Bài Vở Cũ Khoa học

DienGiaiCaDaoTucNgu 7 ThanhQuangSuuTam



Dan Giai Dien Tich, Thanh Ngu, Ca Dao Tuc Ngu – part 7

Giải Thích Các
Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ

BBT: Để giúp các bạn trẻ hiểu trọn vẹn các điển tích, thánh ngữ hoặc tục ngữ thường được dùng trong trao đổi hằng ngày cũng như trong sách báo, BBT giới thiêu bộ sưu tập “Giải Thích Các Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ” để các bạn tham khảo. Các tài liệu trong bộ sưu tập này được tổng hợp lại từ các trang web điện tử http://e-cadao.com, http://www.quehuong.org.vn


Đã đăng :
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6

Phần 7

  1. Ăn Ốc Nói Mò
  2. Rưoc Voi Giày Mả Tổ
  3. Ba Que Xỏ Lá
  4. Ba Hồn Bảy Vía – Ba Hồn Chín Vía
  5. Đi Một Ngày Đàng, Học Một Sàng Khôn

  1. Đồng Không Mông Quạnh
  2. Nói Nhăng Nói Cuội
  3. Hồn Siêu Phác Lạc
  4. Quýt Làm Cam Chịu
  5. Vừa Ăn Cướp Vừa La Làng


1) Ăn Ốc Nói Mò

Mới nghe qua dường như có thể giải thích thành ngữ ăn ốc nói mò nhờ vào quan hệ nhân quả: “ăn ốc thì nói mò” hay “Vì ăn ốc nên nói mò”, tương tự như khi hiểu các tổ hợp từ ăn ốc lạnh bụng, uống rượu nhức đầu, hút thuốc khản giọng… Song,cái ý nói mò (tức nói đoán chừng, hú họa, không chắc trúng, vì không có đủ căn cứ để nói) của ăn ốc nói mò lại chằng có mối liên hệ nào với việc ăn ốc cả. Nói cách khác, ở đây giữa ăn ốc nói mò không có quan hệ nhân quả. Vậy thì, ăn ốc nói mò kết hợp với nhau theo quan hệ gì? Và thành ngữ ăn ốc nói mò đã xuất hiện như thế nào? 

Có người cho ăn ốc nói mò có xuất xứ ở việc uống rượu ăn ốc ở các quán đầu làng. Rượu vào lời ra. Người quá chén thường nói năng lung tung, hết chuyện này sang chuyện khác, đúng, sai, hay, dở, tục, thanh, không để ýtới. Cách giải thích này xem ra có một ít lí lẽ, song chưa thể yên tâm được. Nói mò trong ăn ốc nói mò không phải nói lung tung, chuyện này sang chuyện nọ như người say rượu mà là nói hú hoạ, đoán chừng về một điều cụ thể, vốn xác thực nhưng không biết hoặc chưa biết chắc chỗ đúng của điều cần nói là đâu.

Cũng có người nghĩ tới quan hệ điều kiện – giả định giữa việc ăn ốc và việc mò ốc: “muốn ăn ốc phải mò ốc” để cắt nghĩa xuất xứ của ăn ốc nói mò. Nhưng tại sao ý “muốn ăn ốc phải mò ốc” lại liên hội được với ý “nói mò, nói hú họa, nói không có chứng cứ” của ăn ốc nói mò đã nêu trên.

Chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân của thành ngữ này theo một hướng khác. Như đã biết, trong tiếng Việt có một từ là động từ (mò ốc, mò cua…) và một từ là trạng từ (nói mò, đoán mò…) trong ăn ốc nói mò chính là từ mò trạng từ, chỉ cách thức hành động. Như vậy, giả định có quan hệ điều kiện giữa ăn ốc mò ốc nêu trên là không có lí. Điều cần làm rõ ở đây là, vậy thì (nói) đã đi vào ăn ốc nói mò bằng con đường nào?

Trong lời ăn tiếng nói của dân gian, bên cạnh ăn ốc nói mò chúng ta còn gặp các cách nói ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay, ăn măng nói mọc dùng chỉ sự bịa đặt, dựng chuyện, vu khống; ăn cò nói bay nói về thói chối bay, chối phắt, coi như không có, không biết điều đó có xảy ra thật. Ở hai cách nói này, gánh nặng ý rơi vào các vế sau, (nói mọc, nói bay), giống như cách nói ăn ốc nói mò. /à, vế đầu (ăn măng, ăn cò) dường như chỉ giữ chức năng cấu tạo hình thái chứ không mang chức năng biểu ý. Đây là một loại các trúc độc đáo rất hiếm thấy trong thành ngữ tiếng Việt. Có thể hình dung cơ chế tạo lập kiểu cấu trúc như sau:

1. Có một “từ” A biểu thị một hiện thực, ví dụ “mọc” trong thành ngữ ăn cò nói bay… ăn măng nói mọc biểu thị tính hay vu khống, dựng chuyện ở một loại người nào đó.   

2. Do nhu cầu diễn đạt có tính hình ảnh, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, người ta đã tạo ra lối nói mới dựa trên khuôn mẫu của cách nói đã có trước trong ngôn ngữ. Cách nói mới này được xây dựng theo nguyên tắc :

– Tìm trong ngôn ngữ một từ (B) có quan hệ lôgich với A, sao cho được một quan niệm khi kết hợp với A (theo trật tự AB hoặc BA) hợp với logich nhận thức người bản ngữ. Ví dụ: nếu A là mọc thì B phải là măng (hay trăng, răng…), vì nói măng mọc (hay trăng mọc, răng mọc,…) đều có thể quan niệm được. Còn nếu A là bay thì B phải là cò (bay chim, cờ, lá…) vì nói chim bay (cờ bay, lá bay)… đều hợp lôgich.

– Tùy vào đặc tính phạm trù của điều được nói đến và của hiện thực do B biểu đạt tìm một hình thức (từ hoặc tổ hợp từ) có khả năng tương kết với AB (BA) theo luật này hay khác (chẳng hạn, đối với điệp) để tạo thành khuôn của cách nói mới. Chẳng hạn, điều được nói tới trong ăn măng nói mọc (ăn ốc nói mò, ăn cò nói bay,…) có thể quy vào phạm trù ứng xử nói năng, do đó, các từ được chọn làm các yếu tố cấu trúc có thể là ăn nói, lời lẽ, nói năng,….

Vì B là từ chỉ sự vật thuộc phạm trù cái ăn được, nên người nói đã chọn từ ăn nói trong số các từ trên tương kết với măng mọc. Cuối cùng, dùng luật đối và điệp, vốn là biện pháp được dùng rất phổ biến trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt với tư cách là chất gắn kết các yếu tố A, B để tạo thành khuôn mới. Cụ thể ăn măng nói mọc được phân tích ra như sau: ăn nói tương kết với măng mọc nhờ luật đối và điệp tạo thành ăn măng nói mọc giống như dân gian đã dùng các từ ong bướm lả lơi để tạo ra thành ngữ bướm lả ong lơi hoặc dùng các từ đi mây về gió. Ăn cò nói bay và ăn ốc nói mò đều được tạo thành theo con đường nói trên.

Trở Lên Trên


2) Rước Voi Giày Mả Tổ

Trong tâm thức của người Việt Nam, mồ mả tổ tiên là một chứng tích thiêng liêng mà con cháu có nghĩa vụ phải giữ gìn bảo vệ. Vì thế, kẻ nào động chạm đến mồ mả tổ tiên thì là kẻ đã gây ra một sự xúc phạm không thể tha thứ. Nếu kẻ xúc phạm ấy lại chính là con cháu thì đó là kẻ bất nghĩa là kẻ phản bội tổ tiên, nòi giống. Cho nên “rước voi giày mả tổ” là hành vi biểu trưng cho sự phản bội Tổ quốc, phản bội đồng bào ruột thịt của mình.

Cùng nghĩa với rước voi giày mả tổ trong tiếng Việt  còn có thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà. Song nghĩa của thành ngữ này có phần không mạnh mẽ và sâu sắc bằng thành ngữ  “rước voi giày mả tổ”.

Trở Lên Trên


3) Ba Que Xỏ Lá

Trong thời Pháp thuộc, có một bọn người chuyên tổ chức những “trò chơi có thưởng”. Trò chơi của bọn họ gồm một cái que và ba chiếc lá, mỗi lá có đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống. Người chơi cầm cái que nhỏ xỏ vào ba vòng này. Mỗi người chỉ được xỏ một lần. Người nào xỏ vào được một lúc cả ba lá và nhấc được chúng lên thì được lĩnh thưởng. Ai xỏ trật, tức xỏ không vào lá nào hoặc chỉ vào một trong ba lá, sẽ mất toi số tiền đặt cược.

Cũng liên quan tới trò này, có người kể lại cách thức chơi của bọn chủ trò có khác chút ít. Chúng thường dùng ba que nhỏ, trong đó chỉ có một que xỏ vào chiếc lá rồi chìa cho mọi người xem. Chúng tuyên bố rằng nếu ai rút trúng que có chiếc lá khi chúng nắm tay lại thì người đó trúng thưởng. Ngược lại, người chơi sẽ mất số tiền đặt cược trước. Dù chơi theo cách thức nào đi nữa, thì bọn chủ trò vẫn có nhiều mưu mẹo, khiến cho người chơi bao giờ cũng thua cuộc. Vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn “ba que xỏ lá” với hàm ý là bọn bịp bợm, lừa đảo, dối trá. Từ cách thức chơi thứ nhất, nhiều người cho rằng hình thức ban đầu của thành ngữ “ba que xỏ lá”’ là “xỏ lá ba que”. Sở dĩ có sự thay đổi này là do việc đọc chệch cho thuận miệng, dễ đọc, dễ nhớ.

Thành ngữ “ba que xỏ lá” dần dần được mở rộng phạm vi sử dụng. Nó được dùng để chỉ tất cả những hạng người lừa lọc, bịp bợm, đểu cáng.

Trong quá trình sử dụng, thành ngữ “ba que xỏ lá” được tách thành hai vế “ba que”, “xỏ lá”. Các bộ phận được tách ra này đã gia nhập vào vốn từ vựng tiếng việt. /ề ý nghĩa, các từ “ba que”, “xỏ lá” được dùng tương tự như thành ngữ “ba que xỏ lá”.

Trở Lên Trên


4) Ba Hồn Bảy Vía – Ba Hồn Chín Vía

Ai đã đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hẳn không quên hình ảnh chị Dậu chạy ra ngõ hú gọi ba hồn bảy vía anh Dậu “về với vợ con” trong khi anh bị bọn cường hào đánh trói nằm bất tỉnh nhân sự trong nhà. Còn trong dân gian, theo mê tín, khi xem bói bài tây hoặc chữa bệnh bằng mẹo, người ta thường bắt buộc phải tráo quân bài hoặc làm một động tác quy ước nào đó bảy lần (với nam) và chín lần (với nữ). Ấylà do “đàn ông có bảy vía, đàn bà có chín vía”, theo sự mê tín của dân gian.  

Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng,  người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía. Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về và vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tuỳ theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.

Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là  có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh, người ta tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về.

Nhưng nguyên do của ba hồn bảy vía ba hồn chín vía là ở đâu? Tại sao đàn ông lại chỉ có “bảy vía” mà đàn bà lại “chín vía”?

Đó là những câu hỏi không dễ giải thích ngọn ngành, chỉ biết rằng từ xưa người Việt đã có quan niệm và xử sự như vậy.

Tìm về với tôn giáo, chúng ta thấy sáng rõ được nguồn gốc của quan niệm trên. Thật ra, đó là xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo Giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ thuộc vào phần hình của con người. Hồn phần khinh thanh (nhẹ) phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu là ba miền thượng tiêu là phần trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quan), song chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là: Đàn ông có ba hồn và bảy phách phụ vào thất khiếu (thất khiếu là bảy lỗ trên mặt: hai mắt, hai tay, hai mũi và miệng), còn đàn bà có ba hồn và chín phách phụ vào cửa khiếu là thất khiếu + lỗ sinh dục và hậu môn). Quan niệm về hồn vía ở trên, không ai khác, chính là do các bậc nho học truyền bá và ảnh huởng sâu rộng trong dân gian đến mức người ta chỉ còn biết cái ngọn của nó và tin theo, làm theo.

Trở lại với thành ngữ trên, do có nguồn gốc tôn giáo như vậy, mỗi khi gặp một trường hợp “bất tỉnh nhân sự”, cần “cấp cứu” trong khi không có thầy thuốc, người Việt, theo thói quen mê tín, thường hú gọi hồn vía người ấy quay về, đừng bỏ phần xác mà ra đi theo ma quỷ!

Trở Lên Trên


5) Đi Một Ngày Đàng Học Một Sàng Khôn

Ông cha ta thường khuyên con cháu phải biết giao thiệp rộng, tiếp xúc với nhiều người để học hỏi, nâng cao tầm hiểu biết của mình, đặc biệt cần phải tránh, không nên thu mình một chỗ, một xó kẻo rồi khi ra cáng đáng việc đời lại bỡ ngỡ, choáng ngợp trước một cuộc sống đa dạng, muôn màu muôn sắc mà hoàn cảnh hạn hẹp theo lối ếch ngồi đáy giếng chưa cho phép một lần được trông thấy, nghĩ tới. Câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn là một trong những lời khuyên sâu sắc và quý giá đó.

Với câu tục ngữ này, ông cha ta đã mách bảo, khuyên dạy rằng, muốn nên người, muốn hiếu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải lăn lộn với cuộc sống, phải đi nhiều, phải đi đây đó để thu lượm, học  hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.

Ở câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn, xét về mặt chữ nghĩa, các từ đều khá rõ ràng. Ở đây chỉ có  từ đàng là hơi khó hiểu vì nó là từ địa phương miền Trung và miền Nam với nghĩa là đường. Cái khó của câu tục ngữ này là ở chỗ, các từ ngữ kết hợp với nhau tạo nên những đơn vị định danh vừa cụ thể lại vừa rất trừu tượng. Ngày đàng vừacó ý nghĩa không gian vừa có ý nghĩa thời gian. Khi ngày đàng kết hợp với từ chỉ số lượng một tạo thành chỉnh thể một ngày đàng vẫn không tạo nên một đại lượng cụ thể, dễ nắm bắt được. Dẫu vậy, cả vế thứ nhất đi một ngày đàng cũng toát lên cái ý “có sự ra đi trong một khoảng thời gian và không gian nhất định dù là ngắn”. Đây là tiền đề, là cơ  sở để tạo nên kết quả học một sàng khôn. Trong sự đối ứng với  vế thứ nhất, đi một ngày đàng thì vế thứ hai học một sàng khôn hàm chỉ kết quả học hỏi, thu nhận được rất lớn. Sàng khôn trong câu tục ngữ này có tính biểu trưng và tạo nên những liên tưởng rất lí thú. Dân gian hay dùng sàng với nghĩa đen chỉ một loại đồ đan bằng tre, hình tròn, nông và thưa có tác dụng làm sạch trấu và tấm cho gạo, để làm danh từ chỉ đơn vị. Đơn vị được đong, đo, đếm bằng sàng trong quan niệm dân gian là lớn và nhiều. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp là cách đối lập giữa số ít và số nhiều. Vậy, học một sàng khôn là học được nhau cái hay, cái tốt của thiên hạ để cho mình khôn lớn hơn, hiểu biết về cuộc sống xã hội. Nếu thả mình vào trong sự liên tưởng, thì ít nhiều chúng ta lại nghĩ tới một sự biểu trưng khác của từ sàng khôn này. Thông thường, nói đến sàng người ta nghĩ tới cái được giữ lại ở trên sàng là thứ to hơn, ngược lại cái lọt xuống, lọt qua sàng là thứ nhỏ. Lọt sàng xuống nia mà lại! Sàng khôn có lẽ vì thế mà gợi nên sự liên tưởng tới những điều khôn không chỉ có số lượng nhiều nói chung, mà còn là cái số luợng nhiều đã được chọn lọc. Không hiểu cha ông ta có gửi gắm điều này không, nhưng đứng về phía người thưởng thức và sử dụng ngôn ngữ, những liên tưởng như vậy là hoàn toàn có lý. Trở lại câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn, hai vế câu tục ngữ được hỗ trợ của phép đối và điệp dễ gây liên tưởng có tính khẳng định: hễ cứ đi ra là có thể học được điều hay lẽ phải và càng đi nhiều càng khôn lớn trưởng thành. Đó là thông điệp của cha ông gửi lại cho đời sau.

Câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn còn có một dạng thức nữa là đi một quãng đàng, học một sàng khôn. Dạng thức này hình thành trên cơ sở cụ thể hóa việc đi lại bằng đơn vị không gian (quãng đường) chứ không phải là đơn vị thời gian (ngày đàng) như dạng đang xét. Sự thay đổi này không làm phuơng hại gì đến ý nghĩa của câu tục ngữ.

Gần với câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn về cả ba phương diện cấu tạo và ý nghĩa là câu tục ngữ đi một buổi chợ, học một mớ khôn. Câu tục ngữ này khuyên bảo người đời cần phải tiếp xúc nhiều người, càng tiếp xúc rộng rãi, càng học hỏi được nhiều, và do đó càng hiểu biết, khôn lớn trong cuộc sống.

Trở Lên Trên


6) Đồng Không Mông Quạnh

Với người Việt Nam, ý nghĩa chung của thành ngữ đồng không mông quạnh không có gì là phức tạp khó hiểu. Trong mọi trường hợp, thành ngữ này đều được dùng để chỉ một không gian trống trải, vắng lặng đến mức gây cho con người cảm giác choáng ngợp vì cô đơn.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời