Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

KinhCauGiangSinh CilyNguyen

Kinh Cau Giang Sinh – Cily Nguyen

Kinh Cầu Giáng Sinh

Cily Nguyễn

Cái lạnh như thấm vào da. Quái! Chưa năm nào rét tợn như thế. Sương mù sà xuống mặt đường. Chả bù cho quanh năm nóng như thiêu như đốt, bởi vậy, mỗi khi trời trở lạnh, báo hiệu mùa Giáng Sinh đang chờ, không gian như trẻ lại.

*********************************

Những tia nắng mong manh hoà theo khúc nhạc Noel rộn rã. Từ sáng sớm, tiếng cười nói đã ồn ào trong nhà ông Trùm Thuận, vang tận đầu xóm. Thỉnh thoảng oà vỡ những tiếng cười, hay giọng anh nào lạc đi vì… khướt quá, nói mà cứ… như hét lên, cố lôi mọi người thức dậy để… mừng Chúa ra đời!

Họ gọi nhau í ới, cánh đàn bà giục giã đi chợ kẻo trưa, họ đang xăng xái cho bữa cỗ đãi hàng khu.

– Mau lên kẻo hết thịt đấy!

– Lòng lợn thì tôi đã dặn hôm qua rồi. Cứ nói thế rồi họ đưa cho.

Đám trai trẻ đến từ sáng sớm, sau vài chén chuếnh choáng, đang tụ tập quanh bàn cà phê. Không khí ngập khói thuốc, tiếng điếu cày ré lên kên sằng sặc, như chung vui với mọi người. Người này chưa hút xong đã có người chìa tay đón lấy, cứ thế tưởng chừng không dứt. Các “phần việc’’ trong khu, mặt mữi đỏ gay sau bữa “uống nước’’ buổi sáng, đang tranh nhau nói. Ai cũng cố tỏ ra nhiệt tình với việc chung! (mà thực ra, cả năm chẳng quan tâm). Nói thì hăng lắm, nhưng ngay tí nữa thôi, ra khỏi đây, chưa chắc đã nhớ mình nói gì. Nhưng trước mặt hàng khu, hàng xóm cứ phải tỏ ra cái điều hết sức quan tâm. Cái chuyện hôm nay đang bàn, hệ trọng đấy chứ chẳng chơi: “Y! Cái hang đá Sinh Nhật.’’

Cái hang đá ấy là cả bộ mặt của hàng khu chứ có phải… là trò đùa đâu. Năm nay hạ quyết tâm, nhất định nó phải lớn nhất, đẹp nhất, tân kỳ nhất… nghĩa là, nó không thể thua bất cứ khu nào. Thua thì tức anh ách cả năm ấy chứ! Bởi thế, ngay giữa năm người ta đã bàn rồi. Nghĩ lại mà còn tức, năm ngoái không ai như mấy ông ấy, ai lại đi giao cho cánh Tuần Lương? Bởi thế, bị phe Trùm Đạt tẩy chay không tham gia, đã thế, lại còn ngấm ngầm phá cho hỏng việc. Mà cũng không ai như Tuần Lương, giá hạ mình nói dăm ba tiếng có hơn không. Đàng này, lờ đi chả thèm kêu gọi. Kết cục, cái hang đá trông hao hao như cái khách sạn âm phủ, cứ vuông chành chạnh ấy, chả ra làm sao! Được thể, phe Trùm Đạt rêu rao: “Đ.ấ.ấ.ấy! Cứ đòi cách tân vào. Có cái hang đá mà chẳng làm nên hồn thì còn làm cái giống gì?” (Ấy! Ngầm chê cánh bên kia bất tài đấy, làm trùm khu sao được!?)

Năm nay rút kinh nghiệm, chả giao cho cánh nào cả. Người ta nghĩ ngay đến Trùm Thuận. Nói đến Trùm Thuận thì chuyện nó cũng dài lắm. Cứ bình thường ra thì cái chức trùm họ dĩ nhiên vào tay Trùm Thuận từ lâu, chả còn tranh cãi mà làm gì. Vừa chẳng theo phe nào, nhất là, lại có con đi Mỹ nữa, nhưng…

Cái “nhưng’’ đã sinh ra bao nhiêu là rắc rối trong khu! Trùm Thuận lấy lý do chờ con bảo lãnh nay mai, nên từ chối không nhận. Thật ra lão khôn bỏ mẹ. “Nhận mà làm gì cho chúng nó ghét, cứ để như vậy có hơn không?

Nói của đáng tội, Trùm Thuận bây giờ nào có thiết gì cái chức “vớ vẩn” ấy. Sống cứ gọi là ăn chơi nhàn hạ. Thỉnh thoảng con nó gởi về cho vài thùng đồ, bán đi ăn cả năm còn chưa hết, thế thì xá gì “ba cái lẻ tẻ”! Trùm với Quản mà làm gì!!! Trùm Thuận bây giờ chứ có phải khố rách như ngày xưa đâu…

*********************************

Hồi ấy, đi lính về với hai bàn tay trắng, Lão Thuận chẳng có nghề ngỗng gì. Đất đai thì không có, nên quanh năm ai gọi làm gì thi làm nấy. Khi không có việc thì mang cái xe ba gác ra đường chở hàng quà vớ vẩn. Ở cái đất này, nghèo như lão thì bị người ta khinh thường lắm. Dù có lớn tuổi mấy cũng chỉ là giai làng thôi. Trong khu khi có việc ma chay thì bị người ta cắt đặt đi khiêng đòn, hay thỉnh thoảng ra cho các phần việc sai bảo. Nghĩ cũng ức lắm, nhưng cơm còn chả có mà ăn thì còn mong gì. Dù có “Quản mua” cũng chả đến lần.

Cũng có lần nghe lời mẹ chồng xúi, vợ lão muốn mua cho lão cái chức Quản cho có với người ta, chứ ai lại ra đường cứ bị gọi trống không nghe nó cứ như thế nào ấy. Nhưng lão gạt đi: “Thôi!… thôi!!! Xe hư còn chưa có tiền mà sửa kia kìa, Trùm với chả Quản. Quản mà đạp xe ba gác à?’’

Có lẽ hắn nói cũng phải. Ai đời làm quản mà còn đi đạp xe ngoài đường à? Bởi thế, suốt đời… chỉ làm giai đinh. Ai cũng tưởng đời lão cứ thế trôi mãi cho đến ngày người ta khiêng ra nghĩa địa là xong. Nhưng không. Thế mới biết, sông có khúc, người có lúc. Hồi ấy, đói quá, nghe người ta bảo, ra ngoài Phước Tỉnh chở cá, lắm mối làm ăn. Thuận bỏ vợ con ở nhà, dẫn thằng con lớn ra ngoài ấy liều một chuyến. Ban ngày thì ra chợ chở mối, tối về ngủ nhờ nhà người cô họ. May mắn, có lần người ta tổ chức chuyến vượt biên, thằng con lão được phân công đi gom dầu, gom khách, nó nhanh chân nhảy lên tàu đi “căn me”. Nhờ Chúa thương nó đi lọt. Thế là cuộc đời nhà lão coi như “được cứu rỗi’’!

*********************************

Từ đó, một nhân vật cực kỳ quan trọng đã xuất hiện trong khu, “Ông Trùm Thuận’’. Không ai còn dám coi thường nữa, trái lại, đi đâu cũng được người ta một điều anh Trùm hai điều anh Trùm. Nhất là nghe nói, thằng con nó gởi tiền về nhiều lắm, nên bây giờ cứ gọi là…  vinh hiển! Nhưng ở đời, cũng có nhiều đứa “trâu buc ghét trâu ăn’’, ghen tức nói sau lưng: “Ối dào! Ăn thua cái gì. Những thứ ấy ở bên Mỹ người ta vất đi ấy mà…” Ý nói con lão sang bên ấy chỉ đi nhặt rác! Có người còn nói bóng gió xa xôi: “Nói các ông các bà bỏ qua chứ. Không học hành sang bên ấy chỉ làm cu li cu leo chứ vương tướng gì. Không khéo có lắm đồ gởi về coi chừng lại…’’ Ý nói coi chừng sang bên ấy lại chỉ đi ăn cắp!!!

Mặc ai nói gì thì nói, Cứ thùng nào về, có lái theo từ Saigon lấy hết veo. Trả bằng vàng chứ không phải bằng tiền nhá. Bấy giờ, không còn ai tin vào đồng tiền nữa. vừa mất giá vừa không chắc chắn, mua bán gì cũng tính bằng vàng. Mỗi thùng như vậy vợ chồng nhà Thuận kiếm vài cây nhẹ nhàng! Trong lúc chung quanh mọi người làm quần quật cả năm kiếm vài chỉ còn chẳng ra, thì số tiền ấy quả là khổng lồ, không gì có thể sánh kịp. Nhờ thế mà bây giờ danh giá lắm. Ấy, có đứa con gái mới khoảng 15, 16 thôi , thế mà bao nhiêu đám ngấp nghé. Ai chả muốn thông gia, bởi… đứa nào lấy được nó thì cầm chắc cái vé máy bay sang Mỹ. Nghĩa là vĩnh biệt cái đất đói khổ này. Bây giờ, trong khu lúc nào cũng lấy Trùm thuận làm mẫu mực. Buổi họp trong khu lúc nào anh cũng được mời lên trên cho… xứng kỳ đức!

*********************************

Ngay từ sáng sớm, người ta đã rước Dũng “Phú Thọ’’ vào để ráp cái dàn máy “kỹ thuật số’’ thằng con Trùm Thuận mới gởi về. Chả ai biết “kỹ thuật số” là gì, chỉ nghe nói vậy thôi, nhưng chắc nó tối tân lắm. Bố anh nào dám rờ! Ngộ nhỡ nó hư một cái thì bán nhà đi mà đền à? Dũng ta khệnh khạng rờ nút này, vặn nút nọ, nhăn trán suy nghĩ như đang phải giải quyết một vấn đề khoa học cực kỳ… phức tạp lắm. Hắn giảng:

– Cái loại máy này gọi là “đich – chi – tan” tối tân lắm. Tay nào vớ vẩn mà đụng vào thì cứ gọi là… đi đoong. Hôm trước ở Biên Hòa cũng có người nhận được một giàn như thế này, chả có anh nào dám rờ vào. Mẹ… chủ nhà phải đánh xe lên tận đây tìm tôi mới xong.

Nhiều người lo lắng, ngộ nhỡ không ráp đuợc dàn máy hôm nay thì hoài của quá!

– Sao? Anh Dũng?

Được thể, lão càng tỏ ra “căng’’ quá. Mặt lão cực kỳ nghiêm cẩn, cố tỏ ra cho mọi người biết mình là… Từ hồi theo vợ về đây, đi đâu lão cũng nói xa gần mình là kỹ sư Phú Thọ. Thật ra, xưa lão đi lính truyền tin, biết võ vẽ tí chút về điện. Sau 30/4 lão về Phú Thọ sửa Radio, bán cho bộ đội. Phong trào “đạp, đồng, đài’’ rộ lên một thời. Anh bộ độ nào cũng muốn sắm một cái. Về ngoài Bắc, bước vào cổng làng, mắt đeo cặp kính như thày bói, dắt chiếc xe đạp, xoắn tay áo lên để một cái đồng hồ, lưng cạp một cái đài thì… thật là “cực kỳ”! Cái gì cũng chỉ được một thời. Phong trào qua đi, rách quá, Dũng ta đành theo vợ về đây sống đỡ.

Trùm Thuận kéo Dũng vào nhà:

– Thôi… thôi để đấy đã. Vào đây làm một cốc cho nó ấm bụng đã. Nào…nào!

Vừa bước vào nhà, mùi rượu quyện khói thuốc xốc vào mũi. Tiếng Quản Tình đang bàn:

– Theo tôi năm nay ta làm theo lối mới.
– Thôi… thôi… mới là mới thế nào…? Lại như năm ngoái ấy á?

Phát súng khai mào cuộc chiến đã nổ. Của đáng tội, cả hai phe đều đang hầm hè cái chức Trùm khu khóa tới. Phe của Trùm Đạt thuộc xóm trên, hầu hết là các “cố phần việc’’, chức sắc trong khu, thủ cựu, muốn giữ theo lệ cổ, không muốn đổi mới; trong khi phe của Tuần Lương chủ trương cải cách. Cả hai phe đều nhằm lôi kéo Trùm Thuận vào phe mình.

Không khí đã đến hồi gay cấn. Bao giờ cũng vậy, nói đến bàn việc trong khu thì các cố hăng lắm, nhưng chỉ bàn thôi. Còn mọi việc phó cho giai làng tất. Nhưng hễ đã bàn là sinh khà khịa đến rách việc. Chẳng còn ai nói ai nghe. Mặt thì đỏ gay, ai cũng gân cổ lên mà nói.

– Việc “nà’’ việc hằng khu chứ không phải riêng các a…a…nh. Cứ phải bàn vơ…ớ…i chúng tôi “tước’’ đã…’’ Trùm Hạ say bét nhè còn cố gân cổ lên… dạy.

– Nói có các cố, “rù’’ có anh “Tùm’’ đây đứng ra, … nhưng còn bao nhiêu nữa ta cứ bổ nhân “ranh’’. Tính tôi cứ gọ “nà’’ “bằng phẳng’’ như thế.

– Ta cứ “tương ‘’ cái bảng thật to Vinh ‘’Ranh’’ Thiên Chúa “tên’’ Giời… ra ngoài đường cho bên khu Đông chúng nó biết… mặt!

– Mang cái dàn máy thằng con “anh Tùm’’ mới gởi về, chúng mày nhớ bắt cái “noa’’ cho thật to để… Mình phải “nàm’’ vậy cho chúng nó biết khu mình “ăn chơi bát ngát’’ như thế nào… chứ.

– Đúng đấy ông Trùm ạ! ‘’Hai – phai com – pắc – đít’’ chứ chả chơi. Cả cái xứ này cũng chẳng có ai có. Hôm nay mang cái dàn loa này ra thì còn gì vinh dự bằng.

– Con nói đây, “tước nà’’… có ông “Tù…ùm’’, rồi “nại” có các cố “tong’’ khu… ta…a. Việc gì chúng ta…a đồng “nò…òng’’ “nạ…ại’’ có anh “Tù…ùm’’ đâây hỗ “tợ’’… thì…ì…

Say quá, Chiến “Ban’’đang ngủ gà ngủ vịt, tiếng ồn ào đánh thức dậy, chẳng hiểu câu chuyện tới đâu, hắn cũng nịnh vớt một câu. Mặc dù say, lão cũng thừa biết là xưa nay chẳng ai quan tâm tới lão, lão cóc cần…

– Con nói vậy có đúng không ông “Tùm”?

– Cái đấy khỏi phải bàn. Quản Chức đang thả hồn theo khói thuốc “chùa’’ đế vào.

Chả mấy khi Quản Chức được một bữa cho ra trò, chả bù “móm’’quanh năm. Bởi, đã nghèo mà lại đông con, một lũ làu nhàu. Đứa này chưa dứt sữa, đứa khác đã lòi ra để tranh cái phần… đói rách. Đi đâu người ta cũng bảo, nhìn mặt vợ hắn lúc nào cũng rầu rầu như… đang mùa thương khó!

Mặc ai nói, cứ nói; ai hét, cứ hét; chẳng ma nào nó nghe. Ồn ào như một cái chợ. Tiếng cốc chén lanh canh, tiếng chuốc rượu xen lẫn tiếng rít thuốc lào tạo thành một thứ âm thanh rất ư là bát nháo.

Trùm Thuận bước ra hè, ngó lên mặt trời, quay vào cắt ngang: “Xin phép các cố, có lẽ chúng ta bắt tay vào việc đi thôi. Mặt giời đã lên cao rồi, kẻo lại không kịp… Nào ai xin vào việc ấy…’’

Mọi người đồng loạt đứng dậy theo sự chỉ đạo của Tuần Đức, kẻ đi bắt chó, người chặt tre làm cổng. Chỗ này người ta đang kéo đèn ngôi sao, chỗ kia đang kết hang đá. Đằng sau nhà khói ngập cả vườn rau, các cô, các bà đang nấu bếp cho kịp bữa trưa đãi hàng khu. Tiếng dao tiếng thớt chen lẫn tiếng dặn nhau tạo thành một âm thanh sống động, xoá tan cái không khí tĩnh mịch hằng ngày. Người ta tạm quên đi những vất vả nhọc nhằn để đón mừng Chúa đến.

– A lô, alô !! Một hai, một hai… thử máy…

– Chịịịt, chịịịt chỉnh máy, chỉnh máy…

– Vinh danh chịt chịt… vinh danh chịt chịt… Một hai, một hai…

Mãy bà, mấy cô bỏ dở bếp lên, xem Dũng nhà ta ráp loa. Lão càng gào to:

– A – lồ! A – lồ! Một hai, một hai, thử máy, thử máy…

Trông hắn quê kệch như anh cán bộ trong buổi họp toàn dân.

*********************************

Tiếng âm thanh chát chúa làm cho anh Bảy Thêm không chịu nổi. Ngã bệnh đã lâu, vợ chồng anh bỏ Bến Tre phiêu dạt tới đất này. Cuôc đời cơ cực, ở nhờ hiên nhà người ta, vợ chồng đi làm mướn. Hồi đầu cũng khá, làm không hết việc, mấy năm nay người khắp nơi đổ về đông quá, việc ít mà công lại rẻ. Tuy rẻ cũng phải làm, không làm lấy gì ăn? Còn hơn ở dưới quê quanh năm chết đói. Mãy tuần nay ít việc, đã qua mùa mưa, người ta lo chuyện Giáng Sinh không quan tâm đến ruộng vườn. Đối với chị Bảy, Noel chẳng có ý nghĩa gì, bởi chị đang cần tiền lo nhiều thứ. Gần cuối năm, bao nhiêu thứ phải lo, thuốc cho chồng, lo cho con từng bữa, rồi còn gởi về quê nuôi mẹ già. Lòng chị như nát ra từng mảnh. Tiếng nhạc Noel cứ xoáy vào đàu chị. Chị không hiểu, mà cũng chẳng muốn nghe.

“Lạy trời giải thoát sinh linh, khỏi tù hãm đọa đày nghiệp chướng…”

Mãy hôm nay gia đình chị chẳng có gì để ăn. Nhìn những đứa con nhăn nhó, lòng chị đau từng khúc. Tiếng ồn ào, mùi xào nấu trong bếp nhà ông Trùm Thuận lan sang. Con Út Đẹt đói quá, lóng cóng cõng em sang ăn rình “bên bển”. Chị tính cản nhưng thương con, đành thôi. Tiếng anh Thêm trở mình, khẽ rên trong mùng:

… Xin Đấng Cùu Tinh ban muôn ơn. Loài người sống yêu thương. Cho tương lai luôn tươi sáng...”

Bảy Thêm nằm như dán xuống tấm phản. Hơi thở đứt ngắn, ngực nặng như bị đè. Ánh nắng xuyên qua vách liếp ngăn cách với bên ngoài. Khi mơ, khi thức, tiếng thằng Đực làm anh tỉnh táo đôi chút. Nó khoe, tối nay nó được vinh dự hòa nhạc Giáng Sinh trong ban đồng ca Thiên Thần, gồm toàn những đứa trẻ nghèo trong xứ. Nó còn được nhận giải thưởng “Con Kiến Nhỏ” dành cho những em con nhà nghèo ngoan và giỏi nhất. Buổi ca nhạc do thày Nghiêm và Cha phó tổ chức hằng năm, đêm Noel. Hình Chúa Hài Đồng được chọn làm biểu tượng cho ban đồng ca. Anh ao ước được có mặt để được nhìn thấy thằng con anh lãnh giải. Đời anh chưa bao giờ được ai thưởng cho cái gì…

*********************************

Ba anh mất hồi anh mới hơn một tuổi chi đó. Ít lâu sau má anh bỏ cho bà nội để đi lấy chồng. Tuổi trẻ, mọi sự đều dễ quên. Bảy Thêm đã thành thanh niên khi nào. Ngày đó là chuỗi ngày thơ mộng, bởi bên anh còn Sáu Tươi…

Thế rồi, cuộc đời mấy khi suông sẻ như mong muốn. Ngày Sáu lấy chồng anh như điên như dại. Những cơn đau thực sự như thắt lấy tim. Người ta chê anh nghèo lại mồ côi, không biết làm gì… chỉ chăn trâu… Ngày cưới Sáu, anh đứng bên bụi tre nhìn đoàn ghe rước dâu mà tủi, mà buồn. Rồi anh bỏ làng ra đi từ đó. Không còn gì để tiếc nuối. Nỗi nhục nhằn âm ỉ trong lòng…

*********************************

Bác sĩ nói căn bệnh anh đã đến giai đoạn cuối cùng. Sống ngày nào hay ngày ấy, anh chỉ băn khoăn cho những đứa con thơ dại. Phải chăng có một Đức Chúa thương yêu như thày Nghiêm nói? Hồi nào tới giờ anh chỉ nghe người ta nói “Trời phạt’’, “Trời có mắt…’’ Đối với anh, ông Trời chỉ rình phạt người ta. Chưa bao giờ anh nghe khác. Như vậy có một Đức Chúa đang đón chờ cả anh nữa sao? Sao lại đón chờ anh khi anh cũng không biết Ngài? Ôi! Nếu có một Đức Chúa, thì Ngài có tha cho anh không? Ngài có thương những người như anh không? Hôm nay anh ngước mắt nhìn lên Trời… nước mắt anh chảy dài xuống cổ khẳng khiu.

*********************************

Nghiêm từ chối không theo gia đình xuất cảnh sang Mỹ. Anh muốn được ở lại quê nhà. Nơi này anh đã đánh cuộc cả đời. Nhớ lại những ngày tủi nhục, bố anh bị tập trung cải tạo, anh bị buộc thôi học vì lý lịch xấu. Để có miếng ăn và không muốn bị địa phương xoi mói, Nghiêm vượt Bắc, xuôi Nam lăn lộn như con thú dữ . Tù tội có, dao búa có, hút sách có, Nghiêm chìm dần trong vũng lầy đen tối. Cũng có lúc phản tỉnh, muốn làm lại cuộc đời, nhưng bị xã hội gạt bỏ, không chấp nhận. Những người như Nghiêm là bóng ma của chính mình. Ra đường thì bị chính quyền để ý, muốn đến nhà ai cũng chẳng được. Đi đâu cũng nhận được những lời nói hay ánh mắt nghi kỵ. “Thằng xì ke! Nó lại mới đi tù về đãy! Coi chừng đấy…” Tất cả đã bẻ gãy ý chí phấn đấu làm người. Đã thế thì buông xuôi… Chả việc gì phải để ý. Đời Nghiêm cứ thế tụt mãi.

Một buổi tối vã thuốc quá, hắn đang đi “đánh quả’’ để làm vài ngao. Ngang qua dãy nhà hội, Nghiêm dừng lại nghe…

… Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con, vì đời con bao… Vì Chúa đã biết tự ngàn xưa, một khi hơi thở chưa tàn là đời co… Nhưng lòng Chúa vẫn bao dung… Dù cho bao phen con yếu đuối, thành tâm ăn năn xin thống hối là… Ngài lại thứ tha…’’

Ơ ..Bài hát hay quá ! Nghiêm lẩm nhẩm mãi . Thế rồi, đời anh chuyển đổi .

*********************************

Đi uống cà phê!’’ Anh Hảo ca trưởng kéo Nghiêm ra ngoài quán.
Lần nào cũng vậy, tập hát xong hai anh em thường ngồi bên nhau nói chuyện vu vơ đến khuya. Khi thì chuyện rẫy vườn, lúc thì chuyện ca đoàn . Nghiêm phục anh Hảo lắm. Chính anh Hảo đã không ngần ngại nhận Nghiêm vào ca đoàn, bất chấp mọi dị nghị ban đầu. Anh Hảo ngang nhiên dẫn Nghiêm về nhà anh ở, không ngại ngùng vì thành tích xì-ke của chàng. Lòng tốt cuả anh Hảo cắn xé lòng Nghiêm vô cùng, bởi, lúc đó Nghiêm nghĩ anh Hảo không hề biết rằng, chính Nghiêm cùng mấy thằng đồng hội một lần đã “vét’’ sạch nhà anh, để vợ chồng anh khổ sở mấy năm nay.

Lương tâm cắn rứt làm Nghiêm không thể để mãi trong lòng. Nghe Nghiêm kể, Anh Hảo cười buồn, gạt đi. Anh nói rằng cái gì đã qua, đừng nhắc lại. Có như vậy mới sống được. Anh còn nói, hôm nay Nghiêm nhắc lại anh mới nhớ chứ thật ra, anh đã quên chuyện đó từ lâu rồi… Và rằng, hồi đó nhờ công an điều tra, anh cũng biết thủ phạm chẳng ai khác ngoài Nghiêm. Lúc đó anh cũng tính làm to chuyện, nhưng thấy nhà Nghiêm nghèo quá, vả lại lúc đó mẹ Nghiêm đang ốm nặng. Liên, em của Nghiêm, sang năn nỉ anh đừng để cho mẹ Nghiêm biết kẻo bà thêm bệnh, nên dù xót của nhưng anh Hảo cũng thôi…

Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại thái độ anh Hảo, Nghiêm thấy mình tầm thường quá so với mọi người. Anh Hảo đã cưu mang và khai tâm cho Nghiêm: “Chính anh cũng có nhiều lỗi lầm em ạ! Anh mong mọi người tha lỗi cho anh. Mình không có tài đức để làm những việc trọng đại. Anh chỉ làm những việc trong tầm tay… Có lần nghe cha giảng: ‘Cứ nhìn các con thì người ta biết có Cha trên trời…’ làm anh suy nghĩ…’’ Giọng anh Hảo trầm trầm khi xưa để lại trong Nghiêm nhiều suy nghĩ.

… Cứ nhìn các con thì người ta biết…” Đúng! Nếu hồi đó anh Hảo cũng như mọi người, không dám giơ tay đón nhận Nghiêm thì đã không có ngày hôm nay. Nghiêm cảm thấy ấm lòng . Thiên Chúa Giáng Sinh xuống lòng anh. Hôm nay anh có một món quà dâng lên Chúa: Thằng Đực, thằng con đỡ đầu của anh, nó được trình diễn Violon trước hang đá cho ban đồng ca Thiên Thần.

Thằng Đực là hình ảnh của anh khi xưa. Nhà nghèo, lại là gia đình ngoại đạo duy nhất ở đây. Nhìn gia đình nó, anh nhớ đến thuở đen tối đời mình. Nghiêm lân la đến làm quen và lui tới thăm hỏi. Cũng như anh Hảo khi xưa, Nghiêm bất chấp những ánh mắt nghi kị của mọi người. Tình cảm chân thành của Nghiêm đã làm vợ chồng anh Bảy cảm động lắm. Anh chị thú nhận lúc đầu cũng không tránh khỏi nghi ngại.

Lời đề nghị của Nghiêm vượt quá sự mong chờ, chị Bảy rưng rưng nước mắt: “Thày nhận nuôi nó làm con, dạy dỗ nó dùm tụi tui. Vợ chồng tui như mở lòng…’’

*********************************

Hang đá đã làm xong. Mọi người hỉ hả đánh chén. Tiếng khua đũa bát, tiếng gọi, mời nhau í ới:

– Nà…o! Xong chư…a? Vào đi các cố! Ta bắt đầu đi thôi kẻo đói rồi…

– Dzô…ô.nhé! Chăm phần chăm nhé!

– Ối giời ơi! Uống vậy mà cũng đòi… lấy vợ!!! Nhớ nhé! Giai vô tửu như cờ vô phong. Ứ ừ đâ…ấ…y!!!…

– Chúng mày đâu? Mở máy to lên cho khu bên kia nó biết thế nào là lễ độ…! Đụng đến các ông là chỉ có chê…ế.t.t!

Bữa tiệc mừng Chúa Giáng Sinh vang tận đầu xóm. Chả ai quan tâm đến chị em con Đẹt đói quá, khép nép chờ được ăn rình… đồ thừa .

*********************************

Bảy Thêm rướn người lên để thở… Ôi! ôi! Sao mắt anh hoa đi thế này? Cố nhướng lên để nhìn. Vợ anh, đâu rồi? Co..o..n Đẹt đâ..â..u rồi? Anh muốn gọi nhưng có lẽ không… kịp nữa. Tiếng người hò hét bên nhà Trùm Thuận vẳng đến tay anh, xen lẫn tiếng loa lúc còn lúc mất vọng vào: “Giữ tình anh em thiết tha, không thù oán không còn chia lìa…’’

Bàn tay anh với với lên không, như cố nắm giữ lấy cuộc đời. Đầu óc anh đang chìm trong biển vô biên. Thân xác anh như nhẹ nhõm chơi vơi. Bốn bề chìm sâu, chìm sâu mãi… Những âm thanh nhỏ dần, nhỏ dần… như xa vắng, Xa xôi vọng tiếng Đức Chúa:

… Ta nói thật cùng anh, ngay hôm nay anh sẽ được cùng ta trên Thiên Đàng…

Giáng Sinh năm 2005
Cily Nguyễn

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời