Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

MuaRoiUotLa PhuongTim



Mưa Rơi Ướt Lá!

Phượng Tím

Hằng dẫn chiếc xe đạp đi một cách khó nhọc vào bãi giữ xe, Nhung đã gởi xe xong, nhỏ bật cười khi thấy Hằng với khuôn mặt thiểu não:

– Sao thế hả em? Đâu đã trễ giờ đâu mà phải vờ vĩnh đau bụng!

– Chẳng có đau bụng đau lưng gì cả, mà bực mình nên đau đầu chết được đây nè! Hằng vẫn không cười.

– Thôi đi cô nương! Cái đau đầu của mày có đáng gì với tao, vừa đau tay vừa được ông trời nhuộm cho chút màu hồng sau tà áo, xem đã chưa! Nhung vừa nói vừa cầm tà áo dài phía sau ra cho Hằng xem.

Hằng nhìn thấy mấy vệt đất đỏ lấm lem nơi vạt áo của Nhung thì mới nhoẻn miệng cười:

– Tao tưởng chỉ mình tao bực mình vì đất đỏ bám theo xe chứ! Ai ngờ mày cũng “yêu đất yêu nước” nữa! mày biết không, tao mới đạp chạy được nửa đường đến trường thì bánh xe sau kẹt cứng vì đất đỏ, tao ngừng xe mấy lần để gỡ đất, nhưng chạy được một lát lại kẹt nữa. Tao tức quá để vậy chạy luôn, vừa đạp xe vừa bực mình làm như là có người ngồi sau đạp thắng vậy!

– Thì mọi người cũng vậy thôi! Tao lại bị còn đau tay nữa. Đất kẹt dè sau, tao dừng xe kiếm một cành cây cố sức khều đất trong dè ra, cái cành cây mắc dịch, có một cái gai mà tao đâu biết, nó làm xước cả tay. Đất lại dẻo quẹo, tao vẩy cành cây ai ngờ đất văng cả áo dài, tao đưa bàn tay còn chưa dính đất để cầm tà áo lên xem, phủi mấy chút bùn đó, báo hại áo dài trắng thành ra lốm đốm hồng. Mấy thằng con trai chạy xe qua còn cười “đừng nhuộm áo em ơi!” Nhuộm cái mặt khỉ tụi mày, chẳng ngừng xe giúp còn chọc quê nữa!

– Cũng may mưa tối hôm qua, chứ sáng nay mà trời mưa thì còn mệt nữa. Mày nhớ năm ngoái, con Liễu đến lớp chiếc áo dài ướt nhẹp như chuột lột, may là con Thương đem theo chiếc áo lạnh trong cặp. Thầy Giám thị cho nó về, nó xin ở lại học với chiếc áo lạnh con Thương.

– Tao nhớ chứ! Thấy Giám thị đâu cho nó ở lại, áo dài ướt hết rồi. May nhờ thầy Chủ nhiệm nói giùm. Con Liễu cũng gân thật, Thầy cho về không về! Nó đáng được tuyên dương là gương hiếu học của trường! Nhung cười.

– Gương bể thì có! Hôm đó mưa lớn vậy có về cũng không về được!

Mưa lại lất phất rơi, gió nhè nhẹ làm không khí se lạnh. Sân trường giờ ra chơi không ồn ào như thường ngày, các lớp học đầy học sinh tán gẫu không ra ngoài. Mặt trời cũng không chịu sáng rỡ lên, cứ lấp ló sau đám mây chỉ muốn trốn mưa.

– Ê Nhung, màu áo phong sương của mày xem vậy mà hấp dẫn, sáng nay khi mày vào lớp, tao thấy chàng nào cũng nhìn theo mà tao bắt thèm! Diễm trêu Nhung:

– Có khó gì đâu! Ngày nào trời mưa mày đạp xe vòng xuống nhà tao trước, rồi trở lại trường với hoa hòe hoa sói đầy sau tà áo! Sẽ có chàng thả hồn theo tà áo mày thôi! Nhung cười.

Thương góp chuyện;

– Mấy cái vết đất đỏ giặt khó ra lắm nhé! Nếu giặt không ra mày đem tao thêu cho mấy bông hoa ngay chỗ đó. Hoa kỷ niệm học trò!

– Lo gì! Một muỗng thuốc tẩy là mực tím cũng đi đời chứ đừng nói là đất đỏ! Nhung trả lời.

Liễu đề nghị;

– Mưa lạnh thế này ra quán bà Đương đi tụi bay. Làm mỗi đứa một chén đậu hũ nóng với lát gừng là ấm nguời lên ngay.

Hằng hưởng ứng:

– Đi ngay kẻo hết giờ.

Thương ngần ngại:

– Mưa thế này đi ra ướt hết lỡ cảm lạnh chết!

– Chẳng chết ai đâu, tụi nó cũng đi ra đi vô tùm lum có đứa nào sổ mũi cảm nóng gì đâu! Mùa này là vậy mà! Mày luôn có chiếc áo giáp chiến binh đó mà lo gì! Nhung đứng lên.

Thế là cả nhóm nhanh chân bước về phía cổng trường, quán bà Đương vẫn đông. Diễm dành phần trả tiền:

– Hôm nay coi như tao đãi con Nhung và tụi bây luôn, tuần qua thi học kỳ I, nó cứu tao cái môn khó nuốt nhất “Lý với số” chết tiệt. Tao bí quá đâu biết làm sao, săm soi cây viết làm hỏng luôn viết.

– À! Vậy là mày trả ơn nó cho mày mượn cây viết hả? Liễu cười hỏi.

– Cây viết chỉ là phụ, nó biết tao kẹt, nên đã nhờ thầy giám thị đưa tao cây viết…

Hằng cắt ngang:

– Chỉ có cây viết mà được bao chầu đậu hũ, mai mốt đứa nào quên bút, hư bút hỏi tao! Tao có cả chục cái đủ lọai, đủ mầu, mượn bút dở bao chầu chè đậu, mượn bút tốt bao chầu…

Diễm la lên:

– Tao chưa nói hết mà, đâu chỉ có cây bút! Bài thi tao làm còn một câu cuối mà nghĩ hoài không ra, cuối cùng nhờ con Nhung đưa cây viết, tao mới làm được.

Liễu đưa muỗng đậu hũ lên:

– Mày nói rõ ra, tụi tao có hiểu ất giáp gì đâu!

– Coi chừng có đứa nào nghe mách Thầy giám thị thì bể mánh hết! Nhung nói nhỏ.

Diễm giải thích:

– Con Nhung rất sáng ý, chẳng biết nó nhìn tao làm sao mà nó hiểu được tao đang bí câu cuối.

Nhung cười:

– Ngay cả tao, môn Lý là môn ruột, tao cũng ngất ngư vì câu đó thì tao biết mày có “rặn như gà đẻ thì cũng chỉ ra trứng ung thôi”! Vậy tao mới nghĩ cách giúp mày, nhìn mày hết tẩy lại xóa, chẳng dám nhìn ngang nhìn dọc cầu cứu tao mắc cười quá! Tao nghĩ chỉ còn cách viết lời giải cho mày, nhét vào trong ruột cây bút rồi nhờ Thầy giám thị đưa cho mày!

– Tao đang loay hoay với cây viết mực ra không đều, chợt nghe tiếng con Nhung: “Nhờ thầy đưa cây viết cho Diễm”, cái bút tao đang khó viết nhưng cũng không đến nỗi nào, tao cầm cây viết từ tay Thầy giám thị rồi cắm cúi ghi chép lung tung chứ có hiểu gì đâu, một lúc sau, tao chợt nghĩ biết đâu con Nhung gà bài cho tao, đã có lần nó gởi “mật thư” trong ruột cây bút, tao nhìn Thầy giám thị, thấy Thầy chẳng để ý gì, tao mở đuôi cây bút ra thì có một miếng giấy nhỏ với lời giải đúng ngay câu hỏi tao đang bí! Tao đã hứa bao chầu chè cả nhóm, thôi thì đậu hũ cũng được vậy!

Liễu nói:

– Cũng may là Thầy giám thị không nghi ngờ gì! Chứ “sách lược” này xưa rồi! Đừng đứa nào “bổn cũ sọan lại” mà bể mánh đó!

– Tao cũng biết, nhưng tao nghĩ Thầy không nghi ngờ gì là vì khi không tao nhờ Thầy đưa, mà con Diễm lại ngồi hý hoáy sửa cây bút, Thầy cũng thấy mà! Nhung cười.

Diễm nhìn ra cửa quán:

– Hôm đó trong giờ thi cũng mưa như hôm nay, có lẽ trời mưa làm Thầy giám thị mơ mộng nghĩ về một ngày nào đó, tuổi học trò cắp sách đến trường mắc mưa ướt áo nên không để ý gì, hoặc chăng là Thầy đang nghĩ đến bão lụt miền Tây mà chạnh lòng thương mấy đứa học trò nghèo giờ này co ro trong nhà chẳng đến trường được!

– Gớm! Thầy mơ mộng hay trò mơ mộng! Bão lụt đã có người lo, Thầy lo coi thi là coi thi chứ ngồi đó mà mơ với mộng! Hằng cười.

Thương kéo chiếc áo ấm sát lại:

– Biết đâu là mơ mộng thật! Thầy giật mình vì con nhỏ đẹp như mơ Hồng Nhung gọi nhờ đưa cây viết, rồi lại ngơ ngẩn nhìn con bé xinh như mộng Quỳnh Diễm run run tay nhận cây viết, lúc đó tao là Thầy giám thị chắc tao cũng tựa cửa sổ nhìn mưa rơi và làm thơ, chứ nỡ lòng nào mở cây bút để kiểm soát như mấy anh Công an khó tính nữa! Chưa kể là sau khi phát giác ra tang vật, Thầy lại phải khổ sở nhìn hai nàng Kiều khóc nức nở vì bị đuổi ra khỏi phòng thi để về nhà ăn vịt lộn!

Liễu cười:

– Con Thương ca vọng cổ thật là hay! Khéo khéo nghe cô nương, tụi nó mà nghe được lại bị cho là “mèo khen mèo dài đuôi” đó nha!

– Tao đâu có khen tao đâu! Mà mèo với không mèo! Thương cười cãi.

– Nhưng tụi mình cùng trong nhóm Phượng Tím, tụi nó cho là “cá mè một lứa”! Nhung cười.

Hằng chen vào:

– Lại đưa cá mè cá xóc ra! Coi chừng đưa cá kiếm ra nữa là chỉ có nước…

– Có nước gì? Nước…mưa hả? Mày chỉ trù ẻo chuyện đánh đấm thôi!

– Ừ! Lúc nào có chuyện đánh đấm kêu tao, tao chẳng từ! Đầu đinh hay đầu búa gì tao cũng không ngán!

Liễu cười đùa giảng hòa:

– Thôi thôi! “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”! Đến giờ vào lớp rồi, hình như mưa nặng hạt hơn nghe bà con!

– Chắc phải chạy nhanh một chút, mưa lất phất vậy chứ về tới lớp là cả áo trong áo ngòai đều phơi ra hết! Hằng đùa.

– Vậy mới có duyên chứ!

– Duyên gì? Ướt như chuột lột mà duyên gì!

– Đúng rồi, gà mắc mưa vô duyên thì có!

Hằng cầm tà áo:

– Ướt thì ướt còn mấy phút nữa là vào lớp. Chạy đi các nàng!

Cả nhóm chạy chầm chậm dưới làn mưa nhẹ. Học sinh từ các phía cũng đang đổ dồn về lớp, cỏ ướt sân trường tươi xanh một màu. Mặt trời vẫn làm nũng chưa chịu xuất hiện, làm các cô cậu học sinh phải chịu cái lạnh sương sương, mặc dù không khó chịu lắm, nhưng cái cảm giác “lạnh lùng” vẫn “len lén” thấm vào thân thể và có lẽ còn đi xa hơn vào tận tâm hồn của tuổi mới lớn nữa. Diễm vừa cười vừa nói:

– Đừng đứa nào đo sân nhé! Mấy ông xây dựng họ đo cẩn thận rồi! Giờ này mà đo sân là sẽ chắc chắn đủ thì giờ cho Thầy thư ký trong văn phòng “nhíp” một tấm ảnh để đăng lên mục “ảnh đẹp trong tháng”!

Hằng phụ họa:

– Nếu có đo để phần con Nhung, nó cao người dài đòn đo mau hết sân. Hôm nọ mấy thằng đầu đinh lớp mình ghẹo con Nhung là “cây tre trăm mắt”!

– Lại trù ẻo tao! Sao tụi mày không trù tao đi thi hoa hậu hay người mẫu gì gì đó, lại cứ trù chuyện xui cho tao vậy! Nhung trả lời.

– Hoa hậu suôn đuồn đuột như cây tre, biểu hiệu của người quân tử thẳng thắn trong thân liễu yếu đào tơ! Hằng cười lớn.

– Khỏi thi. Mày là hoa hậu Phượng Tím rồi!

– Và là hoa…héo của trường Trung học…

Liễu cắt ngang:

– Thôi đủ rồi bà con! Để sức vào lớp mà thở nữa chứ!

Ngồi bên cửa sổ lớp học, Thương đưa mắt nhìn những giọt nước từ mái ngói chầm chậm chảy xuống đều đặn. Mặt trời đã ló dạng khỏi đám mây, chiếu những tia nắng ấm xuống sân trường cỏ ướt. Những giọt nước bắt nắng long lanh như những hạt ngọc. Bụi hoa lài gần bên cửa sổ nở rộ thoảng chút hương đưa nhè nhẹ, mấy chiếc lá dường như xanh hơn trước, đang vươn vai đón ánh mặt trời. Một chú chim nhỏ sà xuống trên bụi hoa lài, nó chúi mỏ vào đóa hoa, ngẩng lên chú chim khẽ kêu mấy tiếng chiếp chiếp rồi vụt bay đi, mang theo cả những giọt nước lấm tấm trên đôi cánh nhỏ.

Phượng Tím

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời