Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

CauChoChaMe NguyenAoTrang

Cau Cho Cha Me – Nguyen Ao Trang

Cầu Cho Cha Mẹ

Nguyễn Áo Trắng

(Trong cuộc đời, có những người Cha không hề biết đến
sự hiện diện của con mình; hoặc nói cách khác, người Cha đó đã vô tình không
biết mình… để lại một đứa con!
)

Tôi lớn lên trong tình yêu thương của Bố Mẹ, và là niềm
vui chung của gia đình. Từ ngày còn thơ dại, chung quanh hàng xóm láng giềng,
mỗi lần thấy tôi, ai cũng bảo rằng tôi “có phước”. Nào là: “Con bé được Bố Mẹ nó
cưng, nâng niu, chiều chuộng!” Những lời khen đó quyện quanh theo tháng ngày tôi
khôn lớn. Tôi nghĩ tôi là người con gái hạnh phúc nhất trên đời trong vòng tay
Bố Mẹ. Dĩ nhiên, tôi tự hào và hãnh diện vì đã được sinh ra làm con của Bố Mẹ,
được hưởng “cái phước” trong tình thương yêu tuyệt vời trìu mến đó!

Như mọi lần về thăm nhà, lần này Bố Mẹ tôi đượm nét đăm
chiêu như do dự một điều gì, sau cùng cả Bố lẫn Mẹ dường như thu hết can đảm bảo
tôi ngồi xuống, rồi Mẹ tôi bắt đầu câu chuyện:

Sau khi sinh được hai người con trai, là các anh con bây
giờ… Những lần có thai kế tiếp mẹ bị sẩy thai hoài; cứ vài tháng thấy dấu hiệu
như mang thai, rồi lại sẩy! Lần sau cùng bác sĩ đã nói với bố mẹ là phải tránh
có thai vì cơ thể mẹ càng ngày càng yếu. Ông ta khuyên như thế để tránh tình
trạng mất máu, vốn dĩ mẹ đã bị thiếu máu từ nhỏ! Được ơn trên ban cho hai người
con trai đầu, là hai anh Thiên và Ân của con bây giờ; niềm mơ ước của bố mẹ là
có thêm một người con gái để hủ hỉ gần gũi bố mẹ mai kia lúc về già! Nhưng mình
mơ ước là một chuyện, còn ơn trên có ban cho hay không lại là một chuyện khác…
Suy đi nghĩ lại, bố mẹ quyết định sẽ xin một đứa con nuôi là con gái!

Nghe đến đây tim tôi đập mạnh, và tôi có linh tính, hình
như mình là người trong chuyện… Tôi ngồi tựa vào Bố và nắm tay Mẹ; tiếng Mẹ
đều đều, chầm chậm, từng câu, từng chữ một:

Một người bà con xa bên mẹ, có người em trai đi tu Dòng
Don Bosco ở Thủ Đức lúc bấy giờ, quen biết với Cha M. người Ý – Cha trông nom
bên Cô Nhi Viện. Lúc đó Bố làm ở Quân Vụ Thị Trấn gần nhà. Còn mẹ, cứ cách một
tuần mẹ đến thăm Cô Nhi Viện và lần nào cũng vậy, những đứa bé, con trai có, con
gái có, chúng vây chung quanh và gọi mẹ là “Mẹ”, có đứa còn hỏi:

– Mẹ có nhớ con không?

Đứa khác vòi vĩnh:

– Má bế con nghe Má!

Lần nào tới thăm Cô Nhi Viện mẹ cũng chẳng đành lòng ra
về. Chúng nó cứ ôm cừng lấy mẹ: Đứa níu tay, đứa kéo áo, đứa nhỏ quá chỉ với tới
đầu gối, chưa biết nói, chỉ luẩn quẩn dưới chân, tay cầm mẫu bánh phát từ lúc
vào mà vẫn chưa ăn hết! Mẹ đau lòng quá, vì nhìn thấy đứa bé nào cũng đáng
thương và tội nghiệp chúng nó lắm con ạ!

Rồi một hôm mẹ được thư Cha M. báo tin cho biết có người
muốn cho đứa con – tuy Cha là người ngoại quốc nhưng nói tiếng Việt rất giỏi.
Ngài nhắn mẹ lên để gặp người ấy rồi mới nói chuyện. Mẹ mừng quá, vội vàng đi
liền. Đến nơi, may sao người đàn bà đó cũng đang có mặt. Cha M. giới thiệu bà ta
với mẹ, một người đàn bà còn khá trẻ, khoảng 25-26 tuổi, chị ta kể:

“Em mang thai tới tháng thứ tư thì không thấy Ba nó gởi
tiền về… Anh ấy đi lính, đóng đâu tuốt ngoài Trung, mấy tháng rồi cũng không
có thư từ gì cả. Đường xá xa xôi, em còn con ở nhà, với lại sắp sanh đứa nhỏ
này, (vừa nói chị ta vừa xoa xoa cái bụng) mà sanh ra rồi biết lấy gì nuôi! Em
không đành lòng xa con, nhưng em nghèo quá chị ơi! Quê em ở Bình Dương, may sao
có người giới thiệu lên đây kiếm Cha M. hy vọng Cha giúp đỡ… Lúc nãy em có nói
chuyện với Cha rồi, chị thương hoàn cảnh mẹ con em đơn chiếc, hơn tháng nữa là
sanh em sẽ bồng cháu đến cho chị. Em hứa không nhìn lại con đâu, chị nuôi dùm
con em làm phước nghe chị! Chị nuôi từ thuở lọt lòng dễ mến chân mến tay lắm đó
chị… Với lại… mai mốt chị không nói… nó đâu có biết!”

Câu chuyện của người đàn bà đáng thương làm mẹ mủi lòng,
nhưng mẹ muốn bàn lại với Bố, nên mẹ hẹn lần tới gặp.

Sau khi kể lại cho Bố nghe, Bố con nói tuỳ mẹ quyết định.
Mẹ còn nhớ lời Bố nói: “Khi mình đã thương, bất kể nó là trai hay gái, mình dành
hết tình thương lo cho con thì mình sẽ không bao giờ đắn đo nữa, em ạ!”

Nghe Bố nói vậy, mẹ rất yên tâm, ngày đêm cầu nguyện xin
ơn trên soi lòng soi trí cho mẹ, dẫn mẹ đến bên con, đứa con mà chính người mẹ
ruột cũng chưa biết mặt mũi nó ra sao, là trai hay gái!

Tuần sau đó mẹ có lên gặp Cha để xin Cha cầu nguyện, và
hỏi ý kiến của Ngài. Cha M. bảo với mẹ là nếu xin được trực tiếp từ người cho
thì không phải qua Hội, vì qua Hội sẽ phải làm thủ tục giấy tờ và chờ đợi lâu
hơn… Với lại thời thế lúc bấy giờ đang chiến tranh, Cha M. nói Cha đứng trung
gian làm người giới thiệu để hai bên tự nói chuyện và giải quyết sao êm thắm là
được. Do đó, nếu được cơ hội này, Bố Mẹ không phải chờ đợi lâu vì người kia họ
rất muốn lo cho con mình có nơi nuôi nấng. Họ chỉ yêu cầu đừng để cho đứa bé
phải khổ và thiếu thốn như họ.

Nhưng lần gặp sau chưa đến thì một buổi chiều kia, Mẹ của
con, tay dẫn một đứa bé trai khoảng 4-5 tuổi, tay kia bồng con đến trao cho mẹ.
Mẹ con nói con mới được ba tuần và đưa cho mẹ tờ Giấy Khai Sinh của con. Mẹ nhìn
trên tờ giấy thấy ghi vỏn vẹn tên người mẹ là: Lê Thị Nhàn, và tên của con trong
Giấy Khai Sinh lúc đó là Nguyễn Thị Bé! Vì có dự tính trước, nên mẹ đã chuẩn bị
sẵn một số tiền khoảng năm chục ngàn, tiền trị giá trước năm 1975. Mẹ con nhất
định không cầm số tiền đó. Mẹ con đã khóc nhiều lắm, và nói là không có ý bán
con. Nhưng mẹ đây không nghĩ như vậy, vì biết hoàn cảnh nên mẹ khuyên hết lời,
là còn phải lo cho lũ nhỏ ở nhà. Thật tình mẹ cũng không biết Mẹ con có bao
nhiêu người con, chỉ biết hôm đó có dắt theo một đứa bé trai mà thôi! Khuyên rồi
năn nỉ hết lời Mẹ con mới chịu nhận số tiền. Trước khi ra về, Mẹ của con có xin
ẵm lại con trong giây lát. Mẹ còn nhớ, nước mắt của Mẹ con rơi ướt đẫm lên mặt
của con… và con vẫn bình yên ngủ trong vòng tay của người Mẹ hiền!

Vài ngày sau Bố đi làm lại Giấy Khai Sinh và đặt tên con
là Phan Bảo Diễm. Bố nói đặt tên con bắt đầu bằng hai chữ BD để nhớ về nơi Mẹ
con ở là tỉnh Bình Dương.

Khi con được ba tháng, bố mẹ đã bế con lên thăm Cha M. và
đưa cho Cha hai tấm hình của con, nhờ Cha M. chuyển đến cho Mẹ con, nhưng Cha M.
cho biết ngài không có điạ chỉ của Mẹ con và cũng không thấy Mẹ con trở lại nơi
Cha nữa! Sau đó không bao lâu, chiến trận Bình Dương bùng nổ, Mẹ nghe tin ở đấy
chết nhiều người lắm, và cũng từ đó cả Cha M. lẫn bố mẹ không hề gặp lại Mẹ của
con!

Bảo Diễm thương yêu của bố mẹ! Bây giờ con đã lớn, đã
trưởng thành, bố mẹ muốn con biết cội nguồn của con. Nếu không nói ra bố mẹ thật
không yên lòng! Cho dù bây giờ con hiểu mọi chuyện nhưng con luôn luôn là con
của bố mẹ, chưa bao giờ bố mẹ nghĩ con là con nuôi cả! Khi còn ở trong nước bố
mẹ rất muốn liên lạc với Mẹ của con… Nhưng ngày trao con cho bố mẹ cũng là lần
cuối cùng bố mẹ gặp Mẹ con, để rồi từ đó không bao giờ gặp lại nữa, Diễm ạ!

Không biết tự lúc nào tôi đã nghẹn ngào ôm lấy Bố Mẹ và
gục đầu khóc nức nở… Bao nhiêu năm nay tôi nào có hiểu gì, tôi nói trong nước
mắt:

– Con cám ơn Bố Mẹ đã cho con biết sự thật… đã thương
yêu và nuôi nấng con nên người. Con có được ngày hôm nay là nhờ ơn Bố Mẹ. Còn về
phần Ba Mẹ ruột và gia đình của con, bây giờ không biết sống chết ra sao!

Bố Mẹ nói sẽ nhờ người thân bên nhà đăng báo và nhắn tin
tìm kiếm trên mạng, bên đây Bố Mẹ và tôi cũng làm như vậy, may ra còn hy vọng…

Chiều nay tôi cùng Bố Mẹ đến nhà thờ để tham dự thánh lễ
cầu nguyện cho Cha Mẹ và những người thân trong gia đình mà tôi đã thất lạc bao
nhiêu năm nay; tôi cũng không quên cầu nguyện cho Bố Mẹ đã nuôi dưỡng và cho tôi
một mái ấm gia đình.

Nguyễn Áo Trắng

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời