Sáng tác Tùy Bút

Con Đường Làng

Từ lúc lo hậu sự cho Ông Bà Nội xong thì cảm tưởng trở về lại Việt Nam hầu như không còn thích thú hoặc chăng nữa cũng phải qua một thời gian rất lâu; có thể điều gì đó đã gây ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi! Nhưng cũng từ dạo ấy “cái tâm” cứ bồi hồi và dễ rung động trước những hình ảnh quê hương. Cũng như ba tấm hình dưới đây, tôi nhìn mãi và tìm lại ký ức về những hình ảnh đẹp từ lúc còn nhỏ tới lúc trưởng thành và bao biến cố vui buồn đã xảy ra trong suốt thời gian sống trên mảnh đất này. Nhân dịp đại hội kỷ niệm sáu mươi năm thành lập Bình Giả, chúng tôi mạo muội ghi lại tâm tưởng về “con đường đất đỏ” đã lưu lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống hầu tiếp người đọc một trong những thân thương của làng tôi.
Ồ, hình như một anh chị em nào trong BBT đã gửi ba tấm hình này lên trang web Bình Giả trong một bài viết về quê hương nào đó.Nào là con đường đất đỏ, dây tiêu leo trên những cây vông sống, vườn ngô bên phải đang đơm bông, những luống cà pháo nở dòn đang chờ mùa hái, các em thanh thiếu niên đang sinh hoạt chung quanh đâu đây: chắc là đất Bình Giả rồi ông bà anh chị em ơi!Vùng trời này chẳng xa lạ với ai vì chúng ta đã từng lê lết qua từng vũng bùn lầy lội tới từng miếng ruộng, miếng rãy khuất lấp sau những vườn tiêu đang thời đơm trái. Quang cảnh này, trong phút chốc đã khơi lại trong tâm hồn tôi một tâm trạng khó diễn tả; cả một thời và cuộc sống đang dìu tôi về lại với con đường tình làng quê năm nào.

Ngày đó, lâu lắm rồi, Ba Làng Bình Giả được bao quanh bởi hàng rào tre, một con đường cái trải đá chạy dài từ cổng Làng Một tới cuối Làng Ba và tiếp nối vào làng Xuân Sơn. Những con đường đất đỏ ngang dọc chia thành từng lô đất cho cả ba làng. Khung cảnh trong tấm hình đã khác nhiều với thời gian và thay đổi; riêng thả tâm hồn về môt góc trời đó thì bao hình ảnh tưởng như quên lãng đã xâm chiếm hồn ai mãnh liệt! Môt ngày bình trên quê hương: những hàng cây xum xuê xanh mướt trải dài như xa lắm chiếm cả khung trời sót lại – một cụ bà như Mẹ Tôi ngày nào còn lam lũ trên mọi nẻo đường; không sống cạnh tranh với đời, “đường làng mặc tình ta đi,” nhưng không dấu được sự vất vả và nghèo nàn – cả những con bò chôn dấu bao kỷ niệm thời còn thơ “lính chiến chăn bò.” Bạn kể cho tôi biết làng quê của bạn.Còn tôi sẽ viết những chuyện tình mộc mạc tại Làng Bình Giả cho bà con đọc.
Vâng, con đường tuy nhỏ nhưng mang nhiều gánh nặng nhọc nhằn, bao phương hướng cho con người chạy ngược xuôi:
– Đường dẫn ta tới nhà bà con, láng giềng
– Đường dẫn ta tới nhà thờ
– Đường dẫn ta tới trường học
– Đường dẫn ta tới ruộng, rãy
Tôi muốn mượn hình ảnh “Con Đường Tình Tự” hơn là về địa dư và thể chất.Con đường mang những hình ảnh đẹp trong lòng người hơn là con đường đất đỏ, sỏi đá, gồ ghề mà chẳng một giai đoạn thời cuộc nào khấm khá, hơn là những con đường mà những cô cậu học sinh còng lưng đạp dốc sau những giờ học khổ sở dẫu có nhiều cơ hội nhưng đã vụt bay.
Con Đường Làng là nhịp cầu nối kết giữa người với người, nhà với nhà, xóm làng với xóm làng và hơn nhiều thế nữa,…Qua con đường, mọi người đến với nhau, cho nhau niềm vui và nụ cười cũng như chia sẻ nỗi buồn bất hạnh của cuộc đời.
“Nhất cận thân, nhì cận lân.” Con đường ngày đó trơn trợt, lầy lội, nhưng có sao đâu, bà con có chuyện gì xảy ra thì băng hàng rào đền với nhau; đâu phải những hàng rào kín mít để che đậy sự gian dối, ích kỷ với xóm giềng và rồi tự nó cũng mang nhiều tâm trạng khi bị chôn vùi.
“Mời Ông Bà sang nhà uống nước chè chát” – Ôi! đượm tình chòm xóm. Cứ nhà này qua nhà khác, hôm nay ông mai tôi, cứ vậy qua nhiều năm đã chất chứa “tình chát” con người lại với nhau. Nhà nào có việc là xóm giềng tự đến giúp đỡ nhau, chẳng nề hà gì cả; cơm dưa muối mặn hay một con gà năm bảy món cũng chẳng sao.Con người đến với nhau vì tình vì nghĩa, chứ không màng vị lợi lộc cho chính mình.Sau mỗi vụ mùa thu hoạch, ông bà hỏi nhau được bao nhiêu bao lúa, bao mì, bao đậu,…chứ có ganh nhau: ông bà có bao nhiêu tiền, bao nhiêu cây vàng, có mấy đứa con đi du học, Úc, Mỹ hay Canada. Đó mới là lẽ sống.Đó mới thật là dân Bình Giả.
Con đường làng sao vui quá. Những chiều nắng vàng còn sót lại, đong đưa trên hàng rào tre, nhóm ba nhóm bảy vừa đi vừa hỏi chuyện trên con đường trở về nhà sau một ngày mệt mỏi trên ruộng trên rãy.Nào thấy ai than van gì đâu; hôm nay ông bà cấy ở ruộng nào – anh chị cuốc cỏ mì xong chưa – ai có rảnh thì đổi công với nhà tôi tuần này và tuần tới các con tôi qua làm cho anh chị.À, thì ra họ giúp nhau bằng cách này, thật là lợi ích cho tất cả mọi người.
Bạn ơi! Bạn đang từ nơi nào tới, không cần phải hỏi ai, mùa này đang là vụ mùa gì – bạn chỉ để ý tới những dụng cụ người nông dân đang mang, đang gánh gồng, đang chở trên xe bò thì đó là những câu trả lời cho bạn. Này nhá, vụ mùa cấy thì các ông mang cày, bừa dẫn theo vài con bò; các bà, các cô thì gánh mạ, gánh cơm. Mùa gặt thì các ông, thanh niên gánh cộ đập lúa, các bà thì gánh đầu cơm đầu nước.Vài ba chiếc xe bò ngốn nghiến những hòn đá nằm bừa bãi trên đường nghe điếc cả tai. Ấy thế mà không có là không được, con bò và chiếc xe là căn bản của người dân nông thôn; rất tiện dụng.

Những ngày bình yên ấy còn vẳng bên tai những điệu hát, câu hò trong những đêm trăng rằm, khi các bà ngồi ăn trầu kể chuyện ngoài Bắc, hoặc trên cối dã nếp hai ba người tâm đầu vui với ngày mùa. Những đứa nhóc đâu hết rồi! Nhóm này nhóm kia tụ họp chơi tìm kiếm, nhảy dây, rượt bắt,…đủ trò. Sau trận chơi là những chum nước, ừng ực nuốt trọn cả một cuộc vui – còn vài ba cục cơm cháy còn sót lại dã bụng trước khi chôn vùi giấc ngủ vô tư và sống trọn đêm nay.
Và chính con đường làng đã dẫn mọi người về tới ngôi Thánh Đường, là trung tâm điểm sinh hoạt đức tin hằng ngày của người giáo dân Bình Giả. Cũng chính nơi này, mọi người liên kết, hợp nhất với nhau trong cùng một nhiệm thể Chúa Kitô để vinh danh Thiên Chúa, cảm tạ và dâng lên qua sự phù trợ của Mẹ Maria, các Thánh Nam Nữ trên trời, chúng con phó thác và cậy trông nơi Ngài.
Hàng đêm, các đoàn thể: Thiếu Nhi, Hùng Tâm Dũng Chí, Con Đức Mẹ, các Ông các Bà,tụ họp về ngôi Thánh Đường để tham dự giờ chầu Thánh Thể. Sau giờ chầu là các đoàn thể sinh hoạt từng nhóm chung quanh nhà thờ. Cũng chỉ nơi nhà thờ có đèn điện sáng chung quanh, giúp cho các đoàn thể sinh hoạt thuận lợi hơn.
Dù mưa hay nắng, đường lầy lội hay khô khan, “ổ voi” hay “ổ gà”, không kể ông bà già hay trẻ con, từ sáng tinh sương là đi xem lễ, chiều chưa buông là đi chầu Thánh Thể, ai nấy đều vui vẻ và khuyến khích nhau giữ đạo.Ngày đó không có áo ấm, áo choàng, mùa lạnh các em thường ôm những bó rạ đốt để sưởi ấm dọc đường. Cuộc sống thiếu thốn thế mà vui.
Bấm trán nghĩ lại năm chục năm về trước, hầu như vào mùa mưa tất cả mọi nẻo đường đều trơn trợt, nhiều vũng, nhiều mô đất nhô trên đường đất và con đường tới trường cũng không tốt đẹp gì hơn.Còn nhớ trường tiểu học về phía Tây của nhà thờ Vinh Trung, có hai cây vông hai bên cổng, chỉ khổ là có một cây vông bắc ngang và mỗi lần cậu nhỏ chui qua thì áo quần bị lem đất đỏ nên bị phạt tội đồ áo dơ, về nhà thì bà chị tặng thêm cho mấy roi. 
Vượt qua chặng đường gian nan với bài vở, thử thách với mấy ông thầy giáo làng thì được kiêu hãnh bước lên trung học. Năm 1968, ngày đầu tiên đứng trước cổng trường, “Trường trung học Tấn Đức”, mà lòng bồi hồi xúc động.Mỗi ngày mỗi Thầy, mỗi thêm bạn bè, nhiều môn học khác lạ, chúng tôi chẳng kể chật chội, trường lớp thiếu thốn tiện nghi, ngay cả không có một phòng cầu, phòng tiểu, mà cứ níu kéo nhau như sợi giây thân ái bền vững. Vậy đó, cũng từ ngôi trường này, chúng tôi chia tay nhau, mỗi người mỗi nẻo đường đi vào đời; thằng thì vào trường tu, thằng thì lên học Saigòn, thằng thì đi học mãi ngoài miền trung, các cô thì cũng khắp mọi nẻo đường.

Mấy chục năm qua rồi, ngồi ôn kỷ niệm với bạn bè vào những dịp gặp nhau, nhưng lòng cứ mãi vương vấn tuổi học trò; có lẽ nhiều đau thương xảy ra trong thời gian đó vì là thời chiến tranh.Nhiều thằng bạn chưa kịp sống đã vội vàng ra đi lúc lứa tuổi vừa mười tám.Thằng thì một bắt tay chưa kịp nguội đã bị mìn nổ banh xác ngoài chiến trận. Lứa tuổi chúng tôi là thế, suốt một đời chịu nạn, chịu khổ.
Biết bao chuyện tình vừa chớm nở thì sự may mắn không còn nữa. Họ đã in lại bao vết chân trên những con đường ngày ngày ra nương đồng, đến nhà thờ, trong số đó có cả chúng tôi nữa! Khi tương lai đã vụt mất thì còn lại gì ngoài tình yêu giữa người với người; họ dan díu với nhau để vượt qua những chặng đường khổ đau còn hơn là những vũng nước đục ngàu nhuộm đỏ tà áo rách nát. Giữa những đêm trăng rằm, trên con đường đầy thơ mộng, có bóng cây làm áng thơ cho em tả, những tàn cau lắc lư đưa hai bạn cuốn theo chiều gió giỡn với trăng, và hai kẽ đầu tâm sự những vui buồn trong suốt một ngày. Vâng, đó là chuyện tình của mấy chục năm về trước, anh chị chân thành gặp gỡ nhau vào những dịp tập hát, sinh hoạt chung một hội đoàn, hoặc bên nương đồng kế cạnh nhau mỗi ngày,… và họ đã đến với nhau bẽn lẽn qua câu đối đáp mới tập làm nhân tình. Nhìn lại những đám cưới nghèo thời đó, thật tội nghiệp! Một bó hoa huệ dâng lên Mẹ cũng khó mua được. Một cái áo vest ba bốn thằng rể thay nhau mặc. Một áo cô dâu mặc chung cho lễ, rước dâu và đám cưới nhưng phải chạy ngược xuôi mới đủ tiền may. Ngẫm nhìn đoàn rước dâu từ họ này tới họ kia mà lòng buồn rười rượi: vừa đi vừa tránh ổ gà – có đoạn đường phải tránh sát vào trong bờ kẻo rơi xuống vũng nước – tội nhất là cô dâu, lo sao cho chiếc áo dài khỏi lem đất, còn đâu thời gian để vui cười với bà con đứng dọc hai bên đường tò mò coi mắt cô dâu mới về nhà chồng.Để những tháng năm kế tiếp sẽ chẳng còn nhớ ngày nào mình đã về đây. Ba đám cưới nghèo dùng chung những bộ bàn, ghế, chén dĩa – và rồi ba cặp ngây ngô cùng một cảnh ngộ: cày và cuốc!
Nay mai chúng ta về thăm lại Bình Giả.Ở đó có ông bà, anh chị em, bạn bè, những người cùng con đường với chúng ta. Bạn hãy chuẩn bị tư tưởng, những gì tôi kể cho bạn về nét đặc trưng của làng xóm chúng tôi không còn nữa, thay vào đó bạn và tôi uốt nghẹn cho sự thay đổi giả dối mà không phải người Bình Giả tạo nên nó!
Trở về chính con đường mình đang viết lại với những nét đơn sơ, nặng tình cảm, ràng buộc bởi sợi dây thiêng liêng trời và đất để nối kết tình người Bình Giả, nay con đường bạn đang bước đi đó, đã và đang thay đổi quá nhiều! Nếu chỉ sự việc người Bình giả đang mất dần tình cảm láng giềng, họ hàng không thôi sẽ không làm nhiều người suy nghĩ, nhưng thật sự “tiền và danh vọng” đã đẩy dần đức tính cần cù nhẫn nại, đạo đức, văn hóa người Kitô Giáo ra khỏi hàng rào tre. Thế hệ trẻ đã chẳng còn vinh danh sự trinh khiết, trung thành lời thề, còn nhẫn tâm giết đi thai nhi thì ở đó không là con người Bình Giả nữa. Con người, gia đình, xã hội này phải làm gì để mang lợi ích cho Anh Chị Em mình.
Trên con đường tới nhà thờ ngày nào đầy sốt mến, con đường ra ruộng đồng mùi lúa đơm bông, thì nơi đó đang xảy ra nhiều tai nạn xe cộ; làm khổ đau bao gia đình, giết chết tuổi trẻ – mà chẳng bao giờ có một bài học xoa dịu lòng người.Chính từ lúc con đường từ đầu Làng Một tới cuối Làng Ba lột xác những viên sỏi đá thay thế bằng con đường trải nhựa, thì cho tới nay đã bao nhiêu tai nạn xe hơi, xe gắn máy xảy ra – đã bao nhiêu người bỏ mạng – đã bao nhiêu gia đình khốn khổ vì người thân không còn nguyên vẹn hình hài và bao gia đình đã phải điêu đứng vì bán hết ruộng rãy, gia tài để cứu vớt người thân? Tại sao?Tại sao?Có ai đó lên tiếng khi mắt đã khô lệ: “Xã đã họp và dự định đặt những cột số tốc độ để giảm bớt tai nạn!” Đau đớn thay; người chết, người bị thương xảy ra hàng ngày trong suốt bao nhiêu năm, thế mà mãi đến nay vẫn cứ họp với hội.Chỉ một đoạn đường bằng gang tay mà cứ gãi đầu, bứt tai – khổ dân tôi thôi!
Tôi buồn cho con đường làng đã không còn cảm xúc với tình người. Lắm người xúm xít dạo quanh những căn nhà mới xây hơn là đạp xe thăm hỏi nhau những lúc hoạn nạn, cũng vậy thôi, đám tang càng lúc càng vắng bớt người tiễn nhau một cõi đi về. Chiều nay, trên con đường làng ngày đó, tôi tản mạn chia buồn với người bạn vì chúng ta đã lạc lối về – cứ hẹn nhau một nơi nào đó thay vì con đường cũ lắm đổi thay.
Đường đưa ta đi, đường sẽ đón ta hồi hương?Vâng, nhiều ông bà anh chị em về thăm lại Bình Gỉa, thăm lại bao kỷ niệm đã xảy ra trong Ba Làng, Ba Xứ thân yêu. Có người tìm lại bạn bè chia sẻ những uẩn khúc trong tình huống. Kẻ tìm lại cảnh vật đã mang theo một mối tình tuổi học trò. Kẻ bước lang thang trên đoạn đường lắm chua cay ngọt bùi ngày nào. Còn tôi, tôi rảo bước trên nhiều con đường mà tôi đã đi qua, bên cạnh đó có bạn bè,anh chị em, cháu chắt mà tôi hằng yêu thương. Vừa đi vừa đá hai bên ven đường mong tìm một hòn đá còn sót lại để chọc giận mấy con chó của ai đó, nhưng đá đã không còn và chó cũng đã nấp sau những hàng rào xây thâu hút bên kia. Trăng đang tàn sau nhiều giờ chiếu sáng làm vui lòng người, chỉ tại vắng người chơi trăng. Trẻ con không màng cảnh trăng thay vì TV, I phone, I pad – người lớn buồn cho cảnh đời lắm âu lo, những ngụm nước chè xanh không còn thơm ngon mặn mà nhưng thêm chua chát. Tôi và bạn vẫn bước và bước đều khi mọi người đang ngủ say. Rồi, tôi xin chia tay với những người bạn đang cùng con đường trên ngã ba này. Bạn và tôi sinh ra, lớn lên, học hành nơi này, xin trả lại cho tất cả – chúng ta mong từng bước chân mang lại kỷ niệm đẹp,nhưng không còn gì hơn là mong các bạn được bình an.
Sáng sớm mai, tại ngã ba này, tôi ra đi.
Calgary 2014
Đặng Viết Tính

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời