Bài Vở Cũ Thiếu nhi

LuaTrai NguyenTuong

Lửa Trại

1. Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Lửa Trại

Lửa là nguồn sống của con người, giúp con người thoát khỏi đời sống nguyên sơ. từ cuộc sống săn lượm con người đã biết dùng lửa để sưởi ấm, nướng chín thức ăn, tránh thú dữ và hợp quần “bầy” sau những lúc chiến thắng, săn bắn thú rừng. nhờ đó lửa là sản vật thiêng liêng vừa là khởi điểm cho những sinh họat văn hóa của cộng đồng người sơ khai.

Ngày nay, tuy văn minh nhưng mỗi khi trở về sống với thiên nhiên, khi chiều xuống, bóng tối lan dần thì mọi người cũng đều chờ đón ánh lửa và sự kỳ diệu của nó. Trong các kỳ trại, lửa trại đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu được. Để trại sinh được kết vui thân ái sau một ngày trại bằng lời ca, điệu múa hân hoan. Để trại sinh thắt chặt vòng tay, cho nhau niềm cảm mến và khắc ghi những kỉ niệm khó quên của một kỳ trại.

Lửa trại không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa mà còn là một nghi thức thiêng liêng, một phần của “linh hồn” trại.

2. Tiến Trình Đêm Sinh Hoạt Lửa Trại

a/ Phần chuẩn bị:

* Địa điểm sinh hoạt, địa điểm đốt lửa.
* Nội dung, chủ đề của lửa trại (lửa vui, lửa kết thân, lửa truyền thống hay lửa trại chính thức…)
* Nội dung tham gia sinh họat lửa trại của các đơn vị (phải nắm chắc)
* Chuẩn bị và tập dượt cho đội nhảy lửa co thể chọn một số bài hát sau cho phần nhảy lửa và gọi lửa
* Qui định hình thức hóa trang của đội nhảy lửa.
* Chuẩn bị lời mở lửa và tàn lửa.
* Qui định quản trò, quân ca, quản lửa.
* Chuẩn bị: củi, dầu, dụng cụ phóng lửa.

b/ Tiến hành đêm sinh hoạt lửa trại:

* Củi được xếp sẵn, bộ phận phụ trách kĩ thuật phóng lửa chuẩn bị sẵn sàng.
* Quản ca xuất hiện tại sân lửa trại dùng tiếng vọng mời gọi các đơn vị tham gia. Các đơn vị đáp lại bằng những băng reo, rồng rắn xuất hiện và cùng sinh hoạt vòng tròn để tạo không khí vui ngay ban đầu.
* Đọc lời mở lửa và gọi lửa.
* Khi lửa xuất hiện toàn bộ vòng tròn đều làm một băng reo vui hoặc hát bài Lửa trại vui của Nguyễn Văn Hiên. Đồng thời đội nhảy lửa sẽ xuất hiện. Các trại sinh (không nằm trong trong đội nhảy lửa) cùng tham gia nhảy kết thúc bài nhảy lửa. Trại trưởng xuất hiện khai mạc lửa trại (ngắn gọn, súc tích, truyền cảm) và trao quyền điều hành cho quản trò.
* Quản trò xuất hiện bất ngờ hoặc theo lời mời gọi của vòng tròn điều khiển chương trình hoạt lửa trại.
* Khi nhận ra cuộc vui đã kết thúc, bạn mời tất cả mọi người khép vòng, ngồi quanh đống lửa và hát những bài trầm hùng. Anh chị trại trưởng sẽ nói đôi điều nhắn nhủ và chúc cho tinh thần thân ái luôn ngự trị trong anh em. Sau đó tất cả cùng hát bài ca tàn lửa và chia tay trở về lều.
* Bộ phận chuẩn bị dập tắt lửa thật kỹ để tránh cháy nhất là ở trong rừng, đồng cỏ.

c/ Cách sắp xếp củi lửa trại:

* Có nhiều cách xếp củi lửa trại: Kiểu hình nón, kiểu tam điện, kiểu lục lăng … nhưng lúc nào cũng phải đảm bảo các yếu tố sau:
* Củi nhỏ sắp bên trong, củi vừa ở giữa và đến ngoài là củi lớn.
* Sắp xếp củi phải đảm bảo độ thông gió, bên trong có bùi nhùi bắt lửa nhanh và bén lửa ngay.

d/ Các loại hình khai mạc lửa trại:

* Dùng đuốc châm lửa;
* Rước đuốc từ nhà truyền thống đến đất trại;
* Xây dựng hoạt cảnh thần bóng tối và thần ánh sáng để châm lửa.
* Gọi lửa từ trên cao xuống, thường làm ròng rọc thả (ngôi sao) từ trên cao xuống tâm lửa.
* Dùng chuột lửa để bắn
* Châm lửa bằng điện: dùng điện trở (may xo) để làm ngòi châm lửa ngay tại đống lửa.
* Rước lửa từ giữa lòng sông hồ: Dùng ròng rọc để cố định lửa giữa hồ. Sau khi châm lửa xong dùng dây kéo lửa vào và mang ngọn lửa đó vào châm cho đống lửa chung.

Tóm Lại: Có rất nhiều hình thức để khai mạc lửa trại, và việc này tùy thuộc vào thời tiết, điều kiện, địa điểm… để thiết kế cho phù hợp.

I. Công Tác Chuẩn Bị

1. Đối với BTC:

– Chọn địa điểm bằng phẳng, rộng rãi cho 50 trại sinh hoạt động được (tránh xa các chất dễ cháy như xăng, dầu, cao su, nơi có dây điện chạy qua.)
– Củi, dầu để mồi lửa, âm thanh ánh sáng (nếu có)
– Viết lời vọng về lửa
– Phân công chịu trách nhiệm quản ca, quản trò, quản lửa và người đọc lời vọng.

2. Đối với các trại: Gồm 50 trại sinh (có thể nhiều hơn)

– Tất cả hóa trang người tiền sử và mỗi trại sinh một cây đuốc để nhảy lửa.
– Chuẩn bị tốt các chương trình tham gia như hóa trang, văn nghệ, thi hùng biện…
– Chọn cho mình một tiếng reo.
– Chuẩn bị một cây nến lớn và một đống củi nhỏ tại lều trại mình
– Chuẩn bị nội dung sinh hoạt trại

II.Cách Bố Trí Và Sắp Xếp Đội Hình

1. Cách bố trí củi: Củi xếp theo hình nón, có thể châm lửa trực tiếp hoặc bằng điện.

2. Cách sắp xếp đội hình: Lấy đống củi làm tâm triển khai đội hình vòng tròn hoặc các hướng chạy vào rồi tạo thành vòng tròn.

III. Chương Trình Lửa Trại

1- Hoạt cảnh ánh sáng của lửa.

2- Nhảy lửa

3- Sinh hoạt cộng đồng

4- Thi văn nghệ, hóa trang, hùng biện, trò chơi nhỏ…

5- Phút sinh hoạt lửa tàn

6- Chuyển lửa về từng tiểu trại tổ chức sinh hoạt.

IV- Nội Dung Chi Tiết

– Các lều trại hóa trang và chuẩn bị khi BTC tắt điện và hú một tràng dài tất c- Lời vọng: Nếu như thế gian không có mặt trời thì cả vũ trụ này sẽ sống ra sao…. Ôi! thật kinh khủng quá …………

Thần bóng đêm: Ha ha ha ha…. Ta là thần bóng đêm. Ha ha ha….. nơi nào có ta là nơi đó sẽ lạnh lẽo và chết chóc, bầu trời sẽ đen tối và loài người sẽ mãi mộng mị ngu si. Ha ha… thế gian này là của ta, bóng đêm này là của ta, không ai có thể xua đuổi ta được. Ha ha ha … Ta là chúa tể của muôn loài…Ha ha ha……

Thần ánh sáng: Xuất hiện …. tay cầm một ngọn đuốc sáng. Này – Thần bóng đêm kia, nhà ngươi đã đến số rồi (Thần bóng đêm làm động tác run sợ, mệt mỏi dần và nằm xuống một chỗ). Ta là Thần ánh sáng, ta đem văn minh đến cho lòai người đây. Lửa – Lửa – Lửa hãy cháy lên (lúc này chạy lại mồi vào đống củi lớn)… Cháy mãi, cháy mãi để muôn loài được gần nhau hơn (vòng tròn hú lên và ngồi xít lại) Ngọn lửa của ta – ánh sáng của ta sẽ sưởi ấm loài người. Hỡi loài người hãy cùng ta múa hát thâu đêm bên ánh sáng bập bùng của ngọn lửa ….(tất cả đều cầm đuốc lửa).

– Hát – múa : …

(bài này kết thúc tất cả ném đuốc vào đống củi).

Lời vọng: Các bạn thân mến, chúng ta hãy cảm ơn Thần ánh sáng. Người đã đem lại cho chúng ta một nguồn sức mạnh vô biên, sức mạnh của trí tuệ, sức mạnh của một nền văn hóa hiện đại. Phải chăng ánh sáng văn hóa là phương thuốc kỳ diệu cho những nơi tăm tối và những ai không biết chữ. Chúng ta nguyện sẽ làm tất cả những gì cho ngọn lửa này đến thắp sáng những nơi còn đang tăm tối để nơi đó được sáng lên như chúng ta ngồi đây, phải không các bạn (cả vòng tròn vỗ tay vang dội).

Sinh họat cộng đồng: Hát múa các bài hát : Bài ca sum họp, Ước mơ ngày mai, Trống cơm…
(Hát múa xong ổn định vòng tròn lại như cũ)

Quản trò: Những phút sinh hoạt với ngọn lửa đã qua, chúng ta lại trở về với thực tại, Lửa đón ta đây, tất cả đã quyện vào thành một tâm hồn lớn. Nào chúng ta hãy cùng hát cho nhau nghe và bây giờ các bạn hãy vỗ tay thật lớn của bạn….
(Tiểu trại 1 với bài hát……………………………………..)
Tiếp tục chương trình là phần dự thi hóa trang vui do các “danh hài” của tiểu trại 2 (Vỗ tay) (Xen kẽ những tiết mục văn nghệ là hội thi hóa trang vui, thi hùng biện, tổ chức trò chơi nhỏ …)

Sinh hoạt cộng đồng: Hát múa các bài : …

Quản trò: Mời trại sinh trở về vị trí cũ, tay trong tay ngồi xuống sinh họat phút lửa tàn (điện tắt).

Lời vọng: Lửa đã tàn dần, tàn dần. Nhưng ánh sáng của lửa vẫn mãi mãi soi trong tim chúng ta. Ánh sáng của lửa, ánh sáng văn hóa đã trở thành vĩnh cữu. Tiếng hát nồng thắm, tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên, vô tư của đêm nay không còn nữa. Chỉ còn ánh sáng bập bùng của lửa soi trọn vẹn trên những gương mặt thân thương. Trong giờ phút sâu lắng này, không ai nói lên hai chữ chia tay… Nhưng chúng ta phải về thôi, về lại với đời thường – về bên những bài học mới đang chờ đợi ta. Chúng ta sẽ kể cho mọi người nghe về đêm nay. Mình tin rằng những gì kì diệu của đêm nay sẽ là những điều tốt đẹp cho ngày mai.

Bắt bài hát: “Giờ chia tay”. Hát đến đoạn 2 mỗi tiểu trại tự tạo thành một vòng tròn và cử một trại sinh châm một ngọn lửa nhỏ (cây nến đã chuẩn bị trước). Hãy bảo vệ ngọn lửa và tất cả cùng về trại của mình để tổ chức sinh hoạt theo nội dung đã chuẩn bị trước.

V- Kết Thúc Đêm Lửa Trại

Chú ý : Trong suốt các hoạt động diễn ra – quản lửa thường xuyên giữ ngọn lửa bùng lên.

Chương trình lửa trại chỉ mang tính gợi ý, các bạn có thể sẽ làm hay hơn và cho các em thiếu nhi thật nhiều niềm vui và học được nhiều điều bổ ích.

Đây là một chương trình lửa trại chung cho một đoàn thể, còn chương trình lửa thiêng cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể, thì có thể thay đổi các tiết mục và bài hát dựa theo Thánh kinh. Tuỳ các Trưởng sắp xếp sao cho tiện lợi.

Nguyễn đình Tường sưu tầm

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời