Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

GiangSinhTimNguoiKhongQuenBietOEdmonton NguyenDuyAn



Giáng Sinh
Tìm Người Không Quen Biết Ở Edmonton

Nguyễn Duy An

Sau gần một tiếng đồng hồ vừa đi vừa chạy loanh quanh đến vã cả mồ hôi hột, tôi mới tìm được nhà hàng Nha Trang ở giữa đại lộ 111 và đường 101… Đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào!

Đây là lần đầu tiên tôi đến Edmonton để tham dự một cuộc họp tại học viện Northern Alberta Institute of Technology một tuần trước lễ Giáng Sinh. Tôi chẳng quen ai ở vùng này, ngoại trừ một thằng bạn thân từ bên trại tỵ nạn Galang đang định cư ở Red Deer cách Edmonton đâu khoảng 2 giờ lái xe.

Hưng, tên của “thằng bạn đáng ghét”, đã năn nỉ ỉ ôi mời tôi ở lại mừng lễ Giáng Sinh với “người đẹp” của hắn, một cô bé đang “chạy bàn” tại nhà hàng Nha Trang trong lúc theo học năm cuối đại học. Tôi cũng muốn có dịp mừng lễ Giáng Sinh ở Edmonton để tìm kiếm một người… Do đó, khi nghe Hưng nói chiều nay sẽ lái xe lên đón tôi đến thăm người đẹp của hắn, tôi đã vui vẻ nhận lời. Gần tới giờ hẹn, Hưng gọi điện thoại cho tôi, báo tin bị kẹt xe trên xa lộ và có lẽ phải cả tiếng đồng hồ nữa mới lên tới Edmonton; tôi bảo hắn cứ yên tâm lái xe, khỏi cần đón vì tôi có thể tự tìm đường tới nhà hàng.

Trời cuối năm ở Edmonton lạnh đến “nhức xương buốt thịt”! Tôi đã tính gọi “taxi” nhưng sau khi xem bản đồ, thấy quãng đường cũng không xa lắm; vả lại, từ hôm lên đây, tôi chỉ chúi đầu vào công việc nên muốn lợi dụng dịp này đi bộ loanh quanh cho biết… Tôi vừa đi vừa ngắm cảnh trang hoàng lộng lẫy chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh từ các dinh thự hai bên đuờng và tưởng nhớ về kỷ niệm một bài thơ tôi nhận được từ một người “không quen biết” đã chọn Edmonton “xứ lạnh tình nồng” làm quê hương thứ hai.

Ngược dòng thời gian, khoảng bốn năm về trước, cũng vào dịp lễ Giáng Sinh, tôi tình cờ nhận được một lá thư của một người không quen biết gởi tới địa chỉ chung cư nhưng không ghi rõ số phòng cho một người tên “Hai Nguyen”. Ngoài bì thư cũng không ghi tên người gởi, tôi chỉ thấy con dấu bưu điện xuất phát từ Edmonton, Alberta, Canada… Ông “mailman” đã bắt tôi phải nhận lá thư vì tôi cũng mang họ Nguyễn, mặc dầu không đúng tên gọi và tôi cũng chẳng có ai quen ở Edmonton. Tôi đành mở thư xem và cất giữ tờ giấy học trò cho tới bây giờ. Hôm chuẩn bị hành lý đi họp, tôi quyết định mang theo lá thư, nói đúng ra là một bài thơ không tên từ một người không quen biết:


Edmonton đông về lạnh lắm
Chút mộng đời cũng phủ giá băng
Ngày mau tối, đợi người thêm ánh sáng
Nhận mặt đêm tàn, gọi một cái tên …

Em hỏi anh: Thắp bao nhiêu hàng nến?
Soi sáng cuộc tình hiu hắt trầm ngâm
Nhẹ nhàng nhắm mắt để hình dung đến …
Bên giáo đường em đón lễ cùng anh

Thấy gì không?
Nghe gì không?
Òa vỡ mong manh …
Lệ nào khóc nhau
Tội nghiệp tim đau
Cố níu cho mình
Ngọn nến lung lay
Sưởi ấm giọt tình
Trở nhịp xôn xao …

Giáng Sinh về xa nhau một mùa nữa
Chúc gì đây? Một nguyện ước mong manh
Đem phân ly đốt tan trong ánh lửa
Đợi một ngày nắng ấm đón xuân sang …

Đã hơn một lần tôi thắc mắc tự hỏi không biết tác giả bài thơ này là nam hay nữ… Có lẽ nam thì đúng hơn. Tuy nhiên, khi nhìn những dòng chữ “bụ bẫm” ngay hàng, thẳng lối trên trang giấy, tôi cứ đinh ninh cho rằng người viết là “phái đẹp” và nuôi một hy vọng rất mong manh sẽ gặp nhau “bên giáo đường em đón lễ cùng anh.” Đó chính là lý do tôi mau mắn nhận lời mời của Hưng ở lại Edmonton mừng lễ Giáng Sinh năm nay.

Tôi hớt ha hớt hải đẩy cửa lướt vào nhà hàng Nha Trang như một cơn gió lùa, suýt đâm sầm vào một cô y tá đang với tay lấy áo khoác chuẩn bị bước ra cửa. Tôi định thần nhìn lại, mỉm cười nói xin lỗi rồi lặng lẽ ngắm cô y tá có nét mặt nhu mì như một “ma soeur” nhưng đôi mắt lại u uẩn đau buồn như “thiếu phụ Nam Xương (1)” khi bị chồng kết tội oan ức. Tôi sững sờ chết lặng mấy giây khi bắt gặp đôi mắt của nàng, và chỉ kịp hoàn hồn liếc trộm bảng tên trên ngực áo để biết nàng là người Việt Nam trước khi cô ấy quay mặt bước đi.

Cô y tá đi rồi tôi mới nhận ra một người con gái khác với nét mặt hao hao giống nàng đã đứng đó tự bao giờ, đang tủm tỉm nhìn tôi rồi nhẹ nhàng lên tiếng chào theo kiểu chuyển âm trong phim bộ:

– Hoan nghênh quang lâm… Em chào anh Duy ạ. Xin mời anh vào phía trong.

– Ô hay… Cô thường xem phim bộ lắm hả? Mà sao cô biết tên tôi vậy?

Cô gái vừa đi trước dẫn đường, vừa lí lắc khoe:

– Anh Hưng đã cho em xem hình và dặn em phải đón anh. Em là…

– Biết rồi. Cô là “xương sườn cụt” của Hưng chứ gì… Thuỷ-Tiên phải không?

– Í… Trời ơi! Anh Hưng nói với anh “em là xương sườn cụt” hả? Rồi anh ấy biết tay em.

– Ấy, không phải. Hưng chỉ nói cô là “người đẹp” của hắn ta thôi, nhưng nghe giọng nói của hắn, tôi tự hiểu thằng bạn thân của mình đã tìm được cái “xương sườn cụt” lạc mất từ lúc lọt lòng mẹ… Thuỷ-Tiên đừng bắt nạt nó, tội nghiệp!

– Xí… Ai thèm! Anh với anh Hưng đúng là hai thái cực. Em nói không lại anh, nhưng em hơi tò mò tại sao hai anh lại là bạn thân nhỉ?

– Luật bù trừ mà “cô bé”. Hưng rất hiền nên chơi thân với tôi để có người cứu bồ khi bị các cô bắt nạt. Tôi ngạc nhiên khi Hưng báo tin hai người đã đính hôn và mùa hè sẽ làm đám cưới… nhưng vừa gặp Thuỷ-Tiên mấy phút tôi biết chắc thằng bạn thân của mình đã tìm đúng đối tượng.

Thuỷ-Tiên dẫn tôi đến một bàn nhỏ mãi trong góc cuối nhà hàng, vừa đưa tay ra hiệu mời tôi ngồi, vừa lém lỉnh hỏi:

– Bộ anh Duy còn kiêm thêm nghề thầy bói nữa hả? Anh dùng tý gì trong lúc đợi anh Hưng nhé…

– Thuỷ-Tiên cho tôi một ly cà-phê sữa đá… Tôi bị lạc, phải vừa đi vừa chạy vì sợ trễ nên bây giờ nóng quá! Rồi tôi xem cho một quẻ trong lúc chờ đợi người hùng của Thuỷ-Tiên đến trình diện.

– Thật nhé? Em muốn biết liệu rồi hai đứa có hợp nhau lâu dài không…

– Cái đó khỏi cần xem tôi cũng biết. Hợp chắc rồi vì với kiểu cách đối đáp của cô, gặp được người như Hưng là quá hợp, không bao giờ phải cãi cọ đôi co vì tôi biết tính tình của nó rất rõ.

– Vậy là anh chê em nói nhiều chứ gì?

– Không phải thế. Tôi chỉ muốn nói là cô và Hưng sẽ rất hợp nhau, chứ nếu cô gặp phải người như tôi thì suốt ngày chỉ cãi nhau thôi. Đúng không?

– Em nói không lại anh! Để em vào pha cà phê nhé…

– Mà Thuỷ-Tiên nè… Cái cô y tá tên Diễm-Hạnh lúc nãy là ai vậy? Bạn Thuỷ-Tiên hả?

– Ấy chà… Chị của em đó. Hồi mới gặp anh Hưng, em cứ nghĩ anh ấy sẽ hợp với chị Hạnh vì cả hai cùng rất hiền, nhưng em không ngờ anh ấy lại…

Thuỷ-Tiên nín bặt, vội vàng quay gót đi nhanh vào phía trong sau khi ngửa mặt kênh kiệu háy mắt nhìn ra phía cửa. Tôi lặng lẽ quay mặt ra sau. Hưng đã lù lù xuất hiện sau lưng tôi tự lúc nào. Cái thằng vốn ít nói, nhưng lúc này, tôi chưa kịp lên tiếng, hắn đã rộn ràng:

– Duy… Cậu đến lâu chưa? Hai người đang nói xấu mình hả? Chị Hạnh đâu?

– Có tình yêu có khác. Cậu hỏi nhiều thế tớ biết đằng nào mà mò!

– Mình đã nhắn Thuỷ-Tiên mời chị Hạnh tới đón cậu… Chị ấy làm y tá ở nhà thương Royal Alexandria Hospital ngay gần đây mà sao chưa tới?

– À… Cô ấy tới rồi, nhưng có lẽ chờ lâu quá nên đã bỏ về lúc mình đến.

– Gặp rồi hả? Được không?

– Được cái gì? Tớ đi lạc nên mới vừa tới được mấy phút, có biết “ất giáp” gì đâu.

Thuỷ-Tiên trở lại. Hưng nín bặt. Cái thằng có vẻ “kỵ rơ” với người đẹp hay sao mà vừa ồn ào đó, bây giờ lại hiền như “ma soeur” tủm tỉm cười với người yêu chứ không nói gì nữa cả. Thuỷ-Tiên cũng có vẻ nhu mì hơn:

– Em sắp cơm để hai anh dùng nhé? Kẹt xe lâu quá hả anh?

– Lúc ngồi trên xa lộ thì “oải” lắm, nhưng bây giờ hết mệt rồi. Chương trình có gì thay đổi không? Em đã nói gì với anh Duy chưa?

Tôi không hiểu hai “cô cậu” này có âm mưu gì nên lòng bồn chồn thắc mắc, chưa kịp lên tiếng hỏi, Thuỷ-Tiên đã vui vẻ:

– Em mới gọi cho chị Hạnh. Chị ấy cũng đoán chắc là anh chàng suýt “đâm sầm” vào người chị ấy ở cửa nhà hàng lúc nãy là anh Duy. Chị ấy sẽ trở lại bây giờ.

Tôi vội vàng lên tiếng:

– Hê… Hai người âm mưu chuyện gì thế?

Thuỷ-Tiên vội vàng bước vào phía sau để giúp một người bạn khác trong nhà hàng chuẩn bị bữa tối cho chúng tôi. Hưng tủm tỉm cười một lúc lâu mới lên tiếng:

– Mình và chị Hạnh học chung trường. Mình quen chị ấy cũng hơn 6 năm rồi, khá thân vì tụi mình có chung nhiều sở thích… nhưng rồi mình gặp cô em là Thuỷ-Tiên và hai đứa thương nhau mặc dầu tính tình tụi này như mặt trời với mặt trăng. Hồi đó chị Hạnh vẫn còn “thư đi thư lại” với một người bạn cũ từ thời còn học trung học bên Việt Nam định cư bên Mỹ. Hình như cũng ở tiểu bang Virginia như cậu đấy. Mấy năm trước, anh chàng đó về Việt Nam cưới vợ và biệt tăm. Chị ấy chỉ âm thầm buồn khổ, tiếc thương kỷ niệm và cũng chẳng “cặp” với ai cho tới giờ này. Đã có lần chị ấy tính đi tu… nhưng rồi lại thôi. Khi nghe mình kể về cậu, Thuỷ-Tiên đề nghị nên giới thiệu cho cậu và chị Hạnh quen nhau. Biết đâu…

– Biết đâu… Cái gì?

– Thì anh em giúp nhau vậy mà. Với lại cha mẹ Thuỷ-Tiên cũng vui hơn nếu chị Hạnh có nơi có chỗ trước khi cô em lên xe hoa…

– Tớ có người rồi.

– Vậy sao? Lâu nay có thấy cậu nói gì đâu?

– Bí mật quân sự mà. Mà này… Người đẹp của cậu có quen nhiều người ở nhà thờ Việt Nam trên này không?

– Đại khái thôi… nhưng chị Hạnh thì chắc chắn có vì chị ấy vẫn đi hát trong ca đoàn Thánh Linh gì đó. Mà cậu hỏi làm gì thế?

– Mình đang đi tìm “một người không quen biết” ở vùng này.

– Cái gì?

– Tớ đang đi tìm tác giả một bài thơ tình liên quan tới lễ Giáng Sinh ở Edmonton.

Hưng há hốc miệng ngạc nhiên không nói nên lời. Thuỷ-Tiên vừa mang thức ăn ra bàn, vội vàng đặt mâm xuống rồi bước nhanh ra cửa. Tôi ngước mắt nhìn theo, nhận ra cô y tá lúc nãy đang vừa đi vừa trao áo khoác cho Thuỷ-Tiên. Hưng cũng vội vàng đứng lên, bước ra đón “cô bạn học” sắp thành chị vợ của hắn. Tôi chẳng biết phải hành xử ra sao nên chỉ đứng lên dõi mắt nhìn ba người đang tiến gần về phía mình. Không biết Thuỷ-Tiên nói gì đó làm Diễm-Hạnh thẹn thùng cúi mặt, hai má hơi ửng hồng. Thuỷ-Tiên kéo ghế cho chị ngồi bên cạnh tôi rồi lên tiếng:

– Mời chị và hai anh… Chúng ta ăn xong còn đưa anh Duy đi một vòng cho biết Edmonton kẻo khuya quá.

Tôi định lên tiếng cám ơn thì Hưng đã nhanh nhẩu lên giọng:

– Chờ tý. Để Hưng giới thiệu với chị Hạnh đây là anh Duy, bạn thân của mình từ những ngày ở trại tỵ nạn…

Không chờ Hưng nói hết câu, Thuỷ-Tiên đã chặn ngang:

– Giới thiệu như anh thì cần gì… Phải có cái gì đặc biệt chứ ai chẳng biết anh Duy là bạn thân của anh. Nhưng thôi, mọi người ăn đi kẻo nguội, mất ngon. Lát nữa tha hồ nói chuyện. Mà này, lúc nãy em nghe anh nói với anh Duy cái gì mà ca đoàn với nhà thờ vậy? Mà thôi… Để chị và hai anh dùng cơm đã. Mời anh Duy.

Tôi lợi dụng lúc mọi người chuẩn bị cầm đũa, nói vài câu trần tình:

– Trước hết, tôi xin lỗi Diễm-Hạnh vì lúc nãy làm cô hốt hoảng. Cũng may chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc… Cám ơn lòng tốt của Hưng và Thuỷ-Tiên đã cho tôi cảm nhận được nơi đây quả thật là “xứ lạnh tình nồng” như người ta vẫn thường nói. Hy vọng…

Hưng vỗ nhẹ vào vai tôi rồi lên tiếng:

– Này… Cậu đừng “thả mồi bắt bóng” vớ vẩn nữa, cứ “take care” bà chị của tụi này cho chu đáo trong mấy ngày nghỉ lễ Giáng Sinh là được rồi, không cần ơn huệ gì hết. Ai lại bỏ công đi tìm một người không quen biết ở nhà thờ làm quái gì không biết nữa…

Quả thật tình yêu đã làm thay đổi tính tình thằng bạn thân của tôi. Mấy năm trước nó hiền như cục bột, bây giờ gặp lại hắn còn “lắm miệng” hơn cả tôi nữa!

Chúng tôi vừa ăn vừa tâm tình đủ thứ chuyện. Diễm-Hạnh chỉ thỉnh thoảng điềm đạm nhỏ nhẹ trả lời chứ không nói nhiều như cô em Thuỷ-Tiên. Vừa ăn xong, trong lúc Diễm-Hạnh đi rửa tay, Thuỷ-Tiên lại nhắc đến chuyện “tìm người” của tôi. Tôi kể sơ qua về lá thư của ai đó gởi cho một người tên “Hai Nguyen” có lẽ đã từng ở cùng chung cư với tôi vào dịp lễ Giáng Sinh cách nay đã bốn năm. Thuỷ-Tiên hỏi dồn:

– Anh Duy quen anh ấy hả?

– Anh nào?

– Anh Hải…

– Đâu có. Nếu biết người ta, tôi đã chẳng mở thư ra làm gì. Bộ Thuỷ-Tiên quen ai tên Hải ở Virginia hay sao mà hỏi kỹ thế? Không sợ chàng ghen hả?

Tôi liếc qua nhìn Hưng, thấy hắn vẫn bình chân như vại… Thuỷ-Tiên hơi tái mặt, quay lưng bước nhanh vào nhà vệ sinh. Tôi móc túi lấy lá thư cũ mèm, trao cho Hưng, nói nhỏ:

– Cậu xem có đoán thêm được chuyện gì không?

– Nếu mình không lầm thì Hải là tên bạn cũ của chị Hạnh… Nhưng tớ không chắc lắm. Để lát nữa hỏi lại xem sao.

– Nên không? Tớ không muốn gợi lại chuyện buồn cho cô ấy.

Cùng lúc ấy, hai chị em Diễm-Hạnh và Thuỷ-Tiên trở lại bàn. Thuỷ-Tiên nhanh tay giật tờ giấy trên tay Hưng. Nàng hốt hoảng ngồi sụp xuống, giọng nói hơi lớn:

– Chữ của chị Hạnh đây mà. Chị xem nè…

Diễm-Hạnh quay mặt liếc nhìn rồi gục mặt nuốt vội tiếng nấc, với tay lấy “tissue” thấm nhanh một vài giọt lệ đang long lanh trên khóe mắt. Tôi sững sờ nhìn hết người này sang người khác. Một lúc sau Thuỷ-Tiên mới lên tiếng:

– Anh Duy à… Chị Hạnh là người gởi lá thư này đó. Vậy là anh đã tìm được “người không quen biết ở Edmonton” rồi nhé. Đúng là duyên nợ!

Tôi sững sờ. Hưng tươi cười hớn hở. Hạnh e thẹn bước nhanh ra cửa. Thuỷ-Tiên nháy mắt nhìn tôi nhỏ nhẹ:

– Anh Duy mang áo khoác chạy theo chị Hạnh đi… Ở ngoài lạnh lắm.

Tôi luống cuống làm đổ ba bốn cái ghế trong lúc đuổi theo Diễm-Hạnh ra cửa. Tôi chỉ kịp với tay chặn không cho nàng mở cửa, vừa khoác áo cho nàng, vừa run run nhỏ nhẹ:

Edmonton Đông về lạnh lắm! Anh xin được cùng em “bên giáo đường đón lễ Giáng Sinh …

Diễm-Hạnh ấu yếm ngước mắt nhìn tôi rồi lặng lẽ đẩy cửa bước ra đường. Tôi nghe tim mình xôn xao rung động. Tôi lách mình ra cửa, bước nhanh đến sánh bước bên nàng. Một cơn gió nhẹ mang theo hơi lạnh cho tôi cảm nhận được câu thơ của nàng: “Chút mộng đời cũng phủ giá băng!

Tôi khẽ gọi tên nàng theo làn gió nhẹ. Tôi dõi mắt trông theo những ngọn đèn lấp lánh như hào quang hai bên đường… Bốn năm trước Diễm-Hạnh đã viết cho người tình phụ bạc: “Giáng Sinh về xa nhau một mùa nữa!” Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi hy vọng sẽ cùng nàng “đợi một ngày nắng ấm đón xuân sang …”

Xin cám ơn trời. Xin cám ơn đời. Xin cám ơn người đưa thư đã ép tôi nhận một bài thơ tình của một người không quen biết. Xin cám ơn “thằng bạn trời đánh thánh đâm” tên Hưng và người đẹp của hắn. Xin cám ơn em và Tình Yêu Giáng Sinh.

Nguyễn Duy An

Viết tặng anh Nhường (Gia Hòa), Bân (Nhân Hòa) và những bạn bè ở Edmonton, Alberta, Canada


(1) – Thiếu Phụ Nam Xương:

Ngày xưa, ở làng Nam Xương có một cô gái lấy chồng họ Trương, ăn ở với nhau mới sinh được một con thì người chồng phải đi lính thú biên thùy, ở vùng mạn ngược. Thuở ấy, đường đi lại khó khăn, người vợ ở nhà với con, tháng ngày trông đợi, không được tin tức, chẳng thấy chồng về.

Ngày chồng ra đi con đang bồng ẵm, đến khi con đã biết nói, biết đi, thiếu phụ cũng vẫn sớm khuya vò võ một mình. Đêm đêm với ngọn đèn dầu, khâu vá trông chừng cho con ngủ, thiếu phụ thao thức thương nhớ đến chồng. Một hôm trời nổi giông tố, sấm chớp rung chuyển dữ dội, gió mạnh phụt tắt ngọn đèn, đứa con đang ngủ bỗng giựt mình khóc thét. Thiếu phụ ôm chầm lấy con, khêu thắp lại ngọn bấc, thấy con vẫn khóc, mới chỉ cái bóng mình ở trên phên, dỗ con: “Nín đi con, con đừng sợ, có bố con đây này!

Đứa bé nhìn bóng rồi nín khóc. Đêm hôm sau, đứa bé lại đòi gặp cha trước khi đi ngủ. Người mẹ càng nhớ đến chồng, ngồi nghiêng mình trước đèn cho bóng chiếu vào phên. Nàng dạy con chắp hai tay lại trước bóng mà nói: “Bố ạ, con đi ngủ.” Thằng bé bắt chước làm theo mẹ mà gọi cha. Thiếu phụ một mình đối bóng, trông con nằm ngủ mà nghĩ đến chồng.

Rồi một ngày kia, người chồng mãn lính trở về. Sau bao nhiêu năm xa cách, mừng mừng tủi tủi thiếu phụ lặng nhìn chồng sung sướng ứa nước mắt. Để chồng chơi với con, nàng chạy ra chợ mua thức ăn về làm lễ tạ ơn trên và mừng chồng về.

Trong lúc vắng vợ, người chồng hôn nựng con, bảo nó gọi mình là bố, thì đứa bé vùng vằng nói: “Không, ông không phải là bố con. Bố con đến tối mới về cơ.” Nghe lời con trẻ, người chồng đau xót tận đáy lòng, song vì tự ái không hỏi han gì vợ mà âm thầm đau khổ một mình. Thái độ lạnh nhạt bất ngờ của người chồng khiến cho người vợ ngạc nhiên khó hiểu, song đành lặng im chịu đựng.

Khi làm lễ bàn thờ tổ tiên để tạ ơn trên đã phù hộ cho trở về bình an, người chồng lạy xong rồi cuộn ngay chiếu lại, không để cho vợ lễ. Thiếu phụ nước mắt lưng tròng tủi nhục, nghẹn ngào không hiểu duyên cớ vì đâu. Không khí trong nhà bỗng trở nên nặng nề, khó thở. Trước những lời thắc mắc bóng gió cũng như những cử chỉ âu yếm kín đáo của vợ, người chồng chồng lạnh lùng lảng tránh. Với con cũng không buồn ngó ngàng đến nữa. Mâm cơm cúng ở bàn thờ bưng xuống, người chồng không mó đến đũa. Cơm canh đã nguội lạnh, người vợ lặng yên chờ đợi, trong lòng khốn khổ không cùng. Rồi bỗng nhiên người chồng đứng lên, xách khăn áo ra đi, không một lời nói năng.

Người vợ không hiểu chồng làm sao bỗng dưng lại thế, nhẫn nhục chờ đợi, ngày này qua ngày khác. Âm thầm đau đớn, khóc hết nước mắt, cho đến một hôm, không còn chịu đựng được nữa, thiếu phụ gởi gắm con lại cho người hàng xóm, ra bờ sông gieo mình xuống giòng nước cuốn trôi đi.

Người chồng hay tin vợ trầm mình, trong lòng nghi hoặc trở về nhà. Tối đến, khi thắp đèn lên, người chồng bỗng thấy con chắp tay lại chào bóng mình in trên phên để đi ngủ. Người chồng lạnh toát người nhận ngay ra tất cả sự lầm lẫn ghê gớm của mình đã giết mất người vợ chung thủy.

Qua hôm sau, người chồng ẵm con ra bờ sông mà khóc than thảm thiết, rồi lập đàn tràng để làm siêu cho vợ thác oan. Để tạ tội với vợ, người chồng thề nhất quyết sống một mình cho đến chết, lo nuôi con học hành thành đạt.

Dân ở trong vùng nghe chuyện người vợ tiết nghĩa bèn lập miếu thờ ở bờ sông, gọi là Miếu vợ chàng Trương.

Đến đời hậu Lê, vua Thánh Tông nhân qua đó, nghe chuyện lấy làm cảm kích, có vịnh một bài thơ còn truyền đến ngày nay:


Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu nhắn đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng!

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời