Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

MotLanNua NguyenDuyAn

Mot Lan Nua – Nguyen Duy An

Một Lần Nữa

Nguyễn Duy-An

Chiều Thứ Sáu. Trời đã vào xuân. Đẹp. Hoa Anh Đào đang nở rộ chung quanh bờ
hồ Tidal Basin và hai dãy công viên dọc theo bờ sông Potomac. Du khách dồn về
thủ đô tham dự ngày Hội Hoa Anh Đào đông như kiến cỏ. Tôi cố gắng sắp xếp công
việc ở sở để về sớm hơn bình thường, nhưng rồi cũng bị kẹt xe trên xa lộ… Có
lẽ cả tiếng đồng hồ nữa mới về đến nhà. Giờ này chắc Khang, chồng tôi, đang trên
đường tới nhà ông bà nội đón hai con và mời ông bà hôm sau đi chụp hình Hoa Anh
Đào với bố mẹ nuôi của tôi và các cháu.

Về đến nhà, nhìn bãi cỏ xanh mơn mởn và hàng cây cảnh trước nhà mới được cắt
tỉa xinh xắn, tôi cảm thấy thương ông nội các cháu thật nhiều. Mặc dầu đã được
lãnh tiền già, ông vẫn theo mấy người bạn đi cắt cỏ, làm vườn… vì sợ “nhàn cư
vi bất thiện”. Riêng mảnh vườn của chúng tôi, suốt từ mùa Xuân cho tới cuối mùa
Thu, một mình ông tự tay chăm sóc và trồng cấy đủ loại rau thơm ở vườn sau. Gởi
tiền, ông không nhận; mua quà cáp biếu xén, không những ông bắt mang trả lại, mà
còn mắng vốn: “Cha đã nói rồi… Vợ chồng bây cứ bày đặt chi rứa? Để dành tiền
sau này cho các cháu ăn học.” Ngay cả việc gởi hai con cho bà nội trông nom
trong lúc chúng tôi đi làm ông cũng không cho bà nhận tiền. Vợ chồng tôi giải
thích, năn nỉ bao nhiêu cũng bằng thừa. Do đó, để bù lại, thỉnh thoảng chúng tôi
gởi tiền về giúp vợ chồng chú Khương bên nhà, hoặc mua sắm vài món nữ trang hay
quần áo cho cô em chồng, và nói dối là những thứ tôi không dùng nữa nên cho em.
Mặc dầu thế, thỉnh thoảng ông vẫn nhắc vợ chồng tôi là “đừng chiều con Liên quá,
nó hư…”

Làm việc suốt ngày ở sở, rồi kẹt xe trên đường về nên sau mấy phút suy nghĩ
vẩn vơ tôi cảm thấy buồn buồn và mệt mỏi lạ thường. Tôi mở cửa vào nhà, vội vàng
lên lầu mở nước nóng đầy bồn nằm ngâm nửa tiếng “thư giãn” cho thanh thản đầu
óc. Vừa ngâm mình trong bồn tắm, tôi vừa ôn lại dĩ vãng đời mình…

* * * * *

Tôi là một trong những trẻ em lai Mỹ được các dì phước dòng Đa-Minh nuôi nấng
trong một cô nhi viện ở Thủ Đức. Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tại
Việt Nam, chúng tôi may mắn được di tản sang Mỹ… Bố nuôi của tôi đã từng làm
việc cho một văn phòng báo chí của Mỹ ở Sàigòn, có thể đọc và viết tiếng Việt
khá lưu loát. Ông nói tiếng Việt giọng Bắc như một người sinh trưởng ở Hà Nội.
Trước khi trở về Hoa Thịnh Đốn vào cuối năm 1974, ông đã bàn với vợ và hai người
con trai đã trưởng thành để tiến hành thủ tục nhận tôi làm con nuôi, nhưng giấy
tờ chưa xong thì chúng tôi được di tản sang Mỹ. Tôi có thể nói mình là một trong
những đứa trẻ may mắn nhất trong các em mồ côi ở cô nhi viện lúc bấy giờ. Đợt di
tản đầu tiên chỉ dành riêng cho các em dưới 3 tuổi, nhưng vì tôi đã có bố mẹ
nuôi nên được đi theo, mặc dầu lúc đó tôi đã gần 6 tuổi. Vừa đặt chân tới Mỹ,
tôi được bố mẹ nuôi nhận mang về nhà. Thêm vào đó, bố nuôi tôi biết nói tiếng
Việt nên đã giúp tôi hội nhập một cách dễ dàng vào xã hội Mỹ. Ông bà cho phép
tôi giữ tên tiếng Việt là Kim, chỉ đổi sang họ McCarthy vì từ nay trên giấy tờ
tôi là con của ông bà. Tôi lớn lên trong gia đình cha mẹ nuôi như một đứa con út
được mọi người cưng chiều và thân thương gọi là “công chúa” (little princess).
Hai ông anh nuôi của tôi đã ra trường, đi làm và ở riêng nhưng tuần nào cũng về
chở tôi đi chơi. Mấy năm sau, khi cộng đồng người Việt lớn mạnh chung quanh vùng
Hoa Thịnh Đốn, ông bà còn khuyến khích và giúp đỡ tôi theo học chương trình
tiếng Việt mùa hè để “đừng quên đi gia tài của Mẹ,” như lời ông vẫn khuyên nhủ
những lúc giúp tôi đánh vần hay tập viết tiếng Việt.

Những năm theo học Đại Học George Mason ở Virginia, tôi vẫn trở lại giúp làm
giấy tờ trong văn phòng chương trình Việt Ngữ. Chính tại nơi đây, tôi đã gặp
Khang, ông xã của tôi bây giờ. Lúc đó là mùa hè 1988. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi
vẫn cùng nhau ôn lại kỷ niệm những ngày đầu mới quen nhau để hâm nóng tình yêu
đôi lứa. Hôm đó tôi đang ngồi sắp xếp danh sách các lớp học dùm chú Thư tại văn
phòng trường Việt Ngữ thì Khang đến. Tôi hơi run khi ngẩng mặt lên, trông thấy
một anh chàng dong dỏng cao, da sạm nắng, mắt mở to nhìn tôi ngập ngừng:

– Sorry… Sorry… Wrong office. (Xin lỗi… Xin lỗi nha. Chắc lộn phòng).

Nghe cách phát âm ngọng nghịu của chàng, tôi đoán chắc anh ta mới từ Việt Nam
hay trại tỵ nạn qua nên mạnh dạn mỉm cười nói tiếng Việt:

– Anh cần chi? Em là Kim. Nếu anh tìm văn phòng trường Việt Ngữ thì đúng rồi,
không sai đâu. Chú Thư và các anh chị giáo viên chưa tới.

– Cô… Cô biết tiếng Việt hả?

– Em là người Việt Nam mà. Anh hỏi kỳ thế?

– Nhìn cô ai bảo là người Việt! Da trắng, tóc vàng hoe…

Sau đó Khang cho tôi biết chàng mới đến Mỹ được hơn 3 năm và đang theo học
tại trường American University bên Hoa Thịnh Đốn nên tình nguyện tới dạy tiếng
Việt cho các em… Chúng tôi quen nhau từ dạo đó. Cha mẹ nuôi của tôi rất quý
mến Khang, lúc nào cũng khen chàng là người đứng đắn, có chí và hiền lành. Thêm
vào đó, bố nuôi tôi đã có lần ghé thăm làng Bình Giả, nơi “chôn nhau cắt rốn”
của chồng tôi vào khoảng giữa năm 1965. Ông còn lục lại cuốn Album cũ, chỉ cho
chúng tôi xem mấy tấm hình ông chụp dân quê ở Bình Giả thời đó. Tôi chỉ một tấm
hình bố nuôi tôi chụp cảnh năm sáu đứa trẻ con đang trần truồng tắm mưa trên một
sân láng xi-măng, vừa cười vừa nói:

– Em nghĩ anh là một trong những đứa bé đó.

Khang biết tôi cố tình trêu chọc nhưng vẫn lên tiếng phân trần:

– Năm đó anh mới được vài tuổi, làm sao mà chạy tắm mưa như thế được! Mấy năm
sau thì may ra…

Một thân một mình vượt biên sang Mỹ, Khang vừa làm vừa học, vừa giúp đỡ gia
đình bên Việt Nam, đồng thời tiến hành thủ tục bảo lãnh cha mẹ và đứa em út mới
sinh sau ngày cha Khang đi học tập trở về. Hai năm sau chàng ra trường kỹ sư.
Hai đứa yêu nhau. Trước khi chính thức ngỏ lời cầu hôn với tôi, Khang viết thơ
về Việt Nam xin phép cha mẹ, và cha nuôi tôi cũng viết một lá thơ gởi kèm theo
để làm quen với “ông bà sui”. Sau mấy tháng chờ đợi, Khang nhận được một lá thơ
kể hết chuyện làng trên xóm dưới, nhưng không đề cập gì tới việc cưới xin của
chúng tôi, ngoại trừ câu cuối cùng: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống… Cha
nói ít, con hiểu nhiều!”

Tôi biết Khang buồn lắm, nhưng chàng vẫn nhờ người đứng chủ hôn và sắp xếp
việc cưới xin trong khi tiếp tục viết thơ về Việt Nam phân trần và giải thích
cho cha mẹ hiểu lý do tại sao chàng quyết định lấy tôi làm vợ. Trong thời gian
đó, ông bố nuôi của tôi cũng viết một lá thơ thật dài bằng tiếng Pháp cho “ông
sui”… Không biết hai “ông sui” thư từ qua lại thế nào mà trước ngày đám cưới,
tôi nhận được một lá thơ với tấm hình của đại gia đình bên Việt Nam. Hôm đó tôi
đã bật khóc nức nở khi đọc những dòng chữ viết tay nắn nót của cha chồng tương
lai… “Kim. Cha mẹ đã hiểu. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho
tình yêu của chúng con. Cha thay mặt cho đại gia đình và giòng họ nhận con làm
dâu…” Bố nuôi tôi sau khi xem lá thơ đã bật miệng thốt lên: “Great! What a
great man! I really respect him” (Tuyệt vời! Đúng là một vĩ nhân! Tôi thật tình
kính phục ông ta). Đó, cha chồng của tôi như thế đó. Ông rất nghiêm khắc và cứng
rắn, nhưng thẳng thắn và chân tình. Ông sẵn sàng xin lỗi con cháu trước mặt mọi
người nếu ông làm sai. Ngược lại, những gì ông tin rằng ông làm đúng, cho dù ai
nói gì ông cũng để ngoài tai, và có khi còn quát tháo om sòm. Chồng tôi đã có
lần “bật mí” là mấy tháng trước ông bắt cô Liên nằm sấp xuống sàn nhà để đánh 3
roi vì nói hỗn với mẹ. Sau đó chồng tôi ngồi giải thích cho ông nghe về luật lệ
xứ Mỹ, ông có vẻ hiểu nhưng vẫn một mực khẳng định là phải “nghiêm khắc sửa
phạt” thì con cái mới nên người. Mẹ chồng tôi là người phụ nữ hiền nhất thế
giới! Ông nói gì bà cũng lắng nghe và đồng ý. Tôi thương bà như mẹ ruột, và bà
cũng không bao giờ xem tôi là con dâu theo kiểu “mẹ chồng, nàng dâu”. Tôi nghĩ
chắc ngày xưa bà sợ ông lắm, nhưng không phải vậy. Bà đã từng tâm sự với tôi
rằng “tính ông nghiêm khắc rứa chớ khi mô cũng thương vợ thương con hết mình”.
Ông vẫn thường nói với mẹ và chúng tôi: “Mình sai thì nhận sai, có chi mà sợ”.
Tôi cám ơn Chúa Mẹ đã an bài cho tôi có được một gia đình như hôm nay. Tôi chỉ
là một đứa con lai Mỹ xuất thân từ viện mồ côi!

Nói tới sợ, tôi lại nghĩ tới những ngày gia đình ông bà mới qua Mỹ cách đây
vài năm… Sau khi sinh cháu thứ hai, vợ chồng tôi quyết định mua căn nhà mới
cho rộng rãi hơn, và định sơn sửa lại căn chung cư (condo) để cho thuê. Chúng
tôi chưa kịp dọn nhà thì nhận được giấy báo tháng sau cha mẹ chồng và em Liên sẽ
qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Tôi sợ phải làm dâu nên bàn với nhà tôi đừng cho thuê
căn chung cư 2 phòng ngủ, nhưng giữ lại cho ông bà và cô út ở, khỏi mất công đi
thuê nhà. Chồng tôi thật thà nói:

– Tùy em, nhưng nhà mới của mình rộng rãi, dư phòng… ở chung cũng được, cần
gì phải thuê.

Tôi không dám nói thật với chồng, nhưng cứ sắp xếp theo ý muốn của riêng tôi.
Bố mẹ nuôi của tôi cũng nghĩ đó là cách tốt nhất để tránh đụng chạm. Rồi ngày
đoàn tụ đến. Bố mẹ nuôi của tôi cũng ra phi trường đón ông bà nội các cháu. Thôi
thì mừng mừng, tủi tủi không bút mực nào diễn tả hết được. Chồng tôi gặp lại cha
mẹ sau gần 20 năm xa cách… Ngày anh ấy ra đi, cha còn trong trại “cải tạo”,
bây giờ gặp lại có thêm cô em út đã gần 16 tuổi. Tôi và hai con lần đầu tiên “ra
mắt” nhà chồng. Ông bà, cha mẹ, con cái, và anh em người nào cũng khóc như mưa.
Bố mẹ nuôi tôi không làm sao hiểu được tại sao ai cũng khóc trong giây phút phải
nói là vui vẻ hạnh phúc nhất của gia đình. Ông cứ than thở, “tôi học mãi cũng
không hiểu được văn hóa người Việt.”

Từ phi trường Dulles chúng tôi ghé qua khu thương xá Eden ăn mừng trước khi
về nhà. Hôm đó cũng là một buổi chiều Thứ Sáu. Cha chồng tôi tình cờ gặp được
mấy người bạn sang trước tại khu chợ Việt Nam nên vui lắm. Chúng tôi mời các bác
cùng đi ăn để mừng gia đình đoàn tụ. Mấy bác xin chồng tôi địa chỉ và điện thoại
của ông bà để mai mốt liên lạc và tới thăm… Sau khi dạo qua chợ một vòng, mẹ
chồng tôi thở phào nhẹ nhõm bảo tôi:

– Bên ni cấy chi cũng có con hầy. Họ bán đủ thứ mà lại thứ ngon nữa. Mẹ phải
lùng mua nào là bột sắn, măng khô, cá khô, tiêu, cà phê… để mang theo. Sang
đây rồi mới thấy là mình dốt.

– Hôm trước chúng con đã dặn trong thơ là chỉ mang theo vài bộ quần áo thay
đổi thôi mà.

– Thì rứa… Nhưng cha bây có nghe mô! Ông cứ bắt mẹ con choa đi mua đủ thứ
để mang theo, sợ sang bên ni rồi thèm cũng không có mà ăn.

Hình như ông nghe được nên quay lại, quắc mắt nói hơi lớn:

– Thừa còn hơn thiếu… nhưng mình có phải khiêng mô mà cứ rên mãi rứa? Họ
cho mang theo mỗi người mấy chục ký thì cứ mang.

Mẹ con chúng tôi sợ quá, chỉ biết im lặng lấm lét nhìn nhau. Nhưng tối hôm đó
tôi mới thật sự sợ uy quyền của ông cha chồng mới qua Mỹ. Sau khi mang hết mấy
thùng đồ vào chung cư, chỉ dẫn cho mẹ và cô em chồng các thứ trong chung cư, kể
cả việc dùng nhà bếp, nhà tắm… Vợ chồng tôi từ giã ra về để ông bà ngủ sớm cho
khỏe, hẹn hôm sau sẽ tới chở mọi người đi chơi cho biết thành phố Hoa Thịnh Đốn
và những danh lam thắng cảnh trong vùng. Khi thấy chúng tôi xin phép ra về, ông
nhìn chồng tôi tỏ vẻ khó chịu, giọng hơi gắt:

– Vợ chồng bây nói chi? Cha tưởng đây là nhà chớ còn đi mô nữa?

Chồng tôi nhỏ nhẹ trả lời:

– Dạ… đây là chung cư của chúng con mua từ ngày mới cưới nhau. Mới đây
chúng con xây nhà mới nên để căn chung cư này lại cho cha mẹ và em Liên ở, khỏi
phải trả tiền.

– Bây đưa choa sang đây để nhốt trong ni à? Tiếng Anh tiếng u không biết;
chân ướt chân ráo sang đây mà vợ chồng bây ăn ở đẹp thật. Đi đi, đừng khi mô vác
mặt sang đây nữa. Bây tưởng tau sợ à?

– Cha… Con xin cha.

– Hừ… Xin! Ai xin ai? Nuôi con khôn lớn, cho ăn học thành tài, bây giờ mi
thí cho cha mẹ một chỗ ở “khỏi phải trả tiền”… Mi báo đáp công ơn sinh thành
dưỡng dục của cha mẹ bằng cách nhốt choa vô cái hộp ni cho khuất mắt đây mà!

Tôi sợ quá, vừa khóc vừa năn nỉ:

– Chúng con không dám thế… Vợ chồng chúng con chỉ muốn cha mẹ và em Liên có
chỗ riêng tư… Vợ chồng con để cha mẹ và em Liên ở riêng trong lúc chân ướt
chân ráo thế này quả là không phải, chúng con xin cha mẹ thương tha thứ cho lối
suy nghĩ và cách cư xử sai quấy của chúng con… Hay để chúng con chở cha mẹ và
em Liên về bên nhà ở chung, bao giờ quen rồi dọn qua đây cũng được.

Biết ông đang nóng, mẹ chồng tôi nói nhỏ:

– Hai con cứ đưa các cháu về nghỉ đi, để mẹ lo cho… Chắc ông mệt trong
người nên dễ nổi nóng. Mà chỗ ni cũng rộng chán, răng vợ chồng con không ở chung
luôn cho đỡ tốn kém?

Nói xong, bà hôn các cháu rồi ra hiệu cho chúng tôi cứ ra về. Tôi đành bế con
bé rón rén mở cửa. Trên đường về chồng tôi than thở:

– Tính cha nóng như Trương Phi, không làm sao giải thích được. Hồi anh xin
phép cưới em cũng thế. Ông chẳng nghĩ ngang nghĩ dọc gì cả, chỉ khăng khăng chê
em là con lai rồi phản đối… Cũng may mà ông còn biết phục thiện chớ không cố
chấp quá đáng.

– Em nghĩ từ từ rồi ông cũng hiểu ý tốt của vợ chồng mình, nhưng em sợ quá.
May mà anh không giống tính ông.

Suốt đêm vợ chồng tôi trằn trọc, cứ sợ gia đình rồi đây sẽ xào xáo. Sáng hôm
sau, chúng tôi chở hai con qua sớm vì hai nhà chỉ cách nhau khoảng 15 phút lái
xe. Cô Liên và bà ra mở cửa, vừa bế các cháu vừa nói nhỏ:

– Ông đang nói chuyện ầm ĩ trong điện thoại với mấy người bạn cũ. Nghe ông
nói chi mà tui không hiểu, tui sai… Mẹ nghĩ chắc ông hết giận rồi.

Chúng tôi đi thẳng vào nhà bếp để ông tự nhiên nói chuyện với bạn bè trong
điện thoại. Khoảng 10 phút sau ông đi vào, vừa cười vừa gọi thằng con lớn của
chúng tôi:

– Đi ông bồng chút mồ.

Thằng Jonathan lấm la, lấm lét nhìn ông, không muốn rời bà nội. Tôi đang giúp
Liên chuẩn bị điểm tâm nên liếc mắt nhìn ngang thấy chồng tôi vừa kéo Jonathan
qua chỗ ông, vừa nói:

– Cha đỡ mệt chưa? Con hy vọng cha không giận nhà con…

– Ngủ sướng thì thôi. Máy lạnh chạy cả đêm nên ôm bà không chán.

– Ồ… Cấy ông ni. Già không nên nết! Không sợ con cháu cười cho à?

Mẹ chồng tôi thẹn đỏ mặt mày, vừa lườm ông vừa đi lại bàn bếp giúp chị em
chúng tôi chuẩn bị thức ăn. Ông quay vô nói lớn:

– Liên hỏi chị Kim rồi làm thêm thêm một tý. Có ba ông bạn già đến ăn sáng
cho vui, nghe nói ở loanh quanh mô đây, khoảng 10 phút họ đến.

Ông vừa nói xong đã có người gõ cửa. Một bác chúng tôi đã gặp hôm trước dẫn
theo hai người nữa có vẻ còn trẻ hơn. Mọi người tay bắt mặt mừng, cùng ngồi vào
ăn sáng. Mới bắt đầu ăn, ông trịnh trọng mở lời:

– Trước hết, cha cám ơn các con đã lo cho cha mẹ đầy đủ mọi sự mà cha hiểu
lầm nên lớn tiếng với các con. Tui cũng xin lỗi và cám ơn bà vì chuyện hồi đêm.
Còn chú Thăng thì anh phải nói là từ nay nhất nhất anh sẽ nghe chú. Không có chú
thì anh không hiểu được cái sai của mình. Chú dạy cho anh bài học đầu tiên ở
Mỹ… Hồi trước chú là lính của anh, bây giờ anh là học trò của chú. Không sao
cả.

Nhờ câu nói mở đầu của ông mà mọi người vui vẻ, chuyện trò tâm tình rất cởi
mở. Tính cha chồng tôi như thế đó. Nóng nẩy, nghiêm khắc nhưng rất thẳng thắn và
phục thiện. Đã gần 2 năm qua rồi từ hôm gia đình bên chồng tôi qua Mỹ đoàn tụ…
Càng ngày tôi càng hiểu và thương gia đình bên nội nhiều hơn. Tôi tự mỉm cười
với chính mình và sửa soạn xuống nhà chuẩn bị bữa cơm chiều.

* * * * *

Tôi vừa xuống bếp, chưa kịp lấy nồi niêu xoong chảo đã nghe chuông reo rinh
ỏi. Tôi bồn chồn lo lắng, sợ nhà tôi gặp phải tai nạn gì trên đường về, nên vội
vàng bắt điện thoại. Ở đầu giây bên kia, tiếng Liên vừa khóc vừa nói:

– Chị Kim. Chị giúp em với… Cha mới đuổi em ra khỏi nhà. Lúc nãy em gọi chị
không được nên anh Hùng chở em tới nhà ông McCarthy ngồi chờ.

– Bình tĩnh đã nào! Có chuyện gì từ từ nói… Hay em nói Hùng chở về nhà chị
đi. Anh Khang ghé đón các cháu chắc cũng sắp về rồi.

– Anh Khang chở mẹ và hai cháu đi chợ mua các thứ chuẩn bị ngày mai nướng
thịt ăn picnic chắc chưa về… Một mình cha ở nhà mới khổ em.

– Mà tại sao?

– Chiều nay anh Hùng về nghỉ “Spring Break” (Nghỉ giữa khóa học mùa xuân),
tới nhà chơi. Chúng em đã xin phép tối mai đi dạ vũ Hoa Anh Đào nên anh Hùng xin
phép mẹ chở em đi mua cái áo dạ hội… Lúc về chỉ thấy miếng giấy anh Khang để
trên bàn là phải chở mẹ và các cháu ra chợ… Em để anh Hùng ngồi ở phòng khách,
vào thay áo mới để thử. Em vừa bước ra, quay tới quay lui cho anh Hùng ngắm xem
có vừa không thì cha mở cửa bước vào. Nghe tiếng động, anh Hùng quay ra cửa lễ
phép chào, nhưng mặt cha cứ hầm hầm nhìn em rồi quát tướng lên: “Con đĩ kia, ăn
mặc rứa à? Lại còn ẹo lên ẹo xuống như phường chèo. Cút, cút cho khuất mắt
tau…” Hai đứa em năn nỉ giải thích cha không thèm nghe, còn đòi đánh em nữa
nên anh Hùng đành dẫn em ra xe.

– Sao em không đợi mẹ và anh Khang về? Khi cha nóng lên chỉ có mẹ can được
thôi.

– Thì chúng em cũng tính thế, nhưng cha ra cửa ngó thấy hai đứa đứng dưới xe
nên chưởi ầm lên. Chúng em quê xệ với hàng xóm quá, phải ra điện thoại công cộng
gọi chị mấy lần không được nên đành gọi nhà ông McCarthy. Ông ấy nói cứ đến rồi
tính sau. Chị có cần nói chuyện với ông McCarthy không?

– Tý nữa. Bây giờ để chị gọi về bên nhà xem sao đã. Hai đứa cứ ở đó. Nói với
ông bà McCarthy là chị sẽ gọi lại ngay.

Tôi bàng hoàng lo lắng, nhưng cũng phải thu hết can đảm quay số điện thoại
nhà cha mẹ chồng. May quá, ông xã tôi bắt điện thoại:

– Em hả? Êm rồi. Con Liên và thằng Hùng có ở bên nhà mình không?

– Hai đứa đang ở bên nhà bố mẹ. Mình làm sao bây giờ anh?

– Để anh bàn với mẹ đã… Chắc mời ông bà sang nướng thịt ăn picnic chiều nay
rồi ngày mai tính sau. Ông đi làm về mệt, thấy hai đứa nó ở nhà một mình, lại ăn
mặc sao đó nên ông sợ con gái rượu “hư” mới nổi nóng thế thôi. Bà ép ông đi tắm
cho “hạ hỏa” rồi.

– Tắm chung hả? Tình nhỉ.

– Em nữa! Em sắp xếp bên đó nha. Anh sẽ mời cha mẹ và nói là đã có ông bà
McCarthy tới rồi. Cha nể bố lắm nên chắc chắn sẽ đồng ý.

– OK. Honey.

Tôi lại phải gọi điện thoại giải thích với bố mẹ nuôi và năn nỉ ông bà cùng
qua chơi, nướng thịt ăn picnic và giảng hòa dùm chuyện gia đình nhà chồng. Bố
nuôi tôi vẫn quý mến Hùng nên sẵn sàng ngay. Tôi nghiệp hai đứa, mặt mày tái
mét, vừa đốt lò vừa lấm la lấm lét nhìn ra phía trước chuẩn bị tinh thần. Vừa
đậu xe, ông xã tôi xách các thứ ra sau cùng với Hùng và Liên bắt đầu nướng thịt.
Bố mẹ nuôi tôi vừa bắt tay cha mẹ chồng vừa đưa tay bế cháu. Ông bố nuôi tôi
cũng tâm lý lắm, vừa nắm tay cha chồng tôi vừa nói dỡn:

– Ông sui khỏe không? Bây giờ hết tuyết rồi nên trời hơi nóng hả? Tôi nghe cô
Liên kể lại mà cũng sợ ông luôn.

– Cái xứ của ông tự do quá trớn. Con gái tôi toàn học những thứ gì đâu. Tôi
giận quá…

– Nếu ông không nuôi cô Liên nữa, ông cho tôi đi.

– Thôi đi ông bạn già. Ông đã nuôi con dâu cho tôi rồi, bây giờ còn đòi thêm
con gái nữa sao.

Mẹ chồng tôi kêu Liên dẫn Hùng ra xin lỗi. Chúng nó chưa kịp mở miệng, cha
chồng tôi đã nói lớn:

– Ra sau giúp anh chị bây đi. Cha hơi nóng quá. Cha xin lỗi. Có gì tý nữa ta
nói chuyện để thông cảm hơn.

Thế là vui vẻ. Đại gia đình của tôi bên Mỹ quây quần chung quanh cái bàn
picnic sau vườn, vừa ăn thịt nướng vừa nói chuyện về những ngộ nhận và hiểu lầm
vì nhiều thế hệ, tuổi tác khác nhau trong gia đình. Đúng là một ĐẠI GIA ĐÌNH: Bố
mẹ nuôi của tôi người Mỹ. Tôi là đứa con lai mồ côi. Cha mẹ chồng tôi vẫn còn
giữ đúng phong tục tập quán Việt Nam. Chồng tôi sang Mỹ theo diện “boat people”
(thuyền nhân). Cô Liên mới qua tuổi trăng tròn. Hùng là một thanh niên Việt Nam
nhưng suy nghĩ nói năng như Mỹ con. Hai đứa con tôi đứa 5 tuổi, đứa mới lên 2…
Như lệ thường, cha chồng tôi tuy nóng tính nhưng rất cởi mở, bao giờ ông cũng là
người “khai mạc” những vấn đề khó nói, một cách ý nhị, để mọi người có thể thảo
luận một cách thoải mái. Ông mở đầu:

– Hùng đừng giận bác nữa nha. Hồi chiều vừa vô nhà, bác thấy hai đứa cứ như
đang đóng tuồng nên bác nóng quá. Bác xin lỗi. Bác cũng phải nhận là con Liên
mặc cái áo đó vào nhìn xinh đáo để, nhưng bác không quen mắt…

– Dạ… chúng con trẻ người non dạ, có gì bác cứ chỉ dạy.

– Trẻ chi nữa mà trẻ. Khi bằng tuổi Hùng bác đã có anh Khang rồi. Nhưng
chuyện đó tính sau. Bây giờ tôi hỏi ông bà sui cho ý kiến xem tôi có cổ hủ quá
không?

– Ông sui tiến bộ lắm, không cổ hủ. Có điều ông phải chấp nhận là mỗi dân
tộc, mỗi thế hệ có một nhân sinh quan khác nhau. Cái hay của ông sui là ông bày
tỏ cho mọi người biết quan niệm của ông; có điều ông nóng tính quá, nhiều khi
xảy chuyện không vui. Nhưng ông còn một cái rất hay là khi ông thấy sai, ông sửa
đổi và chấp nhận ý kiến của người khác.

Tôi phục bố nuôi mình quá. Không những ông nói tiếng Việt rõ ràng, mà lập
luận rất mạch lạc. Tôi đang định lên tiếng thì cha chồng tôi vỗ tay rồi quay
sang nói:

– Rua ông sui cái coi. Tôi phục ông sát đất. Tôi còn phải học hỏi nhiều lắm.
Bây giờ thằng Khang lên tiếng trước làm gương cho các em. Cứ tự nhiên…

Chồng tôi đành miễn cưỡng mở miệng:

– Con thấy cha nghiêm khắc quá, nhất là với em Liên. Con thấy cha xét đoán mà
không dựa vào dữ kiện, chẳng hạn như cha cứ chê em Liên đi học toàn là điểm C
môn Sinh Ngữ nhưng không thông cảm là em nó mới ở Mỹ 2 năm, đó là một thành quả
rất cao. Khi nhìn vào học bạ, cha chỉ chê điểm C hay D mà không bao giờ khen
những điểm A điểm B cả. Con chỉ mong cha rộng rãi với lời khen hơn, đừng nghiêm
khắc quá.

– Ừ. Thằng ni đúng mặt là trưởng nam. Nhưng các con cũng phải thông cảm cho
cha đã tiêm nhiễm trong xương trong tuỷ cách dạy con là phải “cho roi cho vọt”,
phải chú trọng vào cái yếu để vươn lên. Nhưng mà cha đồng ý. Một lần nữa, cha
sai, cha sẽ phải học để khen mới đuợc. Còn chi nữa không?

– Dạ… Con xin thêm một chút là cha cũng nên bớt chút thì giờ tham gia sinh
hoạt ở trường với em kẻo nó tủi thân với bạn bè.

– Tau biết chi mà sinh hoạt? Tiếng Mỹ thì ăn đong, nói chuyện mỏi tay hơn mỏi
mồm thì mần được chi. Nếu như ở trường ai cũng giỏi tiếng Việt hay tiếng Pháp
như ông sui đây thử coi. Tau nhào vô liền chớ sợ chi.

– Cha nói vậy chứ trong hội phụ huynh học sinh cũng có nhiều người Việt lắm;
và mình chỉ cần đến giúp một năm vài lần chi đó…

– Rứa họ có cần sửa bàn sửa ghế chi không, hay cắt cỏ cũng được. Con Liên cứ
sắp xếp rồi nói cho cha biết. Tau sợ chi mà không làm…

– Nhân đây, con cũng xin thay mặt cho nhà con và em Liên xin lỗi cha mẹ vì có
nhiều lúc chúng con chỉ suy nghĩ theo kiểu Mỹ, nói năng, cư xử không đúng phận
làm con. Chúng con muốn cha mẹ thông cảm cho tuổi trẻ mà quên đi một điều quan
trọng là chính chúng con lại không chịu tìm hiểu và thông cảm cho cha mẹ.

– Con nói rứa là cha vui lắm rồi. Cha mẹ có khi mô lại chấp chất con cái mần
chi!

– Dạ. Con cũng xin đề nghị một tý cho mẹ… Con biết mẹ lúc nào cũng thương
yêu săn sóc cho cha và chúng con. Có điều, nhiều khi chúng con có cảm tưởng là
mẹ không lắng nghe ý kiến của con cái. Con biết mẹ không có ý đó, nhưng mỗi khi
nói chuyện hay hỏi mẹ điều chi, mẹ cứ vừa nhặt rau hay vừa rửa chén vừa nói.
Hình như mẹ không làm việc liên tay là mẹ không chịu được thì phải. Chúng con
chỉ xin mẹ dành đôi lúc ngồi nghe con cháu là được rồi.

– Hay. Tui cũng thấy rứa đó. Bà có ý kiến chi cho các con nghe không nạ?

Mẹ chồng tôi vừa đút thịt cho bé Mary vừa nói:

– Nỏ có chi cả.

– Đó… đó. Ngay dừ cũng cứ rứa tê nạ. Vừa đút cho cháu vừa trả lời hời hợt.
Nhưng mà cũng vì rứa mà tui thương bà. Nỏ răng mô, không cần phải thay đổi… Bà
có ý kiến chi nữa không?

– Ông lắm chuyện quá! Để tui lo cho các cháu được rồi.

– Rứa bà sui thì răng? Kim dịch lại cho cha cấy. Sợ giọng Nghệ An của cha bà
nghe không kịp.

Tôi chưa kịp nói thì mẹ nuôi tôi đã lên tiếng:

– Tôi không hiểu nhiều nhưng vui nhiều. Tôi thích gia đình ông bà nhiều lắm.
Hết. Để Kim nói thay mẹ được rồi.

Mọi người đều vỗ tay rộn rã. Mẹ nuôi tôi lại quay sang xếp hình với thằng
Jonathan. Tôi vội vàng lên tiếng:

– Theo con thì gia đình mình được thế này là quý hóa lắm rồi. Đương nhiên
cũng có những lúc hiểu lầm, và cũng có những đụng chạm, nhưng con thương nhất là
cha lúc nào cũng biết lắng nghe và tạo điều kiện cho mọi người có dịp hòa đồng
vui vẻ với nhau. Chúng con cũng có nhiều lúc sai quấy, chúng con biết cha mẹ
không chấp nhất, nhưng…

– Kim thật là hiểu cha quá! Đúng là con dâu trưởng của cha. Bây có thấy cha
“rộng rãi với lời khen” chưa nạ? Cháu Hùng răng? Quen biết với con Liên cũng mấy
tháng rồi, nhưng mà bác đã nói từ đầu là cứ coi nhau như bạn bè thôi, tới bao
giờ học hành xong xuôi rồi tính? Cháu cứ nói, không cần chi mà phải e lệ như con
gấy rứa? Bên ni không phải làm rể mô…

– Dạ. Cháu ở Mỹ một mình. Cháu được quen biết Liên và gia đình… Cháu không
biết nói gì, cháu chỉ xin được nghe lời chỉ dạy và hướng dẫn của các bác và anh
chị. Ba má cháu bên nhà cũng vui khi biết tin cháu quen biết với gia đình bác
đây… Cháu hết ạ.

– Thằng ni ăn nói chi mà như trả bài thuộc lòng rứa? Để con Liên hắn nói cho
mà nghe. Con ni nhiều khi hắn làm tui phát điên lên được… Lý luận dông dài quá
sức.

– Đó. Lúc nào cha cũng chê con không thôi. Cha hay đặt ra những giới hạn khắt
khe cho con chỉ vì con là con gái. Con thấy…

Bố nuôi tôi vội vàng xen vào:

– Ông sui phải nhớ là bên này “lady first” nhé. Tôi cũng thấy ông hơi khó
khăn với con gái quá đó.

– Được, được… Để con Liên nói xem chỗ nào quá đáng tôi sẽ sửa. Liên tiếp
tục đi.

– Ví dụ như tối mai… Cha mẹ đã cho phép con và anh Hùng đi dạ vũ Hoa Anh
Đào nhưng cha bắt 10 giờ phải về. Con cố gắng giải thích cho cha nghe là người
ta ăn tối xong đã hơn 9 giờ rồi mới bắt đầu dạ vũ. Nếu 10 giờ phải có mặt ở nhà
thì vừa khai mạc chúng con đã phải sửa soạn đi về… nhưng cha đâu có cho con cơ
hội để nói hết ý. Cứ khăng khăng là “đi rứa đủ rồi”.

– Cha cả đời có đi dạ vũ mô mà biết! Mọi khi cha vẫn cho đi chơi cuối tuần
tới 10 giờ về thì lần ni cũng rứa. Thôi thì cứ coi như cha sai đi, một lần nữa
cha xin lỗi con… Rứa thì mấy giờ về mới là giới hạn hợp lý?

Tôi biết chắc chắn cô Liên không dám nói nên tôi đỡ lời cho cô em chồng:

– Cha à… Một năm mới có một lần, vả lại các em đang nghỉ giữa khóa, con
nghĩ cha nên cho các em đi chơi qua nửa đêm cũng không sao. Người ta còn chơi
tới một hai giờ sáng đó…

– Chị Kim đã xin dùm rứa thì được rồi. Tiện đây cha cũng nói luôn để cháu
Hùng và các con hiểu là không phải cha mẹ không tin tưởng mấy đứa, nhưng bổn
phận làm cha, làm mẹ… mình phải để mắt tới chớ không phải là không tôn trọng
đời tư của chúng con đâu. Thôi, lần ni rứa chắc cũng tạm đủ rồi. Chắc phải
chuyển đề tài, hay mấy đứa có mục chi riêng thì cứ tự nhiên. Tui với ông sui vô
nhà làm một bàn cớ tướng xem kỳ này ông đã tiến bộ thêm được tý nào chưa. Ông
sui nghĩ răng?

– Chơi liền. Ông vẫn chấp tôi một con ngựa chứ?

– Thế thì tiến bộ ở chỗ nào?

– Lùi chứ tiến gì! Mấy ông bạn Mỹ của tôi đâu có ai biết chơi cờ tướng để tôi
luyện đâu. Mai mốt ông sui phải giới thiệu cho tôi một số bạn Việt Nam ngoài
Eden để tôi học nghề.

Mọi người lục tục kéo nhau vô nhà. Mẹ chồng tôi lại mở phim tàu cho bà sui
cùng “luyện chưởng” trong lúc hai ông bầy bàn cờ tướng. Tôi hỏi Hùng xem có muốn
chở Liên đi chơi đâu tuỳ ý, lát nữa tôi chở bố mẹ về dùm, nhưng hai đứa lại muốn
ở nhà ngồi tâm sự và học hỏi kinh nghiệm, làm quen với bầu khí gia đình. Vợ
chồng tôi chia nhau tắm rửa cho hai con rồi dỗ nó lên phòng ngủ sớm để hôm sau
còn đi chụp hình Hoa Anh Đào. Vừa thay quần áo cho con tôi vừa nghĩ:

“Không biết mai mốt các con lớn lên, chập chững vào đời, mấy đứa có còn cho
cha mẹ cơ hội ‘đồng hành’ với chúng nó trong cuộc đời như thế hệ chúng tôi bây
giờ hay không? (!) Chúng tôi được học hành cao hơn thế hệ cha ông. Thế hệ con
cái chúng tôi chắc chắn sẽ văn minh tiến bộ hơn chúng tôi vạn lần. Nhưng rồi
tình cảm cha mẹ và con cái trong gia đình chắc chắn sẽ càng ngày càng lỏng lẻo
vì văn minh vật chất. Chúng tôi biết dựa vào đâu để dạy cho con cháu biết cách
dung hòa hai nền văn hóa Đông và Tây để giữ gìn tình cảm gia đình trong tương
lai? Liệu rồi chúng tôi có còn dịp để nói ‘một lần nữa cha mẹ xin lỗi con’ hay
chỉ vì một hiểu lầm nho nhỏ, chúng nó sẽ bỏ nhà đi luôn!”

Tôi bước ra gặp ông xã đang chờ sẵn ở cửa. Chàng muốn ôm tôi hôn, nhưng tôi
cố tránh và nháy mắt lắc đầu tỏ ý cho chàng biết phải coi chừng vì cha mẹ hai
bên và các em đang ở dưới nhà. Tự nhiên tôi ngượng ngùng e lệ như buổi tối hai
đứa hôn nhau lần đầu trước nhà bố mẹ nuôi… Lúc với tay định mở khóa, hai ông
bà đã mở rộng cửa đứng nhìn chúng tôi mỉm cười chọc ghẹo hai trẻ bị bắt quả
tang!

Nguyễn Duy-An


Góp Ý

Để giúp cải thiện mối liên hệ trong gia đình, đặc biệt là giữa ông bà, cha mẹ
với con cháu ở lứa tuổi “đang lớn”, chúng ta có thể áp dụng một vài “mẹo vặt”
dưới đây:

1. Dành thì giờ cho con cái: Hãy tìm một sinh hoạt nào mà cả cha mẹ và
con cái đều vui thích để cùng tham gia… Nếu lời mời gọi của quý vị bị con cái
khước từ, quý vị đừng nản và bỏ cuộc. Cứ hỏi ý kiến con cái.

2. Hãy lắng nghe và thực sự lắng nghe: Vì cha mẹ có quá nhiều công
việc mà thì giờ thì ít nên thường vừa nghe con cái hỏi chuyện vừa rửa chén, vừa
dọn dẹp hay sửa xe… Hãy bỏ công việc sang một bên để con cái thấy cha mẹ thật
sự để ý đến chúng.

3. Hãy nhìn đường trường: Đừng coi những thiếu sót nhỏ của con cái như
những tai nạn khủng khiếp mà hãy lưu tâm đến những vấn đề quan trọng hơn, nhắm
đến tương lai về lâu về dài. Đừng biến cảnh gia đình thành bãi chiến trường.

4. Hãy chấp nhận sự khác biệt về nhân sinh quan: Hãy coi con cái như
một cá nhân tách biệt với chúng ta. Điều đó không có nghĩa là quý vị không được
phát biểu ý kiến của mình khi quý vị không đồng ý, nhưng cũng phải cho con cái
có quyền nêu lên nhận xét của chúng.

5. Hãy tôn trọng lãnh vực riêng tư của con cái: “Tôn trọng” không có
nhĩa là làm ngơ. Nếu sự cư xử của chúng có điều gì làm quý vị lo ngại, hãy giải
thích.

6. Hãy để cho con cái tự dàn xếp công việc của chúng: Đừng khi nào nói
với con cái rằng quý vị biết chúng nghĩ thế này, thế kia theo kiểu “tao đi guốc
trong bụng chúng mày”. Chúng tin rằng các ý nghĩ, cảm xúc của chúng thật mới lạ
và riêng tư, là độc nhất vô nhị. Chúng sẽ tự biết khác đi mà không cần sự can
thiệp, giúp đỡ của cha mẹ. Đừng bao giờ kết luận rằng các ý nghĩ của chúng chẳng
ra gì cả, và rồi “lại đổi ngay đấy”. Và cũng chẳng quan hệ gì việc chúng sẽ nghĩ
khác đi, cảm thấy khác đi về sau, vì ở lứa tuổi đang lớn, con cái chúng ta chỉ
sống cho hiện tại.

7. Đừng xét đoán: Hãy nói lên dữ kiện thay vì ý kiến khi quý vị khen
hoặc phê bình. Phát biểu dữ kiện như thế này chẳng hạn: “Bài thơ của con làm cha
vui lên” hoặc “phiếu điểm của con tháng này toàn C và D thôi” là chúng ta để
chúng tự đưa ra kết luận thích hợp. Cô cậu trong lứa tuổi này rất nhạy cảm về
việc bị phán đoán, tốt cũng như xấu.

8. Hãy rộng rãi với lời khen: Hãy khen ngợi những cố gắng của con cái
chứ không phải chỉ khen sự thành đạt. Và đừng bình phẩm con người đối tượng. Giả
dụ lời khen “con là một nghệ sĩ tuyệt vời” rất khó thành hiện thực, nhưng lời
khen “cha thích bức họa này” nói lên dữ kiện và xuất phát tự tấm lòng của quý
vị.

9. Hãy đặt ra những giới hạn hợp lý: Các cô cậu mới lớn cần phải được
uốn nắn. Luật lệ của quý vị đặt ra cần được cương quyết áp dụng và phải bắt
nguồn từ những niềm tin và giá trị sâu xa nhất trong gia đình.

10. Hãy dạy con tự lấy quyết định và lựa chọn điều phải trái bằng cách
khuyến khích tính độc lập:
Đừng vội ra tay sửa phạt khi có sai sót, trừ khi
tình huống bắt buộc. Hãy cho con cái cơ hội để “trưởng thành”.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời