Home VIỆC LÀM VÀ CẢM NHẬN

VIỆC LÀM VÀ CẢM NHẬN

VIỆC LÀM VÀ CẢM NHẬN

(BÀI DỰ THI TTX2)

mass

Hôm nay tôi đến tham dự buổi tiệc trà mừng sinh nhật người bạn ở đầu làng I Bình Giã. Buổi họp mặt có nhiều bạn cũ và một số bạn mới quen. Con gái thích dùng nước ngọt, bánh trái. Con trai thì ăn gỏi gà, lẩu hải sản, vẫn thích làm một ít bia để tạo thêm khí thế và hào hứng khi nói chuyện. Vì ngồi chung bàn nên tôi bị ảnh hưởng từ hai phía. Mà ăn uống lộn xộn như tôi thì mau say lắm, tiệc chưa tàn tôi đã ra về trước.

Khi ra khỏi nhà bạn, tôi đạp xe về. Rời xa tiếng nhạc xập xình đinh tai, nhức óc. Trong người còn vương đọng một chút men say, tôi cảm thấy đầu óc của mình như trống rỗng. Tinh thần thư thái, tạm quên hết những chuyện vui buồn nơi bàn tiệc. Trên bầu trời có những đám mây xanh và một làn gió mát thổi qua nhè nhẹ từ cánh đồng mang hương thơm mùi lúa mới trổ, tạo nên một không gian yên bình, mát mẻ khi bóng chiều vừa nghiêng.

Xe từ từ lăn bánh, khi ngang qua ngôi Thánh Đường của Giáo xứ Vinh Trung, nhìn vào khuôn viên tôi thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, thân gầy gò, lưng cong xuống, tay đang xách chiếc thùng nhỏ tưới nước cho các chậu cây kiểng trước của nhà thờ. Bất chợt tôi ngừng xe lại để ngắm nhìn ông, ông thật là quen nhưng sao ông lại mau già thế. Ông là người đã dạy Giáo Lý Xưng Tội cho tôi khi tôi còn bé. Đã có một thời gian dài ông làm việc trong Hội Đồng Giáo Xứ. Nay tuy ông đã già yếu, nhưng ngày nào ông cũng đến đây, đến giờ tham dự Thánh Lễ thì ông bắt kinh cho mọi người đọc, tiếng của ông rõ ràng, rành mạch như xưa, ngoài ra ông còn tự nguyện làm những việc nhỏ vừa với khả năng của mình.

Tôi im lặng nhìn ông rồi tự nghĩ: Tuổi già, sức yếu sao ông không ở nhà với con cháu, tận hưởng hạnh phúc gia đình? Mà ông lại đến đây cống hiến tất cả thời gian và sức lực để chăm sóc, tân tạo các cây kiểng. Ông nâng niu, uốn nắn, bồi dưỡng cho chúng như những đứa trẻ mà năm xưa ông dạy Giáo lý.

Ông đem sức già ra để làm đẹp khuôn viên Thánh Đường, để tạo thêm cảm hứng cho nhiều người đến gần Chúa. Ông sống đơn giản, không cầu kỳ, luôn giúp đỡ người khác.

Hình ảnh của ông nơi khuôn viên im ắng, thanh lặng đã tạo cho tôi một cảm giác: Bồi hồi – bối rối… rồi ân hận. Tôi nghĩ lại mình, từ trong gia đình đi ra xã hội, tôi luôn nghĩ là mình là tâm điểm của cuộc sống, để mọi người khen tôi tốt đẹp và phục tùng ý muốn của tôi. Thói quen hư, nhân cách xấu đã biến tôi thành một con người hư thân mất nết. Thích ăn diện tiệc tùng để tiêu tốn thời gian và tiền bạc (mà tôi đang còn là học sinh chưa làm ra tiền).

Tôi như chiếc xe tiến nhanh, thắng không ăn, đang có nguy cơ sẽ gây ra tai nạn, thiệt hại cho mình mà còn ảnh hưởng tới người khác. Trong khi ông bà cha mẹ và anh chị của tôi, người già yếu hay người khỏe mạnh, đều phải làm nhiều công việc tích lũy từng đồng tiền ít, dành dụm tiết kiệm để nuôi tôi khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Vậy mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ ông bà đã cho tôi một cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.

Chưa đền đáp công ơn như trời biển của các đấng sinh thành, thì nói chi đến ý nghĩ xa vời mà hàng ngày đi lễ hay ở nhà tôi vẫn đọc như con vẹt mà không suy nghĩ “Kính mến một Đức Chúa Trời và thương yêu người như mình ta vậy”.

Nhìn ông đang âm thầm làm công tích từ việc nhỏ, tôi lại nghĩ đến những việc mà ông đã làm trong Hội Đồng Giáo Xứ, tất cả là vì quyền lợi chung cho mọi người. Gia đình tôi cũng tham gia vào các sinh hoạt trong Giáo xứ, nhưng sao tôi vẫn thờ ơ, lẫn tránh, coi như không phải trách nhiệm của mình.

Tôi đứng nhìn công trình to lớn của Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Giáo Xứ cùng toàn thể giáo dân, đã và đang đóng góp công của để xây dựng Thánh Đường mới. Tôi xót xa tủi hổ: Thì ra sức trẻ như tôi được ăn học đàng hoàng trong một gia đình tử tế, mà lại thua một ông lão gần đất xa trời. Ông đang làm hết sức mình để cuộc sống tươi đẹp hơn trong nhà Chúa. Còn bước chân của tôi lại dẫn dắt tôi đến những nơi ăn chơi, phung phí. “Tựa thú đi hoang – Chẳng phải người”.

Tôi thẫn thờ suy nghĩ quên cả đường về. Các bậc tiền nhân người sống kẻ chết họ đều làm hết sức mình vì tương lai con cháu, vì xã hội văn minh theo hướng: Chân – Thiện- Mỹ.

Để xây dựng Đức Tin từ lúc khai sơ, các bậc tiền nhân đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt pha lẫn máu đào khi đi tìm vật liệu để làm Ngôi nhà Thờ đầu tiên. Những cục đá lớn nhỏ được khiêng từ dưới ruộng lên bờ đục đẻo vuông vắn. Những thân gỗ lớn từ trên rừng được cưa ngã xuống, nhờ cả vào sức khỏe của trâu bò để vận chuyển về nhà, xẻ gỗ (cái thời mới vượt biển từ Bắc vào Nam làm gì có máy móc như bây giờ). Tất cả đều nhờ vào sức người và sáng tạo của cha ông.

Đã 60 năm, người dân của ba làng Bình Giã vẫn một lòng đoàn kết xây dựng, để Bình Giã mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Nhà thờ gỗ đã mấy lần tu sửa vì giáo dân đông mà nhà thờ chật. Tới nay được phép của Giáo quyền và Chính quyền địa phương, Cha Chánh Xứ đã khởi công xây dựng Thánh đường mới.

Tôi quyết tâm thay đổi chính mình, tôi phải chọn lựa con đường chính để đi. Học tiếp lên Đại học hay kiếm việc làm và làm tiếp công việc của ông “Nuôi dưỡng hạt mầm cho Giáo Hội”.

Dù đi trên con đường nào thì đích tới của tôi phải là: Báo hiếu cha mẹ, đền đáp ơn sinh nghĩa các bậc tiền nhân và “Chung tay xây dựng Thánh Đường”.

Trả lời