Bài viết khác

Chúa Nhật XVI thường niên năm B

BÀI ĐỌC I: Kn 12, 13. 16-19
“Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại”.

Trích sách Khôn Ngoan.
Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.

Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a
Đáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung (c. 5a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. – Đáp.

2) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. – Đáp.

3) Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 26-27
“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 13, 24-30 {hoặc 24-43}
“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: ‘Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?’ Ông đáp: ‘Người thù của ta đã làm như thế’. Đầy tớ nói với chủ: ‘Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ’. Chủ nhà đáp: ‘Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.}

 Đó là lời Chúa.

Suy Niệm:

Chúa Nhật 16 thường niên năm B

Kính thưa quí ông bà anh chị em, người ta thường nói:

Làm việc mệt nhọc – cần được nghỉ ngơi,
bất trung tham lam- sinh ra nhiều chuyện.
Phải chăng đây là điều giúp ta hiểu phần nào khi áp dụng vào bài Tin Mừng và bài đọc 1, của Chúa Nhật 16 mùa thường niên năm B này.

Hẳn, ta còn nhớ Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, nói về việc Chúa Giêsu chỉ thị cho nhóm 12 tông đồ đi rao giảng Tin Mừng nước Chúa, các ông ra đi, và đã mang lại thành quả rực rỡ. Và Tin Mừng của Chúa nhật này nối tiếp những hoạt động của các Tông Đồ đó là: các ông trở về tụ họp quanh Chúa Giêsu để thuật lại những thành quả mà các ông đã làm được, trong niềm vui hớn hở, vui mừng, xôn xao qua chuyến truyền giáo. Chúa Giêsu cũng muốn chia sẽ nỗi vất vả với các ông bằng cách khuyên bảo các ông rằng: “Anh em hãy lánh riêng ra đến nơi vắng vẽ mà nghỉ ngơi một chút.” (Mc 6, 31).

Nghỉ ngơi là điều cần phải có, khi con người quá mệt nhọc cho bao công việc. Nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe thể xác, đồng thời nghỉ ngơi cũng để bồi dưỡng tinh thần và tâm trí. Nghỉ ngơi để có thời giờ nhìn lại con người của mình; thiếu nghỉ ngơi con người dễ bị bệnh và con người cũng khó định hướng đúng đắn cho mình; nhất là người tông đồ của Chúa lại cần được nghỉ ngơi; nghỉ ngơi trong Chúa, nghĩa là, con người cần phải rút về nơi thanh vắng để cầu nguyện, chiêm niệm. Nghỉ ngơi một vài tiếng trong lời cầu nguyện của mỗi ngày. Nghỉ ngơi ba bốn ngày hay một tuần của tĩnh tâm trong một năm. Và nói cho cùng, nghỉ ngơi của người tông đồ của Chúa là: nghỉ ngơi để được bồi dưỡng ơn thánh của Chúa, để ra đi với sự thúc bách của tình yêu đáp ứng những nhu cầu của người khác; nhu cầu mục vụ, nghĩa là: vì nhu cầu mục vụ mà lắm lúc ta phải hy sinh sự nghỉ ngơi, hay những chương trình không mấy cần thiết. Cũng như Chúa Giêsu và các tông đồ xưa, chưa kịp nghỉ ngơi – ăn uống thì dân lại kép đến, để rồi Chúa Giêsu lại phải hành động, như Tin Mừng thuật lại: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6 34).

Chúa Giêsu đã khuyên nhủ các Tông Đồ tìm nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi một chút, nhưng các tông đồ không vì đó mà cứng ngắc, phải giữ khư khư như vậy nhưng, không phải như thế! Vì nhu cầu mục vụ cấp bách khẩn thiết, các tong đồ lại hy sinh sự nghỉ ngơi, kể cả ăn uống, để dành ưu tiên cho việc giảng dạy.

Thế thì, ngày hôm nay, ai là người lo công việc mục vụ, biết rằng: giờ giấc, kỷ cương cần phải có, nhưng khi cần thiết thì phải hy sinh; hy sinh sự nghỉ ngơi hay những chương trình riêng tư không mấy quan trọng, để ưu tiên cho việc cấp bách khẩn thiết. Nếu ai làm được như vậy, thì đó là người đang hoạ lại hình ảnh của vị mục tử tốt lành là Đức Kitô. Và ai là người mục tử của Chúa thì người đó luôn cố gắng quy tụ đoàn chiên và dẫn dắt chiên của mình tới những đồng cỏ xanh tươi màu mở, có nước trong lành. Những vị mục tử như thế thì đi ngược hẳn lại với những mục tử mà trong bài đọc 1, sách tiên tri Giêrêmia đã lên án đối với những lời lẽ đanh thép: “Khốn thay”. Tại sao vậy, nếu không phải vì họ làm cho đoàn chiên thất lạc, tan tác. Sự đau thương mà người mục tử gây ra cho đoàn chiên là do sự tham lam, ham hố chức quyền, tiền bạc, ghen tương, ích kỷ, kiêu căng, nếu như thế thì chiên từ bị thương cho đến cái chết. Nếu mục tử nào như thế sẽ bị chung số phận mà chính Thiên Chúa đã tuyên phán qua miệng tiên tri Giêrêmia rằng: “Này ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi.” (Gr 23,2).

Ước gì mỗi người, bất cứ là ai, cần phải ý thức được mình đang sống giữa một thời đại quá ồn ào, quay cuồng, điên đảo, cuốn hút con người vào sự mệt mỏi, rả rời, lo âu, sợ hãi. Sống trong một tình trạnh như thế thì con người cần phải tìm đến những nơi thanh vắng để cầu nguyện, để sống than mật với Chúa. Có như thế ta sẽ được Chúa bổ sức cho, để ta tiếp tục hành trình của cuộc đời, là đạt tới đích điểm và cứu cánh chính là Thiên Chúa. Cùng sánh bước với chúng ta còn có Mẹ Maria và muôn vàn thần thánh trên trời giúp ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm về bên Chúa để được nghỉ ngơi và bổ sức cho linh hồn chúng con. Lạy Chúa, giữa cuộc đời biết bao ồn ào, lao đao, vất vả, chúng con lại cần tìm đến để được nghỉ ngơi bên Chúa hơn bất cứ ai và bất cứ nơi đâu. Xin Chúa luôn là sự hấp dẫn và là sự mới mẻ cho chúng con, và chúng con được cuốn hút vào trong biển tình yêu của Chúa. Amen.

Linh mục Phalô Cao Thế Bình SDD.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời