Oanh Trương

MÙA LÚA VỀ TRÊN QUÊ TÔI



  Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở một miền quê đúng nghĩa. Đối với tôi đó lại là một hạnh phúc vô giá theo tôi suốt những năm tháng của cuộc đời…Tôi có một tình yêu với thiên nhiên, nhất là những cánh đồng lúa trải dài mênh mông, xanh mướt. Tôi yêu màu xanh của mạ non mơn mởn, mong manh trong nắng và gió.

Người  Bình Giã quê tôi xưa kia đa phần sống bằng nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi và một số ít là kinh doanh buôn bán. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình như  thế, khi tôi lớn lên thì chiến tranh đã đi qua. Dù khổ cực nhưng chúng tôi cũng không phải trải qua những ngày đói khát, bữa đói bữa no. Đất đai ruộng
rẫy đã có từ thời ông bà di dân vào đây khai hoang, nên chỉ  siêng năng cần mẫn cày sâu cuốc bẫm là có cái ăn






- Quê tôi ngày ấy còn là một xã nghèo còn thuộc tỉnh Đồng Nai, nên trong giấy khai sinh cũ của tôi là: xã Bình Giã, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau này được tách ra tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho đến giờ.

- Người dân Bình Giã quê tôi hầu hết là dân Nghệ Tĩnh di cư vào từ 1954, cái thời ông bà cố nội cố ngoại đi cùng ông bà nội ngoại của tôi, dẫn theo thế hệ ba mẹ tôi. Tôi nghe kể lúc đó ba tôi mới chỉ 5 tuổi, còn mẹ tôi mới chỉ biết đi lẫm chẫm.

- Dù không sinh ra và lớn lên trong thời buổi ấy, nhưng  qua những lời kể của ông bà, ba mẹ tôi, tôi có thể hình dung ra nỗi vất vả cơ cực của ông bà ngày mới di cư vào như thế nào. 

- Ông bà đi khai phá rừng để lấy đất làm rẫy, ruộng, sức người thay cho cả trâu bò. 




-  Ngày tôi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ như in những đám mạ Ba gieo, phải làm đất thật tơi xốp  để sau này mới dễ nhổ. 

- Hạt lúa trước khi gieo xuống đất phải được chọn lựa hạt giống kỹ càng, không còn hạt lép, không bị lẫn các loại giống khác nhau. Hạt giống được mẹ ngâm một hai ngày hay qua đêm gì đó cho mầm nứt ra rồi mới đem cho ba gieo xuống đất. Sợ lũ chim trời ăn hạt thất thoát nhiều, gieo hạt xong là phải làm lấy áo mưa cũ, cái nón lá rách cũ để làm hình nhân bay phất phơ đuổi bọn chim trời.

-  Mỗi lần gieo hạt thóc xuống, chỉ cầu cho trời mưa, mà mưa cũng vừa đủ để đất ẩm, đủ ướt để hạt vươn mình, nảy chồi đâm rễ, chứ gieo hạt xong mà mưa lớn quá có khi nước mưa ngập sẽ khiến hạt giống bị thối đi, hoặc hạt bị “dùa” vào chỗ phần đất thấp trũng hơn, chỗ thì không có mạ, chỗ sẽ bị quá dày, sẽ không đủ mạ để đem đi cấy, hoặc tệ hơn là hạt giống bị trôi đi.


- Tôi nhớ ngày ấy Ba tôi chỉ gieo mạ trên đất khô. Đến ngày hôm sau cấy lúa, thì hôm nay phải chuẩn bị mạ. Năm học lớp 7, tôi đã phải theo Ba Mẹ ra ruộng để phụ ba mẹ nhổ mạ. Mẹ và chị hai tôi nhổ mạ rất nhanh, nhổ môt lần hai tay, hai cái tay cứ thoăn thoắt như một cái máy. Tôi cũng nhổ bằng hai tay, nhổ đến đâu tôi lại tha cái đòn ghế gỗ theo đến đó. Nhổ xong được mớ nào thì cứ xếp chéo qua chéo lại để đó cho ba tôi hoặc mẹ tôi bó lại. Tôi thì chỉ biết nhổ chứ không biết bó mạ, nói đúng hơn là tôi không biết cách siết sợi dây lạt đủ chặt để cho bó mạ được chắc chắn. 

- Tôi nhớ hè lớp bảy năm đó tôi đã nhổ được rất nhiều. Ba tôi bó và đếm được bảy mươi bó, ai cũng khen tôi giỏi. Khi mẹ con tôi và vài người khác nữa nhổ mạ, thì ba tôi lo cày, bừa và trục ruộng, nghĩa là làm đất để cấy. Đất ruộng để cấy phải thật bằng phẳng, sạch sẽ , đủ nước, mặt bùn sóng sánh. Khi đất ruộng đã được sẵn sàng, mạ cũng đã đủ để cấy rồi, ba mẹ tôi lại gánh mạ xuống chỗ nhiều nước nhất, có khi là khe suối để giũ mạ cho sạch đất, để gốc mạ tơi ra, sau đó dùng cái liềm để cắt bớt ngọn đi cho bó mạ bằng phẳng để cây lúa sau này nhanh đâm chồi mới hơn. 

- Mẹ và chị tôi chỉ tôi cách cấy lúa , một tay trái cầm bó mạ và  “ra mạ”, tay phải thì lấy mạ của tay trái và dùng ngón tay cái để nhận mấy cây mạ xuống bùn, dùng ngón trỏ quẹt qua để lấp bùn lại cho kín. Tôi cũng chịu khó học cấy lắm, vậy mà đến năm học lớp 12, tôi vẫn cấy không nhanh, không thuần thục được như các cô các chị. Lúc nào cũng bị “treo” trên cao, cấy lúa chẳng thẳng hàng thẳng lối, xéo xẹo xéo xiên. 

- Cứ khoảng tháng 3 dương lịch sau tết Nguyên Đán là đến vụ mùa lúa Đông – Xuân đến kỳ thu hoạch. Cái cảm giác ngày ngày đi qua những cánh đồng lúa, chứng kiến sự thay đổi từng ngày của những cánh đồng lúa thật là tuyệt biết bao

- Tôi yêu mùa lúa chín, khi cánh đồng vàng óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Tôi thích ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Khi ấy những tia nắng mặt trời cộng thêm màu vàng của lúa thật là đẹp lạ lùng.  Những bông lúa trĩu nặng, như đang thì thầm kể cho nhau nghe về những ngày tháng công người chăm sóc vất vả

- Khi mùa gặt đến, cánh đồng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tiếng máy gặt vang lên rộn rã, hòa cùng tiếng cười nói của bà con hàng xóm. Ngày đó không như bây giờ đã có máy móc can thiệp, không cần con người cắt lúa nữa, tất cả đều bằng sức lao động của con người.

Tôi nhớ rõ những ngày mà cả gia đình tôi thu hoạch lúa. Mẹ tôi, chị tôi và nhiều cô khác nữa dùng liềm cắt từng nắm lúa chín vàng óng ánh, rồi xếp thành từng bó thật ngay ngắn. Ba và các chú thì gom từng ôm lúa đem đến “cộ” và đập cho hạt lúa rớt vào. Tiếng liềm cắt lúa xoàn xoạt, tiếng đập lúa thình thịch, tiếng nói cười giòn tan vang cả cánh đồng. Những giọt mồ hôi trên trán của mọi người thể hiện sự vất vả nhưng cũng đầy háo hức về một mùa bội thu. 

- Tôi vẫn nhớ bài thi môn tập làm văn học kỳ 2 năm lớp 5, đề bài: Em hãy tả cánh đồng lúa quê em vào mùa gặt. Và bài văn đó tôi được điểm tối đa, được cô chủ nhiệm khen và đọc trước lớp nữa cơ đấy.

- Tình yêu với những cánh đồng lúa trong kí ức tuổi thơ, cứ mãi theo tôi suốt nhiều năm tháng. Là nguồn cảm hứng cho những bài thơ nho nhỏ của tôi khi viết về lúa. Những ngày sống ở thành phố gặp áp lực hay buồn gì đó, hoặc những ngày đau ốm, mệt mỏi, tôi ra khỏi thành phố ồn ào, cứ chạy dọc bên những cánh đồng mà hít hà  hương lúa, mà ngắm nhìn cho thỏa thích cho quên hết muộn phiền và cho đỡ nhớ…quê. Mỗi giai đoạn lúa có mùi thơm riêng. Lúa non có mùi của lúa non, lúc làm đòng, trổ bông lại thoang thoảng thơm mùi sữa. Mùa lúa chín lại có mùi thơm của rơm rạ.

Hôm nay, dù bận rộn như thế nào tôi cũng dành vài tiếng đồng hồ để lang thang, để tranh thủ ngắm nhìn và lưu lại những hình ảnh đẹp của mùa lúa chín quê tôi, một hình ảnh của sự no đủ và sung túc.

Bầu trời xanh ngắt, gió vi vu mang theo những cánh diều đầy mơ ước của bọn trẻ, Bình Giã quê tôi hôm nay mới yên bình làm sao!










Bài và ảnh: Oanh Truong

02/4/2024



About Oanh Truong (ttko1981)

0 comments:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.