Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

LoiTaiToi NguyenAoTrang

Loi Tai Toi – Nguyen Ao Trang

Lỗi Tại Tôi

Nguyễn Áo Trắng

Khi tôi sắp bước qua tuổi 15, cũng là lúc tôi mang thai mà tôi không biết,
cho tới khi Mẹ thấy người tôi khác lạ, Mẹ hỏi, nhưng với bằng đó tuổi, thử hỏi
làm sao tôi hiểu nổi những gì ghê gớm đã xẩy đến cho tôi. Cho nên Mẹ hỏi gì
tôi cũng trả lời là không biết; không biết tại sao tôi mang bầu, khiến Mẹ tức
tối, đánh tôi mấy bạt tai, rồi dọa nạt bắt phải nói ra người làm tôi có thai.
Lúc bấy giờ tôi rất run sợ và chỉ biết khóc! Trước khi chấm dứt, vẫn chưa hả
giận, Mẹ tôi vớ được cây đòn gánh mà mỗi ngày chị Hai, người làm vẫn thường
dùng để gánh nước, Mẹ quất xối xả lên người tôi. Tôi co dúm người lại, đỡ được
bên nọ nhưng không tránh được bên kia, cho tới lúc Bà Ngoại tôi đi chợ về, quát
Mẹ tôi một tiếng, thế là Mẹ tôi như bừng tỉnh không đánh tôi nữa. Tôi chỉ loáng
thoáng nghe được mấy câu Bà Ngoại nói với Mẹ:

– Mẹ mày đánh chết nó à? Đánh con bé như thế mà nó còn sống được thì phúc phận
nhà mình to đấy!

Rồi nghe như Bà gọi:

– Hai ơi, bồng em vô nhà cho Bà.

Giọng Ngoại nói tôi nghe như nhỏ dần, nhỏ dần:

– Đánh như vậy còn gì là cháu của tôi!

Trong mơ màng tôi chỉ mường tượng hình như mình được bế vô nhà, rồi không biết
gì nữa!

Tôi dần dần tỉnh lại, từ từ mở mắt ra… Người ngồi bên giường là Ngoại của
tôi. Ngoại lấy khăn lạnh chườm đá đắp lên trán và lấy dầu xoa những vết bầm
trên người tôi… Nước mắt tôi tuôn xuống. Tôi thương Ngoại quá đi thôi! Ánh
mắt Ngoại sáng hẳn lên khi nhìn thấy tôi tỉnh dậy, Ngoại nói nhè nhẹ:

– Ngoan, nằm yên để Ngoại xoa dầu cho con nghe.

Tôi gật đầu. Giờ này nếu không nằm yên thì tôi cũng không nhúc nhích gì được
vì toàn thân tôi đau lắm. Xong Ngoại lấy chén cháo đã để sẵn đầu gường đút cho
tôi từng muỗng một. Tôi cứ nuốt một muỗng cháo thì một giọt nước mắt lại lăn
xưống mặt! Ngoại dỗ tôi như những ngày tôi còn bé:

– Ngoan nào. Ngoại đút cho con ăn chóng lớn nha!

Tôi ôm chầm lấy Ngoại khóc nức nở, chỉ biết nói:

– Ngoại ơi! Con thương Ngoại. Con thương Ngoại thật là nhiều!

Lúc ấy hình như Ngoại tôi cũng gần rơi lệ, đưa cánh tay áo quệt ngang, rồi
nói:

– Ngoại biết con thương Ngoại. Ăn đi con, ngoan nhé.

Liên tiếp gần cả tuần Ngoại nói chị Hai nấu cháo rồi Ngoại đút cho tôi ăn.
Tôi thấy đỡ đau. Thêm một tuần nữa là người tôi khỏe lại. Ngoại ngồi chải tóc
cho tôi và nhỏ nhẹ hỏi tôi chuyện ở trường học, bài vở rồi hỏi gần đây tôi có
bạn bè nào mới… Tôi kể mấy tháng trước có anh Long, con Bà Trùm Thông ở gần
nhà thờ, hay đi theo sau chị em tôi lúc tan học…
Có hôm em Hà bịnh, tôi đi học một mình. Tan học, không biết từ đâu anh Long
xuất hiện ngay sau lưng, vừa đi vừa nói chuyện. Có thể vì thấy anh Long về chung
đường nên chị em tôi không bị mấy tên con trai trong lớp trêu ghẹo. Dù gì anh
Long cũng hơn tôi đến 7 tuổi. Năm ấy anh 22. Trông anh Long như người anh lớn
của chúng tôi, với lại lúc xưa, khi còn sống, Cha anh là người có chức vị trong
làng và được hầu hết mọi người nể vì, nên chúng tôi rất tin tưởng anh….

Thế rồi một hôm tôi đang ngồi ở hàng hiên đầu hồi nhà với Ngoại, chợt thấy
Bà Trùm Thông bước vô sân. Thấy vậy, Mẹ tôi ngừng tay sàng gạo, mời Bà Trùm
vào nhà. Bà Ngoại tôi cũng đứng lên đi vô. Ngoại bảo tôi vào rót nước trà mời
khách, rồi lui vô buồng. Chẳng biết người lớn họ nói những gì với nhau… Hai
bữa sau, Bà Ngoại và Mẹ dẫn tôi vào gặp Cha Xứ; còn phía bên kia, Bà Trùm Thông
cũng mang anh Long đến. Anh Long tránh nhìn tôi, và không còn vẻ tự nhiên, hoạt
bát, vui vẻ như lúc trước. Xong việc, về đến nhà tôi mới biết tháng sau là đám
cưới của tôi với anh Long!

Thấm thoát cái ngày trọng đại đó đến. Từ sáng sớm Bà Ngoại và Mẹ sửa soạn cho
tôi thật đẹp. Tôi cũng không ngờ, trau dồi phấn son vào, nét nào ra nét đấy,
tôi ra dáng người lớn hẳn hoi, “nhìn con bé xinh quá,” ai cũng nói như thế!
Khi đến sân nhà thờ, hai họ đông đủ, gặp gỡ nói chuyện vui vẻ, hình như những
người đi dự đám cưới không ai biết “Việc Nội Bộ”! Riêng Bà Trùm Thông cứ nhìn
quanh quất, sau tôi mới nhận ra: Không thấy Chú Rể!

Đã sắp đến giờ lễ cử hành. Không thấy anh Long đâu cả, tôi như ngộp thở; ngay
lúc ấy Bà Ngoại và Mẹ tôi mới nhận ra điều này! Tôi đã loáng thoáng thấy vị
Linh Mục mới ở sân nhà xứ, chả là ba hôm trước Bà Cố, tức Mẹ của Cha Xứ đau
nặng, nên Ngài phải về quê thăm Mẹ. Người cử hành thánh lễ cho chúng tôi là
Cha ở làng bên sang giúp. Một lúc sau tôi thấy anh Chính, anh của anh Long đến
nói gì với Bà Trùm Thông, mặt bà chợt thoáng vừa giận dữ, vừa sửng sốt. Rồi
nhạc trổi lên. Đã tới lúc tôi bước vào nhà thờ trong áo cô dâu, qua làn voan
mỏng che mặt, chắc không ai biết lòng tôi hồi hộp đến dường nào! Chúa ơi, con
bước vào nhà thờ với ai đây? Chẳng thà anh Long nói với gia đình tôi một tiếng
là anh không bằng lòng lấy tôi, dù anh đã làm tôi có thai! Câu nói đó dĩ nhiên
sẽ làm cho gia đình và tôi đau khổ (!) nhưng cũng không đau khổ bằng để đến
phút cuối anh không xuất hiện trong lễ cưới…

Tôi biết, dù tôi có cứng lòng đến mấy cũng không kìm nổi những dòng nước mắt
chỉ chực trào dâng ở khoé mi! Biết làm sao hơn bây giờ? Tôi tủi thân quá, làm
sao tôi không khóc cho được, một giọt lệ đã lăn xuống má! Nhưng tôi bỗng nghe
có tiếng bước chân từ phía sau tiến lại gần, rồi cùng tôi vào nhà thờ… Tôi
ngẩng mặt lên nhìn… từng bước lên cung thánh, người đi bên tôi là anh Chính,
anh ruột của Chú Rể!

Phải nói là không những tôi mà cả Bà Ngoại lẫn Mẹ tôi đều bàng hoàng đến sửng
sốt. Nhưng chuyện đã đến nước này, không ai trong chúng tôi nói được gì. Khách
mời tham dự lễ cưới vẫn không hay biết . Ngay cả vị Linh Mục làm lễ cho đôi
hôn phối cũng không biết có sự thay đổi [người] vào giờ phút chót! Khi thánh
lễ tới đoạn cô dâu chú rể cầm tay thề hứa sẽ yêu thương và giữ lòng chung thuỷ,
lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan… Anh Chính cầm tay tôi tuyên hứa một
cách long trọng, mạch lạc, rõ ràng… Tai tôi như ù đi, mắt tôi mờ lệ! Màn kịch
đã diễn tới đây, tôi cũng đáp trả cho cân xứng, y như bài bản mà diễn viên trước
khi lên sân khấu đã học thuộc lòng.

Sau phần lễ là tiệc cưới được đặt tại nhà hàng. Bà Trùm Thông, từ lâu, rất
quý mến gia đình tôi, không biết có phải vì thế nên Bà đã không ngại tổ chức
một đám cưới lớn, vẫn biết đây không phải là đám cưới cho con đầu lòng. Vì anh
Chính mới là trưởng nam trong gia đình, hơn anh Long 4 tuổi. Trong buổi tiệc
cưới, “chúng tôi” cũng đi chào bàn và được hầu hết mọi người cầu chúc Trăm Năm
Hạnh Phúc. Người Chú Rể bất đắc dĩ này cứ làm y như thật; vả lại dưới mắt mọi
người “chúng tôi” là “đôi tân lang và tân giai nhân” đẹp nhất đêm nay!

Trước khi đi chào bàn, anh Chính đã trao cho tôi ly rượu giống cái ly của anh,
nhưng dặn nhỏ:

– Đây là ly nước trà pha đậm. Nhung cầm lấy nhé. Nhớ là lúc nào cũng cầm cái
ly này, nếu khách họ mời uống thì em nhắp nhẹ lên môi, đừng uống ly rượu họ
đưa cho mình, đó là rượu thật, say đó!

Lại thêm một lần nữa, “Đạo diễn” bảo sao, tôi làm vậy. Ai mời rượu là anh uống
tất, cứ như là Chú Rể thật, đặc biệt là anh uống bao nhiêu cũng không thấy anh
say hay nói năng lạng quạng.

Sau buổi tiệc, anh Chính đưa tôi về nhà. Bà Trùm, bây giờ là Mẹ chồng, chờ
tôi thay áo mát xong, gọi tôi xuống nhà nói chuyện. Bà nói Bà không phiền hà
gì tôi cả, nhưng Bà rất buồn vì chuyện anh Long không xuất hiện chiều nay ở
nhà thờ. Thôi thì đến nước này, tôi cứ làm theo lời anh Chính sắp xếp.

Về phòng ngủ, tôi thấy anh Chính cũng vừa tắm xong, đang ngồi ở bàn viết dọn
dẹp mấy cuốn sách kê lại cho ngay ngắn. Khi tôi bước vô, anh ngẩng đầu nhìn
ra, thấy tôi, anh chỉ cái gường và nói:

– Anh biết cả ngày hôm nay em đã mệt rồi. Nhung ngồi dựa vào tường, kê cái
gối sau lưng cho đỡ mỏi. Anh nói chuyện một chút.

Tôi vâng dạ gật đầu.

Anh tiếp lời:

– Anh không ngờ phút cuối thằng Long nó làm như vậy. Anh thấy nỗi lo lắng trên
khuôn mặt Bà Ngoại, Mẹ em và cả Mẹ anh nữa. Anh đành đứng ra làm liều nhận mình
là Chú Rể cho mọi sự êm xuôi, và cũng để giữ thể diện cho cả hai gia đình. Anh
biết là Nhung khó nghĩ lắm. Tuy nhiên, em không phải lo gì cả. Ngày mai anh
đi kiếm thằng Long về, tẩn cho nó một trận… Dù muốn dù không, hôm vào Cha
Xứ nó đã bằng lòng lấy em; đâu có thể phút cuối đổi ý được, anh đã nói chuyện
với Mẹ anh lúc nãy. Chuyện này để anh lo. Kiếm được thằng Long về thì mọi việc
sẽ đâu vào đó. Thôi, em đi ngủ đi, đừng khóc nữa, với lại có thai thức khuya
không tốt cho em bé. Anh xuống nhà dưới nằm ở đi-văng ngoài phòng khách được
rồi.

Tôi nghẹn ngào nói trong tiếng nấc:

– Em cảm ơn anh!

Tôi trở lại phòng. Làm sao không lo cho đuợc? Cái bụng tôi mỗi ngày một khác!
Tôi chợt nhớ lời Mẹ tôi nói với Ngoại:

– Con Nhung nó bầu con so. Trông thì gọn đấy, nhưng với người đã có gia đình,
tinh ý nhìn qua là biết, Mẹ bảo con làm sao chịu nổi tiếng láng giềng dèm pha
đây!

Ngoại tôi đưa tay lên chậm chậm đôi mắt, rồi nhẹ nhàng bảo:

– Thôi con ạ. Con dại cái mang. Bề nào bên đó họ cũng qua xin cho nó về làm
dâu nhà người ta rồi, mình cũng đỡ muối mặt rồi! Được tiếng Bà Thông xưa nay
là người nhân đức, biết lý lẽ, mong cho con cháu mình về bên đó biết cách ăn
nết ở để người ta thương.

Bẵng đi hơn tuần lễ, anh Chính mới kiếm được anh Long đưa về. Hai anh em to
tiếng hồi lâu. Tôi ở trên lầu, nghe được tiếng mất tiếng còn. Tiếng anh Chính
nói với anh Long:

– Em phải có bổn phận và trách nhiệm với vợ con chứ! Nếu em không dụ dỗ con
nhà người ta thì đừng bao giờ mở miệng nói con nhà người ta không đàng hoàng
hay con nhà người ta hư hỏng. Cô ta có ra như ngày hôm nay là do lỗi của em.
Em không nhận thấy như thế hay sao? Chưa đủ chín chắn, trưởng thành thì đừng
làm việc người lớn làm! Còn dám làm thì dám chịu, để không thẹn với lương tâm;
để không hổ thẹn mình là người quân tử!

Im lặng trong giây lát, tôi lại nghe tiếng hai anh em cãi vã, rồi tiếng anh
Chính nói lớn vang vọng đến trên lầu:

– Em thử nghĩ xem… Nếu em là cô ấy, em nghĩ sao? Em bỏ người ta nửa chừng,
người ta còn mặt mũi nào nữa? Thôi mọi sự qua rồi, vợ của em vẫn là vợ của em,
anh chỉ là người đứng ra dàn xếp cho êm xuôi thôi.

Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu thế nào là làm vợ. Tôi làm cô dâu năm 15 tuổi,
anh Long, 23 tuổi; còn anh Chính, năm ấy khoảng 26 tuổi. Người anh chồng mà
suốt đời tôi luôn kính trọng và xem như vị ân nhân đã cứu khổ nạn cho gia đình
tôi.

Sau lần đó, anh Long cứ sáng đi sớm ,tối về khuya; chỉ gần gũi tôi những lúc
anh trở về nhà say mèm! Phải nói là những lần như thế tôi bị bắt buộc thì đúng
hơn. Tôi tủi thân quá, bởi ngày trước không biết giữ mình, lỗi tại tôi tất cả
mà thôi!

Cái thai mỗi ngày một lớn. Tôi chịu không nổi mùi cơm sôi, canh cá… Bà Ngoại
và Mẹ tôi thấy tôi héo hắt nên sang xin cho tôi về bên nhà. Mẹ chồng tôi bằng
lòng, thế là tôi ngày ngày ra vào căn nhà xưa, bên cạnh có Ngoại rất mực thương
tôi, và cả Mẹ tôi nữa. Bây giờ Mẹ tôi chăm sóc cho tôi nhiều lắm, giống như
trong quá khứ không có chuyện gì xẩy ra. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy tôi thật
có lỗi, càng thương Ngoại và Mẹ nhiều hơn.

Mấy năm sau tôi lớn thêm một chút, chững chạc hơn, hiểu biết hơn, tôi không
khỏi thắc mắc, tuy tôi có con với anh Long, nhưng anh Chính lại là người bước
lên bàn thờ cử hành lễ cưới với tôi… Vậy trước mặt Thiên Chúa, tôi ngẫm thấy
có một cái gì không ổn, và không biết người lớn có nghĩ đến khúc mắc này như
tôi không?

Nguyễn Áo Trắng


Viết theo lời kể của một người –

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời