Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

GhetThuongChangTraiBinhGia NguyenDuyAn

Ghet – Thuong – Chang Trai Binh Gia

Ghét… Thương…
Chàng Trai Bình Giả

(Tặng những chàng trai thôn Bình
đang lưu học tại Sàigòn)

Nguyễn Duy-An

Tôi cất chiếc cặp lên giá sách, chưa kịp thay quần áo đã nghe tiếng chuông
gọi cổng. Tôi vừa về tới nhà sau mấy giờ đi học thêm Toán và Sinh Ngữ ở trung
tâm Cách Mạng Tháng 8. Biết mẹ đang làm cơm sau bếp, tôi đành lê chân xuống nhà
xem ai tới. Vừa nhác thấy bóng dáng của hắn, tim tôi đã giật thót và đứng lặng,
không dám ra mở cổng nữa. Người đâu mà lì ơi là lì! Tôi vùng vằng trở lên gác…

Lại một tiếng chuông gọi cổng vang lên kèm theo giọng mẹ gọi với từ bếp lên:

– Nguyệt à. Con ra xem ai đến nhà mình, mẹ đang làm cá dở tay.

– Con đang chuẩn bị tắm mà mẹ. Kệ họ đi, lát bố về rồi tính.

Tôi vội vàng dối mẹ. Tôi không muốn nhìn mặt hắn. Người gì mà ăn mặc quê mùa,
giọng nói nghe không êm tai chút nào, lại bày đặt ta đây. Thấy mà ghét tợn. Nhỏ
Thủy và tôi đã đụng độ đám bạn của hắn trong một quán chè bên cạnh Nhà Thờ Ba
Chuông vào một buổi chiều Chúa Nhật cách đây gần một tháng. Hai đứa tôi vừa ăn
xong 2 ly chè thì một đám thanh niên 6 người tới ngồi ngay bàn bên cạnh. Nhìn
khuôn mặt hắn, tôi không có một tý cảm tình, nhưng chính hắn lại quay qua bàn
chúng tôi ngỏ ý làm quen. Tôi sợ lắm, ngồi nghe tim đập thình thịch. Nhỏ Thủy
mọi ngày rất đanh đá, nhưng bây giờ cũng chỉ dám thỏ thẻ “cho chúng em xin hai
chữ bình an”. Không ngờ câu nói ấy lại gây nên cớ cho hắn mở máy:

– Chi chớ bình an thì nhà tui nhiều lắm. Bọn tui ở Bình Giả mà. Bình là bình
an đó. Cho tui làm quen hai o được không? Nối bàn lại ngồi cho vui hầy. Bữa ni
có người bao.

– Bọn này phải về, nhưng các anh cứ việc trả tiền dùm nghe.

Tôi ngượng chín người khi nghe nhỏ Thủy lên tiếng, rồi nó vội vàng kéo tay
tôi đứng lên. Tới quầy trả tiền, nhỏ Thủy chỉ tay vào bàn hắn nói:

– Mấy anh bàn kia sẽ trả tiền.

Tôi lấm la lấm lét, run rẩy bước vội ra lấy xe mà chỉ sợ đám bạn hắn chạy
theo. Tôi cằn nhằn nhỏ bạn:

– Dị quá!

– Cho thấm đòn. Mấy tên nhà quê ra tỉnh bựa lắm.

Tôi chở Thủy về nhà, thay vì ghé vào chơi, tôi lấy cớ phải chở mẹ đi lễ chiều
nên về ngay. Thực ra tôi chỉ muốn chạy thật xa quán chè càng nhanh càng tốt. Nhà
tôi ở mãi bên Phú Nhuận nên chắc không đụng lại mặt hắn, chỉ cần tôi tránh xa
khu vực Nhà Thờ Ba Chuông. Mấy tuần kế tiếp vẫn bình thường. Tôi đã hơi quên
khuôn mặt của hắn cũng như đám bạn “nhà quê” của hắn. Đùng một cái chiều nay hắn
xuất hiện một mình, ngay khi tôi và nhỏ Thủy vừa bước ra khỏi cổng trường.

– Hai o trốn kỹ rứa? Bữa ni tui mới tìm được. Tui là Sơn. O ni tên là
Hồng-Nguyệt, biết rồi. Còn o ni tên chi hầy? Tui mời đi ăn chè.

Gặp lại hắn tôi đã run. Bây giờ nghe hắn gọi tên, tôi mới thật sự kinh hoàng.
Không hiểu sao hắn lại biết tên tôi, và tìm ra trường chúng tôi đi học thêm để
chặn đường. Thấy tôi run quá, nhỏ Thủy làm gan hỏi:

– Sao anh đón đường bọn này ở cổng trường?

– Có chi mô. Lần trước bị ép phải trả tiền bất đắc dĩ nên hôm nay mời lại
đàng hoàng. Tui con nhà có đạo, không làm bậy mô. Hai o đừng sợ. À cô chứ không
phải o. Tập mãi mà cứ quên!

– Bọn này không dám. Anh để lúc khác nhé.

– Thì cô cho biết tên đi. Mà lần tới gặp ở mô? Tui kiếm mấy tuần không gặp,
mại tới bửa ni mới thấy cô trên đường đi học, theo xa xa tới đây, ngồi chờ mấy
tiếng đồng hồ bên kia đường mà cô nỡ từ chối răng?

Nhỏ Thủy láu cá là thế, nhưng khi người ta hỏi tới mình lại im re. Tôi nghĩ
chắc anh chàng Sơn này chịu đèn nhỏ Thủy. Chờ một lát không thấy Thủy nói năng
gì, tôi đành lên tiếng:

– Bạn em tên Thanh-Thủy. Nhưng sao anh biết tên em vậy?

– Có chi mô. Bữa trước ở trong quán cô đi mau quá, chắc cô Thủy sợ cô bổ nên
nói với theo “chờ tý Hồng-Nguyệt”, tui nghe được nên biết tên cô, và cứ gọi thầm
mại để khỏi quên. Dịp may hiếm có mà.

– Dạ. “Sơn — Thủy”: Nghe như bức tranh Thủy mạc của bố…

Tôi chưa nói hết câu, đã phải oặn mình, nhăn mặt vì cái nhéo đau điếng của
Thủy. Hắn nhận ra có điều bất ổn, nên vội vàng lên tiếng:

– Nếu không tiện thì thôi. Tui nào dám làm phiền ai. Có điều nếu hai cô đồng
ý đi ăn chè thì tui mừng lắm.

Tôi nghĩ hắn mết nhỏ Thủy, lại vừa mới bị một cái nhéo ghê hồn, nên tôi nói
nhỏ vào tai Thủy:

– Tính sao đây bạn?

Chưa nghe Thủy nói gì thì hắn đã lên tiếng:

– Thôi, để hai cô về kẻo trễ. Số tui không tốt. Lại lỡ một dịp may. Hẹn gặp
lại.

Nói xong hắn bước qua đường. Tôi lấm lét trông theo mới hay đám bạn hắn cũng
mới từ trong quán bước ra, vui vẻ nói cười, chọc quê hắn thì phải. Hắn vừa đi,
Thủy đã cằn nhằn:

– Khi không gán ghép người ta chi dzậy hả? Thứ đó các vàng cũng hổng thèm.

– Coi chừng ghét của nào trời cho của đó nghe bạn.

– Không đâu. Lâu nay mình vẫn dấu Nguyệt. Tết năm nay mình làm đám cưới với
anh chàng Việt Kiều bạn anh mình đó.

– Chi gấp vậy, mới bước lên 18 đã vội vàng…

– Người ta muốn thế. Đàng nào qua bên đó cũng phải đi học lại nên mình đâu
cần thi tốt nghiệp Phổ Thông bên này làm chi. Hết hè này mình không trở lại
trường nữa, chỉ đi học thêm Sinh Ngữ thôi.

Nghe Thủy tâm sự, tự nhiên tôi thấy như mất mát một điều gì. Được đứa bạn
thân, định Noel này giới thiệu cho ông anh đang đi làm trên Đà Lạt. Bây giờ nó
lại sắp sửa theo chồng đi xa. Mỗi lần nghe bố mẹ thúc dục ông anh lo cưới vợ đi
mà mình sót cả ruột. Ông bà chỉ ham có trẻ con “cho vui cửa vui nhà”. Mình thì
sợ cảnh chị dâu em chồng nên lăm le giới thiệu con bạn thân cho ông anh. Bây
giờ!!!

Tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ, về tới nhà lúc nào không hay. Chắc hắn theo tôi từ
cổng trường về đây. Thôi, cứ đi tắm cho mát cái đã, tới đâu hay tới đó… Gần cả
tiếng đồng hồ sau tôi mới ra khỏi phòng, đang định xuống phụ mẹ làm cơm vì chắc
bố đi làm cũng sắp về rồi. Vừa ló đầu ra cầu thang tôi đã nghe giọng bố hơi lớn:

– Cậu định giở trò gì đây?

– Dạ. Ậy, ậy… Cháu nỏ dám mô. Như cháu đã thưa thật với bác gái đó, cháu
thua độ mấy người bạn nên bí quá, phải làm liều tới nhà.

Nghe giọng hắn thưa bẩm với bố, tôi hãi quá, tính quay trở lại phòng mình.
Xúi quẩy cho tôi, bố lại ngẩng đầu lên và trông thấy:

– Nguyệt xuống bố bảo. Con làm gì cho cậu Sơn phải kiếm tới nhà?

Tồi đành lê gót xuống phòng khách, vừa đi vừa run, xuống ngồi bên cạnh bố thỏ
thẻ:

– Con đâu quen anh này bố!

Tôi đỏ tía cả mặt mày sau câu nói dối. Hắn nhìn trừng trừng vào mắt tôi, nói:

– Cô Nguyệt nói rứa răng được. Tui đã nói với bác trai là tôi quen Nguyệt ở
Nhà Thờ Ba Chuông, hồi chiều gặp ở trường, có tý việc riêng cần cô giúp nên theo
về nhà. Chừ cô nói rứa tui…

Bố tôi ngắt lời hắn:

– Nguyệt. Cậu Sơn nói đúng không?

– Dạ… Có gặp với Thủy, nhưng đâu quen bố.

– Con còn chối nữa. Xuống bếp giúp mẹ sắp cơm, mời cậu Sơn dùng cơm luôn rồi
nói chuyện.

Tôi quá ngạc nhiên về thái độ và câu nói của bố. Không biết hắn đã nói với bố
những gì trước khi tôi xuống nhà. Chúa ơi! Tôi dớm đứng lên thì nghe hắn nói,
giọng cũng run run chẳng khác gì tôi lúc nãy:

– Dạ. Cháu nỏ dám phiền hai bác. Cháu xin lỗi và xin phép bác cháu về.

– Cậu không phải đi đâu cả. Cứ ở lại dùng cơm. Tôi thực tình chứ không phải
mời giơi đâu. Tôi chưa biết cậu âm mưu chuyện gì, nhưng tôi phục tính can đảm
của cậu. Ta vừa ăn vừa nói chuyện. Nguyệt xuống giúp mẹ sắp cơm lẹ lên con.

Tôi muốn ngồi lại nghe xem tình hình ra sao, nhưng bố đã nói thế, tôi đành
xuống bếp. Vừa trông thấy tôi, mẹ đã hỏi:

– Có chuyện gì vậy Nguyệt?

– Con đâu biết gì mẹ. Con đang lo đây.

– Lúc nãy mẹ tưởng con ra mở cổng. Chờ mãi không thấy gì, lại nghe chuông
kêu. Mẹ rửa tay vội vàng ra mở cổng. Thấy nó lớ ngớ như mán rừng, hỏi thăm có
phải nhà cô Nguyệt không. Mẹ dẫn vào phòng khách, tính gọi con thì nghe nước
chảy trong phòng tắm, mẹ đành ngồi tiếp chuyện. Vừa nói được dăm ba câu thì bố
về. Không biết hôm nay bố mày gặp chuyện gì vui đâu ngoài đường, lại nói mẹ
xuống làm thêm cơm mời nó ở lại dùng cơm rồi nói chuyện.

– Hắn có nói gì với mẹ không?

– Giọng hắn nói mẹ nghe tiếng mất tiếng còn… Gì mà thua bạn bè, phải đãi ăn
chè, mà phải mời cho được con mới nghe.

– Sao kỳ vậy? Con sợ bố la.

– Mà con làm gì hắn vậy?

Tôi thật thà kể lại cho mẹ nghe chuyện tháng trước và buổi gặp lại chiều này
tại cổng trường. Mẹ nghe xong chỉ tủm tỉm cười làm tôi càng lo thêm. Tôi phụ mẹ
dọn cơm lên nhà đã thấy hắn và bố ngồi sẵn ở bàn ăn, hắn đang ngập ngừng kể lể,
giọng cũng không đến nỗi trọ trẹ như hồi chiều:

– Dạ. Cháu đi làm thợ hồ mấy tháng hè để kiếm thêm tiền cho năm học tới. Cháu
cố thêm năm nữa cho xong…

Bố tôi cắt ngang:

– Đọc kinh ăn cơm đã, rồi vừa ăn vừa nói.

Hắn chỉ ăn có một chén cơm nhỏ với canh. Bố mẹ tôi mời sao hắn cũng không ăn
nữa. Chắc trong lòng hắn đang run lắm. Bố tôi thật tình:

– Cậu Sơn cứ ăn tự nhiên đi, trước lạ sau quen. Lúc mới về thấy cậu ăn nói
hùng hổ với nhà tôi lắm mà.

– Mô có bác. Ậy, ậy… Cháu chỉ cố gắng giải thích cho bác gái biết lý do
cháu đến tìm cô Nguyệt thôi.

– Không sao. Cứ ăn cho no đi, làm thợ hồ gì mà ăn yếu sìu vậy, sức đâu mà làm?

– Dạ, dạ… hồi chiều cháu ăn rồi. Với lại từ ngày lên Sàigòn học, cháu tập
ăn ít lại cho đỡ tốn kém cho cha mẹ phải gởi gạo nuôi mình. Hồi đầu cháu khó
chịu lắm, đói bụng ngủ không được, nhưng bây giờ quen rồi.

– Tuỳ cậu. Bây giờ cậu nói xem tại sao cậu cần gặp con Nguyệt?

– Dạ, dạ… thưa thật với hai bác và cô đây. Hôm gặp cô Thủy và cô đây ở quán
chè gần Nhà Thờ Ba Chuông, cháu ngỏ ý mời hai cô ngồi chung ăn chè cho vui.
Chẳng những không đồng ý, hai cô lại bỏ đi, bắt bạn cháu phải trả thêm tiền hai
ly chè. Mấy đứa bạn đổ lỗi cho cháu. Tụi nó thách là trong vòng một tháng, nếu
cháu mời được một trong hai cô đi ăn chè với cháu, và phải cho tụi nó trông thấy,
tụi nó sẽ nộp cho cháu mỗi đứa 50 ngàn, bằng không cháu phải đãi năm đứa kia ăn
một bữa chè vô tư. Cháu đi tìm mãi tới chiều nay mới gặp được hai cô ở cổng
trường trên đường Cách Mạng Tháng 8, gọi mấy đứa bạn tới chờ bên kia đường,
nhưng hai cô bỏ về. Mấy đứa bạn trêu cháu quá xá nên cháu làm liều đi theo cô
Nguyệt về đây.

– Chè vô tư là chè gì thế?

– Ầy, ầy… Xin lỗi bác. Chuyện là ri. Mấy đứa cháu ở miền quê lên đây trọ
học, thấy ly chè bé cỏn con, nghĩ bụng nếu muốn ăn cho đã chắc mỗi đứa phải mười
ly trở lên, nhưng tiền đâu mà dám ăn tợn thế. Ở dưới quê, lâu lâu mẹ cháu nấu
một nồi chè đậu xanh tổ chảng, anh em đứa nào muốn ăn mấy tô thì ăn, chứ ai lại
ăn có một ly tý tẹo như trên ni. Ý mấy đứa bạn là nếu thua, cháu phải đãi mấy
đứa ăn một bữa thả cửa, mấy ly cũng được. Nhưng cháu nghĩ rồi, đằng nào vài tuần
nữa cháu cũng phải về thăm nhà trước khi tựu trường, cháu vác lên một túi đậu
xanh, mượn chủ nhà cái nồi mười, nấu cho tụi nó ăn một bữa là huề cả làng.

Bố tôi bật cười vì cách nói chuyện của hắn. Thấy bố vui, tôi bạo dạn lên
tiếng:

– Thế anh Sơn đưa Nguyệt ra đánh cuộc với bạn bè à?

– Ậy, ậy… mô có. À quên, tui đâu dám, cô Nguyệt đừng nói thế tội chết. Mình
con nhà có đạo, ai lại làm rứa. Tui nhận lời vì thấy cô Nguyệt có duyên lắm, nếu
mà làm quen được cũng đáng hãnh diện với đám bạn Bình Giả, nên làm liều rứa…
Cô Nguyệt đừng giận tội nghiệp tui mà. Tui biết tui là người quê mùa cục mịch
nên nỏ dám chọc mấy cô Sàigòn, có điều mấy đứa bạn làm tui nổi máu anh hùng…
Mấy thằng cứ nói là tại tui mà tụi nớ phải trả tiền chè nên ép tui đó mà.

– Nếu bố mẹ cho phép, và anh Sơn mời cả Thủy nữa, Nguyệt sẽ giúp anh Sơn
thắng cuộc.

– Rứa thì nhứt rồi. Nhưng mà nếu cô Thủy không đi cũng được. Tui chỉ cần một
cô là thắng cuộc rồi.

Mẹ tôi âu yếm nhìn bố rồi nhỏ nhẹ:

– Bao nhiêu năm nay bây giờ mới gặp cậu Sơn là người hơn bố đấy nhé.

Tôi chẳng hiểu mẹ nói gì, chỉ thấy mẹ tủm tỉm cười, còn bố thì xuề xòa:

– Thôi thì thế này nhé. Hôm nay Thứ Sáu rồi. Chiều Chúa Nhật bố cho phép con,
mời cả Thủy nữa, đi ăn chè với mấy người bạn của cậu Sơn một buổi. Nhớ đừng ăn
vô tư nhé.

Tôi muốn phì cười nhưng phải cố nén lại. Còn Sơn thì đỏ mặt tía tai, xoa xoa
hai tay nói:

– Ậy, ậy… Không răng mô, cứ ăn vô tư. Cháu thật cám ơn hai bác và cô đây
nhiều lắm. Chứ không thì mất mặt với bạn bè quá. Vậy cháu tới đón cô Nguyệt, rồi
qua đón cô Thủy là tiện lắm, ta gặp mấy đứa bạn ở cái tiệm hôm trước vừa khéo.

– Thôi, để Nguyệt tới đón Thủy rồi gặp mấy anh ở đấy khoảng 3 giờ chiều được
rồi.

– Ậy, ậy… Cô nói rứa răng được. Để tui đến nhà thăm hai bác và đón cô đi
mới phải phép chứ. Phải không bác trai?

Bố tôi đang cười cười vì mỗi lần hắn luống cuống là cứ lắp bắp “ậy, ậy…”
rồi mới nói nên lời. Bố dễ dãi:

– Tôi biết tỏng là cậu muốn kiếm cớ để tới nhà chơi, nhưng được, không sao.
Con trai phải hoạt bát nhanh nhẹn thế mới được. Nhưng cậu phải tập nói chầm chậm
một tý cho khỏi vấp váp. Giọng Nghệ Tĩnh của cậu đã khó nghe, cậu lại nói nhanh
nữa, tôi thua.

– Ậy, à… Cháu xin lỗi bác. Hồi đầu cháu cũng tập nói tiếng nam, tiếng bắc
cho đỡ quê, nhưng mấy đứa bạn cứ bảo “tiếng choa, choa nói” nên cháu quen luôn.
Bây giờ không đổi được.

– Lại ậy nữa rồi. Giọng nào cũng hay cả. Có điều mình phải nói từ từ và rõ
ràng cho người ta nghe kịp thì mới nói chuyện được, tránh hiểu lầm.

– Dạ. Cám ơn bác chỉ dạy. Nghe cứ như cha cháu dưới quê vậy. Thôi, cháu cám
ơn hai bác và cô Nguyệt nhiều. Cháu xin phép về để hai bác nghỉ ngơi, và cô
Nguyệt chắc cũng phải học bài nữa. Chiều Chúa Nhật cháu xin phép tới đón cô
Nguyệt.

Hắn nói thế rồi đứng lên cúi đầu chào lần nữa và ra về. Người đâu mà kỳ cục!
Ăn nói, đi đứng cứ như hỏa tiễn vậy. Tôi không hiểu sao bố lại dễ dãi với hắn
thế. Bình thường bố khắt khe lắm. Lúc giúp mẹ rửa chén, tôi mới biết là ngày bố
mẹ mới quen nhau cũng có vài chuyện hiểu lầm, về sau nhờ ông ngoại nhanh trí “gỡ
rối tơ lòng” cho hai người… Tôi nghe mẹ kể chuyện mà đầu óc cứ suy nghĩ vẩn vơ
về hắn nên cũng không nhớ mẹ kể tới đâu.

Chúa Nhật. Đi lễ về, bố mẹ phải qua nhà bác ăn giỗ nên tôi dùng tạm ít cơm
nguội rồi mở TV xem chương trình ca nhạc yêu cầu. Mới hơn 1 giờ đã nghe chuông
kêu ngoài cửa. Nhìn ra, thấy hắn trong bộ quần áo tươm tất trông khác hẳn mấy
lần gặp trước. Tôi ngỡ ngàng nhưng lòng cũng rộn rã vui mừng vì thấy hắn không
đến nỗi nào, đi chung cũng không quê lắm. Tôi vừa ra tới cổng, chưa mở cửa hắn
đã lên tiếng:

– Có phiền hai bác không cô Nguyệt? Tui đến sớm quá, nhưng cứ nhấp nhỏm từ
sáng tới giờ, đi lễ cũng không yên nữa, nên tui cứ tới đại, hy vọng không làm
phiền giấc ngủ trưa của hai bác.

Vừa mở cổng cho hắn dắt xe vao, tôi vừa nói:

– Bố mẹ Nguyệt đi ăn giỗ chưa về, nhưng anh Sơn không sợ phiền Nguyệt ngủ
trưa chưa dậy sao?

– Cũng có chứ, nhưng tui nghĩ cô Nguyệt không giận nên tui chỉ sợ hai bác
thôi.

– Nguyệt hay giận lắm chứ bộ. Anh Sơn vô nhà chơi. Phải chờ bố mẹ về Nguyệt
mới đi với anh Sơn được.

– Tui cũng nghĩa rứa, nhưng không hiểu sao cứ muốn đến sớm.

– Anh Sơn bị xui rồi vì Thủy hôm nay bận nên không đi ăn chè được.

– Có chi mô, mình cô Nguyệt đủ rồi. Tui thắng chuyến ni là mấy đứa bạn Bình
Giả nể lắm.

– Thế anh Sơn làm quen với Nguyệt vì bạn bè thách đố nhỉ?

– Cũng có… Nhưng tôi chỉ liều mình thôi chứ tự biết mình đâu dám.

Hắn nói thế rồi im luôn. Tôi nghĩ hắn mang mặc cảm “nhà quê”. Tôi muốn nói
vài lời với hắn, nhưng chẳng biết nói gì. Hôm rồi bố tôi kể sơ sơ về cuộc đời
hắn cho mẹ con tôi nghe. Bố có vẻ phục hắn vì biết nhà hắn nghèo nhưng đã tìm
mọi cách để đi học đại học, mỗi năm gia đình chỉ giúp hắn đủ gạo ăn, còn hắn
phải đi làm thợ hồ mùa hè kiếm tiền trả tiền nhà trọ, tiền học, tiền sách vở…
Trong năm học hắn cũng đi dạy kèm gì đó kiếm thêm. Bố tôi khen hắn là người có
chí, thật thà như đếm và có vẻ đạo đức đàng hoàng. Tôi chỉ nhớ mỗi lần muốn nói
gì quan trọng, hắn đều thêm câu “con nhà có đạo” nghe cũng hay hay, nhưng có vẻ
quê mùa sao đó. May quá, đang nghĩ cách gợi chuyện với hắn thì bố mẹ về. Tôi có
lý do rút lên lầu, để bố mẹ tiếp chuyện với hắn. Sửa soạn xong mới gần 2 giờ,
nhưng tôi cũng bước ra. Bố lên tiếng:

– Thế Nguyệt đi sớm với cậu Sơn kẻo mấy người bạn chờ lâu.

– Hẹn 3 giờ mà bố.

Bố tôi chưa trả lời, hắn đã lên tiếng:

– Họ ra quán chờ từ lúc tui rời nhà trọ đó cô Nguyệt.

Trên đường ra quán chè, lúc ngồi sau xe cho hắn chở đi, tôi thấy lòng mình se
lại. Tôi đùa dỡn với hắn cho vui, hay tôi thật sự có cảm tình với người con trai
đến từ một miền quê rất xa lạ với tôi. Mấy hôm trước tôi còn ghét cay ghét đắng
khi gặp lại hắn. Không hiểu sao chỉ hơn một tiếng đồng hồ, hắn gây được cảm tình
với bố tôi, mặc dầu bố vẫn nói cái thằng nói chuyện không ra làm sao cả, cứ
thẳng như ruột ngựa thôi! Bình Giả. Tôi chưa nghe nói tới bao giờ, nhưng bố có
vẻ biết nhiều về cái làng di cư của người Nghệ Tĩnh đó. Chúng tôi gốc Phát Diệm
nên cũng là người di cư như ông bà, cha mẹ hắn. Tôi đang suy nghĩ miên man thì
hắn lên tiếng hỏi:

– Cô Nguyệt buồn tui lắm phải không?

– Không có đâu anh Sơn à.

– Tui nghĩ hay để tui chịu thua tụi bạn cho rồi. Mang cô Nguyệt ra thách đố
với bạn bè coi không được. Tôi nói chắc cô cũng không tin. Hôm trước tui chạy
theo cô Nguyệt về nhà, nhưng lúc kéo chuông gọi cửa, tui cũng không biết phải
nói gì nếu cô Nguyệt ra mở cổng.

– Thế anh Sơn nói gì với mẹ Nguyệt?

– Thì hỏi thăm có phải nhà cô Nguyệt không. Tui có chuyện cần gặp.

– Anh Sơn dám nói dối mẹ Nguyệt à?

– Có mô! À quên, tui không dám đâu. Tui chỉ liều mình để tìm cách làm quen cô
Nguyệt thôi.

– Sao anh Sơn không theo Thủy cho gần lại chạy theo Nguyệt về Phú Nhuận?

– Biết mô. Tự nhiên thế. Hay thôi để tui chở cô Nguyệt về trả cho hai bác rồi
ra quán bao tụi bạn ăn chè cho rồi. Tui sợ cô Nguyệt buồn vì chuyện cá độ.

– Nguyệt chỉ muốn anh Sơn thắng. Sao tự nhiên anh Sơn yếu sìu, muốn chịu thua
vậy?

– Tui không biết nữa, lúc trước thì tui cương quyết lắm, nhưng thấy hai bác
và cô Nguyệt tốt quá, tui mềm lòng. Tui không muốn chở cô Nguyệt tới quán chè
nữa mô.

– Anh cứ tới cho bạn anh nhìn thấy để họ phục anh chứ.

– Nhưng tui không thể ngồi ăn chè với cô Nguyệt trong lúc tụi nớ ngồi ngó.
Hay để tui chở Nguyệt đi chỗ khác.

– Anh Sơn phải đưa Nguyệt tới gặp mấy người bạn để thắng cuộc đã, rồi đi đâu
thì đi sau.

– Ừ, rứa cũng được.

Nói rồi hắn rồ xe chạy nhanh hơn, thoáng tý đã tới quán chè. Mới từ ngoài
bước vào còn hoa mắt, tôi đã nghe chí chóe mấy giọng nói Nghệ Tĩnh gọi hắn ơi
ới, có vẻ thán phục lắm. Một người đưa cho hắn cái bao thơ, chắc là tiền đánh
cuộc, rồi nói:

– Choa thua. Chừ mi muốn đi mô thì đi với người đẹp mi hỉ.

Tôi mới mở miệng nói “chào các anh”, hắn đã bước ra cửa, tôi đành lê gót theo
sau. Ngồi lên xe rồi hắn cũng không nổ máy, cứ ngồi im như tượng. Tôi đành lên
tiếng:

– Anh Sơn sao vậy?

– Tui hối hận lắm cô Nguyệt à. Tui đã làm sai với cô Nguyệt. Tui không nên
đánh cuộc với bạn bè, và cũng không nên chở cô Nguyệt tới đây chiều nay. Bây giờ
cô Nguyệt muốn đi ăn chè hay đi đâu tôi chở đi, hoặc nếu cô muốn về nhà la tui
một trận cũng được.

– Anh Sơn đừng nghĩ thế. Nguyệt muốn anh Sơn được cuộc thiệt tình mà. Nguyệt
chưa muốn về nhà. Anh Sơn muốn đi chỗ nào cũng được, nhưng Nguyệt không muốn ăn
chè. Hay anh Sơn đưa Nguyệt tới chỗ nào anh thường đến mỗi chiều Chúa Nhật, được
không?

– Được chứ. Chỉ sợ cô Nguyệt buồn chứ nếu thế thì đi. Đi chút tới liền.

Nói thế rồi hắn nổ máy xe, chẳng nói năng gì, chở tôi chạy một hơi tới nhà
thờ dòng Chúa Cứu Thế, dựng xe xong hắn lững thững bước tới bên ghế đá cạnh đài
Đức Mẹ.

– Nói cô Nguyệt đừng cười. Hồi mới lên Sàigòn tui nhớ cha, nhớ me, nhớ anh
chị em dưới quê nhiều lắm. Tui tìm tới đây ngồi xem người ta cầu nguyện, nghĩ về
mẹ tui và những ngày còn nhỏ ở quê. Về sau trở thành thói quen, chiều Chúa Nhật
nào tui cũng tới đây ngồi ít là nửa giờ. Tự nhiên thấy lòng thanh thản hơn, mặc
dù tui không cầu xin chi với Đức Mẹ cả.

– Nguyệt không ngờ anh Sơn tình cảm như vậy. Mà sao anh Sơn không cầu xin gì?

– Tui thấy đầy đủ rồi, không xin nữa, để Đức Mẹ cho người khác.

– Hứ…

– Thì cô Nguyệt thấy đó, tui được đi học đại học, làm cũng đủ tiền thuê nhà
trọ, mua sách… Tui cứ nghĩ đến mấy đứa nhỏ ở quê không được học hành chi cả,
quần áo nhiều khi không đủ mặc cho ấm, nên thấy mình xin nữa thì ích kỷ quá, nên
để dành phần cho những người thiếu thốn. Mình có bấy nhiêu cũng tạm đủ rồi. Thôi,
để tui chở cô Nguyệt đi ăn tý gì hay uống nước rồi về kẻo hai bác trông. Tui sợ
hai bác lo vì tui chở cô Nguyệt đi lâu quá.

– Bố cho Nguyệt đi hết buổi chiều mà. Nguyệt muốn ngồi đây cho đủ giờ của anh
Sơn với Đức Mẹ đã rồi hãy về.

– Cô Nguyệt tốt quá. Hai bác cũng tốt. Tui thật cư xử không phải với cô
Nguyệt và hai bác. Tui hối hận lắm.

– Anh Sơn đừng nghĩ thế. Lúc đầu Nguyệt cũng hơi khó chịu vì thái độ và cách
nói chuyện của anh Sơn, nhưng bây giờ Nguyệt đã nhìn thấy cái tốt thực sự bên
trong con người của anh. Cũng nhờ bố nhận ra trước…

– Ậy, ậy… Bác nói chi tui hả?

– Anh Sơn lại “ậy, ậy” nữa rồi. Bố Nguyệt chỉ nói tốt về anh Sơn thôi. Nào là
có chí, nào là đàng hoàng, đạo đức…

– Làm răng bác biết được?

– Anh Sơn hỏi Nguyệt, còn Nguyệt biết hỏi ai! Nguyệt chỉ muốn xin lỗi anh Sơn
vì thái độ không tốt của Thủy và Nguyệt hồi mới gặp anh Sơn.

– Lỗi tụi tui mà. Tui phải xin lỗi thì đúng hơn. Mà thôi, để tui chở cô
Nguyệt đi uống nước rồi mua tý gì về cho hai bác.

– Nguyệt không uống đâu. Nếu anh Sơn muốn thì về nhà chơi cũng được, không
cần phải mua gì cả.

Tự nhiên “chàng” đứng lên, tới nổ máy xe, chờ tôi đến để chở về. Tôi thấy “chàng”
im lặng nên cũng không lên tiếng. Tôi nghe tim mình đập nhanh hơn một tý. Tôi
mong chàng gọi tên tôi và xưng “anh” thay vì “tui” nghe khô khan vắng lạnh quá
chừng. Nhưng mình là phận gái nên đành nín thinh. Khi tôi đã lên ngồi sau yên xe.
Tự nhiên tôi nghe “chàng” lẩm bẩm: “Con cám ơn Đức Mẹ. Hồng Nguyệt! Anh cám ơn
em”. Giọng nói Nghệ Tĩnh của “chàng” sao bây giờ tôi nghe nhẹ như gió thoảng.
Tôi thầm thì sau lưng: “Cám ơn anh, anh Bình Giả”, nhưng tôi biết “chàng” không
nghe được, vì tôi chỉ thầm thì trong hơi thở. Hình như tình yêu đang đến trong
tim tôi…

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời