Tượng Chúa chịu nạn lịch sử của Giáo phận Bắc Ninh gắn liền với một giai đoạn đau thương nhưng đầy hào hùng của Giáo hội Công giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 19. Được làm bởi vua quan, được dùng tại các Cổng Tả Thành Cổ Bắc Ninh vào ngày 4.4.1862, Tượng Chúa chịu nạn không chỉ là biểu tượng của sự thử thách mà còn là minh chứng cho lòng trung thành bất khuất và niềm hy vọng của các tín hữu giáo phận miền Kinh Bắc.
Hoàn Cảnh Lịch Sử
Vào năm 1838, dưới triều đại của vua Minh Mạng, một loạt sắc lệnh cấm đạo được ban hành, đánh dấu thời kỳ bách hại khốc liệt đối với Kitô giáo tại Việt Nam. Nhà vua đã ra lệnh làm 40 cây thập giá và gửi đến Tổng đốc Nam Định, ông Trịnh Quang Khanh. Theo mệnh lệnh, những cây thập giá này được đặt tại các cổng thành với mục đích ép buộc các Kitô hữu bước qua, một hành động nhằm công khai chối bỏ đức tin. Các bậc vị vọng
Ý Nghĩa Lịch Sử và Đức Tin
Năm 1859 vua Tự Đức ra lệnh tập trung những người đứng đầu các xứ họ để kiểm soát chặt chẽ các thành phần tích cực trong hàng ngũ người Công Giáo, đồng thời các xứ họ sẽ như rắn mất đầu. Một trăm vị đầu mục trong tỉnh Bắc Ninh bị giam tại thành Bắc Ninh đã bị Tổng đốc Nguyễn Văn Phong ra lệnh hành quyết khẩn cấp ngày 4/4/1862.
Thay vì chối bỏ đức tin, một trăm vị đầu mục đã kiên quyết từ chối bước qua Thánh Giá, chấp nhận hy sinh mạng sống. Tượng Chúa chịu nạn, vốn được sử dụng như một công cụ áp bức, đã trở thành biểu tượng cho lòng can đảm và sự trung thành tuyệt đối với Đức Kitô.
Sau đó, cũng trong năm 1862 vua Tự Đức tuyên bố ngưng việc bách hại đạo Công Giáo. Một năm rưỡi sau thì thi hài 100 Đầu Mục được trả lại cho người Công Giáo Bắc Ninh.
Các cụ làng Xuân Hoà kể rằng, một ông lính đã đem tượng chịu nạn về nhà để ở gác bếp. Tối thứ nhất khoảng 9-10 giờ, tượng chịu nạn tự nhiên sáng rực lên. Ông đội lính sợ đến kinh hồn bạt vía. Tối hôm sau, khoảng 11 giờ, tượng lại phát sáng lạ lùng. Cả gia đình hoảng sợ. Sáng sớm ông báo tin cho ban hành giáo Xuân Hòa đến rước tượng đem về nhà thờ. Vui mừng, các ông ban hành giáo đến rước tượng Chúa về để giữa bàn thờ gian cung thánh nhà thờ xứ Xuân Hoà. Tượng Chuộc Tội vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay.
Tượng Chúa chịu nạn trong Đời Sống Giáo Phận Hôm Nay
Ngày nay, Tượng Chúa chuộc tội lịch sử được lưu giữ và trân trọng như một báu vật thiêng liêng không chỉ là của giáo xứ Xuân Hoà nhưng là của mọi tín hữu trong Giáo phận Miền Quan Họ. Cây Thánh Giá là lời nhắc nhở mỗi tín hữu về giá trị đức tin, sự hiệp nhất, lòng can đảm và niềm hy vọng Ki-tô giáo.
Trong Năm thánh 2025, Tượng Chúa chịu nạn được cung nghinh về Nhà thờ Chính Toà như dấu chỉ của niềm hy vọng của những người hành hương. Thánh Giá sẽ được đặt nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh để các tín hữu tôn kính. Thật vậy, “trong tấm Bánh bẻ ra, có Thánh Giá của Chúa Giêsu, hy tế vâng phục của Người vì tình yêu dành cho Chúa Cha” (Desiderio Desideravi, 7). Vì vậy, các tín hữu lữ hành đến với Nhà thờ Chính Toà trong năm thánh sẽ được quy tụ bên Tượng Chúa chịu nạn lịch sử để cử hành các bí tích, để cầu nguyện và sám hối. Bởi vì, “trong một thế giới đang diễn ra tình trạng đan xen giữa tiến bộ và thụt lùi, Thánh giá của Chúa Kitô luôn là chiếc neo của ơn cứu độ: dấu chỉ của đức cậy trông không làm thất vọng, vì được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và trung tín” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Buổi tiếp kiến chung, 21.9.2022).
Sứ Điệp từ Tượng chịu nạn
Cây Thánh Giá lịch sử của Giáo phận Bắc Ninh không chỉ là một vật chứng lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng cho niềm hy vọng của mỗi Kitô hữu. Hình ảnh một trăm đầu mục can trường chấp nhận hy sinh để giữ vững đức tin là bài học quý giá, mời gọi mỗi người noi gương và sống chứng nhân giữa thế giới hôm nay.
Hãy ngước nhìn lên Thánh Giá, nơi Đức Kitô chịu khổ hình, để tìm thấy sức mạnh vượt qua mọi thử thách và can đảm bước đi trong ánh sáng đức tin.
BTT Giáo phận
https://giaophanbacninh.org/tuong-chua-chiu-nan-lich-su-cua-giao-phan-bac-ninh/
0 comments:
Đăng nhận xét