Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

GanhRauMuong BoDaXanh



Gánh Rau Muống

Bờ Đá Xanh

Chị Điển giặt xong mớ đồ của mấy đứa con, chị khó nhọc đứng lên mang cái thau đồ ra dây phơi. Cái bụng bầu của chị đã gần ngày cho ra đời đứa bé càng làm cho chị thêm nặng nề.

Tiếng bà Thâu bên kia hàng rào:

– Mự Điển hôm nay có ra ruộng không? Nếu có cắt rau muống về để cho tui mấy bó nhé! Con bé nhà tôi đòi nấu bún riêu cua mà chẳng còn cọng rau muống nào nữa cả. Hôm qua con bé đi ruộng về bắt được một mớ cua đồng ngon lắm!

– Dạ, con cũng tính chiều chiều rồi ra cắt rau. Chà! Bún riêu cua đồng ăn với rau muống chẻ thật là ngon, bác cho con một tô với nhé! Chị Điển cười trả lời.

– Ừ, chiều đưa rau qua rồi mang canh riêu về cho mấy đứa nhỏ ăn nữa, mà này ghé qua chợ chiều nơi cổng chính mua thêm vài ký bún. Bên này bún đang còn mà chắc không đủ nữa!

Chị Điển đã treo xong mớ quần áo, nắng buổi trưa làm mồ hôi ướt đẫm vầng trán. Chị vui vẻ nghĩ đến bữa cơm chiều bằng bún riêu, có lẽ đây là bữa bún riêu cuối cùng trước ngày ở cữ, vì sau khi sinh chắc chắn chị phải kiêng khem mấy loại đồ ăn này cả mấy tháng. Nhà chị có đám ruộng sình, quanh năm nước đọng như cái đầm lầy, rau muống ăn quanh năm. Anh Điển đã đắp bờ chặn lại ngăn nước, nên bây giờ nó như cái ao, rau muống mọc nhanh bò lan rộng ra gần hết mặt ao, cứ mươi ngày chị lại cắt một lần gánh ra chợ bán. Rau muống nhà chị cọng to, nõn nà ai cũng thích, có hôm chị gánh về qua chợ chiều, ghé lại mua ít cá hay vài thứ lặt vặt, bà con xúm lại mua người vài bó hết sạch, chị khỏi phải gánh lên chợ trên.

Cái đám ruộng sình vậy mà được việc, bây giờ ngoài rau muống lại còn có cá đồng nữa. Có bữa thằng con lớn dắt bò đi qua nghe cá lóc quẫy, nó nói ba tát ao bắt cá. Anh Điển cũng biết là có nhiều cá, nhưng còn chờ nắng lên cho nước rút bớt mới tát cho đỡ công.

Thằng con lớn đi học về trước, nó vào nhà hỏi mẹ:

– Có chi ăn không mẹ? Con đi bò đây.

– Mẹ lấy sẵn dưới bàn đó, ăn đi rồi tiện đường ra rẫy đưa cho ba thêm ấm nước chát. Ba mày giờ này mà hết nước chè xanh có lẽ ngồi ngáp rồi! Nói ba chiều nay có bún riêu nha!

Mấy đứa nhỏ cũng lần lượt đi học về, chị Điển dọn cơm cho tụi nó ăn. Lớp nhỏ nhà chị ăn khỏe như vâm, nhà nghèo chẳng mấy khi có thịt cá, bữa nào cũng canh rau lưa thưa mấy con tôm nhỏ, ngọn bù xào với chút mỡ, cà dưa chấm nước tương… nhưng chẳng đứa nào chê cả. Nhìn mấy đứa con ăn cơm húp canh xùm xụp, chị cảm thấy vui trong lòng, đứa nào cũng mạnh khỏe mặc dù chẳng no tròn gì lắm. Chị đưa tay sờ lên bụng, lại sắp sửa thêm đứa nữa, có lẽ vài ngày nữa là chào đời rồi. Chị tính nhẩm coi đã được mấy tháng mấy tuần, nhưng rồi cứ lộn đi lộn lại, chị chắt lưỡi:

– Chà! Tính làm chi cho mệt! Đến ngày rồi nó cũng phải ra thôi!

Nghĩ vậy chị cũng bật cười! Đã có lần chị nói với anh Điển:

– Nhà mình bốn đứa rồi! Có lẽ cai là vừa.

– Mẹ mày hay lo. “Trời sinh voi trời sinh cỏ”. Cai với cắt gì cho rắc rối lôi thôi! Anh Điển cười cười nhăn nhó.

Chẳng là anh cũng không biết phải cai bằng cách nào đây. Tuy vậy, anh chị cũng bàn tính sau đứa thứ năm thì cũng phải “nhín bớt” lại, với cái đà này nội việc lo cái ăn, cái mặc là thấy mệt rồi, chứ đừng nói đến chuyện học hành sách vở.

Nắng chiều đã hanh vàng, không còn gay gắt như ban trưa nữa. Chị Điển sửa sọan gióng gánh để ra ruộng. Lác đác đã có vài người từ ruộng rẫy về sớm.

– Đi cắt rau muống phải không Chuyên?

Chị Điển ngó qua đám rãy bên đường, vườn cây tiêu rậm rạp, chị Hoành đang đứng trên thang cột dây tiêu. Chuyên là tên gọi hồi con gái của chị Điển:

– Ừ, đi cắt rau đây. Có nấu canh gì không chiều mình đưa cho vài bó?

– Gớm, đến ngày rồi mà không chịu nghỉ, coi mà nằm đẻ ngoài ruộng luôn đó!

– Chà! Lo chi, đẻ thì đẻ, mấy lần rồi chứ ít chi! Chị Điển cười.

– Nói vậy chứ lúc về đưa cho mình vài bó nha!

Chị Điển lội bì bõm trong đám ruộng sình lầy, có chỗ sâu đến đầu gối, bình thường đã khó lội trong cái vũng ao này, bây giờ cái bụng nặng nề lại càng khó khăn hơn. Tuy vậy, vốn là dân làm ruộng mấy đời, chị Điển cũng chẳng thấy khó nhọc gì lắm. Tay chị cầm liềm thoăn thoắt cắt ngọn rau muống, thỉnh thoảng chị giật mình vì tiếng quẫy nước của con cá lóc. Nhìn mớ rau đã cắt chị Điển ngẫm nghĩ chắc cũng đủ rồi, vừa gánh với cái bụng bầu của chị, chứ lúc trước thì từng này thấm gì! “Gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”! Chị chẳng còn là mười bảy mười tám gì nữa, nhưng thực ra chị còn khỏe hơn cả đám con gái mới lớn đó nữa!

Gom rau lên bờ, chị bó lại thành từng bó nhỏ gọn gàng, đã nhiều lần làm công việc này nên chị Điển làm rất nhanh, chợt chị thấy cái bụng nhoi nhói, đứa bé có lẽ trở mình sao đó, mấy lần trước, chị cũng sinh mau lắm, có lần anh Điển chạy đi kêu bà đỡ, chưa về đến nhà thì chị đã sinh rồi. Chị ngồi xuống bờ ruộng, lấy tay xoa xoa cái bụng bầu:

– Rán đợi đi con, để mẹ về nhà đã!

Nghỉ một lúc, chị xếp rau gọn gàng vào rổ rồi gánh về. Gánh rau chẳng nặng nề gì ngay cả lúc này, nhưng chị cũng thoáng chút lo âu, nhỡ may sẩy thai thì thật tội, bà con lại nói là ham làm không biết kiêng tránh công việc nặng. Đã hơn nửa đường về nhà, cái bụng chị như trễ xuống, chị có cảm tưởng không tài nào chờ đợi thêm được nữa. Chị đặt gánh rau xuống bên vệ đường rồi ngồi nghỉ, cơn đau lại quặn lên. Chị mong có ai để nhắn về nhà

– Chị Điển phải không? Đau bụng đẻ hả?

Bà Huyễn trên vai với cái đòn xóc hai bó cỏ lớn, thấy chị Điển ngồi nghỉ có vẻ lo lắng, bà dừng lại hỏi thăm. Chị Điển mừng quýnh:

– Bác Huyễn, nhờ bác về ghé qua nhà con nói đứa nào kêu anh Điển về đánh xe bò ra đưa con về, con đau bụng lắm có lẽ không đi về được nữa!

Bà Huyễn vừa cười vừa đặt hai bó cỏ xuống:

– Để có đứa mô đi bò về qua tui nhắn cho, tui ngồi lại đây với chị, chứ coi bộ tui nghi là xe chưa ra mà con đã ra rồi!

Vừa lúc đó cu Liễng dẫn bò về ngang. Bà Huyễn nói:

– Liễng, con về qua nhà chú Điển nói đứa nào đó đưa xe bò ra chở mự Điển về, mự sắp đẻ rồi, đi không nổi nữa. Nếu như không có ai ở nhà, con chịu khó chạy qua nhà bà Thâu nhắn bà Thâu nói dùm cho.

Cu Liễn tò mò nhìn chị Điển trả lời:

– Dạ, để con nói cho. Mà hồi nãy con thấy xe bò anh Chiếu sắp về, nếu như chú Điển không ra kịp thì nhờ anh Chiếu chở về cho.

– Thật không? Nhưng cứ về qua thì nhắn nha Liễng. Cám ơn con nha!

Trời đã về chiều, người đi làm bắt đầu lũ lượt về, vài ba chị đứng lại hỏi thăm. Chị Điển biết có lẽ không rán được nữa nói với bà Huyễn:

– Bác Huyễn, có lẽ con đẻ bây giờ chứ về nhà không kịp nữa!

Bà Huyễn cũng lúng túng, thường tình ở nhà thì cũng chẳng có gì cho bà phải khó nghĩ, vì là chuyện đàn bà sinh đẻ thường quá, nhưng bây giờ ở giữa đường giữa sá bà chẳng biết phải làm sao. Chị Quỳnh đề nghị:

– Bác Huyễn, có lẽ đưa chị Điển xuống phía dưới ruộng, trải tấm ny lông cho chị nằm đỡ, trên đường như thế này bò me đi lại bụi bặm quá. Con nghĩ chắc chị Điển không về kịp đâu.

– Ừ! Vậy đỡ chị ấy xuống, đi qua cái mương cẩn thận nha!

Thấy mấy đứa nhỏ đi bò về đứng lại nhìn, bà Huyễn nạt:

– Bây lo coi bò về đi, nhìn gì mà nhìn! Chị Điển sắp đẻ thôi mà!

Lũ nhỏ vừa cười vừa chạy theo đàn bò đi đã khá xa. Chỉ mấy phút sau, có tiếng trẻ khóc oa oa chào đời, chị Quỳnh nói với chị Điển:

– Lại thêm một o nữa rồi Chuyên ơi! Vậy là ba trai hai gái đủ rồi!

– Nhà mình muốn một o mà chưa có, ba lần đều là thằng cu cả ba! Chị Dần cười.

Trong khi chị Quỳnh, chị Dần lo cho đứa bé. Bà Huyễn lo dọn dẹp cho chị Điển. Vừa lúc đó xe bò anh Chiếu về tới, bà Huyễn đã thấy từ xa nên bước lên trên đường.

– Chiếu ơi! Xe bò có chở gì không, nếu không, chở dùm chị Điển về với, chị sinh rồi!

– Dạ, xe bò con thì chỉ có mấy bó cỏ thôi. Anh Chiếu ngừng xe lại.

Bà Huyến và mọi người dọn dẹp xe bò, trải tấm ny lông lên lớp cỏ, rồi dìu chị Điển lên xe. Xe bò tiếp tục lăn bánh trên đường về nhà. Chị Dần ôm đứa bé vừa đi vừa nói:

– Cho tui bồng con bé về để lấy hơi đẻ đứa con gái cho ông xã mừng.

Chị Quỳnh trêu anh Chiếu:

– Cỏ này về bò ăn là đẻ lia lịa đây Chiếu!

– Nhà em chỉ có con bò đực này, đẻ gì mà đẻ.

Bà Huyến còn chọc thêm:

– Hồi nãy cu Chiếu mà về sớm một chút là còn học được cách đỡ đẻ nữa. Mai mốt có vợ khỏi phải kêu bà đỡ.

Anh Chiếu đỏ mặt:

– Chà! Vậy là may cho con đó! Chứ đàn ông mà gặp như thế này thì chẳng biết phải làm sao?

Chị Dần đang bồng đứa bé cũng thêm vào:

– Chẳng biết làm sao hả Chiếu? Chứ mấy ông làm cho có con thì được mà đến lúc đỡ con thì lại chẳng biết “nàm thao”!

Mấy bà cười vang làm anh Chiếu mắc cở chẳng nói thêm được gì. Vừa lúc đó bà Thâu đang lật đật trên đường đi ra ruộng. Nhìn thấy chị Dần ôm đứa bé, bà vừa cười vừa nói:

– Ra sao rồi? Đẻ rồi hả? Con Niệm nhà tui chạy vô rãy gọi anh Điển, tui sốt ruột không biết chị Điển ngoài này thế nào nên đi ra. Lại con gái nữa hả, xóm này mẹt nhiều rồi!

Bà Huyễn cũng cười:

– Xóm trên tui toàn là đực rựa, chiều chiều tụi nó đá banh đá bóng gì đó bụi mù trời. Xóm dưới chị toàn là con gái, chiều chiều nghe mùi chè đậu, bánh chiên thơm lừng.

Bà Thâu nghe đến chuyện nấu nướng chợt nhớ ra nồi bún riêu chưa có rau muống chẻ, hỏi chị Điển:

– Thế mự Điển đã cắt rau chưa, hay chỉ mới vào đến ruộng là đau đẻ rồi?

Bà Huyễn la lên:

– Quên mất gánh rau muống của chị Điển rồi, tui xốc hai bó cỏ lên cũng thấy gánh rau đó mà rồi lật đật đi theo nên quên mất! Gánh rau đang nằm bên lề đường đó.

Chị Quỳnh đề nghị:

– Thôi để lát nữa anh Điển ra gánh về cũng được, về nhà thấy vợ đẻ bằng yên là mừng húm rồi, chạy ra ruộng gánh rau về ăn thua chi.

Bà Thâu vừa quay bước trở về, nghe nói vậy bèn hỏi:

– Có xa lắm không? Thôi, để tui quay lại gánh về cho chị Điển. Với lại nồi bún riêu tui phải có rau muống thì mới ăn được.

– Không xa lắm mô, ở đây vô chừng vài trăm thước, gánh rau ở phiá bên lề trái. Bà Huyễn đáp.

Ghé vào xe bò vẫn đang thong thả lăn bánh bà Thâu nói:

– Mự cứ yên chí nha, tui quay lại gánh mớ rau về. Tối nay tui nói con Niệm mang bún riêu qua cho cha con ăn.

– Dạ, con cám ơn bác, nhờ bác về ngang qua nhà chị Hoành đưa vài bó rau cho chị ấy dùm con, hồi chiều chị Hoành dặn rồi.

– Ừ, đừng lo, tối nay tui qua, có lẽ bà ngoại đám nhỏ cũng tới, tui têm trầu qua học chuyện cho vui.

Chị Quỳnh nghe nói đến bún riêu cũng dặn đùa:

– Bác Thâu nhớ để phần con và chị Dần nữa nhé, tối nay tụi con ở lại chờ ăn bún riêu rồi mới về!

Bà Thâu ngoái lại:

– Có ở lại không đó? Ăn bún riêu xong rồi về chồng lại cho ăn hèo rán chịu nhá!

Mọi người cười khúc khích bước theo chiếc xe bò vẫn đủnh đỉnh trên đường về nhà, ai cũng trò chuyện trong cái không khí bình thường như không có gì xảy ra cả. Tình quê thật giản dị mà đậm đà, cuộc sống quê thật nhiều khó khăn vất vả, nhưng với tình quê “tối lửa tắt đèn có nhau” làm cho cuộc sống dễ chịu, thật là thân thương!

Bờ Đá Xanh

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời