Bài viết khác

Xóm Ung Thư ở Bình Giã, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu

• Xóm làng lâu rồi không còn bình yên

Từ lâu, người ta đã biết đến nhiều làng ung thư xuất hiện ở Việt Nam. Nếu bạn vào Google và gõ “làng ung thư ở việt nam” bạn sẽ có không biết bao nhiêu là kết quả. Trên trang web của Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia trong bài “Điều tra nước tại 37 làng ung thư” có viết “Theo khảo sát của bệnh viện K, 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện, 70.000 người bị chết vì căn bệnh này, tăng hơn nhiều so với trước. Hiện cả nước tồn tại 37 làng ung thư…
Nhưng ở xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì có một xóm ung thư: Xóm Vĩnh An – Vĩnh Bình (Giáo họ Vĩnh Lộc). Gọi là xóm vì chỉ trong vòng 40 ha khu dân cư mà trong hơn 10 năm qua đã có 38 người mắc bệnh ung thư và đã qua đời. Trong những năm gần đây, số người mắc bệnh và qua đời tăng lên rất nhanh và ngày càng trẻ hóa dần! Riêng năm 2013 là 11 người. Có gia đình như gia đình Bà Tân ở Vĩnh An cả 4 người con là: Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Nghĩ, Nguyễn Thị Đề, Nguyễn Thị Sự và cháu ngoại Nguyễn Quốc Dũng đều chết vì ung thư gan; căn nhà từ lâu không còn ai ở phải đóng cửa.

Căn nhà của Bà Tân hiện nay

Ở Vĩnh Bình, Ông Nguyễn Kim Đằng ung thư cổ họng và con gái là Nguyễn Thị Oanh ung thư gan. Ông Nguyễn Tất Việt ung thư gan cùng vợ là bà Nguyễn Thị Di ung thư dạ dày. Anh Hoàng Ngọc Lân ung thư gan và người chị gái là Hoàng Thị Vân ung thư cổ tử cung. Nhà Bà Tuấn gần nhà thờ Vĩnh Lộc có 3 người con trai là: Trần Văn Dương, Trần Văn Long và Trần Vĩnh Phước đều bị ung thư gan; riêng Trần Vĩnh Phước còn đang điều trị. Một phần xóm Vĩnh An có một “liên gia” ung thư: Ông Nguyễn Đình Liên ung thư phổi, nhà kế bên Anh Nguyễn Đình Trông ung thư xương, nhà kế tiếp Ông Nguyễn Hồng Vinh ung thư cổ họng, nhà kế nữa Anh Bùi Sĩ Đông ung thư gan, nhà sát bên Thầy giáo Nguyễn Hữu Thành ung thư cổ họng, nhà kế nữa Anh Nguyễn Hồng Quang ung thư gan. Trong danh sách thu thập được từ Ông Trần Văn Mỹ, trưởng ấp Vĩnh Bình và từ các gia đình các bệnh nhân thì cho đến ngày 16 tháng 7 năm 2013 là có 38 người chia ra như sau: Nam 26 người ( 68,5%), nữ 12 ( 31,5%). Riêng ung thư gan là 20 người chiếm tỉ lệ cao nhất (52,6%) kế đến là cổ họng, phổi, cổ tử cung, ruột, xương, lưỡi, máu và dạ dày. (trích danh sách điều tra bệnh nhân ung thư)

• Đi tìm nguyên do
Vì quá bức xúc và lo lắng với căn bệnh quái ác nầy mà một vài hộ dân tự đưa nước giếng lên tận viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm nhưng các kết quả cho thấy là bình thường. Nhiều mối nghi ngờ cho rằng một số hộ dân dùng thuốc tẩy để chế biến tiêu đen ra tiêu trắng đã gây ra bệnh ung thư và UBND xã Bình Giã cũng có yêu cầu Trung Tâm Y Tế Dự Phòng thuộc Sở Y Tế Bà Rịa – Vũng Tàu cho người về lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước thải cũng như các giếng nước chung quanh cơ sở của Ông Nguyễn Hoàng Lương nhưng các chỉ số trong các giếng nước vùng chung quanh vẫn bình thường. Tôi có được xem một phiếu xét nghiệm nước mới nhất đề ngày 26/9/2011 của viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thì các chỉ số cũng bình thường. Chưa có nguyên do gì xác đáng nhưng vẫn cứ có thêm người bệnh và qua đời đều đặn! Chỉ nội trong 2 tháng vừa qua, có 4 đến 5 người qua đời vì ung thư. Không có cơ quan y tế nào về Bình Giã để truy tìm nguyên do bằng một nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Người dân vẫn không hiểu vì sao và không ai giúp đỡ họ tìm ra giải pháp cụ thể nào. Vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Trong cuộc gặp gỡ với y sĩ Phan Văn Sang, trưởng trạm y tế xã Bình Giã sáng ngày 8/7/2013 thì trạm cũng không nắm rõ con số bệnh nhân ung thư vì các bệnh nhân ung thư thường tự đi chữa ở các tuyến trên và việc xác định ai là bệnh nhân ung thư thì ngoài khả năng của trạm. Vấn đề hoàn toàn không kiểm soát được!

• Bình thường mà không bình thường
Người viết bài nầy đã được trực tiếp phỏng vấn Ông Nguyễn Ngọc Đức, trưởng ban quản lý đất đai và môi trường cũng như các Ông Trần Văn Mỹ trưởng ấp Vĩnh Bình, Ông Trần Văn Hùng trưởng ấp Vĩnh An và các Ông Phan Cẩm trưởng ấp Lộc Hòa, Ông Ngô Đình Phú trưởng ấp Nghi Lộc là những địa bàn kế cận thì những thông tin về tập quán ăn ở sinh sống của dân cư là rất có giá trị để tham khảo. Trước nhất, Bình Giã trong chiến tranh bị ảnh hưởng thuốc khai quang rất nặng trong đó thì chất dioxin rất độc hại cho người, cho đến nay những cây có mủ như cây mít thường hay bị thối thân và chết mòn. Khó lòng biết được quá trình bán hủy của chất nầy đến đâu, có còn nhiều trong đất hay không? Thứ đến xã Bình Giã có địa hình triền dốc mà đỉnh là chợ Bình Giã có cao độ 121m, vùng Vĩnh An-Vĩnh Bình có cao độ 104m, rồi sau đó lại cao lên 106m tại giáp ranh xã Ngãi Giao. Vùng ung thư nhiều là vùng chân đồi và trũng nên tích tụ toàn bộ nước thấm và nước tràn từ trên cao xuống, chảy trực tiếp vào các giếng đất theo các rễ cây gần giếng. Theo bà con nhân dân cho biết thì vào cao điểm mùa mưa mực nước giếng chỉ còn cách mặt đất 1-2 mét, có giếng thấp đến mức nước có thể chảy từ trong giếng ra ngoài. Tuy các phiếu xét nghiệm chưa cho thấy vấn đề gì, nhưng nguồn nước giếng tại vùng nầy và ngay cả toàn xã Bình Giã từ lâu đã không còn an toàn dùng để ăn uống nữa; vì theo các số liệu được điều tra trong các phiếu thăm dò như sau: Mỗi hộ hiện nay có vườn ở dưới 1000m2 trong đó xây nhà cửa, chuồng trại, nhà vệ sinh, giếng nước san sát nhau. Như ở ấp Nghi Lộc số hộ chăn nuôi heo chiếm tới 70%, mỗi hộ nuôi trung bình 20 con heo thịt; đi trong làng bất cứ chỗ nào, lúc nào cũng có thể ngửi thấy mùi phân heo. Thêm nữa, hằng năm mỗi hộ sử dụng trung bình 4 -5 lít thuốc trừ sâu rầy, 6 -7 lít thuốc diệt cỏ và nhiều loại phân bón có thuốc bảo vệ thực vật khác trong đó. Việc phun xịt và tiếp xúc thì không có ai sử dụng áo quần bảo hộ và hoàn toàn phơi nhiễm. Vốn là người dân xứ Nghệ nên bà con rất chăm làm và phun xịt trong vườn quanh năm. Về chất thải 70% không có biện pháp xử lý, nhiều khi có cơn mưa lớn nước tự do chảy tràn từ vườn nọ sang vườn kia. Việc xây nhà cầu, hố phân không đúng qui cách, không có bể lọc; nước phân có thể ngấm qua giếng nước dễ dàng vì rất gần… Tất cả nước thải từ trên cao đều ngấm xuống đất và chảy vào giếng mà vùng Vĩnh An-Vĩnh Bình là cái đáy bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong khi đó chưa tới 30% hộ dùng nước máy (nước sạch nông thôn). Hiện nay các ấp lân cận với Vĩnh An – Vĩnh Bình cũng bắt đầu ngày càng nhiều hơn những ca ung thư, đặc biệt là ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất. Tỉ lệ nầy cũng giống với tỉ lệ ung thư gan ở các làng ung thư khác trên toàn quốc như ở Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ hay Mẫn Xá, Bắc Ninh hay Văn Môn, Thanh Oai, Hà Nội… Nói tóm lại những làng ung thư ở Việt nam đều có những nét giống nhau là: nhà cửa dân cư chen chúc, làng nghề phát triển, việc xử lý chất thải kém, sử dụng nhiều hóa chất độc hại làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Thêm nữa, những làng ung thư ở Việt nam thư hầu như được qui hoạch theo mô hình thành phố nhưng cách sinh hoạt ăn ở theo phong cách nông thôn truyền thống; là cho ra nhiều chất thải hữu cơ dễ gây hôi thối, dễ phát tán vào không khí, là môi trường tốt cho các vi khuẩn độc hại. Thêm nữa ý thức bảo vệ môi trường của bà con vùng nông thôn cũng giới hạn. Công tác truyền thông giáo dục còn yếu. Tìm được một câu khẩu hiệu nhắc nhở, giáo dục về môi trường là hiếm thấy.

• Những mối nghi ngờ khác
Bình Giã hiện không có nhà máy, xí nghiệp nào nên ô nhiễm nước và không khí do công nghiệp như Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ là không phải bàn tới. Nếu đặt giả thuyết về phóng xạ tự nhiên thì không có cơ sở lắm (nhưng cũng có thể là một mối nghi ngờ). Vì vấn đề mới chỉ xảy ra khi những vùng nông thôn như Thạch Sơn, Mẫn Xá, Văn Môn hay Bình Giã bắt đầu phát triển. Chủ yếu hẵn là nguồn nước mà trong tất cả các phiếu xét nghiệm không có xét nghiệm a-sen thạch tín – một chất cực độc có thể có trong nước giếng, chỉ ở hàm lượng rất thấp cũng có thể là thủ phạm. Việc nầy cần có cơ quan y tế cấp trên giúp đỡ mới có thể làm được.

Viện Hàn lâm khoa học Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo, chất thạch tín trong nước uống, dù rất ít, cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Lượng thạch tín 50 ppb/ parts per billion (phần tỷ) trong nước uống đang được Mỹ và châu Âu cho phép cũng gây nguy cơ ung thư là 15/1.000. Ngay cả khi sử dụng nước uống có hàm lượng thạch tín chỉ 1ppb thì nguy cơ ung thư cũng là 1/1.000. (Theo_VnExpress.net)

Tỉ lệ ung thư gan cao lại thường xuất hiện trong cùng một gia đình, liên gia, mối nghi ngờ về việc nhiễm và lây lan siêu vi B hoặc C trong cộng đồng đã gây ra nguy cơ cao thế nầy. Làm sao bà con có điều kiện xét nghiệm tầm soát để có những kế hoạch kiểm soát, phát hiện và chữa trị sớm hay chích ngừa, v v. Thiết nghĩ cần có các cơ quan y tế với nhi ệm vụ của mình cần vào cuộc càng sớm càng tốt.

• Giải pháp nào?
Người dân Vĩnh An – Vĩnh Bình đang sống trong nỗi hoang mang lo sợ mà họ không biết kêu ai; họ cứ phó dâng cho ngày tháng trôi qua và không biết khi nào sẽ đến phiên mình! Các bác nông dân Vĩnh An – Vĩnh Bình sáng nào cũng ngồi cùng nhau uống nước chè xanh nấu bằng nước giếng và tự an ủi nhau “Thôi! trời kêu ai nấy dạ” hay như lời nhắc nhở của những kẻ đã chết ghi trên cổng nghĩa trang Vinh Hà “NAY TÔI MAI ANH”. Và lúc nầy người dân Vĩnh An – Vĩnh Bình khi đi đến các ấp chung quanh thì được tặng danh hiệu là “dân ung thư”, các thợ xây nơi khác đến Vĩnh An – Vĩnh Bình phải mang nước theo uống, không uống nước ở đây. Nói về nguồn nước sạch thì cũng lấy nước từ các giếng khoan trong vùng nầy. Đồng chí chủ tịch xã Đỗ Văn Ái cho biết việc cung cấp nước sạch có tiến độ chậm vì bà con ở đây có tập quán dùng nước giếng đào đã quen. Khi gặp gỡ Ông Ngô Văn Thái, quản đốc nhà máy cấp nước sạch ở Bình Giã, vào ngày 01/7/2013 ông cho biết hiện nay chỉ mới có 499 đồng hồ nước được lắp đặt trên 1368 hộ, tình hình sử dụng nước sạch rất yếu lý do là nguồn nước giếng còn “tốt”, nhà cửa xây dựng ổn định không muốn đào bới, thay đổi. Cũng có một chút không dễ chịu với mùi clor trong nước máy nên có nhà có bắt nước máy nhưng dùng ít. Theo Ông Thái thì nguồn nước sạch nông thôn ở đây rất an toàn vì hằng tháng Trung Tâm Y Tế Dự Phòng của Sở Y Tế có cử người đến lấy mẫu nước tại nhà máy đi xét nghiệm và lần nào cũng cho kết quả đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y Tế (QCVN01/2009/BYT). Cũng theo Ông Thái thì đến năm 2020 kế hoạch sử dụng toàn bộ nước sạch mới hoàn tất. Nhưng thiết nghĩ rằng kế hoạch như vậy là quá trễ so với tình hình diễn biến xấu như hiện nay.

• Đôi lời kết
Xã Bình Giã là một trong những vùng nông thôn phát triển nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vốn là người dân xứ Nghệ hay lam hay làm quanh năm. Nhưng sự phát triển mà không gìn giữ môi trường lành mạnh thì tai họa khôn lường. Ai cũng biết con cá sống trong nước, con người sống trên cạn thế mà làm cho nước đục, không khí bẩn thì tự làm khó mình. Hiện nay ở Trung Quốc do việc phát triển bằng mọi giá nên đã xuất hiện hằng trăm làng ung thư. Những lời kêu gọi chung chung không đi tới đâu và không giải quyết được gì. Chúng ta đã có chính sách, luật pháp, cán bộ về môi trường, hệ thống y tế thì chúng ta phải có hành động cụ thể để có kết quả cụ thể. Bài học là: Phát triển kinh tế nhưng xâm hại môi trường, chúng ta sẽ trả giá rất đắt đó là bệnh tật hiểm nghèo, nan y và cuối cùng là cái chết nhưng chúng ta cũng không thể không phát triển để mà cam chịu nghèo đói, lạc hậu. Hãy mau cứu giúp bà con Vĩnh An – Vĩnh Bình, Bình Giã. Nếu không sẽ còn nhiều người ra đi vì ung thư nữa và chúng ta sẽ có thêm nhiều xóm làng ung thư nữa.

Trịnh Hữu Hương
Giảng viên CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu

Xem bản gốc

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời