Bài Vở Cũ Khoa học

DienGiaiCaDaoTucNgu 8 ThanhQuangSuuTam



Dan Giai Dien Tich, Thanh Ngu, Ca Dao Tuc Ngu – part 7

Giải Thích Các
Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ

BBT: Để giúp các bạn trẻ hiểu trọn vẹn các điển tích, thánh ngữ hoặc tục ngữ thường được dùng trong trao đổi hằng ngày cũng như trong sách báo, BBT giới thiêu bộ sưu tập “Giải Thích Các Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ” để các bạn tham khảo. Các tài liệu trong bộ sưu tập này được tổng hợp lại từ các trang web điện tử http://e-cadao.com, http://www.quehuong.org.vn


Đã đăng :
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7

Phần 8

  1. Trướng Rũ Màn Che
  2. Lo Bò Trắng Răng
  3. Nát Như Tương
  4. Cửa Khổng Sân Trình
  5. Sức Dài Vai Rộng

  1. Tiền Trảm Hậu Tấu
  2. Khôn Cho Người Ta Rái, Dại Cho Người Ta Thương
  3. Bách Phát Bách Trúng
  4. Ướt Như Chuột Lột
  5. Chén Tạc Chén Thù


1) Trướng Rũ Màn Che

Trướng là bức màn che cửa, có thêu hình trang trí, đẹp, sang trọng, ngày trước nhà quyền quý hay dùng. Và thành ngữ trướng rủ màn che được dùng để chỉ cuộc sống đài các, êm đềm, được nuông chiều trong sự vinh hoa phú quý của tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến, nhất là đối với các lớp con cái của họ. Trong truyện Kiều Nguyễn Du viết:

“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

Cuộc sống giữa nhung lụa nơi lầu son gác tía khép kín ngăn cách với thế giới “hỗn tạp”, rách rưới, ồn ào bên ngoài như thế khiến cho con người mất dần đi mối liên hệ với cuộc sống sinh động của muôn người ngoài xã hội đời thường. Những lo toan, những đắng cay, nhọc nhằn của người đời, cao hơn thế nữa, vận mệnh của một dân tộc, họ cũng chẳng hay biết và chẳng buồn biết tới. Chính cái hiện thực cuộc sống có được ở những người giàu sang, quyền quý xưa đã làm nảy sinh trong ý nghĩ của người đời sự so sánh nó với một lớp người trong xã hội ngày nay, chỉ biết chăm lo, vun vén cho cuộc sống riêng của mình, có tất cả rồi thì sao nhãng công việc cho đời, thu mình, khép kín lại. Và rồi, lớp người ấy bỗng hoảng hốt khi ngẫm lại mình và nhìn ra cuộc đời sống động, thấy mình đã đứng ra ngoài để tự chiêm ngưỡng một cách vô duyên, lạc lõng.

i trướng rủ màn che, trướng phủ màn che hay màn che trướng rủ cũng là trong cái ý ấy cả. Vừa là một nhận xét, cũng vừa là một lời chê trách nhẹ nhàng, lặng lẽ.

Trở Lên Trên


2) Lo Bò Trắng Răng

Nếu ai đó hay lo lắng vu vơ, lo những chuyện không đâu, những chuyện không đáng phải lo, thì sẽ được coi là người “lo bò trắng răng”.

Thành ngữ này được ra trên cơ sở của một thực tế rõ ràng là răng của bò bao giờ cũng trắng. “Bò trắng răng” là một sự thật hiển nhiên. Cho nên “lo bò trắng răng” là lo cái điều vốn hiển nhiên là như thế, cái điều không đáng, không cần phải lo!

Cũng có nhiều người giải thích theo cách khác, cho rằng trắng ở đây có nghĩa là không (như nghĩa của trắng trong mất trắng tức là mất không). Và do đó, lo bò trắng răng nghĩa là lo bò không có răng. Cách giải thích này cũng có vẻ hợp lý. Song, nếu bằng vào câu ca dao:

Lo gì mà lo bò trắng răng
Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò

Thì ta thấy cách luận giải trình bày ở trên là cơ sở hơn. Vả lại, cái thực tế về sự thiếu hụt hàm trên của bò cũng được dùng làm cơ sở để tạo nên một thành ngữ khác, đồng nghĩa với thành ngữ “lo bò trắng răng”. Đó là “lo bò không có hàm trên”.

Thành ngữ thứ hai có nghĩa còn rõ hơn, cụ thể hơn song không được dùng phổ biến như thành ngữ lo bò trắng răng.

Trở Lên Trên


3) Nát Như Tương

Với việc miêu tả trực quan trạng thái nát nhừ, bể vụn của vật thể, thành ngữ nát như tương có nghĩa gần giống như thành ngữ nát như cám. Tuy nhiên, nát như tương còn có ý nghĩa trừu tượng hơn. Trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, thành ngữ này thường dùng để biểu thị sự hư hỏng, đổ nát của một tổ chức, một thể chế…

Về cách làm tương, trong dân gian có câu: “Xôi giặt ba ngày, đậu liền rang, chín tương hai muối ngọt như đàng”. Nghĩa là để cơm nếp mốc ủ ba ngày, rồi rang đậu tương bỏ ngâm, sao cho ba lần nổi ba lần chìm, sau đó mới cho muối theo tỉ lệ muối hai tương chín. Làm đúng theo quy cách như vậy, thì tương sẽ ngọt như đàng (đường). Trong quy trình này, hạt đậu tương phải chịu sự chìm nổi theo thời gian, thành ra khi tương có thể ăn được thì hạt đậu tương cũng nát. Hèn gì trong lời ăn tiếng nói của nhân dân xuất hiện thành ngữ nát như tương hay nát như tương bần (bần: Bần yên Nhân, nơi làm tương ngon nổi tiếng thuộc Hưng Yên ngày nay). Trước hết, nát như tương được dùng để chỉ sự nát vụn, nát nhừ của vật thể.

Với việc miêu tả trực quan trạng thái nát nhừ, bể vụn của vật thể, thành ngữ nát như tương có nghĩa gần giống như thành ngữ nát như cám. Tuy nhiên, nát như tương còn có ý nghĩa trừu tượng hơn. Trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, thành ngữ này thường dùng để biểu thị sự hư hỏng, đổ nát của một tổ chức, một thể chế…

Thành ngữ nát như tương, trong nhiều trường hợp còn được dùng để chỉ một trạng thái tinh thần: đau đớn ưu phiền đến mức độ cao:

“Đào trên mây, hạnh giữa trời
Nghĩ cho nát dạ người như tương”
(Nguyễn Huy Tự. “Hoa tiên”)

Ở phương diện này, đôi khi chúng ta thấy thành ngữ nát như tươm được dùng thay thế nát như tương:

“Mảnh riêng còn nát như tươm
Càng ngơ ngẩn bóng càng năn nỉ tình

Cái đớn đau dày vò tâm can đến mức độ cao mà thành ngữ nát như tương biểu thị còn có thể được lặp lại trong các thành ngữ nát gan nát ruột (nát ruột nát gan) héo gan héo ruột (héo ruột héo gan).v.v…

Trong tiếng Việt, nát như tương còn thấy xuất hiện với chức năng biểu thị chất lượng kém, trình độ tồi của một số sản phẩm trí tuệ: văn nát như tương, lý sự nát như tương:

“Đến điều lí sự nát như tương
Ngẫm sự văn chương đen tựa mực”

Hẳn là nát trong văn như tương, lý sự nát như tương, không phải là từ nát chỉ sự vỡ vụn, nhừ bấy của vật thể. Trong trường hợp này, nát là yếu tố biểu thị sự kém cỏi về trí tuệ. Chúng ta đã từng thấy ý nghĩa này trong từ dốt nát của tiếng Việt.

Trở Lên Trên


4) Cửa Khổng Sân Trình

Trong tiếng Việt, thành ngữ cửa Khổng sân Trình được dùng để chỉ trường dạy Nho Học.

Trong thành ngữ nổi bật tên tuổi hai nhân vật tiêu biểu của đạo Nho: Khổng (Khổng Tử) và Trình (Trình Tử). Khổng Tử là người học rộng, tài cao, vốn là người nhà Chu nước Lỗ (551 trước công nguyên). Khổng Tử soạn lại Lục Kinh, Kinh Thi, phê bình Kinh dịch, dịch Kinh lễ, Kinh nhạc làm Kinh Xuân – ThuLục nghệ. Đạo của Khổng Tử dạy gồm 8 tôn chỉ: hiếu, dễ, trung, thứ, tu, tề, trị, bình. Học trò của Khổng Tử rất nhiều. Về sau, chính họ đã chép những lời dạy của thầy mình thành Luận Ngữ. Còn Trình Tử, tức là Trình Điều, một danh Nho thời Tống thì cũng không hiếm người theo học. Như vậy, nói đến cửa Khổng sân Trình là nói đến hai bậc thầy nổi tiếng trong mối quan hệ với học trò của họ. Thầy và trò là tiêu biểu cho nhà trường, do đó thành ngữ cửa Khổng sân Trình dễ dàng được hiểu là trường học, nơi dạy đạo Nho thuở trước. Thành ngữ cửa Khổng sân Trình còn có biến thể là sân Trình cửa Khổng.

Ngoài ra, trong văn học cổ còn dùng các từ ngữ như sân Trình, cửa Trình, cửa Tuyết, sân Tuyết với ý nghĩa tương tự như cửa Khổng sân Trình. Các dạng thức này được hình thành từ điển tích được ghi lại trong Chu Tử ngữ học. Số là, có hai học trò là Du Tạc và Dương Thời đến nhà Trình Tử ra mắt thầy. Đến nơi thì thầy đang nhắm mắt ngẫm nghĩ. Họ không dám cắt dòng suy nghĩ của thầy, cứ như vậy đứng lặng yên. Mãi đến khi thầy Trình mở mắt thì tuyết đã rơi ở chỗ hai cậu học trò đứng dày đến một thước. Do tích này mà các từ ngữ sân Trình, cửa Trình, sân Tuyết, cửa Tuyết chẳng những biểu hiện nơi học tập đạo Nho mà còn thêm nét nghĩa hàm chỉ ý chí quyết tâm cầu học của những người có chí tiến thủ theo con đường đèn sách thuở trước:

“Thông minh sẵn có tư trời
Còn khi đồng ấu mãi vui cửa Trình”
(Bích Câu kỳ ngộ)

Trở Lên Trên


5) Sức Dài Vai Rộng

Thành ngữ sức dài vai rộng thường được dùng để chỉ những người đang ở độ tuổi trẻ, khoẻ và sung sức.

Trong tiếng Việt, sự kết hợp giữa các từ sứcdài tưởng như không bình thường bởi vì người Việt thường nói sức bền, sức mạnh, sức khoẻ… chứ ít nói tới sức dài. Cách nghĩ này là do chỉ chú ý tới nghĩa của dài trong sự biểu thị độ dài ngắn trong thời gian. Dài trong tiếng Việt còn được dùng để chỉ quãng thời gian nào đó trong sự so sánh với quãng thời gian khác ngắn hơn ngày dài, đêm dài, đời còn dài. Vì vậy, tổ hợp sức dài chẳng những hàm chỉ sức dồi dào, sức nhiều mà còn hàm chỉ cả sự trẻ trung của con người. Vậy mà, bên cạnh sức dài lại còn có sự phụ trợ của vai rộng. Vai rộng là hình ảnh tả thực về thân thể, vóc dáng của những người khoẻ mạnh. Đồng thời, ở tổ hợp này có lẽ còn tiềm ẩn một ý nghĩa biểu trưng, mà theo đó chúng ta có thể thấy ở đây con người có khả năng đảm đương, gánh vác được những công việc nặng nhọc.

Như vậy, sự tương hợp về nghĩa giữa hai tổ hợp sức dàivai rộng đã tạo nên ý nghĩa chung của thành ngữ sức dài vai rộng

Trở Lên Trên


6) Tiền Trảm Hậu Tấu

Tiền trảm hậu tấu có nghĩa là chém trước tâu sau (tiền: trước, trảm: chém, hậu: sau, tấu: tâu, thưa). Trong tiếng Việt thành ngữ tiền trảm hậu tấu thường dùng để chỉ những việc làm không chờ đợi cấp trên, cứ làm, cứ hành động trước, xong xuôi mọi chuyện rồi mới báo cáo, thưa gửi.

Đối với việc chém giết một nhân mạng, một con người mà không cần chờ cấp trên y án, cứ thế mà hành quyết rồi mới tâu thưa, đó là một quyền chỉ được trao cho trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cho nên, hành vi tiền trảm hậu tấu được coi là hành vi tự quyền ứng phó linh hoạt trong điều kiện không thể chờ lệnh cấp trên.

Song khi không được trao quyền đó mà cứ tiền trảm hậu tấu thì đó lại là hành vi tuỳ tiện, liều lĩnh, vô tổ chức.

Nhấn mạnh ý nghĩa “làm trước, báo cáo sau” thành ngữ tiền trảm hậu tấu trong nhiều trường hợp đồng nhất với hành vi đặt mọi chuyện vào sự đã rồi, đẩy người ta vào thế buộc phải chấp nhận kết quả đó không thể thay đổi, đảo ngược tình thế được nữa.

Trở Lên Trên


7) Khôn Cho Người Ta Rái, Dại Cho Người Ta Thương

Trong tiếng Việt, câu tục ngữ khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương được hiểu là khôn thì phải khôn hẳn, khôn đến mức khiến người ta phải sợ, phải kính nể, còn nếu dại thì cũng phải biết thân, biết phận để người khác dễ thông cảm, bỏ qua mà tỏ lòng kính mến, yêu thương.

Ẩn kín đằng sau nó là một bài học quý giá đối với mọi người. Rằng trong cuộc sống “đừng dở dở ương ương cho người ta ghét”!

Câu tục ngữ khôn cho ngươi ta rái, dại cho người thương thuộc loại tục ngữ đối. Phép đối trong câu tục ngữ này theo hai bậc. Bậc đối thứ nhất là đối ý, trong đó khôn cho người ta rái đối với dại cho người ta thương. Bậc đối thứ hai là đối lời, trong đó khôn đối với dạirái đối với thương. Nhờ có phép đối này mà ta có thể xác minh được nghĩa của từ rái, vốn chưa sáng rõ trong câu tục ngữ này. Theo phép đối, nhất là đối lời, nghĩa là rái phải trái với thương. Lần vào kho từ vận tiếng Việt, quả nhiên, chúng ta bắt gặp từ rái với nghĩa là sợ, hãi. Đó là một từ cổ còn được bảo tồn trong phương ngữ. Từ rái này cũng còn xuất hiện trong câu tục ngữ đối khác là yêu như chị em gái, rái như chị em dâu. Xác định được nghĩa của từ rái, thì tất cả mọi từ trong câu tục ngữ khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương đều trở nên sáng rõ và dễ hiểu.

Trở Lên Trên


8) Bách Phát Bách Trúng

Trên thao trường hay ngoài mặt trận, những tay thiện xạ thường được ca ngợi là người có tài “bách phát bách trúng” hay “trăm phát trăm trúng”. Vì sao người ta lại ưa thích ca ngợi người bắn giỏi theo cách như vậy?

Chuyện kể rằng:

Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ.

Có một lần, trong lúc tập luyện, Phan Đáng bắn ba phát tên đều trúng vào hồng tâm, lấy làm đắc ý lắm. Lúc ấy, Dưỡng Do Cơ cũng ở đó, tỏ vẻ không thán phục, bảo rằng: “Bắn trúng hồng tâm có gì là đặc biệt. Cách xa một trăm bước, mũi tên của tôi có thể xuyên qua bất kỳ chiếc lá nào của cây dương liễu”. Nói rồi, Dưỡng Do Cơ giương cung. Quả nhiên, mũi tên xuyên qua chiếc lá dương liễu trên cành cây um tùm.

Nhưng Phan Đáng vẫn không chịu, liền chọn lấy ba lá liễu ở ba chỗ khác nhau, đánh dấu và thách Dưỡng Do Cơ bắn trúng. Dưỡng Do Cơ chỉ nhìn qua, rồi lùi vào vị trí để bắn. Thế rồi, cả ba mũi tên như có mắt, lần lượt xuyên qua ba chiếc lá trước sự kinh ngạc của mọi người.

Về sau, trong cuốn sử ký của nhà viết sử nổi tiếng Tư Mã Thiên, có đoạn viết: “Nước Sở có một người tên là Dưỡng Do Cơ, là một người bắn tên rất kỳ tài, cách xa trăm bước mà “bách phát bách trúng”.

Dưỡng Do Cơ chỉ bắn cả thảy có bốn phát tên trong cuộc thi tài ấy, mà sao Tư Mã Thiên lại viết là “bách phát bách trúng?” Thì ra, “bách” (nghĩa là một trăm) không được dùng để chỉ số lượng cụ thể và xác định. Một nhà thiện xạ được ca ngợi là “bách phát bách trúng” không nhất thiết phải giương cung đến một trăm lần. “Bách” ở đây được dùng với nghĩa biểu trưng là “nhiều, rất nhiều”, còn kết cấu “bách… bách…” biểu thị sự đối xứng tuyệt đối như là “bao nhiêu… thì… bấy nhiêu”.

Trong tiếng Việt, thành ngữ này có hai dạng đồng nghĩa được dùng song song: “bách phát bách trúng” và “trăm phát trăm trúng”.

Về sau “bách phát bách trúng’ còn để chỉ khả nămg của những người làm việc gì cũng đạt kết quả như ý muốn. Cũng vậy, hiện nay, “trúng” đâu phải chỉ là trúng đích mà còn có nghĩa là đạt kết quả, là thành công nữa.

Trở Lên Trên


9) Ướt Như Chuột Lột

Người ta chỉ thấy chuồn chuồn, cua cáy, rắn rết lột xác, chứ có ai thấy chuột lột bao giờ. Thế mà trong tiếng Việt vẫn tồn tại thành ngữ “Ướt như chuột lột” để chỉ sự ướt át đến thảm hại của kẻ ăn sương lội nước.

Điều đáng băn khoăn ở thành ngữ này là tại sao lại có thể nói “Ướt như chuột lột?” Chuột lột thì có liên hệ gì đến sự ướt át? Theo nhiều ý kiến, dạng đích thực của thành ngữ “ướt như chuột lột” phải là “ướt như chuột lụt”.

Trời mưa lụt, nước ngập trắng bão trắng đồng, lũ chuột đâu còn chỗ ẩn náu, buộc phải lóp ngóp bơi trong nước trông mới tang thương thảm hại làm sao! Người chạy lụt đã khổ, nhưng chuột chạy lụt lại càng khốn nạn hơn. Bởi vậy, nói “ướt như chuột lụt” mới lột tả được sự gian truân vất vả, sự ướt át và thực trạng đáng thương của tất cả những ai phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng.

Nhưng tại sao từ chuột lụt lại chuyển sang chuột lột?

Có lẽ do hình ảnh con chuột bị ướt trong những ngày lụt lội ít được người đời quan sát, nên không để lại ấn tượng đậm và phổ biến trong dân gian, dễ dàng di chuyển, bỏ qua.

Mặt khác, do vần uột ụt đứng kề tiếp nhau khó phát âm; theo nguyên tắc đồng hoá trượt, ụt được trượt sang ột dễ đọc hơn.

Thứ ba, trong thành ngữ, nghĩa toàn phần có thể được nhận biết nhờ vào phần đứng đầu là ướt và người bản ngữ thấy có thể thoả mãn điều mình nói, mình nghe.

Trở Lên Trên


10) Chén Tạc Chén Thù

Trong cuộc rượu đãi khách, trước tiên chủ nhà thường rót chén mời khách uống. Chén rượu từ tay người chủ rót để mời khách ấy gọi là chén thù. Uống xong, khách lại tự tay rót chén rượu nâng lên mời chủ để đáp lại tấm lòng thân tình, nồng thắm của người chủ dành cho mình. Chén rượu do khách rót nâng lên mời chủ ấy là chén tạc. Dân gian đã chớp lấy một chi tiết nhỏ trong cuộc tạc thù giao tiếp nhau để biểu trưng cho toàn cuộc vui với không khí thân mật, cởi mở giữa chủ và khách, giữa những người dự tiệc với nhau.

“Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi”
(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Ý nghĩa của thành ngữ chén tạc chén thù thường chỉ hạn hẹp ở sự hàm chỉ việc tiếp rượu trong cuộc ăn uống vui vẻ, thân mật. Tuy nhiên, đôi lúc người Việt cũng mở rộng giới hạn này ra. Theo đó, chén tạc chén thù được dùng để chỉ sự ăn uống nhậu nhẹt nói chung, nay người này mời, mai người kia tiếp đãi lại cho tương xứng. Và, rộng hơn thế nữa, thành ngữ chén tạc chén thù còn nóilên lối sống cánh hẩu, thích bè cánh, có đi có lại giữa những con người tham lam, vụ lợi.

Điều đáng chú ý là thành ngữ chén tạc chén thù vốn là kết quả của sự tương hợp hai danh ngữ (chén tạc + chén thù) nhưng trong hoạt động ngôn ngữ thì thành ngữ này lại thường hành chức với tư cách là vị ngữ.

Thành ngữ chén tạc chén thù có một số biến thể khác là chén thù chén tạc. Ý nghĩa và cách sử dụng hai dạng thức này hoàn toàn đồng nhất.

Trong tiếng Việt, gần nghĩa với thành ngữ chén tạc chén thù là các thành ngữ chén chú chén anh, chén bác chén chú.

Trở Lên Trên



Xin xem tiếp phần 9

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời