâu cũng cần người dẫn dắt.
Cảm thông được sự bất hạnh và đau khổ của Tuyên, gia đình và thân nhân đã cùng nhau cầu nguyện và xin ơn, xin Chúa Mẹ phù hộ và chữa lành bệnh. Thánh ý Chúa nhiệm mầu: một cháu gái đã tham khảo được một loại thuốc và yêu cầu bác sĩ thử dùng cho Chú và từ đó mắt trái đã bình phục được 80 phần trăm, nhưng mắt phải thì phải chịu mất đi.
Qua những lần gặp gỡ và nói chuyện với Tuyên, tôi rất ngạc nhiên về cuộc sống lạc quan của Chú. Chú vẫn cười và nói chuyện bình thản như không có gì xảy ra. “Chúa muốn thì mình phải chịu, có chi mà buồn!” Tuyên trả lời thật đơn giản, nhưng qua đó chứng tỏ đức tin của Chú thật vững mạnh. Mỗi ngày, Chú dẫn bộ hai đứa con tới trường rồi về nhà. Mặc dầu mắt bị mờ, Chú đã dùng hết khả năng để tu bổ trong và ngoài nhà thật khang trang, sạch sẽ. Phía sau nhà, Tuyên cũng đã xây một hồ nước và đặt một tượng Đức Mẹ kế bên. Chú tâm sự: “Lúc rảnh rỗi em ra đây vừa làm vừa nói chuyện với Đức Mẹ. Tuyền, vợ của Tuyên, thì làm nail tới tối mới về, hai con thì đi học, nhà trống vắng nhưng có Mẹ luôn ở bên em.”
Cảm tạ ơn Chúa Mẹ đã ban cho Tuyên tuy mắt bị mù nhưng thật sáng lòng tin. Bệnh tật và đau khổ đôi khi là sự chia cách giữa con người với Thiên Chúa, nhưng nếu chúng ta thông hiệp những sự ấy cùng với sự đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá, lại là niềm bình an đích thật.
Dịp này, tôi cũng được may mắn gặp lại người Thầy đã dạy chúng tôi vào thuở lớp tư. Thầy Dung năm nay đã hơn 80 tuổi, có bảy người con, sức khỏe còn tốt, suy nghĩ vẫn sắc bén.
– Anh Tính qua đây là để thăm chúng tôi, chứ anh đâu cần biết Đan Mạch làm gì.
– Cám ơn Thầy đã nhân ra ý tưởng của trò.
Vợ chồng Thầy ở riêng một căn nhà và cuộc sống rất thoải mái. Nhân, người con cả, dẫn tôi tới thăm vợ chồng Thầy.
– Chắc là cha mẹ ở nhà vì hai chiếc xe đạp vẫn còn đó.
Gõ cửa không thấy ai ra mở, Nhân đi vòng ra đàng sau nhà lẩm bẩm:
– Ông Bà lại đi câu rồi!
Tuy chỉ có miếng đất nhỏ sau nhà, nhưng ông bà trồng đủ loại rau: tía tô, rau quế, rau răm, rau cải cay… và một dàn bí đang trổ rất nhiều bông. Anh em đang chuẩn bị ra khỏi cổng thì ông bà về.
– Ở lại chơi đã, chờ một chút để cha mở cửa.
– Hôm nay trời nắng đẹp nên cha mẹ đi bộ tới chỗ câu, thay vì đi xe đạp.
– Bà ơi, làm sạch và chiên mấy con cá mới câu để anh Tính và anh Nhân uống bia.
– Bữa ni ông bà câu được chừng hai kí cá.
– Ăn có hết mô, ngày mai bà lại làm chả.
Thầy và trò ôn lại thật nhiều kỉ niệm đẹp trong đời: những thời thơ ấu cắp sách đến trường. Giờ đây, Thầy đã ngoài 80 và trò cũng đã trên 50! Cảm ơn Thầy đã cho con cơ hội và cùng chia sẻ, suy tư về nhân bản làm người.
Trải qua nhiều trường lớp, được nhiều Thầy dạy bảo, thật đáng quí những người Thầy đức độ để đời cho học trò kính phục. Cũng trong số những người Thầy, thật bẽ bàng làm sao khi phải nhắc lại là những học sinh tuổi đang còn non dại, gặp nạn giữa đường thì Thầy ngoảnh mặt làm ngơ, mặc cho các Trò sống những ngày chui rúc, thiếu ăn, thiếu uống… Những bảng văn nhân đức các trò rán đọc mỗi ngày trên tường gỗ, những câu văn học để làm người cố học thuộc mỗi ngày, sao trớ trêu đến không bằng một đồng bạc Thầy vất giữa chợ đời! Thầy làm quan, trò làm tớ, cứ thế trải qua những chuỗi ngày lê thê, vô ý nghĩa, cho đến một ngày, Thầy Trò chẳng buồn nhìn nhau nữa!!!
– Uống bia đi chớ anh Tính, làm chi mà ngẩn người ra vậy!
– Dạ, uống đi, mời Thầy!
Nói vậy mà lòng tôi cứ vấn vương với những ý nghĩ đó. Nghĩ đời mà nực cười cho đời!
– Ngày mai Thầy cho con đi câu cá với nha?
– Cá ở đây nhỏ lắm, sợ anh không thích thôi.
– Miễn là có cá là được rồi, không cần lớn hay nhỏ.
– Vậy thì trưa mai anh Tính qua đây ta đi câu.
Thầy trò đi bộ khoảng 15 phút thì tới chỗ câu. Tưởng là hồ lớn, nhưng chỉ như cái ao, có nước chảy vô ra từ sông chính. Thầy rút ra một cần câu trúc, chừng ba mét, dấu trong bụi rậm. Dây cước nhỏ dài bằng cần câu, cặp phao, lưỡi câu nhỏ và dùng bánh mì trộn với thính làm mồi. Thầy nhuờng cho tôi chỗ bóng mát nơi Thầy thường đứng câu mỗi ngày. Cá rất nhiều, lớn bằng ba ngón tay, chỉ là kéo lên được mới là tài nghệ.
– Bà ơi, qua bên ni ngồi câu với ông cho vui, chớ bên nớ nắng lắm, về bịnh đó! Thầy nhỏ nhẹ.
– Chà, ông bà tình tứ gớm hầy! Tôi vừa cười vừa liếc qua Thầy.
– Bà là rứa đó, bựa mô câu mà ít cá hơn tui là không chịu về mô. Thầy có vẻ thách thức.
Chúng tôi câu được khoảng hai kí, loại cá như cá mái ở Bình Giã. Thầy trò đi bộ về nhà, lòng cảm thấy thật vui; cũng là đi câu cá nhưng ở Đan Mạch người và hoàn cảnh hoàn toàn khác lạ.
Bữa cơm tối tuy đơn sơ tại nhà Thầy, nhưng sao thật ấm cúng làm tôi cứ tiếc nuối mãi khi nhớ đến, đặc biệt món cá kho nghệ làm tôi hồi tưởng đến món cá đồng mà Mẹ tôi kho từ những năm xưa.
Nhân dịp này tôi gặp lại Cậu Mự Khánh và các em trong đại gia đình. Lâu lắm không gặp, tuy xa mặt nhưng long vẫn không cách. Con cảm ơn Cậu Mự đã quan tâm tới con cũng như gia đình. Nét hiền từ và nhân hậu của Mự con rất cảm phục. Đây cũng là hồng ân Chúa ban cho gia đình. Đi câu về trễ, vội vàng tới nhà Cậu Mự để ăn bữa cơm với gia đình, mặc dầu đã phân bua,“Đã gặp nhau rồi, Cậu Mự không cần phải mời cơm, nhưng muốn thì chiều.” Cậu Mự có chín người con, tất cả đã lập gia đình: hai cô ở Việt Nam, số còn lại định cư tại Đan Mạch.
Cám ơn gia đình hai bạn Thân-Lành và hai em Tuyên-Tuyền đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho chúng tôi, qua sự tiếp đón nồng hậu và những bữa cơm đầy hương vị quê hương.
Vợ chồng Thân-Lành có vườn hoa rất đẹp với đủ loại hoa hồng. Anh Thân chăm sóc hoa và cỏ rất kĩ càng và tài nghệ, không chê vào đâu được, ngay cả trong phòng hút thuốc của anh: mùi thuốc lá cũng không qua khỏi được hương vị thơm tho của những bông hoa hồng của anh. Anh chị đãi chúng tôi món tôm hùm đặc biệt từ Na-Uy nhưng rất tiếc mình lại không thích đồ biển.
Toàn thể cộng đồng người Việt Công Giáo tại Đan Mạch sẽ tổ chức đại lễ mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày mai, nên chúng tôi tháp tùng với gia đình hai em Nhân-Thành tham gia đại hội.
Sau hai giờ lái xe, chúng tôi đã tới địa điểm tổ chức đại lễ. Khoảng đất rất rộng, cây cối rậm rạp chung quanh, có một nhà nguyện, một nhà bếp và dãy nhà để các ban ngành tạm ngủ qua đêm. Thoai thoải theo dãi đất rộng là hồ nước trong xanh trải dài nhiều cây số, phong cảnh thật đẹp và hữu tình cho bà con về dự đại hội.
Người công giáo Việt Nam tại Đan Mạch không đông nhưng họ đã đoàn kết và quy tụ được nhiều người thuộc nhiều giáo xứ khắp nơi về đây để rước kiệu và cung nghinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam hàng năm. Mỗi xứ chịu trách nhiệm một công việc, xứ thì lo thức ăn, nơi thì lo dựng lều, nhóm kia lo hát trong thánh lễ…
Xứ đạo Svendbord nhận trách nhiệm nấu và bán đồ ăn cho hai ngày đại hội nên anh chị em tới trước một ngày để chuẩn bị. Đêm đó, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều người và đốt lửa quây quần bên nhau thật ấm cúng.
Chủ tế là Giám Mục người Đan Mạch và cùng đồng tế là năm cha Việt Nam. Trước thánh lễ là cuộc rước tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam vòng quanh khuôn viên. Thánh lễ rất trang trọng hoà cùng những bản nhạc hùng hồn, giọng hát trầm bổng của ca đoàn vinh danh các nhân đức tuyệt vời của các Thánh, làm nổi bật chí khí và lòng sùng đạo của con cái Việt Nam.
Tôi trở lại thành phố Svendborg để chuẩn bị về lại Calgary, Canada. Tại thành phố này có khoảng chừng mười lăm gia đình người Bình Giả đang sống ở đây. Những người có cơ hội gặp được chẳng là bao, chắc phải chờ dịp khác.
Ngồi đây xao xuyến viết lại những bước chân dính bụi trần Đan Mạch, những kỉ niệm đã đậm nét trong tôi, bao tình cảm đặc biệt trao tặng cho nhau. Ngày mai người ở lại, tôi trở về với lòng thương nhớ. Giơ tay mến chào tạm biệt và cầu cho nhau được bình an. Hẹn gặp lại trong một ngày gần đây!
Đặng Viết Tính

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời