Sáng tác

Chùm Truyện Ngắn

CHỊ HAI TÔI
Biết nói sao bây giờ! Chị không có nét gì vượt trội hơn người khác, ngoài cái dáng vẻ to con tốt tướng giống cha. Chị không lanh lẹ hoạt bát giống cha mà trông chị hiền lành như cục đất, ai đánh chị hò đứng cũng được. bởi thế mà người đời mới có câu “con so ăn no mà dại”.
Kết quả hình ảnh cho chị tôiChị Hai tôi làm chị của một đoàn em gần chục đứa. Thế mà chị không có cái uy của một người đứng đầu của một đoàn thể. Chưa bao giờ chị sai bảo các em làm cái này, giúp chị cái kia. Mà nếu như cha mẹ có sai bảo các con làm việc nhà như: rửa chén, quét nhà, giặt đồ, thì phải làm ngày, Không được để ngày mai. Thế là những đứa em tinh ma xảo quyệt không cãi lời cha mẹ, nhưng mỗi đứa có một lý do tìm mọi cách trốn việc, chỉ còn mình chị ở nhà. Chị cứ đi ra đi vô không tìm cách trốn. Nhưng tới giờ cơm trưa, rồi cơm chiều các em không về, chị ôm dồn công việc làm hết để khỏi bị cha mẹ la.
Rồi lần này qua lần khác cứ thế quen dần, chị biến thành osin không lương lúc nào cũng không biết. Tệ nhất là khi đứa em kế út bắt chị mỗi buổi chiều phải nấu nước cho nó tắm. Thương nhất là khi những đứa em làm sai bị cha mẹ mắng, chúng nó vẫn vô tâm đổ hết tội mình cho chị. Có lúc vì thương chị tôi hỏi: Tại sao chị không nói cho cha mẹ biết, chúng nó làm sai chớ chị có sai đâu, chị bị la mắng chị không buồn sao? Nếu chúng nó biết thương chị thì chúng nó không làm như vậy. Tụi nó có khôn thì đấu đá với thiên hạ, mắc mớ chi mà đè đầu đè cổ chị hai mình. Tụi nó không thương chị, chị thương tụi nó làm gì? Em cũng là em của chị, nhưng em thấy việc chúng nó làm em thấy chướng mắt lắm.
Tôi cứ tưởng chị hai nghe lời tôi cứng rắn lên để đối phó với lũ em quỷ quái kia. Thế mà chị vẫn cười nói vô tư: Không so đo với em út làm gì. Chị nói: Chị lớn rồi nên chị biết cha mẹ chỉ la không đánh chị. Nhưng đối với mấy đứa nhỏ, ba mẹ sẽ dùng roi vì nói bằng lời chúng không biết nghe.
Tình chị thương em là thế, nhưng khi chị vấp ngã, chỉ mình chị đau, không đứa nào nâng đỡ chị.
Năm 1972 là mùa hè đỏ lửa, chiến trường các nơi đều sôi sục. Lệnh cứu quốc tổng động viên thanh niên nhập ngũ tiếp viện cho chiến trường, tất cả đều ra đi “chết 7 còn 3”. Năm 1975 trước “ngày giải phóng” lại chết “thêm 2 còn 1” mới ra Thái Bình. Mọi người có biết không? Sống trong thời điểm này “mười cô con gái tranh nhau một chồng”.
Chị hai tôi ngày đó cũng có tình cảm với một người chiến sĩ ra đi không trở lại, nhưng đã để lại cho chị một đứa con. Ngày chị sinh con đúng là “cười ra nước mắt”. Đơn thân nuôi con dại, chị phải nương nhờ cha mẹ, em của chị đứa thương thì ít đứa ghét thì nhiều. Thân chị không khác gì người tù khổ sai cho một gia đình có trên mười người. Chị đã can tâm tình nguyện vì gia đình, vì con. Chị trông như người tù thế kỷ trông mong một ngày giải thoát mà vẫn còn xa.
Hơn 20 năm sau. Cái ngày chị mong chờ hạnh phúc nhất đời chị đã đến. Không phải là ngày chị đi tái giá mà là ngày con trai chị kết hôn. Cuộc đời chị đã sang trang mới. Bây giờ ai tới nhà chị cũng biết “Qua con bi cực tới hồi thái lai” đám cháu nội của chị chúng nó không cho chị rảnh để mà buồn.
* * * * * * * 
MỘT CHÚT SUY TƯ
Dù đó là vị tổng thống có quyền lực hay một người nông dân nghèo khó. Thì ai cũng mơ ước cho mình có được một tổ quốc yên vui no ấm, một gia đình hạnh phúc ấm no.
Bây giờ nhìn lên ti vi xem thời sự, thấy cảnh di dân vì chiến tranh. Từng lớp người ra đi bỏ lại đất nước của mình chìm ngập trong máu lửa dù biết trước đường dài gian khổ đói khát có khi còn bỏ mạng. Chiến tranh thế giới lần này khốc liệt hơn những lần trước, tội ác của chiến tranh không diễn tả hết được. Tôi nhớ đến cuộc di cư của ông bà cha mẹ từ bắc vào nam. Nam – Bắc giao tranh nội chiến kéo dài, Người dân Việt khốn khổ chết vì nghèo đói, vì thiên tai, vì chiến tranh. Nhiều người đã bỏ lại quê hương đi tìm vùng đất mới, với hy vọng để tương lai con cháu của mình được ấm no tươi sáng tốt đẹp hơn thế hệ cha ông của chúng nó.
Kết quả hình ảnh cho cha mẹTôi được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, có 8 chị em gái và một anh trai. Mà quan niệm thời xưa ai cũng biết: “Nhất nam viết hữu – thập nữ viết vô”. Thế là chị em tôi đều thất học, chỉ mình anh được đến trường , tôi cũng không ngoại lệ. Học để làm gì? Nuôi lớn cũng đi lấy cồng, sinh con ra phải đổi họ.
Suy nghĩ thấy buồn, giá trị người con gái khi xưa so với con trai chịu thua thiệt đủ điều. Chỉ là cha mẹ sinh ra phải nuôi dùm người ta, nếu gái lớn không lấy chồng thì cha mẹ vô phúc phải nuôi gái già thêm nhiều tai tiếng.
Số phận của tôi được đánh đổi bằng cá tính riêng biệt của mình: “Hiếu thắng và cầu tiến”. Trong khi các chị em thường nhút nhát và e ngại hay bị ăn hiếp và bắt nạt, thì tôi lại nam tính hơn, với mái đầu thích cắt tém, bản tính nóng nảy như Trương Phi. Khi đi chơi bọn con trai trong xóm gặp tôi còn phải sợ, có đứa còn hỏi “nó là thằng nào?” vì khi xung trận tôi hung dữ và táo tợn lắm, chỉ cần quan sát và nắm được điểm yếu của đối phương là nhanh chóng đánh phủ đầu làm nó không kịp phản ứng. Tôi không sợ bất cứ thế lực nào. Vì tôi biết điểm yếu của con gái là đầu mặt, điểm yếu của con trai thì phần mềm vùng bụng. Khi đánh nhau dù sứt đầu mẻ trán tôi cũng chiến đấu tới cùng. Tôi sẵn sàng đấu khẩu với người lớn, nếu không sai tôi sẽ thắng. Người tôi từ đầu tới chân đầy thẹo, cứ mỗi lần đánh nhau mà bị kêu cửa thì tôi lại phải nhận thêm một trận đòn. Và quen rồi tuổi thơ của tôi ăn đòn như cơm bữa. Nhờ thế mà tôi khôn ra, 10 tuổi tôi đã học lớp võ thuật ở trường dạy thêm.
Kết quả hình ảnh cho cha mẹTrong cái rủi lại có cái may, tôi được hộ tống “Quý tử” của cha đến lớp học và phải đợi cho đến lúc về. Khi ông ăn ngồi yên vị trên ghế thì tôi phải đứng chờ bên khung cửa sổ. Và cũng nhờ thế mà tôi biết đọc biết viết, những con chữ những bài học đầu tiên của tôi không có giấy bút, chỉ là cục đá nhỏ viết trên nền đất và xóa bằng chân. Vài năm sau khi anh học lớp 3 thì tôi được thầy cho ngồi vào bàn và dạy miễn phí. Khi tôi học lớp 7 (ngày xưa gọi là đệ lục) thì anh chưa lên được lớp nhất (bây giờ là lớp 5). Anh bị đuối nước trong trận lụt năm 1954, phải chết đi sống lại nên thể lực của anh rất yếu, khi anh bỏ học thì tôi phải tự mình chắp cánh để được bay cao. Vừa làm vừa học, học thêm ở thư viện để nâng cao kiến thức, làm bất cứ việc gì mình có khả năng phụ thêm giờ ở tiệm may. Nhờ khéo tay hay làm tôi biết đan, thêu, may, vá. Biết ướp sấy trái cây, làm bánh bằng nguyên liệu đơn giản (như khoai mì, gạo, đậu, đường, lá dứa) làm sinh tố kem bằng đá thêm muối cho tăng độ lạnh để kem đông. Với tôi kiếm thêm đồng tiền chân chính cũng không khó.
Khi lớn lên có gia đình, tôi không dám dựa vào cha mẹ. Vợ chồng tôi dùng chính sức lực của mình để lên rừng xuống biển, không phí tuổi thanh xuân đem hết cả cuộc đời để phấn đấu làm kinh tế, mong sao khi an cư lạc nghiệp con cái trưởng thành chúng nó sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Thế nhưng thời xưa thời nay khác biệt tôi nuôi con trong gian khổ nhưng đầy yêu thương. Tuổi trẻ bây giờ nuôi con như nuôi gà công nghiệp, ăn ngon chóng lớn nhưng không phân biệt được phải trái đúng sai. ???
Ngày xưa lúc nghèo khổ, Cha đi câu được con cá lớn, mẹ chế biến cẩn thận được hai món canh và kho, rồi cha xẻ phần nạc cho con, còn vợ chồng chia nhau cái đầu cá. Cha còn nói: “nhất đầu nhì cánh, cha lớn nhất cha khôn hơn nên cha thích cái đầu” .
Trong những dịp lễ lớn, mẹ làm thịt con gà hay con vịt, thì phần thịt là của các con, cha mẹ chỉ gặm xương và da. Cha vẫn nói đùa với các con: “nhất cốt nhì bì, không có xương có da thì nhìn người ta như con ma mút”.
Thời gian qua mau, vợ chồng già lại đau nhói lòng khi ngồi bên mâm cơm gia đình, ngon gấp vạn lần khi xưa, nhưng trên chén cơm cha vẫn có cái đầu gà và chén cơm, mẹ có thêm vài miếng da. Tuổi trẻ bây giờ tứ chi phát triển tốt nhưng đầu óc không biết hay không cần suy nghĩ.
Kết quả hình ảnh cho cha mẹNgày xưa khi con còn bé, cha mẹ đã nhường hết phần ngon cho con, bây giờ con cái trưởng thành thì cha mẹ cũng già yếu đi. Làm sao có thể trường sinh bất lão được. Thế mà chúng nó vẫn vô tư hay vô tình hoặc vô tâm giữ lại cái “nhất cốt – nhì bì” cho cha mẹ chúng. Trời cao có thấu hiểu không? Thời gian gặm xương cũng lâu lắm rồi, răng đã rụng hết không còn để gặm xương thì làm sao nhai bì được.
Tôi có nhiều điều muốn nói, muốn tâm sự nhưng không biết có ai nghe không? Không nói thành lời nên viết một chút suy tư, mong sao có người đồng tâm chia sẻ cho nhẹ bớt lòng đau: Tình thân phụ tử sao mà cay đắng quá!
Nguyễn Thị Thành

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời