Bài Vở Cũ Khoa học

DienGiaiCaDaoTucNgu 5 ThanhQuangSuuTam



Dan Giai Dien Tich, Thanh Ngu, Ca Dao Tuc Ngu – part 5

Giải Thích Các
Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ

BBT: Để giúp các bạn trẻ hiểu trọn vẹn các điển tích, thánh ngữ hoặc tục ngữ thường được dùng trong trao đổi hằng ngày cũng như trong sách báo, BBT giới thiêu bộ sưu tập “Giải Thích Các Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ” để các bạn tham khảo. Các tài liệu trong bộ sưu tập này được tổng hợp lại từ các trang web điện tử http://e-cadao.com, http://www.quehuong.org.vn


Đã đăng :
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4

Phần 5

  1. Tiền nạp Cheo (hay Treo) là gì?
  2. Xôi Hỏng Bỏng Không
  3. Thần Tài
  4. Mạt Cưa Mướp Đắng
  5. Máu Ghen Hoạn Thư

  1. Ma Ăn Cỗ
  2. Nói Có Sách, Mách Có Chứng
  3. Xác Như Vờ, Xơ Như Nhộng
  4. Len Lét Như Rắn Mùng Năm
  5. Rách Như Tổ Đỉa


1) Tiền nạp Cheo (hay Treo) là gì?

Tiền “cheo” là khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nạp cheo song có giảm bớt.

Xuất xứ của lệ “Nạp cheo” là tục “Lan nhai” tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng. Đầu tiên thì người ta tổ chức đón mừng hôn lễ, người ta chúc tụng, có nơi còn đốt pháo mừng. Để đáp lễ, đoàn đưa dâu cũng đưa trầu cau ra mời, đưa quà, đưa tiền biếu tặng. Dần đần có những người làm ăn bất chính, lợi dụng cơ hội cũng chăng dây, vòi tiền, sách nhiễu, trở thành tục lệ xấu. Vì thói xấu lan dần, gây nhiều cản trở, triều đình phải ra lệnh bãi bỏ.

Thay thế vào đó, cho phép làng xã được thu tiền cheo. Khi đã nạp cheo cho làng, tức là đám cưới được làng công nhận có giấy biên nhận hẳn hoi. Ngày xưa, chưa có thủ tục đăng bộ kết hôn, thì tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Nạp cheo so với chăng dây là tiến bộ. Khoản tiền cheo này nhiều địa phương dùng vào việc công ích như đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng…Nhưng nhiều nơi chỉ cung đốn cho lý hương chè chén. Đã hơn nửa thế kỷ, lệ này bị bãi bỏ rồi. Thanh niên ngày nay chỉ còn thấy bóng dáng của tiền cheo qua ca dao- tục ngữ.

Nuôi lợn thì phải vớt bèo

Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng.

Cưới vợ không cheo như tiền gieo xuống suối.

Ông xã đánh trống thình thình

Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.

Lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em…
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Trở Lên Trên


2) Xôi Hỏng Bỏng Không

TRƯỚC KHI ĐÁNH NGƯỜI PHẢI BIẾT GIỮ MÌNH

Văn Công(1) nước Tấn đem quân sang đánh nước Vệ(2). Giữa đường gặp một ông lão đang bừa ruộng, cứ ngẩng mặt lên trời cười khanh khách mãi. Văn Công cho đòi lại hỏi: “Ngươi cười cái gì thế?”.

Ông lão thưa rằng: “Tôi cười người láng giềng nhà tôi. Anh ta đưa vợ đi chơi nhà bà con. Giữa đường gặp người con gái hái dâu, anh ta thích quá, lén vợ rẽ xuống ruộng dâu nói chuyện với người con gái. Một chốc ngoảnh lên xem vợ đi đến đâu thì thấy một chàng đang vẫy vợ anh ta đi. Ấy câu chuyện chỉ có thế, tôi nghĩ mà tôi không nhịn cười được”.

Văn Công nghe nói, tỉnh ngộ kéo quân về. Về chưa đến nơi, thì đã thấy báo có giặc ngoài vào xâm phạm trên mạn bắc trong nước.

Lời bàn:

Phàm cái gì mình thích, tất người ta cũng thích. Nếu cứ theo lòng dục mà vơ năm gấp mười không phòng bị thì có khi xôi hỏng bỏng không, chẳng những không lấy được gì của người ta, mà mình có gì cũng mất vào tay người ta nữa. Việc nước cũng thế, đi đánh nước ngoài mà không nghĩ giữ nước nhà, thế là bỏ nước mình cho giặc vậy.

(1) Văn Công: vua giỏi nước chư hầu đời Xuân Thu, đứng vào bậc ngã bá.
(2) Vệ: tên một nước thời XuânThu ở vào vùng tỉnh Trực Lệ và Hà Nam bây giờ.

Trở Lên Trên


3) Thần Tài

Theo truyền thuyết, thần tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam.
Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bịnh trừ tai.
Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn.

Người ta thường vẽ ông thành hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm coi, cưỡi cọp đen.
Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái.

Trở Lên Trên


4) Mạt Cưa Mướp Đắng

Có một cuộc hội ngộ thật ngẫu nhiên và đầy lý thú. Một anh chàng rao bán cám làm thức ăn cho lợn gà, mà trong gánh chỉ rặt một thứ mạt cưa! Lại nữa một kẻ rêu rao bán dưa chuột, nhưng những thứ bán ra chỉ toàn là mướp đắng! Chả là về ngoại hình thì mạt cưa trông cũng từa tựa như cám, và “mướp đắng” cũng khó phân biệt với dưa chuột mà lại! Và, trớ trêu thay cái phường mạt cưa mướp đắng ấy lại gặp nhau!

“Tình cờ chẳng hẹn mà nên

Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”

(“Truyện Kiều”. Nguyễn Du)

Thành ngữ mạt cưa mướp đắng hay mướp đắng mạt cưa, do chỗ được hình thành từ câu chuyện vui như trên, cho nên trước hết nó được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa đảo trong xã hội. Trong sử dụng, thành ngữ này còn có thể được dùng để chỉ chính ngay hành vi bịp bợm của những hạng người xảo trá, đê tiện.

Trở Lên Trên


5) Máu Ghen Hoạn Thư

Trong đời sống hàng ngày, ta thường dùng thành ngữ chó mái chim mồi để chỉ bọn người cam tâm làm tay sai cho kẻ thù.

Đã đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du mấy ai quên được Hoạn Thư, con người “ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Mà nhớ nhất là sự đánh ghen của người đàn bà họ Hoạn này, cái ghen sâu sắc, âm thầm mà độc địa, tàn khốc.

Khi biết tin chồng đi lấy vợ lẽ, Hoạn Thư giận lắm nhưng không hề để lộ cho ai biết, thậm chí còn trị tội bọn gia nhân khi chúng định mách bảo để tâng công. Khi Thúc Sinh về đến nhà, Hoạn Thư sai bày rượu tiếp đón vui vẻ như không có gì xảy ra. Thấy thế Thúc mừng lắm, yên trí là vợ chưa biết, cho nên cũng “ngậm tăm” luôn cái chuyện vợ lẽ kia. Hoạn Thư như “đi guốc trong bụng” chồng, đúng lúc Thúc Sinh đang nôn nao nhớ Kiều thì Hoạn Thư gợi ý là Thúc nên quay lại Lâm Truy. Được lời như cởi tấm lòng, Thúc vội vàng lên ngựa ra đi. Chỉ chờ có vậy Hoạn Thư cũng vội lên xe về Tích Giang thăm cha mẹ đẻ và một cuộc đánh ghen bắt đầu.

Hoạn Thư thuê bọn côn đồ Ưng Khuyển đi đường tắt sang Lâm Truy bắt cóc Kiều. Đầu tiên họ Hoạn cho Kiều một trận đòn phủ đầu, sau đó cho về làm con hầu nhà Hoạn Thư với tên mới là Hoa Nô.

Nói về chàng Thúc, sau khi tưởng Kiều đã chết, tỏ ra đau đớn lắm nhưng rồi nỗi đau cũng nguôi dần. Rồi một hôm chàng lại đánh đường về thăm vợ cũ quê xưa. Thật trớ trêu là cái bẫy của Hoạn Thư đã giăng sẵn chờ chàng. Khi Thúc vừa về đến nhà lập tức Hoạn Thư cho gọi Kiều ra hầu hạ. Thúc Sinh và Kiều gặp nhau mà như trong cơn ác mộng, lòng dạ cứ rối bời, không hiểu là thật hay là do ma quỷ! Thật là một cách đánh ghen kỳ lạ, “giết người không dao” vậy. Chưa hết Hoạn Thư còn bắt Kiều phục dịch hầu hạ hai vợ chồng mình nữa. “Bắt khoan bắt nhặt đến lời. Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay”. Còn nữa, Hoạn Thư còn bắt Kiều đánh đàn hầu rượu. Tiếng đàn “như khóc như than” của Kiều làm cho Thúc Sinh tan nát lòng bao nhiêu thì Hoạn Thư càng hởi lòng hởi dạ bấy nhiêu. Sau đó, nể lời đề nghị của chồng, Hoạn Thư cho Kiều ra Quan âm các để tụng kinh niệm phật với cái tên mới Trạc Tuyền. Đã là tình cầm sắt mà phải giả bộ làm ngơ, dù gần nhau gang tấc, chàng Thúc đau khổ lắm.

Một hôm nhân khi Hoạn Thư về thăm mẹ đẻ Thúc lẻn ra tình tự với Kiều. Hai bên đang kể lể nỗi lòng, thở than sùi sụt thì Hoạn Thư đã trở về và nghe hết mọi chuyện. Sau đó Hoạn Thư vào Quan Âm Các đàng hoàng vui vẻ chào hỏi hai người, khen tài hoa Thúy Kiều rồi khoác tay chồng cùng về nhà như không hề biết chuyện gì. Cách xử sự của Hoạn Thư làm Kiều kinh ngạc đến run sợ, và ngay đêm đó Kiều đã quyết định trốn khỏi nhà Hoạn Thư để bắt đầu một chặng đời lưu lạc mới của mình. Điều đặc biệt là trong suốt quá trình đánh ghen Hoạn Thư không hề hỏi đến và làm như tuyệt nhiên không biết gì về quan hệ giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều, cứ coi như hai người không quen biết nhau vậy!

“Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen” đến nỗi Thúc Sinh lấy Kiều rồi mà phải bó tay còn Kiều thì kinh sợ mà chạy trốn! Cho đến nay “Máu ghen Hoạn Thư” chắc vẫn còn nhiều người ngán ngẩm và kiêng nể! Đã đành là, “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Nhưng để biến một kiểu ghen thành di sản văn hoá, – tâm lý điển hình cho một lớp người và được xã hội hoá, dân gian hoá, như lối ghen của Hoạn Thư thì không có nhiều trong văn hoá thế giới. Nguyễn Du ơi! Không phải sau ba trăm năm, mà rồi sẽ mãi mãi, người đời vẫn còn khóc vì tài và mệnh của một con người.

Trở Lên Trên


6) Ma Ăn Cỗ

Sự hiện hình của hồn người chết được gọi là ma. Ma vẫn sỗng, vẫn hoạt động dưới âm phủ. Ma thiếu ăn sẽ trở thành ma đói, thường gây tác oai tác quái cho người sống. Thế là những ai có thân nhân chết, phải nhớ đến mà làm cỗ cúng ma vào dịp ba ngày, một trăm ngày kể từ ngày chết. Đặc biệt, đúng ngày người đó chết hàng năm phải làm cỗ cúng bái, gọi là giỗ. Và ai đó nữa, nhẹ dạ cả tin đi xem bói, được biết có ma làm hại, cũng phải làm cỗ để cúng ma. “Xem bói ra ma, quét nhà ra rác” mà lại! Có điều là, sau khi cúng xong, mâm cỗ vẫn còn nguyên lành, thứ nào thứ nấy không hề mất mát, vơi đi. Mâm bát, xôi thịt, chè, cháo vẫn đầy như lúc chưa cúng! Nguyên thì vẫn nguyên thế thôi, kì thực theo sự hình dung của người đời, ma đã ăn cỗ rồi đấy! Ma ngồi chỗ nào để ăn cỗ, ai mà biết được. Ma thì có phép thần thông biến hóa, lai vô ảnh, khứ vô hình. Ma đâu phải như người? Ma không ăn thịt, ăn xôi tì tì mà chỉ ăn hương, ăn khói, tận hưởng cái tình người dương gian gửi gắm qua đó mà thôi. Muốn hay không, trước lí lẽ như vậy, người ta dễ dàng nghĩ rằng ma ăn cỗ rất tài tình, kín đáo mà ta không thấy, không hay biết.

Từ đời này qua đời khác, trong tri thức dân gian in đậm nét chuyện ma ăn cỗ. Do đó, hễ việc làm nào đó, thường là việc làm xấu, được thực hiện kín đáo, vụng trộm khéo léo đến mức không lưu lại dấu vết gì, không để cho một ai hay biết thì dân gian ta thường ví với việc ma ăn cỗ.

Nhìn chung, thành ngữ ma ăn cỗ được dùng để chỉ tất cả mọi việc làm vụng trộm và kín đáo đến mức phi tang mọi dấu vết. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, thành ngữ ma ăn cỗ dường như có thiên hướng được ưa dùng để ví với những cuộc tình vụng trộm, nhất là đối với việc ngoại tình của các cặp tình nhân. Có lẽ, trong quan niệm dân gian, chuyện tình vụng trộm được coi là xấu, thiếu đứng đắn. Cũng như ma ăn cỗ, những cuộc tình chẳng để lại dấu vết gì. Nó chẳng khác nào mặt hồ gợn sóng sau cơn gió, rồi lại phẳng lặng như tờ. Nó cũng chẳng khác nào con chim đậu trên cây, sau khi bay đi, ai mà tìm được dấu chân chim?

Khi sử dụng thành ngữ ma ăn cỗ, người ta hay dùng các từ ngữ có tính phủ định như ai biết được, ai mà biết, ai biết đâu, nào ai biết, làm sao mà biết, để biểu thị cái ý: chính mình không thấy, không biết nhưng vẫn gợn lên trong suy nghĩ một chút hồ nghi là sự việc đang được hỏi đến có thể có trong thực tế.

Trở Lên Trên


7) Nói Có Sách, Mách Có Chứng


Nói có sách mách có chứng, nghĩa là nói điều gì đó xác thực, có chứng cứ rõ ràng, có thể kiểm chứng được.

Nói có sách, mách có chứng có nghĩa là không nói vu vơ kiểu ăn ốc nói mò, không thêu dệt, không nói kiểu tung tin thất thiệt, bịa đặt dựng chuyện, vu oan giá hoạ để bóp méo, xuyên tạc sự thật hay đổ lỗi cho người khác.

Nhưng tại sao, để diễn đạt ý nghĩa đó người Việt Nam lại chọn cách nói như vậy? Có thể bắt đầu từ cấu trúc thành ngữ, sau đó cậy nhờ việc suy xét ý nghĩa dân gian của các từ sách, mách, chứng được dùng trong thành ngữ này để hiểu nội dung thành ngữ. Dễ thấy là, thành ngữ nói có sách, mách có chứng gồm 2 vế: Nói có sách và mách có chứng, được tạo thành trên hai cơ sở của phép đối và điệp. Nói đối với mách, sách đối với chứng. Trong thực tế sử dụng thành ngữ này có thêm một số biến thể khác như: nói phải có sách, mách phải có chứng hoặc nói chẳng có sách, mách chẳng có chứng gì cả. Do vậy, cấu trúc của mỗi vế nói trên cũng có các biến thể khác nhau như đã thấy. Đối với loại thành ngữ được tạo ra theo kiểu này, khi nắm được ý nghĩa của một trong hai vế, thường là vế thứ nhất, là có thể hiểu được nội dung chính yếu của các thành ngữ.

Sách trong quan niệm dân gian là kho báu, là nơi thâu góp được những điều hay, lẽ phải ở đời. Sách là nơi cho những điều tin cẩn, rõ ràng và sự sáng suốt. Sách là mực thước. Soi trong sách có thể nhận được điều chân xác và sự yên tâm ở lời nghe được và những lời nói ra. Nói có sách, mách có chứng mang được ý nghĩa trên, trước hết là nhờ vào ngữ nghĩa dân gian ấy của từ sách.

Còn mách trong ý nghĩa nguyên sơ của nó, cũng có nghĩa là nói, nói cho biết, bảo cho biết. Mách trong mách bảo, mách nước cũng với nghĩa như thế. Chứng là chứng cứ. Mách có chứng nghĩa là nói cho ai đó điều gì đó phải có chứng cứ cụ thể, tức điều đem báo, đem mách cho ai đó là điều có thật, đã trông tận mắt, nghe tận tai. Mách có chứng cũng yêu cầu không được nói sai, nói không có căn cứ, nói những điều chưa biết chắc đúng, sai, thật, hư. Mách có chứng cũng có nghĩa là nói đàng hoàng, đúng đắn, công khai, chứ không theo lối mách lẻo hay thóc mách.

Trở Lên Trên


8) Xác Như Vờ, Xơ Như Nhộng

Vờ là một loại côn trùng sinh ra ở mặt nước và có kiếp sống chưa trọn một ngày. Khi chết, xác vờ phơi trên các bãi sông, mỏng dính, lép kẹp, trông thật thảm hại.

Còn nhộng thì sau khi đã kéo hết tơ vẫn còn một lớp xơ mỏng bọc quanh mình. Xơ nhộng vừa dai nhách vừa tớp túa.

Những hiểu biết này giúp chúng ta thấy rằng, có lẽ thành ngữ xác như vờ xơ như nhộng là dạng rút gọn từ cách nói xác như xác vờ, xơ như xơ nhộng để chỉ sự lép kẹp, mỏng dính và tớp túa của sự vật được đem ra so sánh. Với cách hiểu này, các yếu tố xác, xơ trong thành ngữ xác như vờ xơ như nhộng là danh từ.

Nhưng điều thú vị hơn cả là các yếu tố xác, xơ trong thành ngữ xác như vờ xơ như nhộng lại đồng âm với các yếu tố xác, xơ trong từ ghép xác xơ, xơ xác với ý nghĩa “rách nát cùng kiệt”. Trong khi xác vờ, xơ nhộng ít được người Việt quan sát nhận biết, thì các yếu tố xác và xơ, cũng như xơ xác, xác xơ thường xuyên được xuất hiện trong ngôn ngữ, trong nói năng hàng ngày. Vì vậy người Việt Nam dễ dàng đồng nhất các yếu tố xác, xơ trong xác như vờ xơ như nhộng với các yếu tố chỉ tính chất xác, xơ trong xác xơ, xơ xác. Và đương nhiên, thành ngữ xác như vờ xơ như nhộng hay xơ như xơ nhộng, xác như vờ đều được hiểu là “sự nghèo túng xác xơ, không có của cải gì”.

Hiện nay, người Việt Nam đều hiểu nghĩa tổng thể của thành ngữ xác như vờ xơ như nhộng là như vậy mà không cần biết, không cần xem xét các thành tố xác, xơ mang ý nghĩa gì, thuộc từ loại nào, là danh từ hay tính từ.

Trở Lên Trên


9) Len Lét Như Rắn Mùng Năm

Theo dân gian, ngày năm tháng năm âm lịch là ngày “diệt sâu bọ”. Người ta làm bánh trái, đồ xôi, nấu chè, bày hoa quả cúng tế để tẩy trừ “sâu bọ” có hại cho cây cối, mùa màng và đời sống nói chung. Không rõ là Tết “diệt sâu bọ” ở xứ ta và ngày giỗ Khuất Nguyên ở bên Trung Quốc có gì liên quan nhau không? Riêng ở Việt Nam ta thì theo tục truyền rằng, ngày xưa, người Việt cổ, vào ngày 5 tháng 5 thường đi tìm rắn để giết vì rắn rết dù là loài bò sát nhưng vẫn bị coi là sâu bọ tai ác. Chả thế mà thằn lằn vốn hiền lành cũng bị nỗi “oan Thị Kính” đó sao:


“Đảo chân ai chẳng dám chầy
Thằn lằn len lét ẩn ngày mùng Năm”
(Thiên Nam ngữ lục)

Người ta cũng cho hay là trong ngày mùng năm tất cả các con rắn đều nép mình ở trong hang không dám ngóc đầu lên (len lét) vì sợ bị giết chết. Ngày này, người ta nói rắn rất sợ người và trốn đi biệt tăm hết cả. Nhất là đến giờ Ngọ, thì khó mà nhìn thấy một con rắn hay chú thằn lằn nào?!

Thành ngữ len lét như rắn mùng năm chỉ thái độ và diện mạo của những người hay sợ sệt nói chung. Thường đó là thái độ của những người nhu nhược sợ những người cấp trên hoặc những người nắm sinh mệnh kinh tế hay chính trị của mình một cách trực tiếp.

Trong tiếng Việt có thành ngữ len lét như chuột ngày đồng so sánh với thành ngữ trên mang sắc thái ý nghĩa kém hơn.

Trở Lên Trên


10) Rách Như Tổ Đỉa

Trong lời ăn tiếng nói của nhân dân ta, thành ngữ rách như tổ đỉa thường được dùng để chỉ sự rách nát, nham nhở của các thứ đồ dùng bằng vải, bằng lá, nhất là đối với quần áo.

Thành ngữ rách như tổ đỉa còn có biến thể khác là xác như tổ đỉa. Ý nghĩa và cách dùng dạng thức này không có gì khác biệt.

Theo quan niệm của dân gian, giàu nghèo đều thể hiện ở cơm ăn áo mặc hàng ngày. Vậy mà quần áo rách như tổ đỉa ấy, thì làm sao được coi là một kẻ giàu sang phú quý. Thành ra, ý nghĩa thành ngữ rách như tổ đỉa cũng được mở rộng ra và được khái quát hơn để chỉ sự nghèo đói, khổ cực đến cùng kiệt của con người.

Về ý nghĩa, cách hiểu thành ngữ rách như tổ đỉa như vậy là thỏa đáng. Song, ở thành ngữ này, tổ đỉa, là gì lại cần bàn kĩ cho sáng rõ. Tổ đỉa là cái tổ của con đỉa ở dưới nước với vẻ tớp túa, lỗ chỗ, xác xơ chăng? Giả thiết này không hợp lí, bởi vì “tổ” con đỉa dưới nước thì mấy ai thấy được, quan sát được để làm đối chứng so sánh với các con vật quen thuộc như áo quần, tơi nón… Hơn nữa, trong tiếng Việt, tổ thường được dùng để chỉ nơi che chắn kín đáo để ở, đẻ và nuôi con của một số loài vật như chim, chuồn, ong, chứ ít nói đến tổ con đỉa. Vậy, hiểu tổ đỉa như trên là không chính xác. Thực ra, tổ đỉa là tên của một loài cây thường mọc ở bờ nước. Lá của tổ đỉa trông có vẻ xơ xác, dễ gây liên tưởng tới sự rách nát lỗ chỗ, tớp túa của một số đồ vật như quần áo, vải vóc… Và, dần dần tổ đỉa cũng góp phần biểu hiện nghĩa khái quát, hàm chỉ sự nghèo đói. Có lẽ nhờ nghĩa này mà trong tiếng Việt, tổ đỉa có thể đi vào thành ngữ nợ như tổ đỉa nữa.

Gần nghĩa với rách như tổ đỉa, trong tiếng Việt còn có rách như tàu lá khô, rách như xơ mướp. Sắc thái ý nghĩa của các thành ngữ này không có sức gợi những ấn tượng mạnh như thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa. Ngoài ra, thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa còn gần nghĩa với xác mồng tơi. Tuy nhiên, thành ngữ xác mồng tơi chỉ thiên về biểu thị ý nghĩa khái quát, tức là hàm chỉ sự nghèo đói, cơ cực chứ không hàm chỉ trạng thái rách nát của vật cụ thể như ở thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa.

Trở Lên Trên



Xin xem tiếp phần 6

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời