Bài Vở Cũ Tùy Bút Văn Nghệ

DongQueChanLamTayBun 10 DangXuanHuong



Dong Que Chan Lam Tay Bun 10 – Dang Xuan Huong

Đồng Quê Chân Lấm Tay Bùn

LTG: Loạt bài viết “Đồng quê chân lấm tay bùn” gồm có nhiều bài viết về các công việc nhà nông ta như : kiếm củi, cọc tiêu, mùa lúa, mùa bù, mùa hái đậu, câu cá, câu lươn, đi bò….chỉ có mục đích ghi lại một vài kỷ niệm vui ngày xưa. Tuy vậy có rất nhiều thiếu sót, mong quí-vị góp ý cho. E-mail về: hgdg67@hotmail.com.

Chân thành cám ơn. đặngxuânhường.


10. Mùa Hái Đậu

Đậu xanh, một loại ngũ cốc quen thuộc với ngưòi Việt Nam, và lại càng quá quen thuộc với dân Bình Giả ta. Không quen thuộc sao được. Chính bàn tay người Bình Giả mình trồng trọt sản xuất ra cả ngàn tấn đậu xanh tung ra bán khắp nơi! Có người bây giờ nghe nói đến đậu xanh chắc vẫn còn có cảm giác “mỏi lưng” vì hái đậu!

Sau mùa bù, bà con dọn đất trồng đậu xanh. Những vùng đất mới, cỏ hoang chưa kịp chen chân nên công việc dọn đất rất dễ dàng, chủ yếu là dọn dẹp dây bù. Bắt bò bừa kéo vào bờ, gặp lúc trời nắng mấy ngày thì có thể đốt bỏ bớt. Những vùng rãy trồng bắp thì công việc dọn dẹp nặng nhọc hơn, vì cây bắp nặng nề hơn “dây chạc” bù, có đốt thì cũng chỉ cháy sơ sơ mấy cái lá, còn thân cây thì cứ vẫn trơ ra đó, cho nên ôm vô bờ chắc ăn!

Tuy vậy chỉ trong vòng một tháng, khoảng tháng chín, là bà con đã trỉa đậu đâu vào đó xong xuôi rồi. Đậu xanh là cây có thu hoạch ngắn ngày, nên mau lắm. Mới trỉa hơn tuần là thấy rãy đậu có màu xanh mơn mởn như một tấm thảm vậy. Khoảng hai tuần là liệu mà đi làm cỏ cho “nó”. Đậu xanh đất mới làm cỏ “khoẻ re như bò kéo xe”! Câu này nói đúng với công việc làm cỏ cho đậu xanh. Chỉ cần cái “cày tay” là hai người có thể làm cả mấy sào cỏ đậu một ngày. Một người cầm cày, một người kéo thay bò, nói là kéo cày chứ thực ra nhẹ hều! Đất mới rất “xốp” nên mềm, ngay cả các bà các ông cũng có thể kéo cái cày này, huống chi là con gái “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”!

Khoảng “tháng tuổi” là đậu xanh ra hoa. Lúc này nhìn rãy đậu không thấy hở cổ hở chân nữa! Đậu mọc tốt kín đất. Lội vô rãy đậu như “lạc vào mê hồn trận”! Lội đến đâu thấy “tiền bạc rủng rỉnh” tới đó! Mấy năm đầu không thấy sâu bọ gì cả. Sau này thì năm nào cũng xuất hiện một loại “rầy” bám vào hoa vào lá đậu, nếu không diệt nó thì đậu “co vòi” trái lép, ít hột, có khi mất trắng luôn!

Mùa đậu xanh, mấy tiệm tạp hoá, hay sạp ngoài chợ Bình Giả bán thuốc trừ sâu rầy rất chạy, vì ai cũng cần có thuốc để xịt cho đậu. Có thuốc lại phải có bình xịt. Đủ loại thuốc trừ sâu rầy và cũng có đủ loại bình xịt. Có cái được biến chế do “nhu cầu cấp bách” mà ra nữa! Qua được cái nạn rầy đậu là mừng, cầm chắc mấy tạ đậu xanh nằm đó chờ ngày mang về nữa mà thôi!

Tháng Chín, tháng Mười lại hay có mưa bão. Đậu ra hoa kết trái vừa căng mà gặp mưa to gió lớn thì ngã rạp cả ra. Đi thăm rãy đậu sau một cơn mưa to gió mạnh thật là sốt ruột, đậu nằm rạp cả ra như có ai mang “trục” ra cán vậy. Nếu mà nó không gượng dậy thì toi công trồng trỉa, vì đậu còn non .Nhưng may mắn, mặc dù cây đậu nom mảnh mai vậy nhưng nó vẫn mạnh mẽ chỗi dậy, dù không có “thẳng lưng” ra, nhưng cũng đủ cho lũ con của nó “khôn lớn” đen nhánh cả.

Khoảng cuối tháng mười là bà con đã bắt đầu “đặt cọc” cho nhau, đổi công hái đậu. Đậu xanh mau chín lắm. Mới vài ngày trước đi thăm còn thấy “muối tiêu” vậy mà chỉ sau một vài ngày có nắng, đi thăm lại thấy cả rãy đen thui! Lúc này thì chẳng ai dám hát câu ca dao:


“Lạy trời mưa xuống,

“Lấy nước tôi uống,

“Lấy ruộng tôi cày…”

Nếu có ê a thì “lạy trời đừng mưa xuống”, “kẻo mà con luống cuống”, chẳng biết mần ăn ra răng với mấy sào đậu xanh đang độ chín đen!

Đã có năm, bà con ai cũng có vài tạ đậu mốc vì cái cảnh này. Đậu chín đen mà mưa tầm tã suốt tuần. Hái được mang về nhà không có nắng mà phơi. Đem trải mỏng ra hết nhà trên xuống nhà dưới, chỉ mong nó đừng có mốc! Nhưng mong chỉ là mong ước, còn đậu mắc mưa thì tất nhiên là nó mốc thôi!

Đi hái đậu cũng có cái thú, đổi công cho nhau nên trai có gái có, tha hồ trò chuyện trên trời dưới đất. Kể chuyện xưa tích cũ, chuyện tiếu lâm, chuyện Trạng Quỳnh…, kể chuyện Quỳnh-Dao “Khói Lam Cuộc Tình”… Chuyện Lệ-Hằng “Tóc Mây”… Chuyện chưởng “Anh Hùng Xạ Điêu” hay “Thần Điêu Đại Hiệp… của Kim-Dung… Hết chuyện kể thì sang chuyện “nói”, rồi sang “lắm chuyện”… Rồi đố nhau bằng những câu đố thanh cũng có mà tục cũng có. Tiếng kể tiếng cười vang cả một khu rãy. Đâu đó có nhóm hái đậu nghỉ trưa ăn cơm, hú vang kêu các nhóm khác cùng nghỉ tay. Cũng có người mang cả cái radio casset vào rãy, mở nhạc hay tuồng cải lương để nghe. Tay hái đậu, miệng nói chuyện, tai nghe nhạc, nghe kể chuyện…

Những lúc hái đậu mà có kể chuyện, nghe nhạc thì đỡ mỏi lưng lắm! Hái đậu cúi lom khom cả ngày rất là mỏi lưng. Có cậu chỉ sau vài ngày là đành “lê la” hết bò đến ngồi rồi quì để hái! Những anh chị tay cừ hái đậu thì đua nhau tài cao thấp, bằng cách đếm coi một ngày được mấy thúng; những lúc đó, hái đậu thật là hứng thú. Trai gái được dịp gần nhau tán gẫu, dù trời mưa cũng không cảm thấy lạnh qúa, trời nắng cũng không đến nỗi khó chịu.

Mùa hái đậu xe bò xếp hàng dài dài, buổi sáng cũng như buổi chiều. Sau mùa xe cày chở bù, đường đất đi rãy vũng “sục bùn” rất nhiều. Tội nghiệp mấy anh bò đực, chiều chiều chẳng phải được no bụng đủng đa đủng đỉnh về nhà “cổ không”, mà phải kéo cái xe chất đầy bao đậu. Gặp những hố sâu do bánh xe cày quậy, các cậu phải rán sức kéo cho lên. Lắm khi có chỗ quá sâu, chẳng con bò nào qua được, thì các “khổ chủ” hùa nhau đẩy phụ cho từng xe qua. Xe sau phụ xe trước, cứ thế mà lần lượt ra về.

Có hôm trời mưa, xe bò lục tục ra về từ lúc vừa chiều, vậy mà về đến nhà có khi chín hay mười giờ đêm.

Ngoài rãy thì đã vậy, người ở nhà phơi đậu cũng có mối lo. Đang phơi đậu mà “trời chợt mưa chợt nắng” thì không phải là “chẳng gì đâu” như Thi sĩ Nguyên Sa nói, mà chạy tất bật để gom lại, kịp thì hốt vô nhà, còn không thì lấy tấm bạt “nylông” che đỡ.

Gặp ngày nắng to, đậu giòn khô queo, kéo cái trục đá cán lên nghe đậu như “reo vui” dưới chân mình! Mồ hôi ướt đầm đìa nhưng thấy vui sướng được mùa!

Cám ơn Trời đã cho Bình Giả những ngày mùa vui vẻ, những vụ mùa bội thu. Đậu xanh đã góp phần làm sung túc cho cuộc sống thôn quê Bình Giả, và cũng đã có không ít những cuộc “tình duyên” tốt đẹp giữa các cô cậu thanh niên thiếu nữ trong làng, khởi đầu từ việc gặp gỡ trong các ngày mùa đổi công hái đậu xanh.

đặngxuânhường

Xin
xem tiếp phần 11 . Đi Câu

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời